img

Việt Nam vừa ghi tên vào danh sách những nước đầu tiên nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona, chủng virus mới gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là thành công lớn bước đầu của đội ngũ cán bộ nghiên cứu phòng Thí nghiệm, khoa Virus, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói riêng, ngành y tế nói chung trong sứ mệnh khống chế dịch bệnh Covid-19.

img

Đứng trước cánh cửa dẫn vào khu vực xét nghiệm của trung tâm Cúm Quốc gia, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chúng tôi cảm nhận một luồng không khí khác, bởi phía sau cánh cửa kia, là những căn phòng chứa đầy nguy hiểm.

Nhưng đó cũng chính là nơi đã mang đến một niềm vui “vỡ òa” cho hàng triệu người dân Việt Nam, xoa dịu phần nào nỗi lo lắng triền miên giữa đại dịch mang tên Covid-19.

Chúng tôi rảo bước qua những căn phòng được khóa kín từ bên trong. Tận mắt chứng kiến những thao tác, dù là qua vài ba tầng cửa kính, nhưng chúng tôi vẫn có thể hình dung một công việc lặng thầm, nguy hiểm nhưng cũng rất đỗi tự hào dưới sự giới thiệu và hướng dẫn bảo hộ của PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng khoa Virus, trung tâm Cúm Quốc gia, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

img

Những căn phòng với từng tấm biển cảnh báo được gắn ngay trên cánh cửa đặc biệt khiến chúng tôi chú ý. Chắc hẳn phía bên trong kia là những nguy hiểm đang chực chờ.

Đằng sau mỗi hàng chữ “An toàn sinh học cấp 2”, “An toàn sinh học cấp 3”, trang phục bảo hộ của các kỹ thuật viên được “thăng cấp” dần, các trang thiết bị đủ điều kiện để có thể ngăn ngừa phơi nhiễm không mong muốn hoặc kiểm soát thất thoát tác nhân gây bệnh và độc tố.

Qua những tầng cửa kính ở các phòng khác nhau, dù không thể tường tận từng công việc của các cán bộ nơi đây nhưng có một điểm chung dễ hình dung, đó là nhịp làm việc hối hả, chạy đua với thời gian của mỗi nhân viên.

Ở từng khâu, ai cũng tập trung dồn toàn bộ tâm, trí, lực vào sứ mệnh nghiên cứu, tìm “phép màu” giải cứu con người khỏi những đại dịch nguy hiểm.

img

Sau khi dẫn chúng tôi quan sát từng phòng theo “lộ trình” của các mẫu bệnh phẩm từ lúc thu về đến khi được chạy máy, đọc kết quả và kết luận, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng ngồi xuống chiếc ghế tựa và bắt đầu cuộc trò chuyện thân tình.

“Giai đoạn căng thẳng và lo lắng nhất đối với chúng tôi chính là từ ngày 28 Tết đến ngày mùng 6 Tết (ngày 22-30/1 Dương lịch - PV). Bởi khi đó, tất cả hệ thống chẩn đoán, tất cả thông tin phải được cập nhật, sàng lọc, chưa có một tiêu chuẩn nào...

img

Trước đây, chúng tôi chỉ tiếp nhận từ 100-150 mẫu bệnh phẩm/tuần, nhưng trong khoảng thời gian này, cỡ mẫu tăng đột biến, có khi tăng lên 70-80 mẫu/ngày”, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng cho biết.

“Chúng tôi xác định chọn nghề này là chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trực chiến, nhưng cũng không khỏi có lúc cảm thấy “đuối”. Về tinh thần nghiên cứu, thì chắc chắn là chưa bao giờ “nguội”, nhưng về sức lực thì có hạn... Đứng trước bất kỳ dịch bệnh nào, tất cả chúng tôi đều phải căng mình ra, thậm chí “đói” nhân lực đến nỗi không thể phân chia từng nhóm làm theo ca, tất cả phải cùng chung sức đương đầu”, bà Hằng chia sẻ.

img
img

Để thu được những kết quả nghiên cứu bước đầu đáng tự hào ấy, đội ngũ nghiên cứu viên của phòng thí nghiệm khoa Virus, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phải kề vai sát cánh cùng làm việc xuyên Tết...

ThS. Ứng Thị Hồng Trang, nữ nghiên cứu viên trẻ nhất trong khoa chia sẻ: “Cả Viện không ai được nghỉ Tết, chúng tôi quay cuồng cùng nhau ở Viện để canh hệ thống hoạt động.

Bản thân tôi cũng như một số anh chị đồng nghiệp cũng đã làm việc liên tục từ 8h đến 22h mỗi ngày, thậm chí có những hôm làm đến tận 2h sáng hôm sau. Chính vì liên tục làm như vậy, có người đã mệt quá phải tạm xin nghỉ công việc trong phòng thí nghiệm.

Phòng chúng tôi tuy đông thành viên nhưng chỉ cần có một người nghỉ là các khâu đều sẽ bị chững lại, hiệu quả làm việc giảm. Khi mẫu bệnh phẩm tăng lên quá nhiều, chúng tôi không thể cùng lúc đảm đương hai nhiệm vụ, nên đã phải huy động nhân viên bộ phận khác hỗ trợ đi lấy mẫu, và chúng tôi chỉ tập trung làm việc trong phòng thí nghiệm”.

img

Là người đã gắn bó nhiều năm với các công việc trong phòng thí nghiệm, ThS. Lê Thị Thanh cũng thẳng thắn giãi bày: “Chính vì đã kinh qua nhiều đợt dịch khác nhau, chúng tôi có kinh nghiệm đáp ứng nghiên cứu. Một ngày làm việc của chúng tôi thường bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc khi hoàn thành công việc, có hôm làm đến 23h, hoặc đang đêm còn phải lặn lội đi thu mẫu ở Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, căng thẳng nhất đối với chúng tôi chính là áp lực chạy đua thời gian. Bệnh nhân luôn muốn có kết quả nhanh nhất, còn chúng tôi muốn có kết quả chính xác nhất. Đó vừa là áp lực nhưng cũng trở thành động lực thúc đẩy chúng tôi làm việc nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa...”.

img

Đó là nhiệm vụ “bất khả kháng” của nhóm nghiên cứu phòng Thí nghiệm cúm và phòng Thí nghiệm các tác nhân virus lây truyền từ động vật sang người gồm 11 thành viên, do PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm “tổng chỉ huy”.

Những ngày qua, kể từ ngày đầu tiên phát hiện và thu mẫu bệnh phẩm, các thành viên của nhóm chưa một ngày được ngơi nghỉ. Ai cũng miệt mài với công việc từ sáng đến đêm khuya, mong được “nhìn thấy” sự sống của virus Corona.

img

Từ mẫu bệnh phẩm dương tính, để nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona đòi hỏi một khoảng thời gian tương đối dài. Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Lê Thị Quỳnh Mai từng chia sẻ: “Con virus Corona chủng mới này lạ lắm! Thông thường những con virus gây bệnh sẽ ảnh hưởng lên tế bào vật chủ, làm cho tế bào ốm hoặc giết chết tế bào. Còn con virus Corona này, chúng tôi nuôi cấy đến 72 tiếng sau mà tế bào vẫn cứ đẹp…”.

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nhớ lại: “Sáng ngày 7/2, chúng tôi kiểm tra thì thấy dường như có sự phát triển của virus ở trong tế bào, nhưng muốn khẳng định thì bắt buộc phải nhìn thấy được hình ảnh. Vì vậy, chúng tôi quyết định làm tiêu bản, cố định rồi mới chuyển xuống kính hiển vi điện tử. Sau đó, khoảng 10h sáng thì đã “nhìn thấy” virus”.

Đó là kết quả của chuỗi ngày “cắm mặt” trong những căn phòng thí nghiệm “An toàn sinh học cấp 3”, “An toàn sinh học cấp 2” và các phòng nghiên cứu khác.

img

Đối với những “tân binh”, làm việc hàng giờ trong các căn phòng đặc biệt đó có lẽ còn nhiều trở ngại. Tuy nhiên, đội ngũ nghiên cứu viên làm việc tại phòng thí nghiệm hiện nay đều có kinh nghiệm ít nhất 10 năm.

ThS. Lê Thị Thanh bật cười khi nhắc đến những bộ đồ bảo hộ: “Mặc dù không hề dễ chịu hay thoải mái gì, nhưng với trách nhiệm trên vai, chúng tôi phải tập quen dần với đồ bảo hộ”.

ThS. Ứng Thị Hồng Trang ngồi bên cạnh cũng dí dỏm khoe: “Khi bước vào khu vực “An toàn sinh học cấp 3”, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ “từ đầu đến chân”, bản thân tôi đeo kính cận như thế này sẽ phải đeo thêm một lớp kính bảo hộ, thậm chí phải đeo hai lớp găng tay và dùng khẩu trang N95.

img

Chúng tôi thường chỉ có thể kéo dài thời gian làm việc trong phòng khoảng 4 tiếng, vì đeo khẩu trang N95 không hề dễ thở. Hơn nữa, đây là công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tỉ mỉ nên chúng tôi không thể làm việc quá lâu trong đó, sẽ không đảm bảo sức khỏe. Bước chân ra khỏi phòng là chúng tôi sẽ mất thêm một bộ trang phục bảo hộ...”.

Trang là cô gái trẻ nhất trong phòng thí nghiệm, cũng như các anh chị đồng nghiệp khác, cô có những buổi làm việc xuyên màn đêm. Trang tâm sự “Chồng tôi là bác sĩ, cũng hiểu cho công việc của vợ, nhưng dịp này, thấy vợ thường xuyên đi làm về khuya, mệt mỏi, anh cũng “lườm” tôi và bảo: “Em dạo này còn đi nhiều hơn anh đi trực đấy nha!”. Nhưng sau đó, anh lại cười và nhẹ nhàng nắm tay tôi để tiếp thêm sức mạnh”.

Những tối làm việc muộn, các thành viên thường đặt cơm từ bên ngoài và tranh thủ ai rảnh thì người đó ăn, chủ yếu là những bữa tối “ăn vội, ăn vàng” cho qua bữa, vì chẳng ai có thời gian để quây quần ngồi ăn cùng nhau.

img

Tối muộn, ai cũng mong nhanh chóng xong công việc để về với gia đình.

“Công việc của chúng tôi có những đặc thù riêng, nếu đã bắt tay vào làm thì không thể trì hoãn. Chúng tôi phải cố gắng hết sức để có kết quả chính xác nhất trong 24 tiếng. Thậm chí, có những ngày, chúng tôi trực tiếp xuống cộng đồng, thu được trên dưới 100 mẫu, vẫn phải hoàn thành trước khi rời phòng thí nghiệm”, cô gái trẻ nhất giải thích.

Từng ngày nhìn những người đồng nghiệp của mình hối hả trong guồng quay của “núi công việc” khổng lồ, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng không nén nổi cảm xúc, phải thốt lên: “Nhìn rất thương, nhưng không biết cách nào để các bạn có thể nghỉ ngơi ngày Tết, vì tất cả đều phải cùng khởi động, vận hành đồng bộ...”.

img

Qua những tầng cửa kính, chúng tôi lại một lần nữa chứng kiến những thao tác dứt khoát và thái độ tập trung của đội ngũ nghiên cứu viên. Đứng bên ngoài cánh cửa, tôi vẫn có thể hình dung, trong căn phòng kia chỉ có tiếng thở, tiếng làm việc, chứ tuyệt nhiên không có một tiếng nói chuyện nào...

Bất kỳ một nghiên cứu viên nào dường như cũng tự “lên dây cót”, tăng tốc cho bản thân để đạt được hiệu quả tối đa khi ở trong phòng thí nghiệm.

img

Trước đó, đối với các xét nghiệm phát hiện ra virus tại phòng thí nghiệm, người ta chỉ dùng một đoạn gene nhỏ đặc hiệu của nó là có thể xác định được có hay không có con virus ấy trong vật chủ. Tuy nhiên, một đoạn gene thì chưa thể nói lên tất cả cấu trúc, đặc tính di truyền, hay hệ số lây nhiễm cơ bản của virus ấy. Kết quả phân lập chủng virus này từ phía Trung Quốc cho thấy chiều dài trình tự ARN khoảng chừng là 30.000 - 36.000 nucleotit.

img

Vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam là phải giải trình tự chủng virus Corona mới này, để có đầy đủ thông tin, so sánh giữa chủng ở Trung Quốc với chủng virus phát hiện thấy ở Việt Nam xem có bị biến đổi gì không? Bởi lẽ, virus biến đổi liên tục. Theo nguyên tắc, virus sau nhiều lần nhân bản sẽ bị khác đi một tý, thành ra, các bệnh từ virus mới rất khó đoán.

Chính vì vậy, việc nuôi cấy và phân lập thành công được virus Corona ở trong phòng thí nghiệm sẽ là cơ sở quan trọng để bắt đầu rất nhiều bước nghiên cứu khác, hướng đến tìm ra được vắc-xin phòng virus.

May mắn cuối cùng đã “mỉm cười”, đội ngũ nghiên cứu của viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thành công trong việc nuôi cấy và phân lập chủng virus Corona mới.

Với 15 năm gắn bó cùng phòng thí nghiệm tại trung tâm Cúm Quốc gia, TS. Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus, viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ: “Lựa chọn nghề này, chúng tôi xác định mình cũng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ. Từ những ngày đầu mới bước vào nghề, tôi cũng không khỏi có những lo lắng nhất định. Công việc của chúng tôi phải tiếp xúc với những mẫu bệnh phẩm mà chưa biết bên trong có những gì, cũng có lúc băn khoăn, “liệu tiếp xúc có phơi nhiễm không?”.

img

Lo lắm chứ, chỉ cần sơ hở một chút thôi là bản thân những kỹ thuật viên cũng sẽ trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, càng ngày tôi càng yêu nghề và nhận thấy việc đối mặt với dịch không còn đáng sợ như trước nữa…”.

“Tuy nhiên, khó khăn ở giai đoạn này chính là việc thiếu thông tin. Chính vì vậy, để có thể nghiên cứu một cách hiệu quả nhất, chúng tôi phải thường xuyên trao đổi thông tin giữa các phòng thí nghiệm trong nước và quốc tế, để nắm được những hiểu biết rõ ràng nhất, cập nhật nhất”, Trưởng khoa Virus nhấn mạnh.

Các thành viên có lẽ sẽ nhớ mãi phần thưởng “nóng hổi” ngay trong buổi tối công bố nuôi cấy và phân lập virus Corona thành công, đó là món bò kho do đích thân PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chuẩn bị, cũng như một sự bù đắp cho những bữa ăn vội vàng, qua loa mấy ngày trước. Tiếp đó là những chiếc Bằng khen “hỏa tốc” của Bộ trưởng bộ Y tế cho tập thể và các cá nhân đã tạo nên thành công.

Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất đối với họ, có lẽ là ý nghĩa của thành công mà họ đã đạt được. Hiện tại, mỗi khi nhìn thấy con virus, tất cả gần như đều vỡ òa cảm xúc.

Khép lại cánh cửa với những cảnh báo nguy hiểm của căn phòng thí nghiệm kia, là những lời thăm hỏi sức khỏe từ gia đình, họ hàng, từ những người đồng nghiệp ở khoa khác hỏi han: “Dạo này cả khoa Virus ai cũng gầy đi ấy nhỉ?!”... khiến lòng chợt cảm thấy ấm áp.

img

Đặc biệt, không ít nghiên cứu viên cũng từng rơi vào tình trạng bị “kỳ thị” giống như một số bác sĩ điều trị ở bệnh viện Nhiệt đới Trung ương gặp phải. ThS. Ứng Thị Hồng Trang là một trường hợp như thế.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, “món quà” lớn nhất của ThS. Trang chính là “rào cản” tâm lý của những người hàng xóm đã được xóa tan.

“Ban đầu, khi thông tin lan truyền trên mạng còn hỗn độn, hàng xóm chưa hiểu rõ nên cũng lo lắng và có thái độ e dè khi trò chuyện cùng với tôi. Những ngày đầu quả thật là đáng sợ lắm! Tuy nhiên, sau khi họ hiểu hơn, đặc biệt, sau khi chúng tôi tuyên bố phân lập thành công virus, họ đã có sự thay đổi tích cực...”, Hồng Trang không ngần ngại giãi bày.

Ở đây, cứ mỗi khi bước qua một cánh cửa, chúng ta sẽ phải thay ít nhất một món đồ bảo hộ.

Dù nhịp công việc có bận rộn, hối hả đến đâu, những nghiên cứu viên cũng không bao giờ “đi tắt”, luôn luôn tuân thủ từng bước một.

Tất cả vì sự an toàn của bản thân và của nhân loại!