Khi đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona đang “nóng” trên toàn cầu, những “chiến binh áo trắng” tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn đang từng giờ trực chiến. Với họ, dịch bệnh Corona không đáng sợ bằng áp lực của những thông tin chưa được kiểm chứng đang lan truyền mỗi ngày.
Chúng tôi có mặt tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, Đông Anh, Hà Nội) khi đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra đang diễn biến phức tạp, với con số về người nhiễm và người tử vong vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn được diễn ra bình thường, chỉ khác là ai cũng mang chiếc khẩu trang y tế và thường xuyên rửa tay diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với các bề mặt dọc hành lang bệnh viện.
Bên trong phòng cấp cứu dành cho bệnh nhân, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, quên giờ ăn nghỉ của các bác sĩ, điều dưỡng của khoa Cấp cứu bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trên bàn làm việc luôn sẵn sàng những chai nước sát khuẩn tay sau mỗi lần các bác sĩ, điều dưỡng tiếp xúc với bệnh nhân đến khám hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV.
Thấy chúng tôi ghé qua, nhiều y, bác sĩ trêu đùa cho bớt vẻ căng thẳng: “Các bạn đang ở trong “tâm bão” của dịch Corona đó…”. Nói rồi, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây lại tiếp tục công việc của mình.
Hiếm hoi lắm, chúng tôi mới xin được chút ít thời gian của bác sĩ Bá Đình Thắng, khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Vị bác sĩ bắt đầu cuộc trò chuyện ngắn gọn qua thông tin cập nhật mới nhất về các bệnh nhân nhiễm nCoV đang được điều trị cách ly: “Hiện tại, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang tiếp nhận điều trị 4 bệnh nhân dương tính với virus Corona. Trong đó, có một ca viêm phổi, các ca khác hiện tại triệu chứng lâm sàng ổn định, tiến triển tốt hơn.
Hàng ngày, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ tiến hành thăm khám, đánh giá tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, đánh giá tất cả dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng. Ngay cả chế dộ dinh dưỡng, sinh hoạt của bệnh nhân cũng được lưu ý”.
“Là một bác sĩ cấp cứu, công việc vốn cũng “nặng” từ trước, tuy nhiên, do đang trong đợt dịch, chúng tôi phải đảm nhận công việc phân loại các nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, cách ly, cho bệnh nhân xuất viện… nên cũng chịu nhiều trách nhiệm hơn so với ngày thường. Bên cạnh đó, thời gian làm việc cũng thất thường hơn, vì có đông người đến khám, nên nhiều hôm hết giờ vẫn tăng cường ở lại hỗ trợ các đồng nghiệp trực…”, những giọt mồ hôi vẫn còn lấm tấm trên vầng trán của bác sĩ Thắng khi vừa hoàn tất việc thăm khám trong phòng cấp cứu.
Như tất cả các đồng nghiệp khác, bác sĩ Thắng là một trong những “chiến binh áo trắng” luôn sẵn sàng trực chiến giữa “tâm dịch”.
“Mỗi bệnh truyền nhiễm có đặc thù riêng, vì thế, đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi luôn luôn sẵn sàng tâm thế đón nhận, cùng nhau chiến đấu chống dịch. Tất nhiên, mỗi bệnh dịch đều có nguy cơ khác nhau và mức thiệt hại khác nhau.
Khi tiếp xúc với ca nhiễm virus nCoV đầu tiên, chúng tôi hết sức tích cực, khẩn trương và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị cho bệnh nhân điều trị cách ly và theo dõi”, anh nhớ lại.
Vị bác sĩ chỉ cho chúng tôi xem những hình ảnh được ghi lại qua camera trong phòng điều trị cách ly của bệnh nhân dương tính với virus Corona: “Bệnh nhân đầu tiên mà tôi tiếp nhận là bệnh nhân Nguyễn Thị Dự. Hôm đó, trong ca trực buổi sáng, bệnh nhân đến khám, chúng tôi khai thác các yếu tố dịch tễ, khám lâm sàng. Nhận thấy bệnh nhân này có nguy cơ nhiễm dịch bệnh, nên phân loại, cho bệnh nhân nhập viện cách ly và điều trị. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định, đỡ vất vả hơn bệnh nhân thở máy hoặc cấp cứu hồi sức. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề lây nhiễm, nên bệnh nhân vẫn cần tiếp tục theo dõi”.
“Số lượng ca bệnh vẫn đang tăng lên, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong theo thống kê cập nhật dưới 3%, thường là những trường hợp người cao tuổi, có bệnh lý từ trước, còn những trường hợp khỏe mạnh thì tình trạng vẫn ổn định sau điều trị. Đặc biệt, những trường hợp bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận chủ yếu đều tiến triển tốt, hiện tại đã hết sốt, đang chờ kết quả xét nghiệm âm tính để xuất viện.
Vấn đề đáng lo ngại là kiểm soát khả năng lây bệnh. Vì bệnh lây qua đường hô hấp nên khó kiểm soát. Tuy nhiên, mức độ có vẻ nhẹ hơn so với đại dịch SARS và MERS-CoV”, nam bác sĩ đánh giá.
Những ngày gần đây, khi thông tin về diễn biến của dịch Corona đang được cập nhật từng giờ, từng phút, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trở thành một trong những “tâm điểm”. Dường như ngày nào cũng có hàng chục, hàng trăm người đến xét nghiệm.
Bác sĩ Bá Đình Thắng cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi chủ yếu tiếp nhận những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, như đi về từ Trung Quốc, tiếp xúc với người Trung Quốc, có người thân đi về từ vùng dịch… có thể có triệu chứng hoặc không, nhưng vì lo lắng nên họ vẫn đi xét nghiệm.
Đối với những trường hợp có yếu tố dịch tễ và triệu chứng lâm sàng (như sốt, ho, đau rát họng) sẽ được nhập viện cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Những trường hợp có yếu tố dịch tễ nhưng không có triệu chứng lâm sàng, sẽ được hướng dẫn cách ly tại nhà, theo dõi kịp thời các triệu chứng để nhập viện khi cần. Còn những trường hợp không có yếu tố dịch tễ nhưng có triệu chứng lâm sàng thì sẽ được thăm khám thông thường.
Những ngày qua, cũng có nhiều trường hợp bị cảm sốt thông thường do khí hậu, thời tiết, cũng vội đi xét nghiệm, khiến tình trạng bệnh viện luôn đông, dễ có nguy cơ lây lan bệnh”.
Ít ai biết, đối với những “chiến binh áo trắng” đang hằng ngày trực chiến ngay giữa “tâm dịch” này, dịch bệnh Corona không thực sự đáng sợ bằng áp lực xã hội và “sức công phá” của hàng loạt thông tin chưa được kiểm chứng đang ngày ngày được lan truyền trên mạng xã hội.
Đó cũng là “gánh nặng”, là áp lực lớn nhất trên đôi vai bác sĩ Thắng cũng như đội ngũ nhân viên y tế.
“Một khi ở giữa “tâm dịch”, mỗi bác sĩ và nhân viên y tế đều phải nắm rõ và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn do bộ Y tế và tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra để phòng ngừa bệnh cho bản thân và tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân khác...
Bởi vậy, chúng tôi vẫn giữ sinh hoạt bình thường khi trở về với gia đình. Đồng thời, cũng dặn dò người thân trong gia đình, khi đi ra ngoài chú ý đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc, tụ tập nơi đông người và vệ sinh rửa tay sau khi tiếp xúc… Đó là cách tự bảo vệ cả gia đình”, anh tâm sự.
“Chính vì thế, dịch bệnh không làm chúng tôi lo lắng bằng áp lực xã hội và những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh. Chúng tôi chịu áp lực xã hội, nhất là trong thời đại này, truyền thông “mở”, nhiều thông tin thất thiệt gây hoang mang lo lắng, khiến nhiều bạn bè, người thân gọi điện hỏi thăm tôi liên tục.
Chúng tôi làm việc ở đây, mặc dù tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bảo hộ, tránh lây nhiễm, nhưng khi trở về nhà, nhiều khi hàng xóm vẫn còn e ngại... dịch tễ, địa phương cũng đến nhà “hỏi thăm” tình hình.
Ngay cả vợ tôi, khi cơ quan biết có người nhà đang làm việc ngay tại “tâm dịch”, cơ quan có gì đó hơi ngăn cách, giao tiếp không được thoải mái như trước, cô ấy thậm chí đã được tạo điều kiện làm việc ở nhà… Tức là vô tình có khoảng cách đối với bản thân và người thân bác sĩ “trực chiến” trong vùng dịch”, anh không ngần ngại giãi bày.
Nhắc đến đây, đôi mắt anh thoáng một cái nhìn e dè, anh ngại nhắc đến hai tiếng “kỳ thị”, nhưng trong những ngày gần đây, dường như bản thân anh cũng đang cảm nhận...
Bác sĩ Bá Đình Thắng mới lập gia đình chưa được bao lâu, nhưng vì đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, anh chẳng dành được nhiều thời gian bên người vợ trẻ. Đặc biệt, trong những ngày này, “bệnh viện cần anh hơn”, nên hầu hết thời gian anh vẫn dành để túc trực và tăng cường hỗ trợ đồng nghiệp.
May mắn là anh có người vợ thấu hiểu và cảm thông cho công việc của mình. Cũng chính nhờ sự thấu hiểu ấy, mà vị bác sĩ càng thêm vững tâm, từng giờ, từng ngày dốc lòng dốc sức cho sức khỏe của từng bệnh nhân.
Nhịp làm việc vẫn hối hả, những “chiến binh” vẫn “chạy đua” với thời gian để chiến thắng đại dịch nCoV. Chúng tôi tranh thủ trò chuyện với nữ điều dưỡng Trần Thị Toàn (phụ trách điều dưỡng khoa Cấp cứu, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương) khi chị vừa hoàn tất công việc và trở lại phòng hành chính.
Dù gương mặt bịt kín khẩu trang, nhưng quan sát của chúng tôi thấy rõ những quầng thâm trên đôi mắt của nữ điều dưỡng này, chị bảo, không chỉ có chị, mà đội ngũ các y bác sĩ trong “tâm dịch” đều chuẩn bị tinh thần trực chiến bất cứ lúc nào.
Trải lòng với chúng tôi về những áp lực mình gặp phải trong “tâm dịch”, điều dưỡng Toàn cho biết: “Những ngày này, công việc cơ bản cũng vất vả nhưng chủ yếu là áp lực tâm lý”.
Theo lời tâm sự của điều dưỡng Toàn, chị có hai con nhỏ một bé 2 tuổi và một bé 8 tháng tuổi. Những ngày đầu tiên khi nghe tin về dịch, bản thân chị cũng như gia đình cũng lo lắng, thậm chí khi được phân công làm việc trực tiếp trong “tâm dịch”, cảm xúc của chị khi ấy cũng khó tả vô cùng.
“Thực sự, những ngày đầu tiên thông tin về dịch bệnh Corona được phát đi trên cả nước, khiến nhiều người lo lắng. Trong đó, gia đình tôi ai cũng hoang mang, lo lắng, khi tôi biết mình được phân công làm việc trong những ngày tâm dịch cùng các đồng nghiệp, tôi phát khóc nhưng không phải lý do là buộc phải làm việc trong môi trường “tâm dịch” mà chỉ bởi lý do thương cho người bị nhiễm bệnh, có những nơi người bệnh, người nhà bị kỳ thị mà tôi cảm thấy tội.
Còn về phía gia đình tôi, tôi cũng đã phải trấn an cả nhà, giải thích rằng “Mình là nhân viên y tế, là người chống dịch cơ mà, mình phải bảo vệ chính bản thân mình, cũng như cứu sống được những người khác bị dịch”. Còn lại, nếu có một xác suất nào đó không may thì tôi cũng không nói trước được điều gì”, điều dưỡng Toàn bộc bạch.
Là một điều dưỡng trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân trong đợt dịch Corona, nói về những cách tự bảo vệ lây nhiễm cho bản thân và cả gia đình, điều dưỡng Toàn chia sẻ: “Vì làm việc ở môi trường tiếp xúc với bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao, nên trước khi đi về nhà, tôi cũng làm công tác vệ sinh như xúc miệng họng bằng nước muối, tắm giặt tại khoa, thay quần áo mới rồi mới về. Tôi vẫn cho con bú, chăm sóc con bình thường, bản thân mình phải tự theo dõi sức khoẻ cho chính mình như cặp nhiệt độ, theo dõi các dấu hiệu về sốt, ho, nếu có vấn đề thì thông báo cho lãnh đạo để đi khám, chứ tôi không phải cách ly hoàn toàn với con”.
Điều dưỡng Toàn cho biết, một ca trực trong những ngày dịch Corona gồm một bác sĩ chính và 3 điều dưỡng, kéo dài 6-12 tiếng đồng hồ: “Những ngày này, phía bệnh viện tiếp nhận khá đông bệnh nhân đến thăm khám vì người dân hoang mang. Đồng thời, người dân từ Trung Quốc về nghỉ Tết cũng nhiều nên bệnh nhân đến sàng lọc, kiểm tra sức khoẻ cũng tương đối. Tôi hy vọng, sắp tới nghe được nhiều thông tin, biết được cách cách ly tại nhà, khi nào cần đến cơ sở y tế thì sẽ đỡ hơn, giảm tải hơn”.
Trong những ngày làm việc ở “tâm dịch”, điều dưỡng Toàn cũng cho hay, chị thường xuyên phổ biến kiến thức, đồng thời theo dõi và giám sát theo dõi tình hình sức khoẻ của các cá nhân trong gia đình.
“Dịch bệnh Corona lần này khá căng thẳng, nhưng tôi cho rằng, bản thân mỗi người phải tự trang bị cho mình kiến thức để phòng chống được, trấn an bản thân để bình tĩnh đối phó với dịch chứ không nên hoang mang quá”, điều dưỡng Toàn nói.
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, điều dưỡng Toàn chia sẻ thêm rằng, chị chỉ mong dịch bệnh chóng qua. Còn hiện tại, các y, bác sĩ tại đây vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng trực 24/24h.
Phía sau cánh cửa phòng có những đường dây giới nghiêm và những tấm biển cảnh báo “Khu vực cách ly” kia, biết bao những “chiến binh” vẫn luôn sẵn sàng trực chiến, lo lắng từng giờ, từng phút cho mỗi trường hợp đến khám và điều trị cách ly. Chỉ khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm âm tính, những cái thở phào nhẹ nhõm cùng nụ cười rạng rỡ mới nở trong không gian “biệt lập” kia.