img

Made with Flourish

Áp lực từ bạn đồng lứa, mong muốn có cuộc sống “tốt hơn” ở châu Âu và sự tuyệt vọng tột độ, tất cả đã khiến Muhammad Ali – một thanh niên Pakistan 21 tuổi – lên một chiếc thuyền nhỏ đơn độc bị nhồi nhét quá nhiều người, dấn thân trên hành trình vượt biển đầy bất trắc.

Thật không may, Ali đã không đến được nơi mình muốn. Con thuyền bị lật trong vùng biển động ở Địa Trung Hải ngay sau khi rời bờ biển Benghazi ở Libya để đến Italy hồi tháng 2 năm nay. Ali và ít nhất 15 người khác đã thiệt mạng, với bao ước mơ và hy vọng cũng chìm theo.

“Bạn bè của Ali đều đã đến Italy và thuyết phục cậu ấy tham gia cùng. Chúng tôi đã cố gắng ngăn cản nhưng cậu ấy không nghe. Cậu ấy muốn đến châu Âu”, ông Chaudhry Mansha Bhojpur, chú của Ali, chia sẻ.

img

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót ngoài khơi bãi biển Steccato di Cutro, miền Nam Italy, sau vụ đắm thuyền ngày 26.2.2023. Ảnh Shutterstock

img

Ngay trong những ngày cuối tháng 2, một thảm kịch di cư nữa đã xảy ra ngoài khơi miền Nam Italy. Ít nhất 64 người, trong đó có 8 trẻ em, đã thiệt mạng khi chiếc thuyền gỗ chở quá tải đâm sầm vào bãi cạn chỉ cách bờ biển Calabria của Italy vài trăm mét và vỡ toạc vào sáng sớm do biển động.

Có mặt trong chuyến “hành trình tử thần” từ miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ tới bờ biển Italy là những người đến từ Afghanistan, Pakistan, Syria và Somalia.

“Chúng tôi đã gặp một người sống sót trong vụ đắm thuyền. Cô gái này cùng với em gái đã rời Afghanistan để chạy trốn Taliban. Rất tiếc em gái cô đã không qua khỏi”, ông Sergio Di Dato, điều phối viên dự án của tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MSF), cho biết.

MSF đang cung cấp hỗ trợ tâm lý cho những người sống sót, bao gồm một cậu bé 12 tuổi đến từ Afghanistan đã mất tất cả 9 thành viên gia đình đi cùng cậu, bao gồm cha mẹ và 4 anh chị em.

img

Lực lượng cứu hộ tuần tra bờ biển trong quá trình tìm kiếm nạn nhân sau vụ chìm thuyền ngoài khơi bờ biển phía Nam Italy ngày 26.2.2023. Ảnh Getty Images

“Mọi người bị sốc, rất kiệt sức, một số người nói rằng họ bất lực nhìn người thân rơi xuống nước, mất tích hoặc chết đuối”, Save the Children, một tổ chức từ thiện khác tham gia nỗ lực cứu hộ, cho biết trên Twitter.

Bi kịch xảy ra trong bối cảnh số lượng người xin tị nạn từ Bắc Phi và Nam Á đang cố gắng vượt Địa Trung Hải với hy vọng đến được châu Âu đã tăng mạnh kể từ năm 2022, với bờ biển Italy và Malta nằm ở tuyến đầu.

Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) đã phát hiện khoảng 330.000 vụ vượt biên bất thường vào năm ngoái, tăng 64% so với năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2016.

Mức tăng cao nhất được báo cáo trên các tuyến Tây Balkan và Đông Địa Trung Hải, với số lượng tăng lần lượt là 136% và 108%. Chỉ riêng tuyến đường Tây Balkan đã chiếm 45% tổng số vụ vào năm 2022.

Trong khi đó, tuyến đường Trung Địa Trung Hải – đi qua Libya và Tunisia đến Italy, cũng được coi là con đường vượt biển nguy hiểm nhất thế giới – chiếm gần 1/3 tổng số vụ, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

img

Một điểm tưởng niệm trên bãi biển ở miền Nam Italy, gần nơi hàng chục người di cư thiệt mạng hồi tháng 2.2023. Ảnh Getty Images

Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), hơn 26.000 người đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tìm cách băng qua Địa Trung Hải kể từ năm 2014, trong đó hơn 20.000 người đã thiệt mạng trên tuyến đường Trung Địa Trung Hải.

“Cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài ở Trung Địa Trung Hải là không thể chấp nhận được”, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) António Vitorino cho biết. “Với hơn 20.000 trường hợp thiệt mạng được ghi nhận trên tuyến đường này kể từ năm 2014, tôi sợ rằng những cái chết này đã được bình thường hóa. Các quốc gia phải phản ứng”.

img

Tuyến di cư qua Địa Trung Hải là tuyến nguy hiểm nhất trên thế giới. Đồ họa Statista

Xung đột, nghèo đói, chiến tranh và bạo lực là những lý do phổ biến khiến nhiều người phải rời khỏi quê hương của họ, bà Ayselin Yildiz, một giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Yasar ở İzmir, Thổ Nhĩ Kỳ, giải thích.

Hầu hết những người di cư đến từ các quốc gia như Afghanistan, Pakistan, Somalia và Iran, và hơn 90% người di cư đến Italy từ Afghanistan đang sử dụng quốc gia liên lục địa Á-Âu Thổ Nhĩ Kỳ làm điểm quá cảnh, bà Yildiz cho biết.

Tuy nhiên, những kẻ buôn người cũng là một trong những tác nhân chính. “Chừng nào chưa có con đường, cách thức cho người dân di cư thường xuyên, thì bọn buôn người sẽ vẫn có thể lợi dụng khoảng trống này”, bà Yildiz nhận định.

img

Hơn 29.000 người di cư đã thiệt mạng trên đường đến châu Âu kể từ năm 2014, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết trong một báo cáo công bố ngày 25.10.2022. Ảnh The New Humanitarian

Ví dụ, trong thảm kịch chìm thuyền ngoài khơi Italy kể trên, những kẻ tổ chức vượt biên trái phép đã tính phí 8.000 Euro (khoảng 8.500 USD) mỗi người cho chuyến “hành trình tử thần” này, theo lực lượng hải quan của quốc gia Nam Âu.

Vụ đắm thuyền cũng đã gây ra một cuộc tranh luận nữa về vấn đề di cư ở châu Âu và Italy, nơi mà luật mới cứng rắn mà chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni áp dụng đối với các tổ chức từ thiện cứu hộ người di cư đã vấp phải sự chỉ trích từ LHQ và các tổ chức khác.

Luật này gây khó khăn hơn cho các tàu nhân đạo trong việc giải cứu người di cư trên biển. Ví dụ, sau khi tiến hành một hoạt động cứu hộ, các tàu phải quay trở lại cảng được chỉ định – thậm chí bỏ qua các cuộc gọi khẩn cấp tiếp theo – nhằm giới hạn thời gian hoạt động của các tàu này trên biển. Những đối tượng phớt lờ mệnh lệnh có thể bị chính quyền Italy phạt tiền và thậm chí tịch thu phương tiện.

img

Người di cư đến Italy tăng hơn 4 lần trong quý I năm 2023. Ảnh Anadolu Agency

Italy ghi nhận khoảng 31.300 lượt người di cư đến nước này cho đến thời điểm này năm 2023, gần gấp 4 lần so với con số 7.900 của cùng kỳ năm ngoái.

Hồi đầu tháng 4, để kiểm soát cuộc khủng hoảng, chính phủ Italy đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 6 tháng để giúp Rome đối phó với sự gia tăng đột biến trong số lượng người di cư đến các bờ biển phía Nam của đất nước.

“Bất kỳ chính sách mới nào trong tình trạng khẩn cấp cần phải phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền của Italy”, ông Volker Turk, Cao ủy LHQ về Nhân quyền, cho biết.

“Kinh nghiệm cho thấy việc áp dụng một đường lối cứng rắn hơn nhằm hạn chế di cư bất hợp pháp sẽ không ngăn chặn được những cuộc khởi hành, mà ngược lại sẽ dẫn đến nhiều đau khổ và tử vong trên biển hơn cho con người”, vị quan chức LHQ nói.

“Thay vào đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu các quốc gia cung cấp những con đường an toàn và thường xuyên cho người di cư, cũng như ngăn chặn những cái chết không đáng có”.

img

Những người di cư ở Lampedusa, cực Nam Italy, chờ áo phao từ đội cứu hộ, ngày 21.2.2023. Ảnh Getty Images

img

Mặc dù làn sóng di cư tiếp tục đè nặng lên các quốc gia Nam Âu trên tuyến đầu như Hy Lạp, Italy, Malta và Síp, các thỏa thuận ở cấp EU làm được rất ít để thay đổi hình hình.

Tháng 10/2008, Hội đồng Châu Âu (Consilium) thông qua “Hiệp ước châu Âu về Nhập cư và Tị nạn”, nhưng hiệu quả thực tế không đáng kể.

Năm 2015, hơn 1 triệu người di cư đã đổ bộ vào các bờ biển châu Âu, gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội chưa từng có cho “lục địa già”.

Trong bối cảnh đó, EU có trong tay “Hiệp ước Dublin”, được ký lần đầu tiên vào năm 1990 khi những dòng người di cư khổng lồ như vậy chưa được tính đến, đã được sửa đổi vào năm 2003 (Dublin II) và 2013 (Dublin III). Nhưng nguyên tắc cơ bản của “Hiệp ước Dublin” – rằng nơi mà một người di cư đến đầu tiên là nơi xử lý các vấn đề tiếp nhận và yêu cầu tị nạn liên quan – đã được chứng minh là ám chỉ 2 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc đổ bộ, là Italy và Hy Lạp.

img

Bộ trưởng của Tây Ban Nha, Síp, Hy Lạp, Italy và Malta tại lễ ra mắt nhóm MED 5 - được để đối mặt với những thách thức của việc di cư bất hợp pháp, ngày 25.9.2021. Ảnh InfoMigrants

Ngoài ra, lệnh cấm di chuyển trong EU đối với những người xin tị nạn đã khiến nhiều người bị các quốc gia như Đức, Pháp và Áo đưa trở lại các quốc gia nơi họ đến đầu tiên.

Theo các nhà chức trách Đức, chỉ riêng trong năm 2018 đã có 35.375 trường hợp người di cư đến quốc gia Tây Âu này sau khi đến các nước EU khác. Một số máy bay rời lãnh thổ Đức hàng tháng đã đưa những người di cư như vậy trở lại nơi ban đầu họ đến, và chủ yếu vẫn là Italy.

Lệnh cấm đã khiến Italy phải tiếp nhận nhiều người xin tị nạn theo kiểu này hơn là số người di cư đổ bộ vào bờ biển đất nước năm 2019.

Trước thực tế đó, tháng 9/2019, Bộ trưởng Nội vụ các nước Malta, Italy, Pháp và Đức đã gặp nhau tại thủ đô Valletta của Malta để ký “Thỏa thuận Malta” nhằm phân bổ lại những người di cư đến bằng đường biển.

Mặc dù được quảng cáo là một cột mốc quan trọng, thỏa thuận này vấp phải sự chỉ trích lớn khi việc tuân thủ các quy định trong thỏa thuận là trên cơ sở tự nguyện. Điều này khiến gánh nặng của Italy hầu như không thay đổi, với tư cách nơi đầu tiên người di cư đổ bộ.

Trong số khoảng 53.000 người di cư đến Italy từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2021, chỉ có khoảng 990 người được chuyển hướng đến các quốc gia châu Âu khác.

img

Hy Lạp, Italy, Síp và Malta cùng nhau đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia thành viên EU chia sẻ gánh nặng từ người di cư không có giấy tờ đến bờ biển của họ, ngày 12.11.2022. Ảnh Greek

“Hiệp ước châu Âu về Nhập cư và Tị nạn” năm 2008 đã được hồi sinh vào tháng 9/2020, hiện được gọi là “Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn”. Hiệp ước này được mô tả là một “cách tiếp cận toàn diện” nhằm hợp lý hóa các quy trình tích hợp và cải thiện kiểm soát biên giới, thay thế cho các quy tắc Dublin hiện đã lỗi thời.

Nhưng cuối cùng vẫn có rất ít thay đổi xảy ra, và các quốc gia ven biển vẫn tiếp tục bị bỏ lại một mình.

Tháng 11/2022, Bộ trưởng Nội vụ các nước Síp, Malta, Hy Lạp và Italy lại gặp nhau một lần nữa ở thủ đô Valletta của Malta và đưa ra một thông cáo chung kêu gọi phần còn lại của châu Âu hành động nhiều hơn để quản lý các dòng người di cư.

Họ lập luận rằng các quốc gia thành viên EU khác tiếp tục để phần lớn vấn đề cho họ, những quốc gia nằm dọc theo Địa Trung Hải, phải giải quyết.

Tuyên bố mới nhất này được đưa ra sau vụ tàu cứu hộ Ocean Viking của tổ chức phi chính phủ SOS Mediterranee, chở 234 người di cư, bị chính phủ Italy chặn không cho cập cảng của nước này.

Những người trên tàu đến từ các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và châu Á, bao gồm Bangladesh, Eritrea, Syria, Ai Cập, Pakistan, Mali và Sudan.

img

Tàu Humanity 1 của tổ chức SOS Humanity cứu hộ người di cư trên biển Địa Trung Hải. Ảnh Time News

Kết quả, sau một giằng co khẩu ngoại giao giữa Paris và Rome, con tàu buộc phải chuyển hướng đến cảng Toulon của Pháp, nơi chỉ có 111 người được chấp nhận gửi đến các quốc gia châu Âu khác nhau, 123 người còn lại được coi là không đủ điều kiện nhận sự bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ sau đó đã chạy trốn khỏi các trung tâm tiếp nhận.

Gần đây hơn, chưa đầy một tuần sau thảm kịch chìm thuyền ngoài khơi Italy hồi cuối tháng 2, trong cuộc hội đàm tại thủ đô Valletta của Malta, các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chính sách di cư của 5 quốc gia EU giáp Địa Trung Hải (MED5), gồm Síp, Hy Lạp, Italy, Malta và Tây Ban Nha, đã chỉ trích các nước láng giềng phía Bắc của họ vì không tiếp nhận người di cư theo sáng kiến tái phân bổ tự nguyện.

img

Các thành viên tàu cứu hộ Ocean Viking trao áo phao cho người tị nạn và người di cư trên một chiếc thuyền quá tải ở Biển Địa Trung Hải. Ảnh Al Jazeera

Bộ trưởng Di cư và Tị nạn Hy Lạp Notis Mitarachi chỉ ra rằng năm 2022, chỉ 1% số người di cư đến các quốc gia tuyến đầu dọc biên giới phía Nam của EU như đất nước ông được các thành viên EU khác tự nguyện tiếp nhận.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, Fernando Grande-Marlaska Gomez, thì cho rằng quy trình tái phân bổ người di cư hiện tại là “quá chậm, quá kén cá chọn canh, với quá ít kết quả và quá ít khả năng dự đoán”.

Trong cuộc họp, các Bộ trưởng MED5 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc với các quốc gia nơi có nhiều người di cư khởi hành và đi qua. Họ cũng ủng hộ việc đẩy nhanh tốc độ hồi hương những người không đủ điều kiện xin tị nạn.

“Để đảm bảo độ tin cậy của hệ thống tị nạn, điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt giữa những người được hưởng sự bảo vệ quốc tế theo luật pháp và những người không được hưởng”, Bộ trưởng Mitarachi của Hy Lạp nói.

img

Bộ trưởng của Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italy, Síp và Malta họp báo sau một hội nghị MED 5 được tổ chức ở Venice, Italy, ngày 4.6.2022. Ảnh InfoMigrants

img

Theo Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU, mỗi năm, khoảng 500.000 công dân nước ngoài được lệnh rời khỏi khối vì họ đã nhập cảnh hoặc ở lại bất thường. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trong số này quay trở lại quê hương hoặc quốc gia mà từ đó họ đã đến EU.

Năm ngoái, Frontex đã gửi trả gần 25.000 người, một kỷ lục mới. Khoảng 40% trong số họ đã tự nguyện rời EU.

Nhưng khối 27 quốc gia này muốn con số trên tăng lên, với việc Ủy viên phụ trách Nội vụ EU Ylva Johansson lưu ý vào tháng 1 rằng, vấn đề là các quốc gia thành viên mới chỉ xử lý khoảng 10-20% các yêu cầu gửi trả người di cư”.

img

Bà Ylva Johansson, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU. Ảnh ERR

“Frontex đang gửi những chiếc máy bay trống đến các quốc gia nơi người di cư xuất phát dù các quốc gia này sẵn sàng nhận lại công dân của mình. Gần đây, một chiếc máy bay tương tự đã khởi hành tới Bangladesh ở Nam Á chỉ với 8 hành khách trên máy bay”, bà Johansson cho biết.

EU đã chỉ định một Điều phối viên về gửi trả người di cư vào năm ngoái để thiết lập một chiến lược hoạt động chung, và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên và Frontex.

Tuy nhiên, từ quan điểm của các nước Nam Âu, tình hình vẫn có vẻ không có gì thay đổi. Thủ tướng Italy Meloni đã nhấn mạnh trong một hội nghị vào tháng 12 năm ngoái rằng việc quản lý gửi trả người di cư phải được “đồng bộ hóa trên toàn châu Âu” để “không một quốc gia nào có thể trốn tránh nhiệm vụ của mình”, và việc hợp tác với các đối tác bên ngoài EU về chống nạn buôn người là cần thiết.

Cuộc chiến chống lại các mạng lưới buôn người phức tạp không thể được thực hiện bởi từng quốc gia riêng lẻ, mà cần thông qua sự phối hợp – không chỉ ở châu Âu mà còn ở các nước là điểm khởi hành phổ biến của người di cư.

img

Người di cư chờ lên một con tàu thương mại trước khi được chuyển đến một trung tâm tiếp nhận tại đảo Lampedusa, Italy, ngày 4.8.2022. Ảnh Getty Images

Trước đó, Đại sứ Đức tại Italy Viktor Elbling khẳng định rằng Rome “đang làm rất nhiều về vấn đề di cư nhưng không đơn độc”. Ông lưu ý những con số trong 9 tháng đầu năm 2022 đã chứng minh điều đó, với 154.385 người xin tị nạn ở Đức; 110.055 ở Pháp; và 48.935 ở Italy (tương ứng 0,186%, 0,163% và 0,083% dân số của 3 nước).

Vấn đề chính mà châu Âu phải đối mặt trong vài năm tới là kiểm soát dòng người di cư từ các điểm khởi hành, đặc biệt là châu Phi. Cho đến nay, không có chiến lược chung nào của EU được thực hiện để ngăn chặn tận gốc vấn đề.

Nếu các chính trị gia châu Âu không thích những tác động chính trị và kinh tế của người nhập cư và người tị nạn, mà phần lớn là tác động kinh tế – thì hậu quả sẽ tồi tệ hơn nhiều khi số người tị nạn khí hậu đến cựu lục địa tăng gấp 10 lần.

img

Người di cư được tổ chức từ thiện SOS Méditerranée cứu hộ trên biển Địa Trung Hải. Ảnh Anadolu Agency

Nếu châu Âu không đối mặt với thách thức này ngay bây giờ, trong khi số lượng còn tương đối nhỏ, di cư khí hậu sẽ gây ra sự hỗn loạn về chính trị và kinh tế lớn hơn nhiều.

Các nước thành viên EU đang đứng trước 2 kịch bản. Trong đó, một kịch bản là các quốc gia Bắc Âu bắt đầu hợp tác nghiêm túc với các quốc gia Nam Âu. Điều này dường như không thể xảy ra vào lúc này, với những xích mích kéo dài hàng thập kỷ vẫn còn tồn tại.

Trong kịch bản thứ hai, các quốc gia thành viên phía Bắc và phía Nam của lục địa châu Âu sẽ giữ nguyên quan điểm của mình. Hai bên có sự khác biệt đáng kể trong việc quản lý người di cư. Việc làn sóng người di cư ngày càng tăng chỉ làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có.

Những tia lửa trong vài tháng qua sẽ thúc đẩy cuộc tranh cãi đang cháy dần giữa các quốc gia châu Âu khác nhau về dòng người di cư. Trong khi chờ một bước tiến triển trong vấn đề gây đau đầu này, EU dường như vẫn còn thiếu một điều: Ý chí chung cho một dự án chung.

img

Người di cư từ châu Phi cận Sahara được Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tunisia giải cứu khỏi những chiếc thuyền tạm bợ được sử dụng để vượt Địa Trung Hải đến bờ biển Italy, ngày 4.10.2022. Ảnh Getty

Việc khiến các quốc gia châu Âu khác nhau đồng ý về một chính sách nhập cư chung luôn là một nhiệm vụ khó khăn, ông Mathieu Tardis, một chuyên gia nhập cư của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nhận xét.

“Đó là một cuộc thảo luận không có hồi kết trong gần chục năm qua. Làm thế nào chúng ta có thể phân bổ tốt hơn những người di cư và tị nạn ở EU”, ông nói, lưu ý rằng có một số quốc gia thành viên – chủ yếu là Hungary và Ba Lan – đã từ chối tiếp nhận bất kỳ người di cư hoặc xin tị nạn nào.

Tuy nhiên, ngoại lệ đã xuất hiện, với việc năm 2022, Ba Lan đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người Ukraine chạy trốn khỏi giao tranh. Hungary cũng đã dang tay đón nhận một lượng lớn người tị nạn Ukraine tràn qua biên giới chung.

Năm ngoái, EC cũng đã đề xuất tạo ra nhiều con đường hợp pháp hơn cho những người di cư có tay nghề cao, điều mà cơ quan điều hành EU cho rằng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng và tình trạng thiếu lao động ở các quốc gia thành viên, đồng thời cũng làm giảm tình trạng di cư bất hợp pháp.

img

Những người di cư được giải cứu trùm chăn ngồi trên một bãi biển gần Cutro, miền Nam Italy, ngày 26.2.2023. Ảnh Getty Images

NGUOIDUATIN.VN |