Một dấu chấm rất nhỏ, tốn rất ít mực nhưng lại gây ồn ã dư luận xã hội một thời, chuyện khó tin nhưng có thật. Dấu chấm có quan trọng không? Phần lớn nó chẳng làm suy xuyển nghĩa ở những văn tự vô bổ nhưng với nhiều văn bản khác dấu chấm rất quan trọng. Chấm sai vị trí hay thiếu dấu chấm có thể làm sai lệnh kết quả, sai nghĩa cần diễn đạt dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hoặc vô cùng nghiêm trọng. Tờ tiền polymer mệnh giá 10.000 đồng nhẽ ra phải có dấu chấm sau số 10 nhưng họa sỹ đã quên nên mới thành chuyện. Chính xác nó là một tai nạn nghề nghiệp, một tai nạn đáng tiếc. Rõ ràng vẽ mẫu tiền là nghề chẳng dễ dàng, xưa cũng như nay.
Từ đồng tiền kim loại đầu tiên thời Đinh cho đến tiền kim loại dập thời Nguyễn, hình thức đồng tiền cơ bản không thay đổi dù nguyên liệu là bạc, đồng, chì, kẽm hay sắt. Về đường kính, đồng tiền giữa các triều đại có thể khác nhau nhưng không quá 26mm và cũng không nhỏ quá 22mm, chiều dài một cạnh lỗ vuông không quá 5mm. Về trọng lượng trung bình từ 3,5-4gram còn độ dầy lớn nhất cỡ 0,5mm. Những thông số đó đã trở thành “chuẩn” cho tiền đúc vì nếu lớn quá sẽ tốn kim loại vì xưa Việt Nam phải mua đồng ở nước ngoài đồng, nếu nhỏ quá “bộ mặt” quốc gia trở nên bủn xỉn và dễ lọt tay khi mua bán.
Hầu hết các đồng tiền đúc hay tiền dập triều vua Khải Định, Bảo Đại, cả tiền xu giai đoạn 1958-1985, tiền kim loại dập đầu thế kỷ 21 đều có viền gờ bao quanh bên ngoài, gờ bao quanh lỗ, các họa sỹ thiết kế như vậy để đồng tiền khỏe khoắn, cứng cáp hơn. Ở góc độ sử dụng, các viền gờ này có tác dụng che chắn khiến các chữ trên mặt lâu mòn hơn. Tại sao người tạo mẫu lại thiết kế đồng tiền có hình tròn ở giữa có lỗ vuông? Trời tròn đất vuông là quan niệm xa xưa về vũ trụ của người phương Đông, quan niệm này cũng thấy trong bánh chưng và bánh dầy của người Việt. Người tạo mẫu hoàn toàn có thể thiết kế đồng tiền hình vuông, ở giữa là lỗ tròn mà vẫn thể hiện được quan niệm về vũ trụ và hình vuông còn dễ đúc hơn hình tròn nhưng tại sao họ không làm như vậy? Giản đơn vì góc nhọn của hình vuông sẽ làm rách bao đựng tiền, rách thắt lưng, có thể bị gẫy hoặc mòn góc khi sử dụng. Mặt khác đồng tiền chỉ có một mệnh giá nên muốn mua vật quí phải cần rất nhiều tiền mà tiền lại xâu qua lỗ, nếu là hình vuông thì xâu tiền sẽ lộn xộn, khó đếm.
Ảnh minh họa.
Chưa hết, người tạo mẫu còn đưa cả thuyết âm dương vào tiền, mặt trước thường ghi niên hiệu vua là mặt dương, mặt sau để trơn là mặt âm. Âm dương cân bằng xã tắc sẽ ổn định. Thời Nguyễn, triều vua Minh Mạng đã cho đúc đồng Phi Long bằng bạc để ban cho kẻ có công, đồng bạc không có lỗ vẽ hình rồng bay lượn vô cùng mềm mại, bờ viền là các nét nổi nhỏ xíu đều tăm tắp. Tuy nhiên sử sách không chép ai đã tạo ra các mẫu tiền nên trong lịch tiền Việt Nam, đây là khoảng mờ đáng tiếc.
Vì văn hóa phương Tây khác văn hóa phương Đông nên các họa sĩ Pháp thiết kế đồng tiền kim loại hay tiền giấy cũng khác các nhà tạo mẫu Việt. Tiền kim loại hình tròn và không có lỗ vuông, cùng với tiền giấy họ đưa các giá trị cốt lõi châu Âu là: Tự do, bình đẳng, bác ái thông qua các hình vẽ. Nếu tiền giấy triều Hồ Quí Ly có hình Long, Ly, Qui, Phượng thì các họa sĩ Pháp lần dầu tiên đưa sử dụng hình con người. Đầu thập niên 1950, họ còn đưa hình ảnh ba cô gái Việt Nam, Lào và Campuchia vào tiền giấy để mị dân chúng thuộc địa.
Chân dung một số họa sĩ thiết kế mẫu tiền Việt Nam và các họa sĩ vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đồng tiền gắn liền với chính trị và đại diện cho một chế độ nên ngay sau ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cho in đồng tiền của nước Việt Nam mới. Nhiệm vụ giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, công việc được bí mật triển khai vào tháng 11/1945. Ông Phạm Văn Đồng đã mời khoảng 20 họa sĩ trẻ hầu hết họ đều tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, giàu nhiệt huyết cách mạng thiết kế tiền. Hai họa sĩ đầu tiên được phân công nhiệm vụ là Mai Văn Hiến vẽ mẫu giấy bạc 5 đồng, Nguyễn Đỗ Cung vẽ mẫu giấy bạc 10 đồng.Tiếp theo là họa sĩ Nguyễn Văn Khanh dựng hình cho tờ tiền 20 đồng. Sau đó đến nhóm do họa sĩ Nguyễn Huyến phụ trách thiết kế tờ giấy bạc 100 đồng. Các họa sĩ: Bùi Trang Chước, Nguyễn Sáng, Lê Phả…được phân công thiết kế các tờ giấy bạc mệnh giá: 1 đồng, 2 đồng, 50 đồng... Chủ đề bao trùm trên các mẫu tiền là: “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Lần đầu tiên trong lịch sử tiền Việt Nam và trên thế giới, đồng tiền đảm nhiệm hai vai, làm phương tiện thanh toán và tuyên truyền chính trị, thật khéo léo và khôn ngoan. Và cũng lần đầu tiên tiền Việt Nam vẽ chân dung một lãnh tụ còn sống, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc phát hành đồng tiền của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng đầu năm 1946 là sự thay đổi trong thiết kế, từ nghệ nhân vẽ mẫu chuyển sang tay họa sĩ. Ngày nay nhìn lại các tờ tiền do các họa sĩ lớp đầu vẽ, dù đơn sơ nhưng mẫu nào cũng cảm động. Rõ ràng khi con người làm việc lớn hay nhỏ bằng tình yêu dân tộc cháy bỏng thì bao giờ cũng tạo cảm xúc. Loại bỏ các yếu tố kỹ thuật, một đồng tiền mang lại cảm xúc là đồng tiền đi vào lịch sử.
Tiền các mệnh giá sau năm 1954
Sau năm 1954, một số họa sĩ tiếp tục công việc vẽ mẫu tiền ở miền Bắc, một số chia tay trở lại với hội họa và hầu hết họ đều thành danh,chói lòa. “Con chị nó đi, con dì nó lớn”, các họa sĩ trẻ bắt đầu lấp vào khoảng trống nghề thiết kế mẫu tiền trong đó có họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông Tăng về nhà máy in tiền ở Đê La Thành rồi được cử đi học thiết kế tiền ở Hungari 4 năm. Họa sĩ Trần Tiến, nguyên Trưởng phòng thiết kế tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp năm 1975 và sau 3 tháng cơ quan an ninh “kiểm tra nhân thân hai bên nội ngoại” ông vào tổ thiết kế tiền. Các họa sĩ thế hệ thứ hai gánh trách nhiệm nặng nề hơn, ngoài vẽ tiền, họ còn thiết kế tín phiếu, đồng tiền kỷ niệm, thập niên 80 vẽ mẫu tiền cho chính phủ Campuchia và thiết kế mẫu cho bộ tiền có chất liệu không phải bằng cotton, đó là polymer.
Chân dung một số họa sĩ thiết kế mẫu tiền Việt Nam và các họa sĩ vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ bộ tiền năm 1946 cho đến năm 2000, các họa sĩ đều vẽ theo kiểu truyền thống, tức là vẽ tỷ lệ 1:1, vì thế phải dùng bút nét rất nhỏ và kính lúp. Vì vẽ tay nên 3, 4 tháng mới hoàn thành một mẫu, thậm chí có những mẫu phải mất 5,6 tháng mới hoàn thành được 2 mặt. Nếu yếu tố bảo an của bộ tiền 1946 khá sơ sài thì các bộ tiền sau này, họa sĩ coi trọng yếu tố bảo an để làm khó cho kẻ in tiền giả. Đồng tiền khó làm giả sẽ làm tăng lòng tin của người dân với tiền, lớn hơn là với chế độ. Một thời người ta đồn đại cái gì liên quan đến tiền đều là bí mật quốc gia nên không họa sĩ nào được thiết kế cả mặt trước, mặt sau một mẫu tiền. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng nói rằng, chẳng có gì gọi là bí mật, vì có nhiều họa sĩ nên mỗi người thực hiện một mảng, có mẫu 3,4 cùng vẽ, người vẽ mặt trước, người mặt sau, nội dung khung lại người khác, tuy đông như vậy nhưng cũng phải 3, 4 tháng mới xong một mẫu.
Ở nhiều quốc gia, ngân hàng độc lập với chính phủ nên thiết kế mẫu, phát hành là do ngân hàng quyết định. Nhưng ở Việt Nam lại khác, Ngân hàng Nhà nước do chính phủ quản lý vì vậy trước khi bắt tay vào vẽ, họa sĩ phải trình bầy ý tưởng với lãnh đạo ngân hàng, khi lãnh đạo ngân hàng đồng ý thì bước tiếp theo là ngân hàng sẽ báo cáo với chính phủ. Họa sĩ Trần Tiến kể, có mẫu người đại diện chính phủ dùng bút bi gạch xóa yêu cầu sửa chữa, nếu vẽ lại sẽ mất thêm vài tháng, tiến độ in tiền sẽ bị chậm kế hoạch, do vậy họa sĩ phải dùng mẹo, không mất công mà vẫn như ý cấp trên. Đến nay lớp họa sĩ thiết kế tiền thứ ba đã thay thế lớp thứ hai, khác với hai lớp trước, họ vẽ trên máy tính và có phần mềm hỗ trợ, vậy nên dựng mẫu, sửa chữa dễ dàng hơn vẽ thủ công rất nhiều.
Tiền các mệnh giá sau năm 1975
Với họa sĩ thiết kế tiền, ngoài chuyên môn mỹ thuật, họ còn phải biết rõ kỹ thuật, giấy của nước nào, công nghệ in ra sao, cỡ tiền thế nào để phù hợp đóng gói, vận chuyển và tương thích với cây ATM. Những chuyện đó cũng không khó, song cùng với nhà in làm giảm giá thành của 1 tờ tiền mới là vấn đề. Họa sỹ Trần Tiến kể, khi in tờ tiền polymer mệnh giá nhỏ ở Úc, các chuyên gia nước bạn đề xuất nên thêm viền mầu quanh cửa sổ, ông Tiến thấy thêm vào cũng không tăng thêm yếu tố bảo an mà phát sinh chi phí, ông nhờ giám đốc nhà máy Bùi Công Lư tính toán hộ, kết quả là chi phí tăng thêm hàng trăm tỉ. Rồi ông thuyết phục cấp trên và rất may cấp trên là cán bộ biết nghe, họ đứng về phe đúng nên tiết kiệm cho nhà nước một khoản ngân sách vô cùng lớn.
Hội họa là đường nét và mầu sắc, với họa sĩ vẽ tiền, đường nét không phải vệt lớn mà là hàng vạn các nét gạch ngang, dọc, chéo, xiên li ti. Cái khó với họ là nếu đưa hình ảnh các công trình văn hóa, tôn giáo, thắng cảnh vào tiền, họ sẽ phải sử dụng ngôn ngữ chải nét thế nào để khi in ra tiền người tiêu dùng có thể nhận biết được khi không có chú thích. Khi đưa hình ảnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vào tiền, họa sĩ phải vượt qua cái gọi là minh họa để ra tinh thần, không khí mới là thành công. Trong âm nhạc có khái niệm hòa âm, trong hội họa có khái niệm hòa sắc, trên một diện tích bé nhỏ của đồng tiền phải sử dụng mầu thế nào để không lòe loẹt, không đơn điệu, không chênh phô nhưng gây chú ý là thách thức không nhỏ. Tài năng của họa sĩ vẽ tiền là ở chỗ đó. Nhìn lại 6 bộ tiền từ 1946 đến nay, nói chung bộ nào cũng vừa mắt.
Họa sĩ thiết kế tiền có ba cái thiệt thòi, không được ký tên dù nhỏ xíu, không nhuận bút và không được đăng ký bản quyền tác giả…
Còn nữa
N.N.T
Mời quý độc giả đón đọc 6 bài của loạt bài:
Những chuyện ít biết xung quanh đồng tiền Việt Nam
Bài 1:Tản mạn 10 thế kỷ tiền Việt
Bài 2:Nghệ nhân tạo mẫu và họa sỹ thiết kế
Bài 3: Từ xưởng đúc đến nhà máy in tiền quốc gia
Bài 4: Tiền giả, nỗi kinh hoàng một thời
Bài 5:
Tại sao là tiền Polymer?
Bài Cuối: 75 năm chân dung Hồ Chí Minh trong đồng tiền Việt Nam