img

Suốt 48 năm “bén duyên” với nghề lặn ngụp giữa dòng nước xoáy sông Hồng, “bà thổ địa” dốc Chèm vẫn luôn xuất hiện mỗi khi có người gặp nạn trên sông, nỗ lực cứu người hoặc đưa những thi thể “mắc kẹt” giữa dòng về với lòng đất.

img

Cướp “bữa ăn Hà Bá”

Men theo dọc con ngõ nhỏ đối diện dốc Chèm, Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội, có thể bắt gặp những gian nhà tạm bợ, lụp xụp bên cạnh một gốc xoài lớn. Đó là tổ ấm của bà Trần Thị Bình (SN 1954) cùng con trai, con dâu và các cháu.

Bà Bình, hay còn gọi u Bình, được người dân quanh vùng ví như “bà thổ địa” dốc Chèm, vì ngóc ngách nào bà cũng nắm trong lòng bàn tay, cả trên bờ lẫn dưới sông, và bởi bà đang làm một công việc không quản ngại đêm hôm, sớm tối.

U Bình tâm sự về công việc mà mình đã gắn bó suốt gần 50 năm như một việc không tên, không kế hoạch, cứ có người gọi là lại đi, chẳng quan tâm thời tiết hay giờ giấc gì.

bà Trần Thị Bình

Nhắc đến cơ duyên theo cái nghề “chẳng ai muốn làm” này, u Bình cho biết, trước đây, cả làng sống trên bè nổi dọc men sông Hồng. Cứ gặp những đám trẻ chăn trâu bị đuối nước, u Bình lại tức tốc nhảy xuống, chiến đấu với xoáy nước để cứu người, nếu không cứu kịp, u cũng ráng hết sức kéo được thi thể lũ trẻ lên bờ, để bố mẹ đưa về nhà an táng.

U Bình chính thức trở thành người con gái duy nhất tham gia vào nghề vùng vẫy trên sông, giành giật “bữa ăn của Hà Bá” sông Hồng vào năm 17 tuổi. Người ta vẫn nói “17 bẻ gãy sừng trâu”, thời điểm đó, u Bình vừa độ một thiếu nữ năng động có sức khỏe, bắp tay săn chắc, ngày ngày lênh đênh khắp các vùng xoáy nước tìm người bị nạn.

img

Vừa tất bật nhóm bếp, đun nấu thức ăn cho kịp bữa, u Bình vừa kể, ngày trước, có nhiều phi vụ trôi nổi trên sông hơn bây giờ, thanh niên thi bơi chết đuối, nhảy cầu chỉ vì học hành thi cử không thông, cãi nhau, chia tay với người yêu cũng nhảy cầu... muôn vàn lý do. Nhưng có lẽ, với u Bình, ký ức rõ nét nhất chính là trận lũ năm 1971, nước dâng cao làm ngập úng trên diện rộng.

Dòng lũ dữ năm đó cuốn phăng bao nhiêu nóc nhà, cướp đi hàng trăm sinh mạng. Gia đình u Bình cùng lao con thuyền nhỏ theo dòng nước, nhào xuống dòng sông xoáy nước ùng ục để giành giật lại sự sống cho những người chới với trong tay tử thần, cứu được người nào hay người đó. Đó là sự kiện đánh dấu mốc bà “thổ địa” dốc Chèm chính thức nhập nghề.

20 năm sau, u mới lập gia đình. Người bạn đời của u Bình xuất thân ở làng Chuông, mặc dù khá sợ nhưng ông vẫn ủng hộ, giục vợ đi cứu người tích đức. Mỗi khi u Bình đi làm thì ông xã lại thu xếp về nhà mẹ ở Hà Đông vì sợ. U Bình hóm hỉnh nhắc: “Ông ấy thủ thỉ: Mỗi lần bà có việc là bà sẽ “mất” tôi 2 ngày, tuy nhiên, ông ấy vẫn giục là bà đi làm ngay đi, làm sớm cho nhà người ta đỡ khổ, đỡ lo”.

48 năm và những hành trình giữa xoáy nước

Cứ mỗi lần nhớ lại công việc của mình, u Bình không khỏi xúc động: “Lúc mới bắt đầu, gặp nhiều quãng sông nguy hiểm, xoáy nước, nông sâu bất chợt, lại rậm rạp cỏ tranh, thậm chí có cả rắn, khiến chúng tôi đôi ba phần e sợ, nhưng sợ vẫn phải làm. Nghĩ đến “nghĩa tử là nghĩa tận” mà làm, cho gia đình họ bớt đau lòng”.

U luôn tâm niệm: “Tôi làm nghề này là vì cái đức, chứ không phải vì tiền, cứ cứu được người là trong lòng cảm thấy thanh thản”. Nhiều khi vớt lên, gia đình người bị nạn khó khăn, u lại tự bỏ tiền làm lễ “chuộc” thi thể khỏi tay Hà Bá, để tiện an táng trong lòng đất.

“Tôi nói thật, nếu làm việc này vì tiền, chắc bây giờ, tôi còn giàu hơn cả tỷ phú”, u Bình cười xòa rồi đưa tay cầm chiếc lưới với những chùm lưỡi móc sắc cạnh, thủ thỉ: “Chiếc lưới này đã đi với tôi được hơn chục năm, đã cùng tôi đưa không biết bao thi thể còn lập lờ giữa dòng nước dữ vào bờ”.

bà Trần Thị Bình

Đó là một dây câu vuông với chùm khoảng 500 lưỡi câu sắc nhọn thả hờ. Theo u Bình, lưới này được mắc vào hai chiếc thuyền giăng ngang quanh khu vực nghi là có nạn nhân, thả xuống nước và kéo đi kéo lại, lưỡi câu mắc vào áo quần nạn nhân. Người vớt kéo nhẹ thi thể đến gần thuyền rồi nhảy xuống buộc nạn nhân vào dây thừng để kéo dần vào bờ.

U bảo: “Khi gặp những thi thể nạn nhân đã bị phân hủy, móc câu chỉ động vào là tan ra ngay, nên phải dùng một chiếc võng, lồng vào, đưa sào ngang khiêng lên và kéo dìu vào bờ”.

Người xưa quan niệm, ngư dân vạn chài không cứu người chết đuối vì một khi Hà Bá đã gọi thì không ai dám cưỡng lại, nhưng u Bình chẳng mảy may nghĩ đến việc bỏ mặc các nạn nhân.

Không ít lần phải mò tìm thi thể ngay trong đêm, mà xác chìm còn bị dòng nước cuốn dạt đi xa, công cuộc tìm kiếm mất hơn hai ngày đêm mới có kết quả, ngâm thân mình dưới nước ngụp lặn chẳng khác nào rái cá.

Cũng có những lần mò tìm giữa trời mưa bão mà gió to đến suýt lật cả thuyền, nhưng u bảo: “Làm nghề này lênh đênh sông nước cũng cần có những chiến thuật nhất định. Không ít trai tráng khỏe mạnh mà làm còn không khéo léo bằng tôi, tôi phải hướng dẫn từng chút một”.

Hơn 60 tuổi, u Bình vẫn có vóc dáng săn chắc, đôi tay nhanh nhẹn và luôn luôn đi chân đất, có lẽ, u đã quen với sự dân dã từ hồi còn sống trên bè nổi.

Suốt hành trình 48 năm có lẻ, u Bình cũng chẳng nhớ nổi đã cứu được bao nhiêu người, hay đã đưa bao nhiêu thi thể về với đất, chỉ biết là con số hàng trăm. Mỗi lần cứu người, u lại như có thêm một người bạn, một người anh em kết nghĩa, một gia đình mới.

Mắng yêu, đánh yêu tử thi vì… thương!

Những cái xác trôi nổi trên sông Hồng, có người thân hồi hộp đứng trên bờ đợi tin tức cũng có mà vô danh, không có ai thân thích cũng không phải là ít.

U Bình buồn rười rượi khi nhắc đến một trường hợp vào ngày 15/5 âm lịch năm 2018, đó là một cô gái bị đuối nước lâu ngày, thi thể rữa nát, rụng hết tóc, bốc mùi nồng nặc nhưng dáng hình vẫn đẹp, mà lại vô danh đến bây giờ vẫn không có người nhận.

img

Có chút lắng lại, u bảo: “Thương lắm! Cũng gần một năm nay rồi, lâu lâu có việc đi qua đó (nơi an táng những tử thi được vớt dưới sông lên - PV), tôi lại ghé vào thắp hương tâm sự với cô ấy vài câu, mong gia đình sớm tìm được, để không phải mãi vô danh như vậy”.

U Bình cũng tâm sự: “Trải qua bao nhiêu năm trong nghề này, tôi gặp đủ những trường hợp thương tâm, nghĩ lại còn muốn rơi nước mắt. Có những cô gái còn trẻ, khi đưa được lên bờ, khám nghiệm pháp y còn có cả hài nhi trong bụng.

Mỗi lần gặp những thanh niên trẻ đuối nước, nhất là quãng độ tuổi con trai mình, sau khi vớt lên bờ, khóe mắt u chợt cay, thương lắm. Nhiều lúc, vừa vớt lên bờ, nghe gia đình nói do nghĩ quẩn tự tử, u phát cho một cái vào mặt, lúc thay quần áo còn phát vào mông, mắng thương, mắng hờn: “Sao mà dại thế hở con? Đang yên đang lành lại tìm đến cái chết, làm khổ mình, làm khổ cả gia đình… Bố mẹ nuôi lớn bằng đó còn chưa kịp trả nghĩa đã dại dột tự hủy hoại mình”.

img

Ngừng lại một chút, u lại tiếp câu chuyện của mình: “Năm ngoái, tôi vớt lên một cậu trai trẻ 22 tuổi, con trai độc đinh, đi thả trâu nghịch dại bị nước cuốn, tôi nghĩ thương cậu ta mà còn thương cả bố mẹ cậu ta, cũng mắng rồi phát cho vài cái”.

Mỗi lần gặp những phận người xấu số khi tuổi dương vẫn còn quá trẻ, kiểu gì đêm về, u cũng nằm trằn trọc nghĩ lại, rồi vẫn còn băn khoăn, thương suốt mấy ngày.

Tựa tay vào lan can, u Bình hướng ánh mắt xa xăm về phía lòng sông, nơi những chiếc thuyền từng hối hả ngày đêm tìm tung tích một ai đó: “Có lẽ với tôi, cái duyên đã được ấn định rồi, “nghiệp” vận làm phúc làm đức cho người xấu số thì tâm cũng thanh thản”. Những ngày cuộc sống êm đềm, u Bình phải “thất nghiệp” là bỗng thấy vui vô cùng, vui bởi không có người xui rủi đuối nước trên sông.

img