Bắt đầu từ năm 2008, đều đặn mỗi đêm, các thành viên câu lạc bộ Hỗ trợ giao thông tỉnh Đồng Nai (SOS 117) gác lại thời gian riêng tư để ra Quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chống “đinh tặc”. Theo đánh giá của anh Nguyễn Hữu Lợi, Đội trưởng câu lạc bộ SOS 117, đây là công việc phức tạp, khó khăn và nguy hiểm.
Tuy nhiên, với tâm niệm “tuổi trẻ phải làm được gì đó giúp ích cho đời, sống phải cho đi”, anh và những người cùng chí hướng đã lựa chọn bớt thời gian nghỉ ngơi để chống lại nạn rải đinh trên đoạn đường này.
Anh Lợi cho biết, nạn rải đinh trên Quốc lộ 51 rất nhiều. Hơn thế, người dân khi đi qua đoạn đường này thường thủng bánh xe. Và khi vào tiệm sửa, họ lại bị “chặt chém”.
“Người dân đi qua đoạn đường này, nhất là vào ban đêm nếu không có người giúp, rất khó khăn và nguy hiểm. Do đó tôi nghĩ đến việc thành lập đội giúp đỡ người hoạn nạn trên Quốc lộ 51. Sau đó, có thêm nhiều anh em tham gia. Chúng tôi không chỉ đi hút đinh mà còn hỗ trợ người gặp tai nạn,...”, anh Lợi nói.
Cũng theo anh, sau khi đội chế tạo ra chiếc máy hút đinh cơ động, mỗi đêm, đội hút được từ 400-500 chiếc đinh. Với “chiến tích” này, tình trạng người đi xe gắn máy trên Quốc lộ 51 bị té ngã do cán phải đinh giảm đáng kể.
Sau “nhiệm vụ” hút đinh, thành viên SOS 117 vươn xa hơn trong việc giúp ích cho đời bằng việc giúp đỡ người gặp nạn, tuyên truyền văn hóa an toàn giao thông, hạn chế bia rượu. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, với khát vọng người đi đường có Tết an toàn, đội lại tình nguyện ra đường canh gác “đinh tặc”.
Đội trưởng SOS 117 chia sẻ: “Kinh nghiệm của đội cho thấy, mỗi dịp lễ, Tết, nạn đinh tặc trên Quốc lộ 51 lại xuất hiện nhiều. Họ rải đinh như gieo mạ. Do đó, đội đã quyết định không nghỉ Tết để ra đường hút đinh, đảm bảo an toàn cho người đi đường”.
Theo đó, các thành viên trong câu lạc bộ đã thống nhất với nhau, ai về quê xa thì về, ai ở lại sẽ “trực chiến” trên đường mỗi đêm, bất kể ngày lễ, Tết.
Để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, câu lạc bộ phân chia thành nhiều tổ công tác. Cứ 4 người thành một tổ, các tổ công tác này phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ người dân.
Anh Lợi thông tin, trong những ngày Tết vừa qua, nhiệm vụ của câu lạc bộ không chỉ giới hạn trong việc hút đinh. Những ngày này, mỗi đêm, SOS 117 còn tham gia hỗ trợ người gặp tai nạn giao thông trên đường, giúp đỡ, đưa người say xỉn về nhà an toàn, đảm bảo an toàn tài sản cho người say xỉn,...
Theo anh Lợi, trực chiến ngoài đường những đêm Tết khó khăn hơn rất nhiều ngày thường. Bởi, dịp Tết, tình trạng người uống rượu, bia tham giao thông rất nhiều. Việc này cũng khiến tai nạn xảy ra nhiều hơn. Do đó, các thành viên câu lạc bộ phải “hoạt động gần như hết công suất”.
Không chỉ thế, thời điểm này, các anh còn đối mặt với “nhiệm vụ” hết sức khó khăn là đưa người say xỉn đến nơi an toàn. Anh nói: “Những ngày Tết, người say xỉn rất nhiều. Có người say đến nỗi ngủ ngoài đường, khi tỉnh thì mất hết tài sản. Do đó, chúng tôi phải hỗ trợ đưa họ về nhà hoặc đến nơi an toàn”.
“Đối mặt với người say xỉn rất khó khăn. Họ thường xuyên không hợp tác, thậm chí còn văng tục, đe dọa, hành hung mình,... Nói chung, công việc này rất nguy hiểm. Bởi, chúng tôi không biết chuyện gì có thể xảy ra trên đường, lúc mình đang giúp đỡ người ta”, người Đội trưởng SOS 117 cho biết thêm.
Và, như các thành viên của câu lạc bộ chia sẻ, cảm giác đứng trực giữa thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là kỷ niệm không phải ai cũng được trải qua. Đó là cảm giác vui, buồn đan xen khó tả.
Trong khi người Đội trưởng nhẹ nhàng nói, anh đã cảm thấy bình thường vì đã quen thì nhiều thành viên khác lại cho biết, khi pháo hoa bung nở trên trời đêm, các anh thoáng có chút nhớ nhà, nhớ người thân. Anh Lợi bộc bạch, đó là cảm xúc bình thường và tự nhiên của con người. Đó cũng là cảm xúc của chính anh lần đầu tiên đứng bên đường, quay lưng lại với ánh sáng pháo hoa để tham gia cuộc chiến chống “đinh tặc”.
Anh nói: “Lúc pháo hoa nổ vang, ánh sáng lung linh hắt lên mặt đường, hoa lá, tôi cũng có chút chạnh lòng. Tôi cũng như các anh em bây giờ, lúc đó cũng chạnh lòng nhớ về người thân. Bởi, trong khi người người cùng quây quần bên gia đình đón năm mới, chúng tôi lại lặng lẽ đứng trong gió lạnh trời đêm”.
Tuy nhiên, các thành viên cho biết, suy nghĩ ấy thoáng qua nhanh. Bởi, những cái bắt tay, cái ôm tri ân của những người không may gặp nạn trên đường đã xua tan tất cả.
“Chúng tôi không phải lực lượng chức năng, nhưng giúp được cho bà con và được bà con yêu quý như thế là hạnh phúc và tự hào lắm. Chút buồn ấy tan mau lắm. Chúng tôi nhanh chóng trở về với lòng tự hào và hạnh phúc”, một thành viên trong câu lạc bộ nói.
Sự yêu quý các thành viên SOS 117 đã được người dân không chỉ riêng TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khẳng định. Theo ghi nhận của PV, trên trang cá nhân của đội, vô số người dân đã bày tỏ lòng tin yêu, biết ơn những con người này.
Chị Lê Thị Hoa Hồng (ngụ tỉnh Vũng Tàu) cho biết: “Nếu như không có các anh, có lẽ tôi đã không kịp về nhà đón Tết. Chỉ khi bạn bị hỏng xe giữa đêm vắng và mọi tiệm sửa xe, nhà nghỉ đều đóng cửa đón Tết mà được những người xa lạ giúp đỡ mới biết cuộc đời đáng sống đến chừng nào”.
Trong khi đó, người dân TP. Biên Hòa lại tỏ ra tự hào và khẳng định, hình ảnh những con người mặc trang phục đứng đảm bảo an ninh cho người dân trong lúc đón giao thừa thật đẹp biết bao.
Anh Lợi chia sẻ, hiện tại anh chưa dám nghĩ đến việc lập gia đình vì sợ làm khổ người mình thương. “Nếu mình chọn hạnh phúc riêng, câu lạc bộ sẽ khó có thể tồn tại lâu dài. Và tôi cũng đã xác định, khi sự nghiệp chưa thành thì chưa nghĩ đến chuyện gia đình. Do đó, tôi cũng không dám “sâu đậm” với ai vì sợ khiến người ta chờ đợi và suốt ngày phải ngóng trông mình”.
Chia tay các anh trong buổi chiều muộn, tôi không khỏi thầm cảm phục. Tận đáy lòng mình, tôi biết trong xã hội còn biết bao tâm lòng nhân hậu, những người vì cộng đồng, họ đã âm thầm đóng góp công sức, sự thiện lành cho xã hội. Họ đúng là những chiến binh âm thầm đáng khâm phục biết bao...
Những ngày qua, thông tin đội Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải phát hiện, bắt giữ đối tượng có tiền án gây ra 9 vụ trộm trong ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều người cho biết, các “hiệp sĩ” đã vì sự an toàn của cộng đồng đã hy sinh những thời khắc ấm áp bên gia đình ngày để rong ruổi đi tuần, săn bắt tội phạm.
Những người chứng kiến các thành viên của đội rong ruổi đi tuần ngày Tết trên các cung đường thường xuyên xảy ra cướp giật cho biết, bất kể ngày đêm, các anh đều chia nhóm đi tuần. Nhiều người dân địa phương cũng tự hào chia sẻ, họ cảm thấy an tâm hơn khi có các “hiệp sĩ” lặng lẽ bảo vệ mình.
Thông tin về hoạt động trên, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Người dân chúng ta nghỉ Tết nhưng tội phạm thì không. Do đó, trong những ngày Tết vừa qua, đội không cho phép mình nghỉ ngơi. Chúng tôi đi tuần liên tục, không nghỉ ngày nào. Nói chung, chúng tôi xác định, công việc của mình thì ngày Tết cũng như ngày thường. Thậm chí, Tết còn “căng” hơn ngày thường”.
Cũng theo anh Hải, tuy đã tự làm công tác tư tưởng rằng, ngày Tết cũng như ngày thường nhưng anh vẫn luôn muốn các thành viên trong đội cần dành thời gian bên gia đình. Sau những phút giây sum họp ngắn ngủi, các anh lại tụ họp lại với nhau, chia nhóm đi tuần. Ghi nhận của PV được biết, hiện tại, đội Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải có khoảng 20 thành viên.
20 thành viên này nằm trong số tuổi từ 20-50. Thế nhưng, dù là thanh niên trai tráng hay trung niên, các anh vẫn chung niềm đam mê săn bắt cướp, bảo vệ người dân. Có thế nên trong những ngày Tết, các anh mới cùng nhau hy sinh thời gian bên gia đình để chia nhóm đi tuần, đón đầu, bóp nghẹt ý định của các loại tội phạm.
Anh Hải nói: “Những ngày này, chúng tôi có ít quân số hơn vì phải thay phiên nhau để anh em còn có thời gian bên gia đình. Do đó, khi đi tuần, chúng tôi phải lên kế hoạch hết sức chi tiết nhằm đảm bảo an toàn. Chúng tôi chia nhau thành nhiều nhóm đi tuần và xuất phát cùng lúc. Các nhóm giữ liên lạc với nhau liên tục. Khi phát hiện tội phạm, các nhóm thông báo cho nhau và để hỗ trợ như: Truy đuổi, bao vây, đón đầu từ xa, bọc hậu,…”.
Cũng theo anh Hải, những ngày Tết, đội hoạt động liên tục nhưng lại có quân số mỏng nên thường ưu tiên đến các điểm đen về tội phạm. Anh nói: “Dịp Tết, chúng tôi không nhận được nhiều cuộc gọi thông báo bị cướp giật. Tuy nhiên, số vụ bị mất trộm lại gia tăng rõ rệt. Trong ngày, chúng tôi liên tục nhận được các cuộc gọi báo mất trộm tài sản như xe máy, điện thoại,...”.
Anh Hải chia sẻ, bước vào nghiệp săn bắt cướp là tự mình mua lấy nguy hiểm, khó khăn. Chưa kể đến phải hy sinh thời gian vui Tết bên gia đình, các thành viên lúc nào cũng đối mặt với sự nguy hiểm, thương tật. Thế nên, đến với công việc này, các thành viên phải có một sự đam mê, lòng dũng cảm hơn người.
Như một minh chứng cho thông tin trên, anh cho biết, trong đội có thành viên “thà bỏ người yêu chứ không chịu bỏ đam mê bắt cướp”. “Em này trước khi vào đội đã có người yêu. Tuy nhiên, khi biết bạn trai theo tôi đi bắt cướp, cô gái có vẻ không vui. Cô nhiều lần khuyên bạn trai từ bỏ vì sợ người yêu mình gặp nguy hiểm. Khuyên mãi không được, cô gái chia tay với bạn trai luôn”.
Thế nên, dù đang là kỳ nghỉ Tết, một trong những thời gian quan trọng và ý nghĩa nhất trong năm nhưng khi nghe người dân báo bị mất trộm, gặp cướp, các anh lại gác đũa, tập hợp lại lên đường truy tìm. Một trong những lần như vậy là vụ bắt “siêu trộm” Đỗ Minh Quân ngay trong chiều mùng 5 Tết.
Thông tin về vụ việc, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải kể: “Trưa mùng 5 Tết, tôi nhận được tin báo của người dân cho biết, gia đình bị trộm cạy cửa lấy đi 2 xe máy và một số tài sản. Nghe tin, tôi liền tập hợp anh em gồm: Nguyễn Quốc Dũng, Trần Tấn Lộc, Phạm Tấn Thanh, Dương Tài và Nguyễn Hoài Nam để lên kế hoạch truy tìm đối tượng. Dù đang trong ngày Tết nhưng anh em vẫn rất nhiệt tình phối hợp tìm kiếm”.
Cụ thể, anh Hải kiểm tra lại camera an ninh để nhận diện đối đối tượng. Sau đó, bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ của mình, anh và đồng đội nhận định, đối tượng là người ở gần nhà nạn nhân. Do đó, đội đã khoanh vùng và xác định được đối tượng gây án, tiến hành truy bắt.
“Chúng tôi rong ruổi từ trưa đến khoảng chiều tối mùng 5 Tết thì phát hiện đối tượng tình nghi đang lẩn trốn trong nghĩa trang có cây cối um tùm. Phát hiện nhóm “hiệp sĩ”, đối tượng bỏ chạy. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên kế hoạch sẵn, chạy được ít phút, đối tượng rơi vào vòng vây của chúng tôi và bị khống chế. Sau đó, chúng tôi đưa đối tượng này về Công an phường An Thạnh, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) để làm việc. Tại đây, đối tượng khai tên Đỗ Minh Quân (SN 1997, ngụ phường An Thạnh, thị xã Thuận An). Quân đã có 1 tiền sự. Ngoài vụ trộm vừa thực hiện, Quân còn khai nhận đã cùng 2 đối tượng khác trộm cắp tài sản hơn 9 vụ”, anh Hải thông tin thêm.
Cũng theo anh, đó là một ngày vất vả bởi cả đội phải đội nắng nửa ngày trời. Thế nhưng, anh và đồng đội lại thấy tự hào và rất vui. Với anh và các thành viên, Tết chỉ thật sự là Tết khi không còn có người bị cướp giật, móc túi, trộm xe,...
Anh nói: “Những ngày Tết vừa rồi nếu nói chúng tôi không buồn là không thật lòng. Mỗi năm có dăm ba ngày Tết nhưng chúng tôi không chở vợ con đi chơi được cũng buồn lắm chứ. Tuy nhiên, khi nghĩ rằng, mình bỏ chút thời gian ra nhưng lại giúp được hàng trăm người khác yên tâm vui Tết thì thấy an ủi và hạnh phúc lắm”.
“Tôi tâm niệm, bắt cướp cũng đòi hỏi sự cần cù, sáng suốt. Nhiều nạn nhân của các vụ trộm cướp là công nhân, gom góp được một số tiền mua trả góp được chiếc xe mà bị mất. Khi đến nhờ chúng tôi hỗ trợ tìm lại tài sản, họ khóc và kể mua xe trả góp chưa xong mà bị mất.
Nghe vậy, chúng tôi liền cố gắng truy tìm để bắt cho bằng được tội phạm. Mỗi lần bắt được tội phạm trả lại được tài sản cho nạn nhân, chúng tôi thấy vui lắm. Còn khi bắt không được, chúng tôi thấy ái ngại, bực bội trong lòng. Năm vừa qua, đội triệt phá được 150 vụ, bắt 186 đối tượng trong đó có một vụ án giết người”, “hiệp sĩ” Hải cho biết.
Mời quý độc giả theo dõi Kỳ I:
Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh: Ly kỳ vụ cứu thai phụ và nạn nhân nhiễm HIV