Đặt chân đến xóm trọ nhỏ nằm sát chân cầu Long Biên, chỉ cách vài trăm mét nhưng chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng ngôi nhà nào, vì chúng bị khuất sau những khóm cây, bụi cỏ cao quá đầu người. Chủ khu trọ cho biết, đây là nơi cư ngụ của những người lao động nghèo ở các tỉnh đổ về Hà Nội, trong đó, có đến hơn chục người già neo đơn đang phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống.
Sống trong xóm nhỏ này từ năm 2000, ở tuổi 74 như chuối chín cây, bà Trần Thị Ba vẫn đang chật vật từng ngày để nuôi người con trai 36 tuổi bị bệnh mất trí nhớ. Trước mắt chúng tôi, là dáng người gầy gò nằm trên mảnh bì rách trước cửa nhà để đón cơn gió hiếm hoi của buổi trưa hè. Bà Ba không dám bật quạt điện, để tiết kiệm.
Phải cởi bỏ hết ba lô, túi máy ảnh ra, chúng tôi mới có thể lách được vào cánh cửa bé xíu của căn phòng tối om. Chỉ rộng chừng 9m2, chất đầy bìa cát-tông, vỏ chai nhựa, lon bia... Toàn bộ sinh hoạt của bà Ba và người con trai diễn ra trong căn phòng được quây kín bằng những tấm tôn và gỗ ép, phả ra hơi nóng khó chịu.
Với tay lấy mảnh bìa, quạt lấy quạt để về phía chúng tôi cho mát, bà Ba bắt đầu chia sẻ: “Mùa nắng thế này, tôi thường đi nhặt đồng nát vào khoảng 3 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Hai mẹ con cố gắng, mỗi ngày cũng làm được khoảng 50.000 đồng. Có hôm nắng quá phải về nghỉ sớm. Hoặc như hôm nay, say nắng quá, tôi vừa phải về nghỉ đây...”.
Người con trai mất trí nhớ cũng được bà hướng dẫn để ít nhiều có thể phụ giúp mẹ, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu, có hôm còn đi lạc. Bà nhớ lại: “Mấy năm trước, nó còn đi lạc lên tận Lào Cai, Yên Bái, phải phiền người của hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội tìm về”.
Vật dụng trong nhà không có nhiều, chiếc nồi cơm điện nhỏ thay thế cho tất cả xoong, nồi, chảo… “Có ăn mấy đâu mà cần nhiều, nấu bát rau xong nấu thêm một bát cơm là đủ hai mẹ con ăn cả ngày rồi. Tối đến, còn ít cơm nguội thì đổ vào nấu cháo, ăn qua bữa. Mấy bà tầm tuổi tôi ở đây tập trung trồng rau ngay phía trước để cùng ăn”, bà chỉ tay về phía vườn rau nhỏ của xóm trọ.
Bữa tối, nồi cháo trắng tinh, không một bóng dầu mỡ, không có mùi vị, màu sắc nào. Bên cạnh là bát rau xanh. “Rau là tôi phải nấu nhừ cho dễ ăn, vì rụng hết răng rồi, không nhai được”, bà cười móm mém. Thoáng trong khóe mắt bà Ba, hiện lên một dòng trăn trở: “Hồi trước, tôi với chồng cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhưng do mất hết giấy tờ, không có cách nào làm lại được để hưởng chính sách của Nhà nước, nên mới “bán mặt” ngoài đường ở cái tuổi này để nuôi con”.
Cách đó không xa, căn phòng của bà Thìn (87 tuổi), còn chật hẹp và lụp xụp hơn nhiều. Nắng nóng trùm lên căn phòng được quây bằng tôn, gỗ, mái bờ-rô-xi-măng. Thấy chúng tôi, bà Thìn đặt vội túi thuốc tây đang uống dở xuống, mời “khách” ngồi. Nhưng chúng tôi không biết ngồi vào đâu, chỉ có thể đứng vì căn phòng nhỏ quá. Bà cho biết, đã về sống ở đây từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng kiếm sống qua ngày bằng việc nhặt đồng nát.
Lâu lắm không thấy người lạ ghé chơi, bà Thìn được dịp tâm sự: “Bố và em trai tôi đều hy sinh trong kháng chiến... Con cái tôi chẳng còn ai cả... Tôi chỉ còn một thân một mình ở đây...”. Nếu còn sức, bà Thìn có thể sẽ khóc ngay lập tức, nhưng có lẽ vì tuổi cao và quá chai sạn với những nỗi đau, nên bà chỉ nói bằng giọng mếu máo, ngắt quãng. Một bên mắt của bà đã hỏng hẳn, bên còn lại cũng đang mờ đi mỗi ngày.
“Hàng ngày, tôi đi nhặt ve chai khắp nơi, thường chỉ được 20.000 - 50.000 đồng/ngày. Có hôm không được đồng nào, nhưng cũng phải cố, chắt chiu còn mua thuốc, mình cứ như con gà bới thóc ý mà”, bà thủ thỉ.
Trong căn phòng chật cứng vì chất đầy đồ đồng nát và quần áo cũ, bà Thìn cho biết: “Tôi phải dàn quần áo cũ ra, treo sát vách tôn để hơi nóng đỡ phả vào nhà. Mùa này, tôn và mái bờ-rô-xi-măng hấp thụ nhiệt cả ngày, đêm còn chưa kịp nguội thì trời đã sáng, lại hứng nắng chang chang. Nhưng biết làm thế nào được, đi đâu bây giờ, nóng thì vẫn phải chịu vậy. Đi làm về, dù nóng quá, cứ nằm trằn trọc mãi, nhưng rồi, mệt quá thì cũng phải thiếp đi”.
“Mùa hè thì nóng, mùa mưa thì ngập. Nước mưa cứ tràn vào nhà, tôi phải tát nước suốt ngày, đồ đạc cũng phải kê hết lên cao, chứ không thì ngay cả nồi niêu cũng bị trôi đi hết”, bà Thìn giải thích về cách sắp xếp đồ đạc trong phòng.
Bà cho biết, mỗi căn phòng như vậy thường có giá thuê là 1 triệu đồng/tháng. “Ông chủ thương người già ở đây nên mới lấy giá đó, chứ những nhà khác trẻ hơn thì phải trả 2 triệu đồng. Tháng này, thu nhập không được nhiều nên tôi còn phải nợ tiền nhà. Giờ không trả được tiền nhà, họ mà đuổi đi, cho người khác đến thuê thì tôi cũng phải chịu...”, ánh mắt bà hấp háy hướng về phía góc trời nội đô.
Chúng tôi tiếp tục đến căn phòng của bà Bình (81 tuổi), một người bán hàng nước rong gần 20 năm qua. “Tôi có hai người con, một đứa không may bị đuối nước, còn con gái nuôi thì lấy chồng mãi tận miền Nam. Nó cứ bảo tôi vào trong đó ở để chăm sóc, nhưng tôi chỉ muốn ở đây, tự làm tự ăn, không phải dựa dẫm vào ai cả”, giọng bà khẽ run lên khi nhắc đến con cái.
Điều đặc biệt ở bà là sự lạc quan, cách nói chuyện dí dỏm của một bà bán nước ngoài đường gần 20 năm khiến người khác thích thú. Nụ cười chân chất vẫn hiện hữu ngay cả khi bà tâm sự về cái khó, cái khổ của mình. Chúng tôi thầm hiểu, có lẽ cuộc đời bà đã từng trải nhiều, khổ nhiều nên cái khổ vốn đã trở thành chuyện bình thường.
Bà nhớ lại: “Có lần, một cô phóng viên hỏi tôi, sau này, chợ Long Biên chuyển đi thì tôi sống bằng cách nào? Tôi đã cười mà đáp lại: Thóc gạo đâu thì bồ câu đấy, chủ lớn buôn to của chợ cũng như giám đốc công ty, đi đâu thì người lao động đi theo đấy. Tôi đi bán hàng thế này, vừa khỏe chân khỏe tay, vừa được xem xã hội biến chuyển đi lên, được xem học sinh đến trường, lại phấn khởi hơn là ngồi ru rú ở nhà...”.
Bà Bình “tếu táo” tự gọi mình và những người già trong xóm trọ là những “kẻ tủi đời, chán đời”. Nhưng ngược lại, chúng tôi nhận thấy một nghị lực đáng kể. Những người già ở tuổi đáng lẽ đang được nghỉ ngơi, vẫn tự tìm kiếm niềm lạc quan để tiếp tục mưu sinh.
Với họ, cuộc sống đủ ăn, đủ tiền nhà trọ đã là một gánh nặng.
Bước ra khỏi xóm trọ lụp xụp, đập vào mắt chúng tôi, lại là những tòa nhà “chọc trời” sừng sững, lại là nhịp sống tấp nập, náo nhiệt của Thủ đô.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, lãnh đạo phường Phúc Xá (Ba Đình) cho biết: “Hiện tại, vẫn còn một số người cao tuổi từ các tỉnh thành khác về đây, ở trọ một mình dưới chân cầu Long Biên. Dù không sống cùng con cháu, không có người chăm sóc nhưng nhiều lần chúng tôi vận động đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội đều không được. Những trường hợp này không phải công dân ở địa bàn nên việc xử lý khá khó khăn”.
T.T-Q.T