“Có những người đã gắn bó, cống hiến mấy chục năm, nhưng chưa kịp cầm sổ hưu trên tay đã qua đời vì ung thư…”. Đó là câu chuyện buồn của những người công nhân cống ngầm, cũng là lý do khiến nghề đang bị già hóa, khan hiếm những người trẻ kế cận.
Cứ mỗi độ tháng 4, đội ngũ công nhân cống ngầm lại hối hả bước vào “guồng quay trọng điểm”, tăng cường làm sạch hệ thống cống ngầm, chạy đua trước mùa mưa, thường từ 15/4 đến 15/10 hàng năm.
Ông Nguyễn Thế Dũng, cán bộ kỹ thuật xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp cho biết: “Tiến độ công việc của chúng tôi phụ thuộc một phần vào mật độ giao thông trên đường. Mỗi tổ có 2 xe hút 8 tấn luân phiên vận chuyển và 1 xe nước phục vụ tắm giặt, dọn dẹp đường sau khi hoàn thành công việc.
Cứ khoảng 15 phút lại hút đầy một xe cơ giới. Mỗi ngày, các tổ sẽ vận chuyển khoảng 10 xe về bãi chôn lấp Yên Sở, cứ thực hiện đến khi cống đảm bảo sạch”.
Vào nghề từ năm 1980, ông Bùi Tiến Dũng (SN 1963), Tổ trưởng tổ cơ giới 6, xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp đã có 39 năm gắn bó với công việc của những “vệ binh” cống ngầm. Ban đầu, ông làm việc ở bộ phận xây lắp, sau đó chuyển về cống ngầm, cũng đã có thâm niên 17 năm ngụp lặn trong lòng cống.
Ông vẫn chưa quên được: “Lần đầu tiên chui xuống ga cống, cả không gian cứ tối hun hút, tôi sợ lắm! Đã vậy, trong lòngcống lại có một lượng lớn khí độc, như bóp nghẹt cả tim, cả phổi tôi, khó thở vô cùng. Tôi hoảng, nhưng vì đi chung với một đàn anh có kinh nghiệm, nên tôi bình tĩnh lại và cũng dần học hỏi được”.
Nhắc đến điều hạnh phúc nhất trong suốt những năm bám nghề, người công nhân 56 tuổi không ngần ngại chia sẻ: “Năm 2000, khu chợ Hòa Bình cứ gặp mưa nhiều là ngập vì cống không thoát được nước, khi dàn xe cơ giới về, chúng tôi đã khơi thông thành công tuyến cống đó, không còn ngập như trước nữa.
Khi chúng tôi quay lại đó, nhà nào cũng ra bắt tay, cảm ơn rối rít: “Cảm ơn các chú, nhờ có các chú làm mà năm nay chúng tôi không phải lội nước nữa…”. Nghe vậy, cả tổ xúc động. Khi chúng tôi làm đến đoạn nào, người dân đoạn đó lại pha nước chanh mời chúng tôi uống lúc nghỉ ngơi cho đỡ khát. Vui lắm”.
Anh Nguyễn Đức Kiên (SN 1993, quê Bắc Ninh) là công nhân cống ngầm trẻ nhất trong tổ cơ giới 6, xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp hiện nay, được xem là “hàng hiếm”.
Chàng trai 26 tuổi này cho biết, anh bắt đầu đi làm từ năm 2014, với mong muốn góp sức để môi trường sạch sẽ hơn. “Với tôi, môi trường là chính sức sống của con người”, anh nhoẻn miệng cười, khẳng định.
Mặc một bộ trang phục bảo hộ kín từ chân đến cổ, anh không quên đeo thêm khẩu trang, găng tay, đội mũ có gắn đèn, rồi nhanh chân bước về phía miệng cống, chuẩn bị vào ga bắt đầu công việc. “Đúng là lần đầu tiên chui vào ga cống, ai cũng sốc thật, đó là cảm giác chung. Nhưng sau đó, được những người đi trước chỉ dẫn, bảo ban mỗi ngày thì chúng tôi quen hơn và chẳng còn sợ nữa”, anh giải thích.
Cầm một chiếc gậy dài khoảng 5m, chọc qua miệng cống xuống để thăm dò mực nước, anh tiết lộ: “Đây là bước kiểm tra bắt buộc trước khi công nhân xuống cống, bởi trong lòng cống có thể có những khúc mà mực nước cao hơn đầu người, phải biết được để chuẩn bị”.
Ngay sau đó, chàng công nhân cống ngầm nhanh nhẹn tụt xuống ga cống, bắt tay vào công việc thường ngày: Chủ yếu là hút bùn, khơi thông cho dòng chảy không bị nghẽn. Đối với những loại rác không hút được thì anh sẽ cho vào xô hoặc quấn bao tải rồi buộc vào dây thừng, ra hiệu cho các công nhân phía trên miệng cống kéo lên, đổ vào xe.
Từ những năm đầu, ông Dũng đã bắt đầu với công việc nạo vét cống ngầm: “Hồi ấy, vẫn còn thô sơ, công nhân làm việc hoàn toàn thủ công, kéo bùn, kéo rác thải bằng xô từ dưới cống lên rồi dùng xe bò vận chuyển đi. Công nhân cũng chưa có trang phục bảo hộ như bây giờ, lội chân đất còn bị mảnh thủy tinh cắt chân thường xuyên. Về sau có kinh nghiệm, đi rón rén hơn nên vết thương cũng đỡ sâu, đỡ nguy hiểm”.
Sang cuối thập niên 90, các tổ công nhân cống ngầm có thêm sự hỗ trợ đắc lực từ những chiếc xe cơ giới hóa, nâng hiệu quả công việc một cách rõ rệt. Mỗi công nhân cũng được trang bị trang phục bảo hộ, độ bền trung bình khoảng 2- 3 tháng.
Tổ trưởng tổ cơ giới 6 vừa giới thiệu vừa như bông đùa: “Anh em công nhân mỗi người được phát 1 bộ, rách đâu vá đấy cho tiết kiệm. Cùng tổ thì mang ra dùng chung, sau đó giặt đi phơi, khi nào hỏng lại mang bộ khác ra, còn lại cất đi để dùng được lâu”.
Đã gần 20 năm trôi qua, người công nhân gạo cội ấy vẫn còn nhớ đến một sự cố xảy ra trong lần nạo vét cống ngầm tại phố Châu Long, quận Ba Đình. Hôm đó, sau khi đắp kè cống, rút nước để dọn trong ga cống, đột nhiên, đập bị vỡ, nước ập vào xối xả. Mặc dùcó người cảnh báo, công nhân trong cống chạy ra không kịp nên đã phải “uống” khá nhiều nước cống, người công nhân hôm đó được một phen hoảng hốt, hết hồn.
Chính vì thế, tất cả công nhân cống ngầm đều phải biết bơi để phòng những sự cố tương tự. Từ mặt đường đến đáy cống khoảng 4m-4,5m và mực nước thì từ 1m-2,2m nên phải thăm dò trước khi xuống. Có những đoạn cống như ở Hào Nam, bình thường nước không sâu, nhưng đang làm mà mưa là phải chạy ngay ra ngoài vì nước ở mọi khu vực sẽ dồn về đây rất nhanh, không rút nhanh thì nước dâng cao ngập đầu.
Trong lòng cống luôn có những yếu tố thách thức giới hạn chịu đựng của người công nhân cống ngầm như mùi rác đọng nồng nặc, sự ẩm thấp, tối tăm, chuột bơi hàng đàn, thậm chí nước cũng có chỗ nông chỗ sâu, có chỗ sâu tới 2,2m. Đó là chưa kể đến những loại rác gây vết thương trực tiếp lên cơ thể, như mảnh chai thủy tinh, bơm kim tiêm… và khí độc bốc lên có thể gây ngộ độc.
Kết thúc ca làm, những chàng công nhân cống ngầm leo lên khỏi miệng cống, nhanh chân ra xe nước để tắm giặt rồi nghỉ ngơi.
Nhắc đến những nỗi ám ảnh từ dòng nước thải trong “thế giới ngầm” dưới kia, ông Bùi Tiến Dũng vẫn không khỏi cau mày: “Có nhà hàng, xí nghiệp không xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra cống nên nước trong đó mang theo biết bao nhiêu nguy hiểm, độc hại.
Hồi nhà máy rượu còn ở đây, mỗi lần thải bã rượu ra, không ai dám xuống, mùi rượu nồng lên trong lòng cống như mùi thiu, công nhân vừa xuống, ngửi thôi đã say, đã choáng.
Bây giờ còn đỡ, chứ trước đây, cứ dịp 8/3, người ta nhuộm vải màu gì thì nước sông Kim Ngưu chuyển màu ấy; xí nghiệp dược phẩm trung ương I mỗi lần xả ra thì không ai dám xuống, thứ nhất là nước nóng và thứ hai là mùi với khí độc bốc lên ngùn ngụt, không ai chịu được. Bởi vậy, tôi mới nói, những người làm nghề này, không yêu nghề, không chấp nhận hy sinh với nghề thì không thể làm được”.
Nghề công nhân cống ngầm đang bước vào giai đoạn “kén người” thực sự. “Lứa thanh niên hiện nay không có nhiều người muốn gắn bó với công việc này. Có những cậu đang hào hứng khi mới vào nghề, được trải nghiệm chui xuống cống ngầm một buổi, hôm sau đã “chạy mất dép”. Thanh niên ai mà trụ lại được thì phải rất yêu nghề, và chắc chắn cũng sẽ gắn bó được lâu. Các “đồng chí trẻ” trong đội ngũ bây giờ là hiếm lắm”, người cán bộ kỹ thuật xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp sắp bước sang tuổi nghỉ hưu tâm sự.
Trời càng nóng, khí độc trong cống càng bốc lên nhiều. Có thể mở cống cho thoáng hơn, không gây tử vong ngay nhưng có thể bị ngộ độc vì hít phải lượng khí độc tích tụ trong đó, dù có trang bị đến đâu đi nữa. Nhiều người đã gắn bó, cống hiến mấy chục năm, nhưng chưa kịp cầm sổ hưu trên tay đã qua đời vì ung thư phổi, ung thư gan… Đó là nỗi buồn của nghề! Cũng là “đòn hiểm” giáng vào tâm lý đội ngũ công nhân trẻ. Chúng tôi vẫn luôn động viên lớp trẻ để theo nghề đến cùng”.
“Nỗi vất vả của người công nhân cống ngầm không sao tả hết, nhưng suốt bao năm qua, những người đồng nghiệp ở đây sống rất tình cảm, từ lãnh đạo cũng thật thân tình.Vì vậy, dù công việc có khó khăn, bẩn thỉu hay nguy hiểm thế nào, tôi vẫn chọn gắn bó”, Tổ trưởng tổ cơ giới 6 khẳng định.
Nụ cười vẫn thường trực trên khuôn mặt, dù cho công việc của họ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy tiềm ẩn trong lòng cống.