Tiếng còi hú liên hồi, tiếng khóc thê lương vang lên trong đêm tĩnh mịch, không khí đậm đặc mùi thuốc sát trùng, những ánh mắt vô hồn, những khuôn mặt phờ phạc, cùng những nỗi đau mòn mỏi tìm kiếm ngày về,…là những ám ảnh đối với nhiều người mỗi khi đặt chân vào bệnh viện…
Nơi tập trung của những “thương binh” bỏng
Trong một dịp công tác ra Hà Nội, ghé thăm người quen đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Phùng Hưng, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội), tôi có dịp đi tham quan và ghé qua một số phòng bệnh. Khung cảnh thường thấy cũng như ở bất kể bệnh viện nào là ngổn ngang tâm trạng tréo ngoe và đặc trưng nhất ở đây là nơi tập trung của những “thương binh” bị bỏng.
Bỏng đủ các thể loại trên đời, nào là bỏng nước, bỏng điện, bỏng do hóa chất, oxy hay cồn… Đối tượng bệnh nhân cũng khá đa dạng, người già có, người trẻ có, nhưng ấn tượng đập vào mắt khiến tôi bủn rủn hết chân tay đó là hình ảnh của những em bé còn rất nhỏ, đặc biệt là độ tuổi vừa mới chập chững biết đi, tay, chân, mặt mũi, mông đùi, thậm chí khắp cả người băng bó. Có những bé bị bỏng nặng nằm bất động cùng tiếng tít tít của những chiếc máy đo nhịp tim khiến một kẻ yếu tim như tôi suýt tụt huyết áp, phần vì thương, phần vì sợ.
Có lẽ các em còn quá nhỏ để hiểu rằng, nơi đây chẳng phải dành cho các em, thế nên việc của các em là vô tư khóc, cười, hồn nhiên đùa nghịch mà đâu biết rằng, trên da thịt mình đang đau và cả những thương tổn chắc sẽ còn mãi đến những năm tháng về sau.
“Đau lắm, xót xa lắm cô ơi!”
Tò mò bệnh nghề nghiệp, tôi chú ý ngay tới trường hợp của một em bé mới 3 tuổi đang khóc ngặt chắc vì đau quá. Tìm hiểu tôi được biết, đó là bé Trần Đăng Khôi, con trai anh Trần Đăng Quyền (SN 1982, quê ở Quảng Trị), vợ là chị Lô Thị Nam (quê ở Nghệ An), tạm trú tại thôn 5, Quảng Tâm, Tuy Đức, Đắk Nông.
Cùng cảnh xa nhà, mưu sinh nơi mảnh đất xa lạ, anh chị cảm mến nhau và quyết định tiến tới hôn nhân. Năm 2013, sau khi kết hôn anh chị tiếp tục dắt díu nhau vào Đắk Nông mưu sinh, lập nghiệp. Hai anh chị cùng làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty Cao su Phú Riềng, Đắk Nông.
Năm 2015, chị Nam hạ sinh em bé đầu lòng là bé Trần Đăng Khôi và năm 2016, vì nhỡ kế hoạch, chị lại tiếp tục sinh thêm một bé gái là Trần Thị Nhã Quyên. Niềm vui, niềm hạnh phúc chưa được bao nhiêu thì gánh nặng cơm áo gạo tiền oằn lên đôi vai hai vợ chồng. Cuộc sống ở nơi mảnh đất quê người đã khốn khó nay các con ra đời khiến anh chị lại càng khổ cực trăm bề.
Nhưng định mệnh khéo đùa giỡn con người. Gánh nặng kinh tế chưa vơi bớt thì tai họa lại giáng xuống. Anh Quyền nghẹn ngào kể lại: Khổ lắm cô à, không làm thì không có tiền nuôi con, nhà trẻ không có để gửi, đường sá đi lại khó khăn. Tết gần đến, cũng vì muốn mua thêm cho con vài bộ quần áo ấm phòng khi trái gió trở trời nên cả hai vợ chồng tranh thủ lúc các con ngủ, hay chơi với nhau đi làm quanh quẩn gần nhà, thi thoảng lại chạy về thăm con. Nhưng rồi...
Sáng 27/12/2017, hôm đó hai vợ chồng tôi và bác họ đang cạo mủ cao su gần nhà thì phát hiện nhà bị cháy, cả ba người cùng chạy về thì ngôi nhà đã chìm trong biển lửa. Về tới nơi, tôi nhìn thấy bé Trần Đăng Khôi nằm giãy giụa giữa nhà liền chạy vào cứu con… Đau đớn, xót xa lắm cô ơi!, nhắc lại bi kịch xảy ra gần một năm trước, gương mặt người đàn ông gần tứ tuần chùng xuống như cả bầu trời tăm tối của ngày hôm qua lại hiện về.
Và đáng tiếc, vụ hỏa hoạn kinh hoàng ngày hôm đó đã cướp đi sinh mạng của đứa con gái bé bỏng còn mùi hơi sữa (bé Nhã Quyên lúc đó mới 15 tháng tuổi) và cướp đi cả tương lai phía trước của cậu con trai chưa tròn 3 tuổi của anh. Bé Khôi bị bỏng toàn thân.
Do bị bỏng đến 80% cơ thể, bé Khôi đã được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đi Bệnh viện Nhi Đồng II (TP.Hồ Chí Minh) để tiếp tục cấp cứu. Sau hai ngày hôn mê, cháu có dấu hiệu tỉnh nhưng toàn thân bỏng nặng, sức khỏe rất yếu, lúc đầu các bác sĩ chỉ biết lắc đầu vì cơ hội sống của con rất ít, may mắn là con đã tỉnh lại, anh Quyền bồi hồi xúc động.
Anh Quyền cho biết thêm: Nhờ mọi người giúp đỡ, các bác sĩ tận tình cứu chữa, sau thời gian điều trị tình trạng bệnh của cháu Khôi cũng có chuyển biến tích cực. Sau đó, vợ chồng tôi đưa bé ra điều trị bằng thuốc gia truyền của một lương y tại Thái Bình. Điều trị tại đây một thời gian, cháu Khôi cũng có đỡ hơn, tuy nhiên để cháu được điều trị tốt hơn, vị lương y đã yêu cầu gia đình cho cháu chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia để chữa trị tiếp.
Sau khi trò chuyện với anh Quyền, tôi ngồi sát bên cạnh nắm lấy tay bé Khôi và hỏi: - Con có đau không? Bé gật đầu. - Con đau ở đâu? Con không nói gì, chỉ hướng ánh mắt ra nhìn bố. Chắc bé sợ người lạ. Hay tại quá lâu rồi con chỉ làm bạn với dây chuyền, kim tiêm và chiếc giường bệnh bé nhỏ.
Bé Khôi nhỏ thó, chẳng thể đi, chẳng thể đứng, chỉ lê lết đôi chân co quắp như cố nhảy chồm dịch chuyển từ chỗ này qua chỗ khác trên chiếc giường bé nhỏ. Người còn băng bó nhiều chỗ nhưng Khôi vẫn vô tư hồn nhiên, cười khoái chí và thích chơi những trò chơi của tuổi lên 3.
Ngoài những lúc phẫu thuật, khỏe lại là cháu nghịch lắm, thích chơi trốn tìm trong chăn, thích chơi ô tô, thích cầm bút viết, thích đá bóng, cháu không đi được nên chỉ ngồi lết theo quả bóng và đuổi theo ô tô, người bố nở nụ cười hiền và đôi mắt ánh lên niềm vui hiếm hoi khi kể về sự hồn nhiên của con.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về tình trạng bệnh của bé Khôi, bác sĩ Phan Thị Thục Trang, người trực tiếp điều trị cho bé Khôi tại Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia cho biết: Bé Trần Đăng Khôi nhập viện ngày 6/9 trong tình trạng bỏng, tứ chi bị co kéo. Đỉnh đầu còn khoảng 2% tổ chức hạt. Từ khi nhập viện, cháu đã được phẫu thuật 3 lần. Ngày 10/9, bệnh viện đã tiến hành ghép da đầu cho cháu thành công. Tiếp đó là phẫu thuật ghép da ở mí mắt trên và dưới ở bên phải. Và lần phẫu thuật gần đây nhất đã ghép da cho bé ở vùng cổ phải.
Hiện tình trạng của bé Khôi mới chỉ cơ bản đỡ được bước đầu, hai tay chân vẫn bị co quắp, cần tiến hành phẫu thuật nhiều lần nữa để trả lại chức năng cho em. Nhưng vì sức khỏe bé còn yếu không thể tiến hành phẫu thuật cùng lúc, và phải đợi khắc phục dần. Với trường hợp này nếu được điều trị sớm hơn thì chắc chắn tình trạng sẽ không nặng như bây giờ, bác sĩ Thục Trang cho biết thêm.
“Ở đây mọi người tốt hơn ở trên nó”
Nằm cạnh giường của bé Khôi còn có bé Giàng Thị Dinh (18 tháng tuổi). Được biết, bé Dinh cũng là một trường hợp đặc biệt ở đây, vì em là người dân tộc Mông, điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Bé Dinh bị bỏng do anh trai đang bê bát canh thì em chạy qua và bị đổ xuống mặt, cằm, nặng nhất vùng cổ.
Tôi đến gần, em bé đang ngủ ngoan, ông bố trẻ ngồi thất thần bên cạnh con. Giữa thành phố xa hoa, hai bố con Giàng A Sam (SN 1994, bố bé Dinh), xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái như là “của lạ”, “hàng hiếm” và tự ti, lạc lõng giữa bao người. Khi tôi bắt chuyện, cậu có vẻ hơi dụt dè nhưng trả lời rất chân thật:
- Em xuống đây điều trị cho con bao lâu rồi? - Tầm 1 tháng
- Vợ em đâu?- Nó ở nhà trông hai đứa lớn.
- Vợ em sinh năm bao nhiêu?- Không biết.
- Có tổ chức đám cưới không? - Không.
- Con bị sao, đỡ chưa?- Nó bị bỏng, chỗ đó lâu khỏi, nó cứ liền rồi ngủ dậy lại bị chảy máu, da dính với nhau, cổ bị ngoẹo một bên nên đi toàn bị ngã. Bác sĩ đã phẫu thuật ghép da, cũng sắp khỏi ạ.
- Con bị bỏng bao lâu rồi? - Từ trước tết tới giờ, cũng tầm 10 tháng rồi.
-Sao để con bị lâu vậy? - Lúc con mới bị em có mang ra trạm y tế xã, rồi họ cho xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, điều trị ở đây 1 tháng thì xin về nhà ăn tết. Về nhà mệ nó lấy thuốc lá đắp cho con thì vết thương có khô lại nhưng chưa khỏi hẳn, máu cứ rỉ ra. Em cho xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ khám lại, họ nói không chữa được nên chuyển xuống đây.
Ở đây em có gặp khó khăn gì không?- Em xuống đây không có tiền, nhưng được mọi người giúp đỡ. Họ cho em cơm cháo từ thiện, cho con sữa, cho em tiền, cho em cả quần áo. Mọi người ở đây tốt hơn ở trên em. Nhưng ở đây lâu quá rồi, em phải về kiếm tiền mua gạo cho mẹ con nó.
Chia sẻ với PV, bác sĩ Thục Trang cho biết: Bé Giàng Thị Dinh nhập viện trong tình trạng vùng da cổ bị hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng. Sau hơn một tháng điều trị, bé Dinh đã trải qua quá trình phẫu thuật tái tạo da. Hiện cháu đã dần ổn định và có thể xuất viện.
Em bé rất đáng thương, đêm đầu tiên xuống viện không có mẹ cứ khóc ngặt nghẽo, nhìn cổ cháu đau mà thấy xót xa. Tội nghiệp bố con nó, nhà xa xôi, người dân tộc, kinh tế lại khó khăn, nói tiếng Kinh còn chưa sõi, có một thân một mình ở đây chăm con. Chắc vì không hiểu biết, nghèo khó nên mới để con bị nặng như vậy. Chúng tôi cũng thương tình, người giúp đỡ cái này cái kia. Nghe tin cháu chuẩn bị về chúng tôi gom góp mỗi người một ít giúp bố con nó tiền tàu xe, của ít lòng nhiều, thấy người ta khó khăn mình chịu không nổi, bà Đặng Thị Mai, chăm cháu bị bỏng cùng phòng chia sẻ.
“Mẹ ơi! Con đau lắm, con không chịu nổi nữa rồi”
Không còn bé bỏng như Khôi và Dinh, nhưng trường hợp của em T.T.L.H. (SN 2008) cũng dở khóc dở cười. Thấy em nằm mà nước mắt cứ chảy, tôi tò mò hỏi người đàn bà ngồi cạnh, là mẹ em, chị Trần Thị Sớm (trú thôn Trung Lưu, xã Lưu Xã, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) thì được biết H. hiện đang học lớp 5. Do ở nhà xem trên ti vi người ta hướng dẫn cách nướng thịt nên em lấy cồn học làm theo dẫn đến hậu quả em bị bỏng 33%, độ II, III, IV ở mặt, cổ, thân và chi.
Lúc lửa bùng cháy chỉ có cháu H. và bà nội 80 tuổi đã già yếu ở nhà nên không thể cứu cháu được. Cháu đã phải chạy sang hàng xóm nhờ dập lửa. Thương con lắm mà chẳng thể giúp gì được cho con. Nhiều lúc đau quá không chịu được cháu lại khóc và kêu: “Mẹ ơi! Con đau lắm, con không chịu nổi nữa rồi”. Từ ngày bị bỏng, ngày nào cháu cũng gào khóc vì đau đớn, vì sợ khi nghĩ rằng sau này mình sẽ xấu xí, không còn xinh đẹp như xưa. Trước đây cháu rất xinh xắn, hay làm điệu, lại thích chụp ảnh, nhưng giờ cháu không dám soi gương. Cứ hễ ai hỏi đến lại im lặng, hoặc gắt gỏng, chị Sớm buồn rầu khi nghĩ đến tương lai của con.
Chị Sớm cho biết thêm: Con tôi nhập viện đúng ngày 2/9, vào dịp trường chuẩn bị khai giảng, sắp được đến trường vui vầy với các bạn. Hiện, H. đã nằm viện hơn một tháng. Cháu đã trải qua 3 lần mổ ghép da ở cổ, mặt, ngực, đùi. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu không điều trị, chăm sóc cẩn thận các vết bỏng nặng có thể sẽ để lại di chứng lâu dài.
Ngoài ba trường hợp trên, ở đây còn có nhiều trường hợp bị bỏng cũng rất thương tâm. Thế mới thấy, cuộc sống có quá nhiều điều bất ngờ xảy đến mà chúng ta chẳng thể lường trước. Nguyên nhân thì muôn hình vạn trạng. Nhưng đáng tiếc là, nhiều trường hợp vì cha mẹ không hiểu biết, tự chữa trị ở nhà cho con hoặc tìm đến thầy lang đắp lá khiến tình trạng bỏng của con bị nặng hơn, dẫn đến việc điều trị lâu dài và tốn kém.
Chia tay bé Khôi, bé Dinh, bé H. cũng là lúc trời chập choạng tối. Tôi mơ hồ nhận ra về những ranh giới mong manh của cuộc sống, giữa được và mất, giữa sinh và tử, giữa hạnh phúc và khổ đau... Và liệu các em có tìm được ngày về là nguyên vẹn chính mình hay lại là mặc cảm, tự ti, là tủi hờn mà cả những năm tháng về sau chắc chẳng bao giờ lành được.
Ngoài kia phố đã lên đèn…
Sau hơn một tháng từ cuộc gặp gỡ đó, tôi có dịp quay trở lại thăm các em. Nhưng thay vì sự xuất hiện của ba em là nhiều trường hợp bị bỏng khác. Tôi mừng vì ba em sức khỏe ổn định và đã xuất viện, duy chỉ có bé Khôi sẽ quay lại điều trị tiếp sau một thời gian hồi phục sức khỏe.
Một mùa xuân nữa lại về, nụ cười hồn nhiên, vô tư của bé Khôi cứ ám ảnh, khiến tim tôi nhức nhối nhưng nó giúp tôi có thêm niềm tin vào tương lai của các em. Mong rằng, phép nhiệm màu sẽ xuất hiện, và có lẽ phép màu tuyệt vời nhất chính là sự biến đổi từ bên trong tâm hồn của mỗi con người. Như Nick từng nói: “Mất hy vọng còn tồi tệ hơn cả mất chân tay”.