img img

img img

Người Đưa Tin (NĐT): Ông đã từng là Viện trưởng ở Ủy ban Vật giá Nhà nước, Vụ trưởng ở Ngân hàng Nhà nước và Phó Chủ tịch của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; ông cũng đã từng là chuyên gia tư vấn của nhiều đời Thủ tướng. Nghe nói ông cũng là một trong những người đầu tiên kinh doanh chứng khoán, thực hư thế nào thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi bắt đầu mua chứng khoán lúc sắp kết thúc khóa học ở Đại học Harvard (Mỹ). Với số tiền tiết kiệm được từ học bổng tôi đã dành 10.000 USD để đầu tư chứng khoán với mục đích là sau này các con sang học có thể bán đi để lo học phí.

Khi tôi đi ra quầy giao dịch của công ty chứng khoán đã gặp một nhân viên tư vấn rất có tâm, cô ấy bảo tôi nếu muốn đầu tư cho con cái sau này (dài hạn) thì không nên mua cổ phiếu mà phải mua chứng chỉ quỹ và gửi tài liệu cho tôi nghiên cứu.

Về nhà, tôi tham khảo thêm ý kiến của một cô bạn là người Mỹ và nhận được lời khuyên nên đầu tư vào một công ty có rủi ro trung bình, lợi nhuận trung bình để đảm bảo sinh lời.

Tài liệu tôi nhận được đều ghi rất rõ ràng các thông số về từng công ty từ lợi nhuận 5-10-20 năm qua, rủi ro được đánh giá ở mức nào, lợi nhuận lũy kế qua các năm ra sao,… tôi quyết định chọn quỹ Fidelity để đầu tư với mức sinh lời dao động từ 17-20%/năm, đây là một quỹ lớn của Mỹ chuyên về mảng công nghiệp, chế tạo và hoá chất.

img

Đến năm 2005-2006, con trai và con gái tôi lần lượt sang học Master tại Mỹ, tôi mới nói con trai bán số cổ phần đầu tư đó đi để lấy tiền trả học phí cho hai anh em. Rất may là việc mua bán vào thời điểm đó ở Mỹ đã được điện tử hóa, thực hiện rất dễ dàng và con số lũy kế đã lên tới hàng chục ngàn USD.

Đấy là lần đầu tiên tôi đầu tư chứng khoán và biết thế nào là cảm giác sinh lời từ ngành này, tôi cũng thấy thú vị, không chỉ bởi phát sinh lợi nhuận mà vì mục tiêu ban đầu tích cóp tiền cho các con đi học của mình đã thành hiện thực.

NĐT: Vậy cái duyên của ông đối với chứng khoán Việt Nam bắt đầu ra sao?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nói rằng tôi là một trong những người đầu tiên tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không sai. Năm 2000 tôi vào Tp.Hồ Chí Minh mổ mắt (đục thủy tinh thể) tại Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất).

Sáng vừa mổ xong thì đến trưa tôi sốt ruột trốn về vì nằm viện chán quá, đang đi bộ để tìm taxi thì tôi bị thu hút bởi một quán Cafe Chứng khoán nằm gần đó trên quận 3. Tôi đi vào thì thấy trong quán không có một vị khách nào, chỉ thấy một chiếc bảng đen ghi giá cổ phiếu của REE và SAM được viết bằng phấn trắng treo lủng lẳng.

Chủ quán nói nếu muốn mua thì phải đặt cọc trước 10%, tôi quyết định đầu tư 300 triệu đồng chia đều cho hai mã REE và SAM, số tiền cần đặt cọc là 30 triệu đồng.

Không mang sẵn trong người nhiều tiền như vậy, tôi phải đi huy động thêm mấy người bạn tại Tp.Hồ Chí Minh cho đủ. Vào thời điểm đó đây là một khoản đầu tư rất lớn, rất mạo hiểm, nhưng vì đã có chút ít kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường chứng khoán nên tôi thuyết phục bạn bè cùng đầu tư.

Hồi chúng tôi mua vào, mã REE đang ở mức 1.04, sau nửa năm đã tăng trưởng lên tới 11, đem về khoản lãi vài ba tỷ đồng, chúng tôi quyết định bán đi một nửa số cổ phiếu đang nắm giữ thu về khoảng 1,6 tỷ đồng. May mà vào thời điểm đó cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có khung giá nên việc bán cũng nhanh chóng.

Một nửa còn lại chúng tôi cứ để đó, có giai đoạn thị trường xuống đáy, số cổ phiếu này giảm về mức 1.1, chúng tôi không bán mà cũng cứ giữ nguyên. Cho đến vài năm sau, thị trường chứng khoán tăng dựng đứng đến ngưỡng 23 - 27 thì chúng tôi bán nốt số còn lại, thu về một khoản kha khá để đầu tư các mảng khác như là một trải nghiệm mới.

img

NĐT: Đầu tư chứng khoán đem về lợi nhuận cao như vậy, ông có giới thiệu cho họ hàng hay bạn bè mình cùng đầu tư không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi có giới thiệu cho người quen của mình, nhưng họ không tin. Vào những năm 2000 thì khái niệm chứng khoán đối với người Việt Nam còn quá mới mẻ và xa lạ, người ta sợ, người ta e dè vì rủi ro quá.

Ngộ chẳng may bỏ tiền vào rồi mất hết thì sao, nhất là khi tiền vốn bỏ ra cũng không phải con số nhỏ, thế nên chẳng ai nghe tôi đi mua chứng khoán, tôi thấy vậy cũng không rủ thêm ai.

Thế nhưng sau này khi chứng khoán lời lãi nhiều, tôi đã giúp nhiều người bạn đổi đời bởi tôi vay tiền của bạn bè song trả nợ bằng cổ phiếu, đến lúc họ bán đi lời quá trời, khi ấy họ mới tin.

Bạn bè thấy tôi đầu tư được, có sự hiểu biết rõ về chứng khoán, dần dần có người cũng đến tìm tôi nhờ tư vấn, hỏi xem nên đầu tư vào đâu, như thế nào, tôi cũng vui vẻ mà chỉ cho họ.

NĐT: Là người chứng kiến cả chặng đường phát triển của thị trường chứng khoán từ thời ấy đến nay, ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Dù là ngày ấy hay bây giờ, chứng khoán vẫn là một thị trường đầy triển vọng. Nói vậy bởi Việt Nam là một quốc gia có dân số đông, mang trong mình dòng máu dân Bách Việt: giỏi làm ăn, kinh doanh, buôn bán; song cũng vô cùng thích rủi ro, chấp nhận rủi ro đặc biệt là rủi ro tài chính. Chứng khoán được đánh giá là một bộ môn có hội tụ đủ mọi yếu tố rủi ro cao, lợi nhuận cao, đánh trúng vào “ngón nghề” của người Bách Việt cả ngàn năm nay.

img img

Tất nhiên, thị trường chứng khoán có còn dư địa phát triển hay không cũng còn phụ thuộc vào các đề án quy hoạch lại thị trường của Nhà nước.

Nếu cổ phiếu được phân theo nhóm cụ thể (rủi ro cao, thấp, trung bình); công ty chứng khoán hoạt động chặt chẽ, nghiêm túc hơn; Uỷ ban Chứng khoán có thêm chức năng điều tra để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm; toàn thị trường có thêm sự tồn tại của các công ty xây dựng thị trường với nhiệm vụ cân bằng thị trường, thì tôi tin chứng khoán Việt Nam sẽ còn thăng hoa hơn nữa.

img img

NĐT: Thành công ngay trong thương vụ đầu tiên, hẳn là ông sẽ rất “máu” đầu tư tiếp. Hiện danh mục đầu tư của ông đang sở hữu những cổ phiếu nào và tổng giá trị đầu tư vào thị trường này là bao nhiêu?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Mục tiêu ban đầu tôi chơi chứng khoán để nghiên cứu thị trường, đồng thời cũng là tìm hiểu về cách mà “bộ môn” này vận hành tại Việt Nam ra sao.

Tôi không có ý định làm giàu từ chứng khoán. Khi tìm hiểu đủ rồi, có đủ trải nghiệm, kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường chứng khoán, tôi dừng lại ngay, gần như không mua bán thêm nữa. Việc lời lãi từ chứng khoán, cũng chỉ là việc phát sinh trong quá trình tôi nghiên cứu.

Tôi luôn tâm niệm rằng đã là người nghiên cứu thì không thể xa rời thực tiễn, và nếu như không trực tiếp tham gia thì không thể có cái nhìn khách quan và trực diện. Do vậy, nghiên cứu về chứng khoán thì tôi đầu tư chứng khoán, nghiên cứu bất động sản tôi cũng trực tiếp đầu tư bất động sản (thành công ban đầu nhưng cuối cùng thất bại), do đó mọi hiểu biết của tôi đều xuất phát từ thực tiễn như vậy, để tránh cái nhìn sách vở về thị trường.

img img

Sau này khi về làm việc tại Ngân hàng Nhà nước, một lần nữa tôi lại cùng với một vài bạn bè thân tín định thành lập ngân hàng thương mại, đã đầu tư khá nhiều tiền cho văn phòng, thậm chí xây cả kho tiền.

Tôi đã mời Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, lúc đấy đang làm Chủ tịch Ngân hàng Thương mại First Vietnamese – American Bank ở Mỹ về Việt Nam với ý định sẽ làm Tổng Giám đốc cho Ngân hàng này. Ông Hiếu đã từng làm Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Deutsche Bank tại Việt Nam.

Rất tiếc là hồ sơ không được xét vì có chỉ thị từ Trung ương ngừng cấp phép ngân hàng thương mại. Trải nghiệm này không thành, nhưng mất khá nhiều công sức làm đề án, đặc biệt là các khoản đầu tư lớn ban đầu của mấy anh em dần tan biến.

Thực ra tôi không có máu kinh doanh, không đam mê mà chỉ để trải nghiệm, học hỏi, hiểu biết và như thế thì rất khó trở thành doanh nhân vĩ đại.

Các bạn nếu đi vào con đường kinh doanh thì phải quyết chí và đam mê cộng với sự hiểu biết nhất định sẽ thành công. Đất nước đang cần nhiều doanh nhân trẻ, dũng cảm, trí tuệ và yêu mảnh đất thiêng liêng này.

img img

NĐT: Ông là một Đảng viên, một công chức cao cấp, việc đầu tư kinh doanh, ngoài trải nghiệm hẳn phải có mục đích khác?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy, slogan của Đại học Harvard là “Trở thành công dân giàu có trong một quốc gia giàu có, chứ không làm người giàu có trong một quốc gia nghèo nàn”.

Tiền lương là động lực vật chất của làm việc nhưng lương công chức Việt Nam rất thấp, tư duy trả lương hiện nay khiến cho động lực làm việc thấp hơn động lực tham nhũng, kỷ luật công vụ ít lợi ích hơn vô kỷ luật, lười biếng.

Theo tôi, lý thuyết tiền lương phải phù hợp với năng suất là thứ logic “ngược đời”. Chính tiền lương mới là động lực tạo ra năng suất, làm sao tiền lương phải vừa có giá trị vật chất, vừa có giá trị văn hóa – xã hội mới tạo ra hạnh phúc lâu dài.

Tiền lương thấp trong khu vực công là nguyên nhân làm năng suất toàn xã hội suy giảm. Chống tham nhũng như hiện nay là tối cần thiết, nhưng nếu không tập trung giải quyết căn bản động lực sống, động lực làm việc - chính là tiền lương - thì hiệu quả chống tham nhũng sẽ không bền vững.

Rất nhiều người cho rằng “tham nhũng, bổng lộc là tất yếu. Còn bị bắt là số phận”, tôi cho rằng đây là tư duy nguy hiểm.

img img

Tư duy tiền lương lỗi thời đang làm khó tất cả chúng ta, đang làm khổ chúng ta. Như vậy là công chức hiện nay muốn trở nên khá giả, để cho con cái học hành, để bố mẹ già chữa bệnh, để mua sách đọc, để học thêm thì hoặc là phải đầu tư thêm, hoặc là phải tham nhũng vặt?

Tôi là lựa chọn con đường thứ nhất: con đường đầu tư. Nhưng điều đau đớn nhất là trong số nhiều cán bộ bị kỷ luật, tù tội ngoài những kẻ tham lam, ngạo mạn, ích kỷ, ngu dốt có không ít người vốn dĩ là các bậc hiền tài, con đường tu tập chưa tới cảnh giới “vô sản”, “huyền vi” đã bị lật thuyền, mà hiền tài có nhiều đâu.

img img

NĐT: Gặp ông nhiều lần qua các cuộc phỏng vấn, tại các sự kiện, tôi thấy ông lúc nào cũng cầm cái điếu rít thuốc lào; trong phòng làm việc thì luôn có một ấm trà đặc nóng. Hút thuốc lào và uống trà đặc, đây có phải hai sở thích riêng của ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy, tôi thích trà và thuốc lào, trà và ấm chọn kỹ, thuốc lào và điếu thửa riêng. Nhưng tôi cũng rất thích uống rượu vào nửa đêm, lúc làm việc xong.

Cha ông ta ngày xưa quả là tay chơi tuyệt thế khi nói rằng “bán dạ tam bôi tửu”. Tôi cũng rất ít khi bỏ thói quen này. Ban đêm là lúc tĩnh lặng, một mình, thư thái để nhâm nhi thưởng thức thực sự hương vị của rượu. Uống 3 ly rượu, nửa đêm và một mình mình ngồi, thì nó sung sướng lắm.

Cuộc sống bây giờ quả là “cuồn cuộn mà hắt hiu” một ngày cố dành lại cho mình một vài giờ để “cày nhàn, câu tĩnh” (Lê Hữu Trác – Hải Thượng Lãn Ông) vào lúc nửa đêm thôi.

img

Tôi cũng phải dành hầu hết thời gian nhàn rỗi để đọc sách về mọi lĩnh vực và luôn thấy tiếc là nhiều sách mình chưa kịp đọc và rất ít đọc mạng xã hội vì nó quá nhiều chuyện mà không sâu. Cho dù “dòng đời cuồn cuộn, hắt hiu” thì tôi vẫn muốn chọn cho mình một cuộc sống “có tiên, thần, có nguồn cảm xúc, có đời, có lệ có tình yêu”.

NĐT: Đến thời điểm hiện nay, có thể nói là ông đã có tất cả từ sự nghiệp, gia đình,… vậy mối quan tâm lớn nhất của ông bây giờ là gì?

Tôi vẫn đau đáu về việc nuôi dưỡng rừng, kể cả rừng ngập mặn và tài chính carbon (CO2).

NĐT: Trồng rừng? Ý ông là bảo tồn rừng theo nghĩa đen?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy, chính là nuôi dưỡng rừng. Từ hồi còn son trẻ, tôi đã rất đau đáu về việc làm thế nào để “phụng dưỡng thiên nhiên”.

Người ta cứ nói mãi về việc phụng dưỡng bố mẹ, phụng dưỡng bố mẹ và làm sướng chính mình mà tàn phá thiên nhiên thì thiên nhiên cũng giết chết bố mẹ, không khí bẩn, nước bẩn, môi trường bẩn,… thì ta, các bậc sinh thành ra chúng ta cũng không thể sống mạnh khỏe được.

Thiên nhiên mới chính là người mẹ vĩ đại nhất, nuôi dưỡng cả tổ tiên ông bà của mình cho đến đời đời con cháu sau này. Loài người không phải chúa tể của trái đất. Hủy hoại môi trường đồng nghĩa với việc chúng ta giết chính mình.

Viện của chúng tôi ((Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh - PV) đã và đang có nhiều dự án ở nhiều vùng rừng núi trong cả nước, chủ yếu là giúp nông dân, đồng bào dân tộc có rừng của mình và bảo vệ rừng bản địa theo mô hình: Bảo tồn sinh thái đa dạng – Rừng – Rẫy – Ruộng trên nền tảng đó duy trì và phát triển bền vững sinh kế của người dân, văn hóa cộng đồng và trật tự xã hội tốt đẹp. Đấy mới là con đường lớn, là Đạo.

img img

Bản thân Viện chúng tôi cũng sở hữu một khu rừng mà 20 năm trước nghèo xơ xác, với tầm nhìn phụng sự thiên nhiên, và sức mạnh của rừng mưa nhiệt đới, chúng tôi đã để cho rừng tự phát triển, chỉ lo chăm sóc gìn giữ, đến nay nước đã trở lại, chim chóc, muông thú đã quay về, trở thành khu sinh quyển tiêu biểu mà các nhà nghiên cứu sinh quyển Đức, Hà Lan, Pháp đang nghiên cứu từ mấy năm nay.

Chúng tôi cũng đã cùng với chuyên gia Đức kiểm đếm và đo đạc chỉ số carbon theo chuẩn quốc tế. Kết quả thật bất ngờ, cách đây 4 năm chỉ số carbon đã đạt 196 tấn/ha.

Tôi luôn quan niệm việc tốt nhất để phụng sự thiên nhiên là để thiên nhiên tự tái tạo, tự vận hành theo cách của chúng, con người không nên can thiệp vào. Từ cánh rừng xấu năm đó, sau thời gian dài đã tự “chữa lành” thành một vạt rừng xanh tươi, khoẻ mạnh, và bền vững. Nó sẽ có ích lớn cho những ai cần chỉ tiêu carbon và cần được sống khỏe mạnh, bình an trên trái đất này.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng rừng, ngay từ đầu chúng tôi đã nghĩ đến việc thu trữ carbon rồi thành lập ngân hàng carbon. Chỉ có bảo vệ rừng mới tạo ra được Ngân hàng carbon, Ngân hàng không cần tiền gửi nhưng có thể cho vay bất cứ ai yêu nó - khái niệm này của hơn 20 năm về trước là một điều gần như chưa xuất hiện, nhưng đến nay lại trở thành xu thế.

Đây sẽ là điều mà chúng tôi đặc biệt quan tâm và tiếp tục phát triển nó lại một lần nữa lên sàn “chứng khoán”, nhưng không phải là đầu tư cổ phiếu mà là chứng chỉ carbon.

Hy vọng sàn giao dịch chứng chỉ carbon của Việt Nam sẽ rất sôi động. Vì chúng ta có nhiều rừng, nhiều ruộng nước và bãi bồi ngập mặn, nơi tạo ra khối lượng CO2 và CH4 khổng lồ, nhất là miền Tây Nam bộ nơi bảo tồn khối lượng CH4 rất lớn.

NĐT: Đó là một lý tưởng rất cao đẹp, tôi mong rằng ông sẽ làm được nhiều điều hơn nữa theo tâm nguyện của mình. Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi ngày hôm nay.

img

NGUOIDUATIN.VN |