img

Sinh ra trong một gia đình có 4 đời theo nghề hát, NSND Kim Cương không biết tự bao giờ bản thân thuộc về sân khấu. Tất cả đến một cách tự nhiên như được an bài từ trước. Nhưng, khi dừng lại, bà đã đau đáu rất nhiều. Để đi hát, bà phải đánh đổi sức khỏe, tình yêu… nên ngẫm đến lúc cần dừng lại, bà không hề nuối tiếc những hào quang đã cũ.

img

“Tôi thở bằng sân khấu, vui buồn với sân khấu”

Đến lúc nào, NSND Kim Cương nhận ra bản thân thuộc về sân khấu và bằng mọi giá phải sống với đam mê?

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không bình thường, cả 4 đời đều hoạt động trong ngành sân khấu. Tôi thuộc đời thứ 4, sống chết với ngành sân khấu. Ngành sân khấu ở những năm 30 của thế kỷ trước, xã hội đánh giá nghệ sĩ thấp lắm và cho rằng “xướng ca vô loại”. Thế nhưng, gia đình tôi mang một đam mê sân khấu rất lớn nên mới chấp nhận tất cả các định kiến đó.

NSND Kim Cương

Tôi lên sân khấu lúc 18 ngày tuổi. Tôi không biết từ bao giờ bản thân thuộc về sân khấu. Bởi, tôi thở bằng sân khấu, sống bằng sân khấu, vui buồn với sân khấu. Tới năm 9 tuổi, ba mất, má không muốn cho tôi hát nên đưa vào trường bà Phước.

Gia đình tôi lạ lắm, dù cả nhà đều theo sân khấu nhưng lúc nào cũng tìm cách cấm cản.

Vậy, bà cũng bị gia đình cấm đi hát?

Má không muốn tôi theo nghiệp hát, không muốn đời tôi dính đến nghề hát, má bắt tôi không được bén mảng tới rạp hát. Bởi má tôi và má Năm là 2 người đạt đến tột đỉnh vinh quang của sân khấu cũng như tột đỉnh cay đắng của nghề.

Má tôi có nói mà tôi xác định một điều là làm nghệ thuật phải hy sinh thật nhiều, phải chấp nhận hy sinh cá nhân. Và, trong nghề này, người đàn ông hy sinh ít hơn người phụ nữ. Thành ra, má tôi dứt khoát không cho tôi theo nghề hát.

Hồi nhỏ, lúc ba còn sống, tôi theo đoàn hát nên cũng cảm nhận được những tủi cực của nghề. Có lúc được ngủ khách sạn 5 sao, có khi ngủ thất thực, không có chỗ ngủ. Ở những nơi không có rạp, đoàn của ba tôi phải hát ở chợ. Khoảng 6h chiều, mấy người trong đoàn phải ghép các sạp thịt lại làm sân khấu như đoàn hát rong.

NSND KIM Cương

Nghề hát trước những năm 1930 gian truân lắm. Thường thường, mấy ghe hát đi hết tỉnh này đến tỉnh kia, thành công thì ở khách sạn, không có tiền thì xin vô trong trường học ở.

Thế rồi sao bà lại được lên sân khấu và thành công rực rỡ?

Tới năm 17 - 18 tuổi, tôi còn dự tính sẽ đi tu theo mấy sơ trong trường dòng. Tuy nhiên, trong một lần về Châu Đốc thăm má, tôi trở lại sân khấu như một định mệnh. Đêm đó, trong lúc đoàn đang diễn thì bỗng nhiên có súng nổ ở phía xa xa. Đoàn hát được lệnh phải đóng cửa rạp để giữ khán giả không ra ngoài, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

img

Để mọi người không hoảng loạn, đêm diễn vẫn tiếp tục. Tiếng súng nổ mỗi lúc một gần, mỗi lúc một lớn. Đoàn hát phải cố hát to hơn, hay hơn để khán giả không chú ý đến tình hình chiến sự bên ngoài. Cuối cùng, vở hát đã đến hồi kết nhưng tiếng súng vẫn chưa dứt. Khán giả không thể ngồi mãi trong rạp. Má tôi suy nghĩ một lúc rồi quyết định cho diễn viên lần lượt ra sân khấu. Người ca vọng cổ, người hát tân thời,… chờ tiếng súng kết thúc.

Các cô chú trong đoàn lần lượt ra sân khấu cho đến khi không còn ai có thể hát thêm được nữa. Trong khi đó, tình hình vẫn chưa ổn định. Má nhìn tôi lo lắng. Má hỏi tôi có biết hát bài nào không. Tôi nói tôi biết hát bài Nụ cười sơn cước. Má ngập ngừng vài giây rồi bói: “Kim Cương con ra đi”.

Vậy là hơn 10 năm xa sân khấu với nỗi nhớ dai dẳng, tôi đã trở lại sân khấu. Tiếng hát lúc này mang phận sự giữ chân người và tôi hát say sưa. Những hào hứng của ngày thơ ấu trong tôi sống lại.

Biệt danh “kỳ nữ” được gắn với tên tuổi bà từ lúc nào?

Sau lần hát ở Châu Đốc, má tôi bàn với soạn giả Duy Lân viết riêng cho tôi một vở. Không lâu sau, soạn giả Duy Lân cho ra đời vở Giai nhân và Ác quỷ dành riêng cho tôi. Ngay lập tức, vai diễn của tôi nổi đình nổi đám trong giới Cải lương.

Báo chí thời đó khen ngợi tôi hết lời, xem tôi như một hiện tượng. 19 tuổi, tôi có bản lĩnh diễn xuất hơn người. Lúc đó, trên tờ báo Tiếng dội, ký giả Nguyễn Ang Ca ưu ái đặt cho tôi biệt danh “kỳ nữ”.

“Mưa rớt trên vai, tôi biết đã đến lúc nghỉ hát”…

Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, tại sao bà lại chọn dừng lại?

Tôi nghỉ hát đương (đang – PV) lúc nổi tiếng, đoàn Kim Cương đang nổi tiếng.

img

Lý do thứ nhất, người nghệ sĩ thông minh phải biết chọn thời điểm dừng đúng lúc. Lúc đó, tôi khoảng năm mươi mấy tuổi, còn đang phát triển mạnh lắm. Nhưng, tôi muốn từ giã sân khấu trong hào quang của những cô Bê bán hột vịt lộn, cô Diệu trong Lá sầu riêng. Tôi không muốn đợi đến khi già vẫn phải lụm khụm đi tấu hài, phải làm đủ thứ chuyện. Tôi không muốn khán giả thấy mình trong hình ảnh đó.

Lý do lớn thứ hai khiến tôi nghỉ hát là má. Lúc đó, má tôi đã lớn tuổi, không thể đi theo đoàn hát nữa. Nếu tôi còn quản lý đoàn hát thì phải đi theo đoàn, bỏ má ở nhà một mình, tôi không yên tâm.

Thứ ba, lúc đó, sân khấu bắt đầu xuống, đoàn tôi là đoàn tập thể, một cây đinh tôi cũng phải chạy tiền mua. Thành ra, tôi chịu không nổi, gánh vác không nổi. Gần 20 năm, tôi gánh vác đoàn, để rồi phải mất chồng, mất cả con người mình. Tới lúc đó, sức khỏe tôi chịu không nổi nữa.

Lần cuối cùng tôi quyết định nghỉ là khi đưa đoàn ra miền Trung hát. Đi miền Trung, tiền xe mấy trăm ngàn, tiền phòng ăn ở của 70 anh em, tiền rạp, tiền cơm, chưa kể tiền lương. Đi miền Trung không hát trong rạp, đoàn của tôi phải hát ngoài sân, hát ngoài bãi. Chuyến đó bị mưa liên tục, không diễn được. Tôi bán hết đồ đạc mang theo, rồi mượn nữ trang của đứa này, đứa kia để bán.

Khi đoàn đến Cam Ranh, mưa hai ba ngày, khiến ai cũng rầu. Có bữa đó, trời sáng nắng. Nắng lên, anh em trong đoàn cười nói vui vẻ diện quần áo đi ăn. Đến chiều, khi chúng tôi trên đường đi ra bãi diễn, trời lại chuyển mưa, hai ba giọt mưa rớt trên vai tôi. Lúc ấy, tôi như muốn xỉu… Áp lực như vậy. Lúc đó, tôi nghĩ đã tới lúc mình nghỉ rồi.

NSND KIM Cương

Nếu lúc đó, tôi không phải là trưởng đoàn, chỉ làm nghệ sĩ thôi, có lẽ tôi không phải áp lực như vậy. Vả lại, anh em đoàn hát khi đó cũng ổn định hết rồi, tôi có quyền sống cho tôi, cho má.

“Tôi từng tính đến chuyện tạt axit người thứ ba”

Tính cách của một “kỳ nữ” thì có gì đặc biệt, thưa bà?

Con người tôi phức tạp lắm, vừa lãng mạn vừa bất cần đời, vừa bay bổng của một người nghệ sĩ, cộng với sự khép nép của một nữ sinh học ở trường dòng. Tất cả trộn lẫn tạo nên một con người kỳ cục.

NSND Kim cuong

Có những chuyện không đáng gì mà tôi giận dữ, lại có những chuyện quá sức chịu đựng mà tôi không giận. Quan niệm sống của tôi cũng khác. Quan niệm sống của tôi nặng về tình. Nhiều khi đốt nhà tôi cũng được nữa nhưng lý do đốt phải chính đáng. Ví dụ như, đốt để cứu người khác, đốt vì thương yêu tôi… Ngược lại, dù chuyện có chút xíu mà bằng những lý do vô lý, không tốt là tôi làm tới cùng.  

Cũng chính tính cách này khiến bà đau khổ trong tình yêu?

Chưa bao giờ, tôi trả lời báo chí về chuyện tình yêu. Bởi tôi nghĩ, tình yêu khó định nghĩa sao là đúng sao là sai, mà khi đổ vỡ cũng khó nói lỗi tại anh hay tại tôi. Tình yêu là cái gì đó thiêng liêng, khó mà cắt nghĩa được. Do đó, tôi không bao giờ nói. Đến bây giờ cuối đời rồi, tôi mới trải lòng ra với một vài chuyện tình trong hồi ký, cũng như một lời tri ân với khán giả.

img

Quan niệm tình yêu thế hệ của tôi khác bây giờ. Thế hệ của tôi quan niệm tình yêu lý tưởng lắm, nhìn nhau một cái, nắm tay ai một cái là rụng rời tay chân.

Trời cũng cho tôi cái tính mà tôi cho là không may, tôi không yêu người đàn ông mà có cái đầu thấp hơn tôi. Thương người nào, tôi phải kính trọng, nể phục người đó. Người khiến cho Kim Cương kính trọng khó lắm. Ai nói dóc là tôi biết, ai thương thiệt ai thương giả nói hồi tôi biết liền.

Hồi mới chia tay chồng, tôi giận lắm. Tôi còn định tạt axit người thứ 3 nữa mà. Nhưng thời gian đi qua, ly nước lắng xuống rồi, tôi nhận ra đổ vỡ nào cũng là thiệt thòi của cả hai bên, lỗi cũng của hai bên, không được đổ thừa cho ai. Mà nói rõ ra, đúng là hết duyên rồi thôi. Từ lúc buông ra rồi, tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ lỗi của tôi nhiều hơn.

Hồi đó, chúng tôi là một cặp lý tưởng lắm. Tôi là siêu sao ở Sài Gòn, nhiều người có tiền có quyền theo đuổi nhưng tôi lại ưng một ông ký giả không có 3 bộ đồ. Chúng tôi quý nhau ở tâm hồn, gặp nhau trên vấn đề từ thiện.

Bà có tự lý giải nguyên nhân tan vỡ và tại sao lại nói lỗi ở bà nhiều hơn?

Rất là khoa học, rất là quy luật. Con người ta chỉ có 24 tiếng đồng hồ, tôi sống cho sân khấu hết 18 tiếng, còn thì giờ đâu tôi sống cho gia đình. Chuyện đổ vỡ gia đình tôi là lỗi của tôi. Tôi ham việc không phải vì tiền, vì công việc mà còn vì sự sống của 70 anh em trong đoàn hát.

Mỗi tuần lễ, tôi chỉ nghỉ được đêm thứ Hai thôi. Tối hát, sáng ra tập tuồng. Tập tuồng xong, người ta nghỉ, tôi phải viết kịch bản. Ông xã tôi làm thư ký tòa soạn một tờ báo nên 6-7h sáng, anh phải đến cơ quan kiểm tra công việc. Lúc này, tôi còn ngủ, đến 11h mới dậy. Chiều ảnh vừa về, tôi xách áo đi hát.

NSND Kim cuong

Giọt nước cuối cùng đổ vỡ hôn nhân do anh nhưng làm tràn ly nước lại do tôi. Có ông chồng nào chịu ở với bà vợ mà không khi nào về nhà trước 11h khuya không? Riết người đàn ông cũng mỏi mệt chớ. Đó là chưa kể những lần tôi đi lưu diễn 3 - 4 tháng, bỏ ảnh ở nhà với con.

“Bất hạnh trong tình yêu khiến tôi nghĩ đến cái chết để giải thoát”

Sau tan vỡ hôn nhân, bà vẫn yêu và yêu nồng nhiệt bằng tính cách nhiều mâu thuẫn của bà?

Sau anh, tôi lại yêu, yêu như chưa từng yêu với những cảm xúc nguyên vẹn. Thế nhưng, tôi thực sự bất hạnh trong tình yêu. Với người tình cuối cùng, tôi cứ ngỡ hai đứa đã có thể đến được với nhau, sống một đời sống vợ chồng đúng nghĩa, ấm áp và hạnh phúc. Nhiều rào cản khiến chúng tôi không đến được với nhau trong đó có việc anh đã có vợ và anh đang mắc bệnh ung thư. Sau 3 đêm thức trắng, tự giằng xé tâm can, tôi quyết định buông tay. Tôi đã khóc rất nhiều, khóc đến mê man. Và, tôi nghĩ đến cái chết để giải thoát.

Bà vượt qua nỗi đau đó bằng cách nào?

Tôi quyết định tìm đến cái chết nhưng tôi là một Phật tử, tự tử là trọng tội, tôi phải đến xin thầy làm lễ sám hối. Khi gặp hòa thượng, tôi vừa khóc vừa đòi chết. Trong nước mắt nghẹn ngào, tôi nói: “Con không cần tiền. Con không cần gì hết. Con muốn thương một người, con thương thật họ, họ thương con, sống một cuộc đời vợ chồng bình thường. Từ nhỏ đến lớn, con đâu lựa chọn một ông chồng có địa vị tiền bạc đâu mà sao con tìm hoài không thấy”.

img

Chờ tôi khóc vơi dần, thầy mới phân tích: “Thứ nhất, con phải hiểu, phải chấp nhận chuyện con muốn mà không được. Nếu con được đủ thứ chuyện rồi mà cho con hạnh phúc nữa thì trên thế gian này còn gì nữa đâu. Thứ hai, cảm thọ cuộc đời - vui buồn giận ghét hạnh phúc đau khổ - như những áng mây, mà lòng của mình như bầu trời xanh để cho những áng mây đó bay qua. Con thương lắm, nắm giữ cũng không được, mà con ghét quá, con đuổi nó đi mau cũng không được. Hễ có hợp thì có tan”.

“Tất cả những người phụ nữ khác họ muốn 10 chuyện nhưng chỉ được 2 chuyện là nhiều, con muốn 10 chuyện thì được 7, 8 chuyện rồi, con phải chấp nhận những chuyện con muốn mà không được. Đâu phải trên thế gian này, ai muốn gì cũng được”, thầy giảng giải thêm. Câu nói đó ai cũng hiểu, mà tự nhiên thầy nói câu đó, đúng lúc đó, tôi ngộ ra được. Tôi thầm nghĩ sao mình đòi hỏi nhiều vậy.

Tôi nhớ bà nói, bà nghỉ hát để sống cho mình, mà rốt cuộc, tôi thấy bà cũng đâu sống cho mình?

Hồi đó, tôi nghĩ mình nghỉ hát qua làm từ thiện chắc khỏe hơn. Giờ vỡ lẽ ra, tôi thấy còn khổ hơn hồi đi hát. Bởi vì, khi đi hát, tôi chủ động được, bữa nào đau mệt, tôi có thể nghỉ được, còn khi làm từ thiện, tôi không có quyền bỏ đói mấy đứa con nuôi. Mệt, tôi cũng phải đi xin tài trợ để lo cho các con.

Tôi làm từ thiện từ năm 17 tuổi, song song với việc đi hát. Lúc còn hát, tôi là Thường vụ của hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Đoàn Kim Cương là đoàn hát đầu tiên biểu diễn để quyên góp tiền mổ 100 ca mắt.

Ở tuổi này, bà vẫn phải chạy đôn chạy đáo lo cho “người dưng”, con bà có phiền lòng?

Thấy sức khỏe của tôi kém dần, con tôi nóng lòng nên năn nỉ tôi đừng làm nữa. Tôi mới cắt nghĩa cho con hiểu: “Mấy chục năm theo nghề, khi rời sân khấu, mẹ không để lại cho con chút gia tài nào nhưng mẹ có sự thương yêu và lòng tin cậy của mọi người. Mẹ đem sự yêu thương, tin cậy đó để tạo ra hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh. Đó là bài học mẹ muốn để lại cho các con cũng như ngày trước, bà ngoại đã để lại cho mẹ một bài học về tình nghĩa”.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

NSND Kim cuong

NSND Kim Cương

Nghệ sĩ Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Bà được biết đến với danh hiệu “kỳ nữ” với vai diễn Giai nhân và Ác quỷ.

Năm 1956, bà là người tiên phong sáng lập một trong những đoàn kịch nói đầu tiên của Sài Gòn (đoàn kịch Kim Cương). Đồng thời, bà là đạo diễn sân khấu của 70 vở kịch nổi tiếng như Lá sầu riêng, Trà hoa nữ…

Trước năm 1975, bà là tác giả của những bộ phim nhựa đình đám, có chuyên mục kịch trên truyền hình, giữ một trang trả lời thư bạn đọc trên báo Điện Tín.

Bà luôn tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Hiện bà là Phó Chủ tịch thứ nhất hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM, Thường vụ ban Chấp hành hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM

Các giải thưởng đã đạt được: Nữ diễn viên đóng nhiều vai chính nhất (năm 1973), Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội điện ảnh châu Á (năm 1974), Kỷ lục Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Ba (2004), Huân chương Lao động hạng Nhì (2009), Danh hiệu NSND (2012)…