img

Nghệ sĩ gạo cội nhờ pháp luật vào cuộc!

Trong khi câu chuyện lùm xùm liên quan đến việc BH Media tung “gậy bản quyền” (xác nhận quyền sở hữu) đối với bản ghi âm ca khúc Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son, Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam của cố nhạc sĩ Văn Cao... trên YouTube chưa đi đến hồi kết, đang gây nhiều bất bình trong dư luận thì mới đây BH Media lại tiếp tục bị NSND Thu Hiền “tố” đã mạo danh bà lập kênh “NSND Thu Hiền” trên YouTube hòng kiếm lợi. Ngoài ra, đơn vị này còn tự ý đưa các sản phẩm âm nhạc của NSND Thu Hiền lên khai thác và xác nhận quyền sở hữu mà chưa được phép của bà.

img

Giao diện kênh NSND Thu Hiền trên YouTube do BH Media lập

Chia sẻ với Người Đưa Tin , NSND Thu Hiền cho hay: “Tôi thấy sốc và ngạc nhiên khi kênh “NSND Thu Hiền - nhạc tuyển chọn” đã tồn tại 6 năm trên YouTube, được giới thiệu là kênh chính thức của NSND Thu Hiền, chuyên giới thiệu những album do tôi hát mà mình không hay biết gì. Tôi không rành việc vào mạng và Youtube nên không hiểu nhiều về công nghệ thông tin. Chỉ khi mới đây, con gái tôi đăng bài hát của tôi lên YouTube thì bị báo cáo vi phạm bản quyền, lúc đó chúng tôi mới biết có một kênh mạo danh mình. Mình là nghệ sĩ thể hiện ca khúc, là người bỏ tiền ra làm sản phẩm âm nhạc đó mà giờ đăng tải lên lại bị đánh “gậy bản quyền” thì thấy rất giật mình”.

img

NSND Thu Hiền

Theo NSND Thu Hiền, điều nữa khiến bà bức xúc là kênh YouTube nọ đã “mạo danh” bà để trả lời người hâm mộ: “Họ đã thay mặt tôi để trả lời các bình luận của khán giả trên kênh do chính họ lập ra. Đó là một hành vi bất chấp mà tôi không thể chấp nhận được. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và danh dự của một người nghệ sĩ như tôi. Hiện tại tôi đã ủy quyền cho con gái là chị Hoàng Thanh Phương giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến những bản ghi bị khai thác không xin phép”.

“Mấy ngày hôm nay tôi rất mệt vì những thông tin liên quan đến việc bản quyền bài hát trên Youtube. Khi con gái tôi tìm hiểu thì biết rằng, BH Media cho biết, đơn vị này đã mua lại quyền khai thác, quản lý các băng đĩa của tôi biểu diễn từ các hãng băng đĩa, trong đó có Hãng phim Trẻ nên đơn vị này được quyền quản lý, khai thác các bản ghi âm này trên YouTube. Chúng tôi đang nhờ phía luật sư tư vấn các thủ tục pháp lý để đi đến cùng sự việc này” - NSND Thu Hiền cho hay.

img

Không chỉ gia đình nhạc sĩ Văn Cao, NSND Thu Hiền, nhạc sĩ Giáng Son mà một số nhạc sĩ khác như Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê... cũng lên tiếng về việc bài hát của mình bị “đánh gậy” bản quyền ca khúc. Do đó, mới đây, Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có buổi làm việc với các nhạc sĩ để làm rõ các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị này.

Tại buổi làm việc với các nhạc sĩ, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC công bố 76 album tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất cho các thành viên cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. VCPMC khẳng định 100% quyền tác giả và quyền liên quan của loạt album này thuộc về các tác giả.

img

Hoạ sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao

Tại buổi gặp gỡ, hoạ sĩ Văn Thao chia sẻ: “Thực hiện theo nguyện vọng của cha tôi - cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân, nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia chứ không còn thuộc về gia đình nữa. Nhưng khi nghe từ báo chí truyền hình về việc tác phẩm bị đánh gậy bản quyền, tôi thấy hết sức vô lý và hài hước.

Bài hát này, từ ngay khi sáng tác xong cho đến lần đầu tiên công khai toàn dân hát tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945 và đến sau này thì nhạc sĩ Văn Cao vẫn luôn cho rằng, ca khúc này đã thuộc về Nhân dân rồi. Từ khi ca khúc này ra đời, bản thân nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: “Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân”. Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao. Tiến quân ca hoàn toàn là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Tôi tin là các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này”.

img

Ca khúc Tiến quân ca cũng bị đánh gậy bản quyền khiến nhiều người ngạc nhiên

Liên quan tới bản ghi Giấc mơ trưa của Giáng Son, VCPMC vừa khẳng định việc nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh sử dụng tác phẩm và bản phối của Giáng Son chưa xin phép cũng là xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan.

Với tư cách tác giả phần lời của Giấc mơ trưa, Nguyễn Vĩnh Tiến cũng bị ảnh hưởng trong lùm xùm tác quyền quanh bài hát. Ngoài ra, anh còn bị xâm phạm quyền ở nhiều sáng tác khác. Cụ thể là 21 bài hát trong 2 album Giọt sương bay lên và Ngồi trên vách nắng cùng 6 bài nữa trong các album chung với nhóm nhạc sĩ M6.

img

“Tôi muốn đăng tải video Liveshow Tiền duyên nhưng vì có hai tác phẩm Giấc mơ dai dẳng, Giọt sương bay lên do chính tôi sáng tác và sản xuất nhưng bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền nên không thể đăng tải được”, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho hay.

Nhạc sĩ Ngô Tự Lập, trưởng nhóm M6 (gồm các thành viên: Giáng Son, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Trần Đức Minh) cũng viết đơn kiến nghị và ủy quyền VCPMC giải quyết vụ việc xâm phạm bản quyền của nhóm. Cụ thể khi các thành viên M6 đăng tải lên YouTube các ca khúc trong 3 album nhóm tự bỏ tiền sản xuất, Hồ Gươm phát hành thì đều bị BH Media nhận là chủ sở hữu bản quyền...

Tại buổi làm việc, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định: “Toàn bộ kho dữ liệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bị BH Media xác nhận quyền. Chúng tôi cần hành động khẩn cấp chấm dứt ngay hành vi này!”. Theo dự kiến, ngày 10/11, BH Media và VCPMC sẽ có buổi làm việc về các vấn đề liên quan. Phía VCPMC cho biết kết quả làm việc sẽ được thông báo bằng văn bản tới các nhạc sĩ. Tuy nhiên khi được hỏi về kết quả là việc của hai bên, phía BH Media cho hay, hiện tại mới chỉ họp nội bộ hai bên và thông tin chưa được công khai tới truyền thông.

img

Các nhạc sĩ trong buổi gặp gỡ với Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC)

Việc Giáng Son dùng từ “đánh gậy bản quyền” là chưa chính xác?

Nói về việc “đánh gậy” bản quyền ca khúc Giấc mơ trưa của Giáng Son, Theo đại diện của BH Media, đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube, mà những ai đã từng lập kênh YouTube đều trải nghiệm và hiểu. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau, và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của Giáng Son.

“Chỉ cần nhạc sĩ làm thao tác phản hồi, là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. Do đó, việc Giáng Son dùng từ “đánh gậy bản quyền” với trường hợp của chị là chưa chính xác. “Gậy bản quyền” là mức cảnh cáo dành cho những cá nhân có dấu hiệu vi phạm bản quyền” – đại điện BH Media nói thêm và giải thích có hàng triệu bản ghi trên YouTube nên mỗi ngày máy phải quét trước, còn xác nhận bản quyền thì con người sẽ làm việc với nhau.

img

Nhạc sĩ Giáng Son

Ông Nguyễn Hải Bình - Giám đốc BH Media cho hay, sau khi nhận được ý kiến từ nhạc sĩ Giáng Son, đơn vị này đã “nhả xác nhận bản quyền ngay lập tức” và trả bản quyền về cho nhạc sĩ.

Nói về những ồn ào này, nhà sản xuất âm nhạc Tiến Minh thẳng thắn với PV: “Youtube là mạng xã hội khá lớn trên thế giới. Ở nước ngoài họ cũng có việc “đánh gậy” bản quyền, nhưng đó là việc: gửi xác nhận tới người dùng là có phải tác giả chính thức của ca khúc này không, chỉ cần 1 vài thao tác là được. Theo tìm hiểu của tôi, việc “đánh gậy” bản quyền của phía BH Media cũng đang làm chuyện tương tự: Họ gửi thông báo tới tác giả xem người đăng tải bài hát của phải là tác giả không chứ không phải là việc gỡ bài hát và khoá quyền truy cập vào tác phẩm.

img

Ai đúng, ai sai thì cần các cơ quan chức năng vào cuộc để xem cụ thế thế nào, phía BH Media có phải đang trục lợi không, hay họ cũng chỉ là bên thứ 3 sử dụng các nền tảng số? Việc gửi thư xác nhận tác giả là việc có lợi cho nghệ sĩ, bởi sẽ không có người mạo danh sử dụng ca khúc của họ. Trên thế giới, họ cũng dùng cách này để hạn chế những ca khúc bị dùng “chùa”. Bởi có có gian lận, Youtube sẽ phát hiện ra ngay”.

“Phải làm rõ xem, phía BH Media có thu lợi, gỡ bài hát của các nhạc sĩ trên Youtube không, cái gì chưa đúng thì cần căn chỉnh lại. Lâu nay, nhạc sĩ thường làm việc “rất nghệ sĩ”. Mình là tác giả, ca sĩ hát bài hát mà khi đưa lên Youtube bị như thế, chắc sẽ rất khó chịu, nhưng cũng phải tìm hiểu kỹ xem có sai phạm thực sự không? Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ mà chưa xin phép họ là sai. Nếu có sai thật, thì sẽ bị xử lý thôi” - Tiến Minh cho hay.

Lạc Thành

img

NGUOIDUATIN. |