Thay những nụ cười rạng ngời trên môi người nông dân chất phác là ánh mắt đăm chiêu ám ảnh với gánh nợ bán đất, bán nhà. Chúng tôi nhìn nhau ngậm ngùi chua chát trước đại nạn heo chết trắng lan dần khắp thủ phủ Vĩnh Cửu, Trảng Bom.
Nào đâu nên nỗi…
Đón chúng tôi vào một ngày cuối tháng Năm ảm đạm, nắng gắt pha chút gió Lào khiến chúng tôi cảm nhận rõ sự khắc nghiệt trên mảnh đất từng được mệnh danh là Thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước.
Năm qua huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom gặp đại nạn, chuyện chồng chất chuyện, dịch tả heo châu Phi hoành hành, người nông dân bất lực nhìn vào đàn heo để trông chờ phép màu nhiệm. Ấy thế mà trời không thương, cứ nợ gánh nợ, đất đai đội nón ra đi, tài sản chẳng còn bao nhiêu, cứ thế này, đến nghề nuôi heo chắc cũng chẳng còn trên bản đồ chăn nuôi mất.
Bước chân vào mảnh đất ấy, mùi thuốc tẩy nồng sặc vào cuống mũi của chúng tôi đến khó chịu, nhưng đáng sợ hơn là không khí ảm đạm của hàng nghìn người dân gồng mình chống dịch.
Sau khi gõ cửa khoảng chục trang trại tại huyện Trảng Bom, đáp lại chúng tôi là sự im lặng vô hồn, chúng tôi buộc phải rời đi qua huyện Vĩnh Cửu ở lân cận.
Đi độ dăm bước thì chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hoàng ngụ tại xã Vĩnh Tân đang phun xịt vệ sinh chuồng trại cho heo.
Ngôi nhà nhỏ của anh nằm khiêm tốn phía cuối ngôi làng còn nguyên vẻ mộc mạc, chiếc bàn tre cũ kê sơ sài ở chân gốc cây điều rụng lá.
Anh đon đả mời chúng tôi bằng chén trà pha vội. Thoáng buồn, lặng nhìn chuồng heo, người nông dân hiền lành buông tiếng thở dài não nuột: “Đến nay số tiền lỗ vì nuôi heo đã lên đến hơn 4 tỷ đồng rồi nên không thể gắng gượng được nữa. Hiện chúng tôi đang rao bán căn nhà ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu để lo trang trải nợ nần”.
Buông chén trà khỏi tay, anh Hoàng chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời thăng trầm của anh – nỗi đau khi bước chân vào nghề chăn nuôi heo.
Gần chục năm mở đại lý cám ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, gia đình anh trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi của cửa hàng mang lại. Nhưng kinh doanh nào có dễ dàng gì, các “nhà” cám mọc lên như nấm, chen chúc xô hàng như hội chợ. Heo mỗi ngày một ít đi, năm 2016 và 2017 giá heo bị tụt đến mức thê thảm nên người chăn nuôi không có khả năng chi trả tiền cám dẫn đến việc đại lý cám của vợ chồng anh bị lao đao do vốn đều nằm ở túi người chăn nuôi, chưa thể thu về.
Sợ ảnh hưởng việc kinh doanh nên vợ chồng anh Hoàng bàn bạc với nhau đi thuê trại để nuôi heo nhằm cứu vớt cửa hàng.
Năm 2017, vợ chồng anh Hoàng đánh cược một ván bài số phận, hai vợ chồng đổ tiền thuê 2 trang trại để nuôi heo với tổng đàn khoảng 2.000 con ở Vĩnh Tân.
Lứa heo đầu tiên vợ chồng anh may mắn có lãi nhưng trừ chi phí chuồng trại,… thì cũng coi như huề vốn.
Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì gia đình anh bắt đầu rơi vào chuỗi “bi kịch” khi mà giá heo hơi bất ngờ giảm xuống tận đáy vào cuối năm 2017.
Anh Hoàng trầm ngâm: “Với mức giá đó heo của gia đình tôi lỗ mỗi con từ 800 ngàn đến 1,5 triệu đồng/con. Bởi heo giống thời điểm đó là 107 ngàn đồng/kg mà mỗi con là khoảng 20kg thì tính ra giá một con là hơn 2,1 triệu. Tuy nhiên bỏ ra biết bao nhiêu chi phí từ cám, thức ăn khác, thuốc men,… nhưng đến khi bán lại chỉ khoảng 33 ngàn đồng/kg thì lấy đâu ra lời? Thời điểm đó tôi coi như trắng tay và còn ôm thêm một số nợ khổng lồ”.
Không nản, vợ chồng anh quyết chí huy động toàn bộ vốn liếng còn lại trong nhà và vay mượn thêm ngân hàng.
Bất hạnh thay, sau khi đón đàn heo 2.000 con về nhà thì dịch tả châu Phi không hẹn mà gặp.
Chẳng thể nhấp nổi ngụm trà đang nguội, anh Hoàng thở dài: “Giá heo hiện cũng chỉ nằm ở mức 32 - 34 ngàn đồng/kg và bị thương lái ép giá khiến cho việc chăn nuôi của gia đình tôi tiếp tục thất bại. Tính ra từ khi nuôi heo đến giờ chỉ lãi mỗi đợt xuất chuồng đầu tiên còn sau đó là lỗ nặng”.
Câu chuyện của anh ám ảnh trong tâm trí chúng tôi hồi lâu. Quanh năm trông chờ vào dịp xuất chuồng, anh Hoàng và biết bao nhiêu bà con trong huyện chẳng thể thốt thành lời khi đứng trước họ là cả một màu đen ảm đạm của nợ nần.
Nhưng có lẽ hơn cả là sự thất vọng, là nụ cười mặn đắng sau cánh cửa chuồng heo mùa dịch bệnh, chẳng ai nói với nhau lấy một lời, cứ thế chờ đến ngày mai.
Trời đã quá trưa, ánh nắng gắt phả hơi nóng của gió Lào như thách thức sự kiên nhẫn của chúng tôi. Luồng hơi nồng quét lên da thịt một màu đỏ tía, những cánh cổng đóng chặt, tiếng heo kêu yếu ớt, tiếng lục xục, tiếng lá rớt xuống gốc cây, tiếng vòi xịt thuốc khử trùng, tiếng cười-tiếng khóc và cả tiếng thở dài chẳng thể thoát khỏi cuống họng khô.
Chia tay anh Hoàng, chúng tôi gặp chị Mai và ông Sáu Tới già trên lối mòn trở về thành phố.
Chẳng khá khẩm hơn anh Hoàng là mấy, gia đình chị Mai cũng đang ở cảnh “dở khóc dở cười” vì đàn heo oằn mình trong cơn bão dịch.
Chẳng giấu nổi sự chán nản sau nụ cười, chị Mai kể: “Khó khăn lắm các chú ơi, thương lái giờ khó tính ghê lắm. Họ không mua vì mua cũng khó bán cho người dân. Nếu không bán được, heo càng lớn càng mất giá hơn nữa lại tốn kém chi phí ăn uống. Chúng tôi cũng như ngồi trên đống lửa bởi có bán cũng chỉ ở giá 33 - 34 ngàn đồng/kg. Mỗi con heo như vậy sẽ lỗ khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. Mỗi bù lỗ không đã mất cả mấy chục triệu bạc. Nợ năm kia chưa trả hết giờ lại dồn nợ mới nên chúng tôi cũng không biết phải sống như thế nào nữa”.
Câu chuyện cập bến suy tư của ông Sáu già. Có nghe mới thấy, những người nuôi heo ở nơi từng được gọi là thủ phủ đang bế tắc nhường nào.
Nợ nần chồng chất 3 năm liền chưa biết bao giờ trả hết, ông Sáu Tới chỉ biết ngậm ngùi nhếch mép cho sự may mắn đã lãng quên gia đình mình.
Thời điểm này gia đình ông Sáu Tới có khoảng hơn 100 con heo đến lúc xuất chuồng nhưng ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên không tiêu thụ được.
Một viễn cảnh thất bại và số nợ chồng thêm đã hiển hiện trước mắt gia đình ông chân thực, sắc nét đến ngỡ ngàng.
Hiện số nợ của gia đình ông Tới đã được phía công ty cám khoanh vùng cho nợ lâu dài để ổn định lại tình hình.
Quá nóng ruột, mới đây, ông Tới kêu lái vào xuất 13 con heo để gỡ gạc chút vốn nhưng khi đi qua trạm kiểm dịch của xã thì bị lực lượng chức năng giữ lại, không cho phép đi.
Nỗi lo heo nhiễm bệnh khiến ông Sáu Tới sợ hãi, ông tâm sự: “Họ không hề thông báo bất kỳ điều gì về việc xuất heo phải ra sao cả nên tôi không biết cứ nghĩ heo khỏe mạnh thì đưa đi bán bình thường. Ấy vậy mà ra đó họ chặn lại không cho đi còn bắt đem về chuồng lại. Nhỡ đâu quá trình đi lại ra vào, heo gặp con virus đó rồi nhiễm bệnh lại làm hại cả đàn heo của gia đình tôi thì như thế nào? Đáng trách hơn là một số cán bộ xã không hiểu quy trình khử trùng hay sao mà đến trại chúng tôi lại xồng xộc vào quay phim chụp hình. Chẳng may họ chính là người đưa nguồn bệnh đến cho heo của gia đình tôi thì sao? Tôi chỉ mong họ làm gì, xử lý sao thì cũng công bố rộng rãi cho chúng tôi biết để xử lý đúng hơn”.
Những bát cám chan nước mắt
Chiều, chiều về, chiều buông xuống trên “cánh đồng hoang Vĩnh Cửu”. Chúng tôi loanh quanh trên con đường làng buồn tẻ.
Đập vào mắt chúng tôi là những cửa hàng cám ế bị đóng băng vô thời hạn, xếp chồng chỏng chơ không một bóng người.
Kể ra cũng đúng, lợn bệnh mà, người nông dân chẳng đủ sức nuôi thân thì tiền đâu ra mua cám!
Cuộc khủng hoảng giá heo kéo dài nhiều tháng qua đã làm người chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai gần như cạn kiệt nguồn vốn, dẫn đến việc không trả nợ đúng hạn cho chủ đại lý thức ăn gia súc.
Bà Hoàng Thị Mai chủ cửa hàng chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu nheo mắt nói: “Trước đây, trung bình cửa hàng tôi bán được 3 - 5 tấn cám/ngày, khoảng 200 tấn cám/tháng thức ăn chăn nuôi. Thời điểm gần đây, số lượng sụt giảm rõ rệt, nhất là khoảng một tháng đổ lại. Hiện tại, cửa hàng của tôi bán được rất ít thức ăn cho heo, khách chủ yếu mua thức ăn cho gà, cá, vịt,.... Dân nợ tiền cám chẳng đòi được vì họ xuất heo nhưng có đủ tiền đâu mà trả nợ, có người thì heo chết, dính dịch, rõ khổ”.
Đấy chưa phải là tất cả, ế ẩm đã đành, nay còn gánh nợ thậm chí nhiều hộ kinh doanh phải cầm cố đất tiên tổ, đất ông cha.
Mỗi ngày thức dậy gia đình anh Minh Huy tại xã Thống Nhất lại mệt mỏi vì số nợ ngân hàng và bao nhiêu miếng đất đã đội sổ ra đi.
Số nợ đã lên đến 7 tỷ đồng, anh Huy chẳng còn tâm trí để trò chuyện, anh nhìn vào khoảng không trước mắt mà rằng: “Đại nạn cuối năm 2016 - 2017 chưa đâu vào đâu, chưa thu hồi hết được tiền nợ từ dân thì nay lại dính dịch nữa. Chẳng biết đến bao giờ người chăn nuôi với đại lý cám mới sống được”.
Nắng cuối tháng Năm trên mảnh đất Trảng Bom vẫn trêu ngươi người lao động, gắt gỏng và oi nồng như chính tương lai của họ.
Một ngày buồn, một ngày lang thang trong thủ phủ heo – bây giờ chỉ còn là sự vang bóng một thời.