img img

img

Kết thúc năm 2021, Việt Nam có gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư ngoại dành cho các startup Việt. Có thể thấy, đây là một trong những minh chứng về sức hấp dẫn của các startup Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư quốc tế.

Trao đổi với Người Đưa Tin về thành tích này, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia lý giải, sự phát triển này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Qua đó, cho thấy tín hiệu tích cực và đầy hứa hẹn của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của nước ta.

Thứ nhất, bởi Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động nhằm gia tăng chỉ số ĐMST, đây có thể coi là bước chuyển mình rất lớn của hệ sinh thái. Theo đó, khẳng định được vị thế của Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

img

Thứ hai, các startup Việt có năng lực và nguồn lực đã được cải thiện rất nhiều so với giai đoạn trước. Cụ thể, trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều startup đã chuyển đổi mô hình rất tốt và tìm kiếm được những giải pháp phù hợp với thị trường, cũng như chuyển biến mô hình kinh doanh để thích nghi trong điều kiện bất lợi, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.

Song, cũng chính bởi những yếu tố này, đã giúp các nhà đầu tư có con mắt nhìn khác về thị trường startup tại Việt Nam, mặc dù năm 2019 và 2020 thị trường nước ta có phần chững lại và sụt giảm về số thương vụ cũng như giá trị đầu tư.

Vậy nên, đặc biệt là khoảng cuối năm 2021, sự thay đổi của thị trường Việt Nam được coi như bước nhảy vọt quan trọng dẫn tới con số kỷ lục từ trước đến nay về số thương vụ lẫn giá trị đầu tư mạo hiểm.

Để có góc nhìn sâu hơn, với vai trò “sát sườn chinh chiến" cùng startup, bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO Quỹ Đầu tư Do Ventures cho biết, năm qua, sự bứt phá đến nhiều từ lĩnh vực chuyển đổi số.

img

Đặc biệt, là các giải pháp giúp cho doanh nghiệp SMEs (vừa và nhỏ) hay ngay cả doanh nghiệp lớn trong công cuộc chuyển đổi số đã minh chứng rõ ràng trong 2 năm Covid. Trong tương lai, lĩnh vực này cũng sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc.

Bà lấy ví dụ, Do Ventures đã đầu tư vào một công ty cung cấp giải pháp chuyển đổi số hoá đơn đầu vào cho doanh nghiệp, vậy mà chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, đơn vị này đã phục vụ cho hầu hết doanh nghiệp khách hàng ở mảng bán lẻ.

“Đây là chuyện chưa có tiền lệ. Bởi một doanh nghiệp mới ra đời, làm sao có thể hợp tác được với những chuỗi bán lẻ hàng đầu như GS25, Circle K”, bà Vy nhận định.

img

Tuy nhiên, nhờ xuất phát đúng thời điểm và biết tận dụng lợi thế thị trường, doanh nghiệp đã sáng tạo đưa ra giải pháp ưu việt, từ đó gặt hái được thành công ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh đầy bất ổn.

Mặt khác, ở mảng giáo dục, tất cả giáo viên, học sinh và cả phụ huynh đều rất khó khăn để chống chọi với đại dịch Covid bởi việc học, dạy đã bị đảo ngược hoàn toàn. Nhưng trong năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp về giáo dục trực tuyến đã có những bước phát triển thần kỳ.

Có doanh nghiệp chỉ với quy mô dưới 10 người, nhưng họ đã nhanh chóng thích ứng và phát triển nền tảng công nghệ trực tuyến giúp giáo viên có thể giao, kiểm tra và chấm bài tập rất dễ dàng.

“Theo thống kê, gần như lượng sử dụng của họ đang dẫn đầu Việt Nam ở mảng giáo dục. Phát triển trong khoảng thời gian dưới 1 năm, tôi cho rằng đây là những điều kỳ diệu với một công ty khởi nghiệp", CEO Do Ventures nhấn mạnh.

img

Người ta thường nói: “Thời thế sinh anh hùng", Covid là hoàn cảnh bất ngờ và đặc biệt khó khăn với tất cả, nên doanh nghiệp chỉ có hai sự lựa chọn, một là đầu hàng, hai là bứt phá vượt qua. Từ đó, thị trường mới chứng kiến nhiều “cú lội ngược dòng” ấn tượng.

Vậy sang 2022 thì sao? Mọi thứ đã dần trở lại quỹ đạo, liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào điều gì để hệ sinh thái này vẫn tiếp tục phát triển mà không có điểm trùng?

img

Theo ông Đàm Quang Thắng, về cơ bản, startup Việt Nam được đánh giá ở mức khá giỏi. Bởi không chỉ nhanh nhạy về công nghệ số, mà còn có óc sáng tạo, tối ưu nguồn lực rất nhanh.

Mặt khác, hiện tại, startup mảng công nghệ của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tốt, ông đưa ra dự đoán, trong năm 2022, mảng edtech (công nghệ giáo dục) sẽ phát triển mạnh và được quan tâm nhiều.

img

Bên cạnh đó là mảng về y tế, hay những công nghệ mới nổi như metaverse, nếu có môi trường phát triển thuận lợi, ta đều có thể hy vọng xuất hiện thêm những kỳ lân. Nên để phát huy những thế mạnh đó, đồng thời tiếp thêm năng lượng cho cộng đồng này, chúng ta cần làm nhiều hơn thế.

Ông cho biết thêm, chúng ta đã có đà rất mạnh từ năm 2021, điển hình như Đề án 844 của Bộ KH&CN, cũng như những nền móng chắc chắn cho việc đào tạo, nâng cao năng lực cho hệ sinh thái, bên cạnh đó, còn tập trung xây dựng mạng lưới hỗ trợ từ mạng lưới các nhà đầu tư để hỗ trợ về vốn, cho tới mạng lưới huấn luyện viên để hỗ trợ năng lực và cả các chuyên gia nghiên cứu…

Đó chính là minh chứng và là cơ sở để hệ sinh thái phát triển hơn nữa trong năm 2022. Năm 2022 sẽ là năm hứa hẹn tiếp nối nền tảng thành công từ năm 2021, có thể tin tưởng rằng 2022 sẽ chứng kiến nhiều thành tựu hơn nữa khi Việt Nam hiện tại đã có 3 kỳ lân công nghệ, cùng rất nhiều startup được định giá triệu đô.

img

Đồng tình với quan điểm trên, CEO DO Ventures cho rằng năm 2022, bên cạnh những khó khăn còn tồn đọng từ đại dịch, lĩnh vực công nghệ ứng dụng vào hoạt động quản lý là lĩnh vực mà DO Ventures nhận thấy sẽ có mức tăng trưởng cao. Đồng thời, khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ giáo dục, y tế đang là những mảng có nhiều điểm sáng và có cơ hội thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố để quyết định sự phát triển một doanh nghiệp.

Trước tiên, là về vấn đề nguồn vốn cho. Làm sao để các nhà đầu tư hiểu được văn hoá của người Việt - thị trường tiêu thụ sản phẩm, là điều quan trọng đối với mỗi một dự án.

img

Bà Vy lý giải, có rất nhiều ý tưởng, sản phẩm sáng tạo được đưa ra bởi các startup Việt, nhưng để nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng không phải điều đơn giản. Nên cần có những sự đảm bảo, cam kết rõ ràng, minh bạch từ nhiều bên cho việc này, qua đó tạo niềm tin trong mắt các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, là về vấn đề nhân lực. Việc thu hút nhân tài cho lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST cũng góp phần tạo nên một thị trường bùng nổ hơn trong tương lai. Qua đó, bà đưa ra ý kiến đóng góp chính sách giảm thuế cho những doanh nghiệp khởi nghiệp để thúc đẩy sáng tạo mô hình kinh doanh, hoặc có cơ chế nào đó để những doanh nghiệp đi đầu như Momo hay VNG có thể quay ngược trở lại, thành những nhà đầu tư cho startup nhỏ.

Cuối cùng, là yếu tố về chính sách. Bà nhìn nhận rằng, thời gian qua Nhà nước đã nỗ lực có rất nhiều khung chính sách, cố gắng giúp đỡ nhiều công ty có thể phát huy tiềm lực của mình, nên đây là một tín hiệu khả quan.

img

“Tuy nhiên, lại có một nghịch lý rằng, nếu chúng ta còn là một lĩnh vực mới thì pháp lý khó khăn là điều đương nhiên, nên cần phải cùng nhau hoàn thiện, xây dựng. Đây là vấn đề đã và đang được giải quyết ”, bà Vy bày tỏ.

img

Bức tranh tươi sáng cho năm 2022 là vậy, tuy nhiên, để đạt được những điểm nhấn, những bước đột phá đó, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia cho rằng, chúng ta vẫn cần có những giải pháp để giải quyết vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt về mặt chính sách hỗ trợ.

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực nhiều trong những hoạt động, nhưng vẫn chưa có nhiều sáng kiến tầm quốc gia để thu hút nguồn lực về Việt Nam. Để có được những sáng kiến tốt, trước hết ta cần nhìn nhận và tìm ra vấn đề, từ đó mới có giải pháp phù hợp.

Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc của các Bộ ngành, cơ quan cấp Chính phủ thật nhanh, để sao cho những sáng kiến đưa ra đều phù hợp với thị trường và đóng góp cho môi trường phát triển thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

img

Ví dụ, khi nói tới ĐMST và công cuộc xây dựng hệ sinh thái, chúng ta cần bàn rất nhiều về việc xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý tốt nhất để thu hút nguồn lực bên ngoài: từ các startup nước ngoài, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ… để họ sẵn sàng tham gia vào hệ sinh thái, cũng như hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Có thể kể đến các thị trường các nước đã có nhiều sáng kiến hay trong lĩnh vực này như Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…, họ đã tạo được những sandbox - mô hình thử nghiệm để hỗ trợ cho các startup.

Đồng thời, những chương trình thu hút nhân tài được đẩy mạnh triển khai không chỉ từ ngoài nước mà ngay trong nước để tạo ra những mô hình kinh doanh tăng trưởng, đóng góp cho hệ sinh thái. Điểm sáng có thể kể đến là chương trình visa khởi nghiệp, cư trú khởi nghiệp ở Canada, Nhật Bản, đã thu hút được rất nhiều nhân tài từ nước ngoài tới đất nước họ để khởi nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo ra việc làm cho chính người bản địa.

img

Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai thí điểm mô hình này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, cư trú cho các startup muốn phát triển tại thị trường Việt Nam. Bởi đã là khởi nghiệp, thì không quan trọng bạn đến từ quốc gia nào, miễn là doanh nghiệp có thể mang lại mô hình kinh doanh, sản phẩm có giá trị cho cộng đồng, người tiêu dùng cũng như quốc gia, đều là điều tốt

Mặt khác, những mô hình liên quan đến kết nối giữa Chính phủ, trường đại học và ngành, để khối liên kết có thể phát huy tối ưu được những thành tự nghiên cứu từ các trường đại học, từ đó, nuôi dưỡng và hình thành nhân tài ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Từ đó, có thể thấy, nếu chúng ta có được chính sách hỗ trợ tốt, sẽ là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường khởi nghiệp ĐMST đang ở độ nở rộ.

Song, ông Thắng kết luận thêm: “Đã là sáng kiến thì có thể thành công, cũng có thể thất bại, có thể chưa tốt ở thời điểm này, nhưng lại phát huy ở thời điểm khác. Nhưng quan trọng hơn cả, vẫn phải có sandbox thử nghiệm ở một vài lĩnh vực cụ thể trước mắt như công nghệ. Từ đó, tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư trong giai đoạn tới".

img

NGUOIDUATIN.VN |