Người đàn ông ấy là ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) – người bấy lâu nay xuất hiện dày đặc trên báo chí cùng những thông tin không được mong đợi như: Chậm nộp thuế, nợ ngân hàng, đóng cửa nhà máy, bị khởi kiện...
Cuộc hẹn của chúng tôi diễn ra vào 2h chiều một ngày cuối tuần tại Nhà máy Vinaxuki ở Mê Linh (Hà Nội). Khi đó, ông Huyên xuất hiện có phần nặng nề, chậm chạp trong cơ thể chỉ cao 1m58 (và như ông chia sẻ thì đây chính là lý do khiến hồi trẻ ông bị lỡ cơ hội làm phi công lái máy bay Mic15).
Ông Chủ tịch dắt chúng tôi vào một căn phòng trên tầng 2, từ tốn mở cánh cửa và những gì chúng tôi thấy là lớp bụi mờ phủi trên bàn ghế. “Căn phòng này trước đây là phòng làm việc của chuyên gia Nhật Bản nhưng 5 năm nay không ai bước vào”, ông nói với vẻ ngậm ngùi.
Nhưng thôi đó là câu chuyện sau này. Còn bây giờ tôi sẽ nói cô nghe vì sao cả đời tôi chọn làm ô tô và sống chết với nó. Tôi bị người ta gọi là “ông gàn” cũng chỉ vì ô tô.
Tôi sinh ở Thanh Hoá nhưng từ năm 4 tuổi đã học ở Hà Nội. Những năm 1956 – 1963, tôi học ở các trường Nguyễn Du, Trưng Vương, là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm. Khi bắt đầu khởi công xây dựng đường Trường Sơn có tuyển nhiều học sinh học lái xe để vận chuyển hàng hoá cho chiến trường, tôi học xong lái xe rồi bắt đầu lái từ năm 1964. Đúng lúc đó Mỹ đánh bom miền Bắc, như nhiều thanh niên, tôi hăm hở đi phục vụ chiến trường. Tôi lái xe chở đoàn bác sĩ - những người thuộc thế hệ của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, xe luôn chất đầy hàng hoá.
Cuộc đời chúng tôi gian khổ chết chóc hi sinh ăn đói mặc rét. Bị thương từ đêm mà đến chiều hôm sau mới có bát cháo ăn. Vì bệnh viện dã chiến, trời mưa nước lên phải chờ nước rút mới đi 20km kéo được bao gạo về. Bao gạo 50kg mà bệnh viện dã chiến mấy trăm người thì chỉ đủ nấu cháo. Gian khổ như vậy nhưng phần lớn họ có tinh thần xung phong ra chiến trường. Tôi rất tự hào vì được học trong một thế hệ mà ở đâu người ta cũng giáo dục lòng yêu nước.
Sau Mậu Thân 1968, cơ quan cho tôi về trường Đại học Giao Thông học chuyên ngành Ô tô. Tôi là con địa chủ, dù bị đi học muộn 1 năm (cộng với 1 năm do kháng chiến chống Pháp) nhưng học rất giỏi.
Tốt nghiệp đại học, tôi về Cục Vận tải Giao thông – Bộ Công Thương, đơn vị quản lý ngành ô tô của cả nước, khi đó dưới cục có vài chục doanh nghiệp.
Năm 1992, ở tuổi 50, tôi xin về hưu để làm ô tô và đến giờ tôi thấy đây thật sự là con đường phiêu lưu, bởi vì đó là thời điểm khó khăn. Năm 1986, 1987 lạm phát 800%, cả tháng lương của tôi không mua nổi cho con gái cái quần lụa. Đất nước nghèo, quá khó để làm ô tô.
Khi tôi đề xuất làm ô tô, nhiều người cười. Phải tự thân vận động, tôi xoay sang làm cơ khí để lấy tiền thực hiện giấc mơ ô tô. Chảo rán inox, nồi hấp khử trùng, thiết bị y tế của Xí nghiệp tư nhân Xuân Kiên là tôi làm đầu tiên, bán rất lãi, mua một đồng nguyên liệu bán ra 3-4 đồng. Có những lúc khách Nhật bán cho tôi cả kho inox do động đất, tôi ngồi cọ rửa làm nguyên liệu để sản xuất nồi, chảo...
Năm 2004, với số vốn gần 200 tỷ đồng, tôi nghĩ đã đến lúc bắt đầu làm ô tô. Xác định đi từ móng, năm 2009 tôi xây nhà máy, gửi kỹ sư Việt Nam sang Nhật học thiết kế, mời chuyên gia Nhật về đây ăn ở để dạy thiết kế. Dự án thân vỏ xe con, cabin xe tải, tôi làm 2 đề tài quốc gia được các nhà khoa học đánh giá là giỏi với kết quả 9 điểm và 8,74 điểm. Tôi đầu tư toàn thiết bị hiện đại đời 3, đời 4, máy móc tự động. Ba chiếc xe con đầu tiên tôi thiết kế đã nội địa hóa được 50%, động cơ vẫn lắp của Nhật nên rất ổn định, chắc chắn.
Những năm sau đó tôi sản xuất đều có lãi. Năm 2011, vốn chủ sở hữu của Vinaxuki lên tới 933 tỷ đồng. Năm 2012 Vinaxuki có công suất 100.000 xe cả xe con, xe tải, xe khách. Nhà máy Vinaxuki Thanh Hoá là nơi đầu tiên sản xuất xe tải nặng của Việt Nam. Tôi bán xe tải nặng giá 900 triệu trong khi các hãng khác bán 1,2 – 1,4 tỷ đồng.
“Chỉ tiếc, khi đang ở đỉnh cao nhất, Vinaxuki gặp sóng gió và hậu quả như cô thấy hôm nay” – Chủ tịch Bùi Ngọc Huyên nói.
Theo công suất thiết kế ban đầu của Vinaxuki, nhân sự lên tới 6.000 người, trong đó nhà máy ở Thái Nguyên 300 người, Thanh Hóa 3.000 người, còn lại là ở nhà máy Mê Linh (Hà Nội). Nếu đủ vốn, hoạt động hết công suất, ba nhà máy này có thể tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động, sản xuất ra 30.000 xe/năm, tỉ lệ nội địa hóa 40 - 50%.
Ngoài thế mạnh về xe tải, công ty cũng tạo ra dòng xe 4 chỗ “made in Vietnam” đầu tiên được đặt tên VG 150 với thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, sơn 5 lớp bằng công nghệ sơn robot tự động... và đã được kỳ vọng là dòng ô tô Việt đầu tiên, giá rẻ của người Việt.
Còn nhớ, ở thời kỳ đỉnh cao của mình, những năm 2007-2009, lượng xuất xưởng của Vinaxuki trung bình 50-60 xe mỗi ngày, có thời điểm lên tới 100 xe. Năm 2011, riêng lượng tiêu thụ xe tải (dòng xe chính của Vinaxuki) luôn đứng top đầu thị trường. Xe lắp đến đâu, bán hết đến đấy.
Thậm chí, các đại lý còn cử người về trọ ngay trong xưởng sản xuất của Vinaxuki chỉ để trực chờ xe xuất xưởng là lấy ngay.
Thế nhưng, năm 2012, công ty này bắt đầu làm ăn sa sút do thiếu hụt vốn lưu động, vay ngân hàng không được vì các ngân hàng cho rằng việc Vinaxuki đầu tư vào nội địa hóa là “mạo hiểm”.
Theo chia sẻ của ông “gàn” Vinaxuki, năm 2012 khi ông mang dự án nội địa hóa ô tô cho ngân hàng thẩm định, họ lại đi hỏi mấy công ty đang nhập khẩu và lắp ráp. Mấy công ty này tham mưu cho ngân hàng rằng Vinaxuki nội địa ô tô là không hiệu quả, chỉ nên lắp ráp thôi, đợi 2018 thuế nhập khẩu ô tô về 0% thì nhập về bán.
Lại gặp đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế, ông Huyên cho hay, Vinaxuki vay có mấy chục triệu đô nhưng ngân hàng cầm vượt quy định về tài sản thế chấp rồi cắt vốn lưu động. Thời điểm đó thị trường ô tô ngừng trệ, lãi suất ngân hàng quá cao, ngân hàng yêu cầu Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ. “Chính tâm lý chuộng hàng ngoại và thói quen bài xích cái mới của người Việt đã ngăn cản tôi thành công” – ông Huyên quả quyết.
Đầu 2014 đế chế ô tô Việt Vinaxuki đồng loạt đóng cửa, đồng tiền vét hết trả ngân hàng. Nhà hương hoả của gia đình ông Bùi Ngọc Huyên ở phố Lý Thường Kiệt cũng phải bán đi, 3 chiếc xe ô tô của ông bị ngân hàng cầm giấy tờ. Đến hết năm 2014, nợ của Vinaxuki lên tới 1.600 tỷ đồng, hơn 17 tỷ đồng tiền thuế và gần 10 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Năm 2015, Vinaxuki đã phải rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, song không có ai mua.
Năm 2017, khi tôi hỏi “Ông có ý định quay lại thực hiện ước mơ đó trong tương lai hay không?”, ông Huyên còn tràn ngập hi vọng cho biết, Chính phủ vừa phân công Bộ Kế hoạch & Đầu tư xuống Vinaxuki khảo sát. Cuối tháng 4/2017, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT dẫn một đoàn cán bộ cấp vụ xuống, họ cũng ủng hộ Vinaxuki và đề nghị Chính phủ tái cơ cấu: Khoanh nợ lại và cho vay vốn lưu động để phục hồi nhà máy.
Thế nhưng lần này, hi vọng của vị Chủ tịch 77 tuổi đã nguội lạnh hẳn.
Bởi ông già cương quyết nhưng gàn dở này đã nhiều lần hi vọng...
Cuối năm 2013, giữa bộn bề khủng hoảng tài chính của Vinaxuki, một tia hy vọng lóe lên khi mà Vietcombank, với tư cách là ngân hàng đầu mối được giao để xử lý nợ Vinaxuki, có văn bản trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho Vinaxuki.
Văn bản nêu rõ: “Các tổ chức tín dụng đánh giá Vinaxuki là một doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả nhiều năm liền trước khi có nợ quá hạn”.
Tuy nhiên, công ty này đã đầu tư nhà máy đúc tại Thái Nguyên và đầu tư dự án nội địa hóa ô tô 05 chỗ và 08 chỗ với quy mô lớn trong khi vốn tự có không đủ, dòng tiền từ sản xuất kinh doanh không đáp ứng do đó đã bị thất bại do không chủ động được nguồn vốn.
Từ đó, Vietcombank cho biết sẽ cùng các ngân hàng liên quan thực hiện cấu trúc lại nợ cho Vinaxuki đồng thời kiến nghị ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ cho cơ chế tài chính đặc biệt, bao gồm vay vốn dài hạn, lãi suất ưu đãi tại ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các nguồn vốn giá rẻ nước ngoài, xem xét miễn giảm thuế, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ và hỗ trợ xử lý nợ lãi trong thời gian khoanh nợ...
Thế nhưng sau đó, đề xuất này đã không trở thành hiện thực.
Tháng 9/2017, Chủ tịch Bùi Ngọc Huyên tiếp tục gửi báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ cùng lãnh đạo Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Nguyên đề nghị xem xét đánh giá hiệu quả dự án nội địa hóa ô tô của Vinaxuki.
Báo cáo nêu rõ: Vinaxuki không phải thất bại vì sai lầm trong công nghệ hay thị trường mà chỉ vì bị ngân hàng “rút phao” khi công ty vừa trót vay ngân hàng 63 triệu USD đầu tư công nghệ cao để sản xuất ô tô Việt.
Từ đó Vinaxuki đề nghị được thẩm định lại dự án, được vay 30 triệu USD từ ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại nợ xấu, hồi phục sản xuất và cam kết sẽ trả hết nợ trong 5 năm. Thế nhưng, sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời đề xuất của Vinaxuki về việc xin được vay vốn ngân hàng để mua lại các khoản nợ xấu tại VAMC là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Thời điểm đó, chia sẻ với PV báo Người đưa tin, ông Bùi Ngọc Huyên cho biết, hiện có một đối tác đồng ý cho Vinaxuki vay vốn mua lại nợ xấu trên, tuy nhiên ông không đồng ý bởi vì họ chỉ đồng ý giá mua bằng 20% khoản nợ 1.366 tỷ đồng hiện tại của Vinaxuki, tương đương khoảng hơn 273 tỷ đồng.
Chúng tôi chia tay Chủ tịch Vinaxuki khi bóng tối bắt đầu sa xuống, cơn mưa rào từ đâu ào tới. Ông “gàn” Bùi Ngọc Huyên tiễn chúng tôi ra cổng. Tôi đi qua dãy phòng làm việc trong nhà máy mà không khỏi xót xa bởi sự hoang tàn lạnh lẽo như bệnh viện thời chiến với ánh sáng lờ nhờ yếu ớt phát ra từ hành lang, chiếu rọi lên dãy bàn ghế gãy chân, mành rèm cáu bẩn...
Nhà máy Vinaxuki rộng 200.000m2 với tấm logo kiêu hãnh ngày nào giờ trong tình trạng vắng tanh, hoang tàn, han gỉ. Toàn bộ nhà máy chỉ còn độ chục người bao gồm bảo vệ, thợ điện, nhân viên trông coi máy móc.
Ông chủ Vinaxuki, người từng đau đáu tâm huyết với giấc mơ sản xuất ra ô tô giá rẻ của người Việt và cho người Việt, hiện giờ ngày ngày trồng cây ăn quả trong chính khuôn viên nhà máy ô tô nghìn tỷ này.
Chia sẻ với PV báo Người đưa tin, ông Huyên cười buồn cho biết, ông trồng ổi, nhãn, ngoài gia đình ăn, cho công nhân thì vừa bán được 12 triệu đồng, số tiền này ông cho mấy đứa cháu. Trước đây ông còn nuôi cả lợn, gà, song từ ngày nhà máy ngừng hoạt động, vợ con ông sinh buồn phiền, ăn chay và phản đối ông sát sinh, do đó giờ chỉ còn trồng cây.
Vẫn biết kinh doanh có người thành công có người thất bại, thương trường khốc liệt hơn cả chiến trường, nhưng tôi vẫn tiếc cho ông “gàn” Vinaxuki bởi những tâm huyết, tài năng không gặp thời và theo tôi, bản chất “cũ người” của ông cũng có phần khó hòa nhập với cái năng động của cơ chế thị trường hiện nay.