Tạp chí Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ từ TS.Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV về những thành tựu nổi bật của các cấp Hội trong nhiệm kỳ XIII (2019-2024) cũng như kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới (2024-2029) để Hội Luật gia ngày càng nâng cao vị thế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
NĐT: Thưa TS.Trần Công Phàn, ông có thể đánh giá tổng quan về những thành tựu nổi bật mà Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ XIII (2019 -2024)?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò của mình trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước hết, trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; giám sát, phản biện xã hội; nghiên cứu khoa học pháp lý của các cấp Hội được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hàng năm, Trung ương Hội đều ban hành văn bản hướng dẫn công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật trong toàn Hội, trong đó xác định rõ nội dung, phương thức thực hiện, yêu cầu sản phẩm, kết quả công tác.
Hội chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại. Tham gia tổng kết thi hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp, trong đó có Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị; Tham gia tổng kết việc thi hành 11 văn bản pháp luật khác…
Cùng với đó, chúng tôi tích cực tham gia vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập 22 dự án luật và văn bản quy phạm pháp luật khác. Tham gia thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, tổ chức Hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong 5 năm qua, Trung ương Hội đã tổ chức được 126 hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu góp ý vào các chương trình, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng.
Đối với một số văn bản luật lớn, quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…, Trung ương Hội đều nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm ở các cấp độ khác nhau để thu thập được nhiều ý kiến tham gia góp ý, phản biện.
Hội Luật gia các địa phương và các Chi hội trực thuộc Trung ương đã góp ý hơn 16.600 lượt ý kiến bằng văn bản vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, gần 51.000 lượt ý kiến vào dự thảo văn bản của địa phương, tham gia kiểm tra, rà soát văn bản hơn 49.700 văn bản và đề nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung sau kiểm tra, rà soát gần 1.500 văn bản theo yêu cầu của Trung ương Hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh. Chúng tôi đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn cho báo cáo viên là hội viên Hội Luật gia, đổi mới phương thức tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đã được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu, trong đó, đặc biệt là đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam…
Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân và các cơ quan Nhà nước, lắng nghe và giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị từ cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.
Điều phấn khởi là, nhiệm kỳ qua nhiều tổ chức hội mới được thành lập, số hội viên Hội Luật gia được tăng cao (từ chỗ đầu nhiệm kỳ có khoảng 60.000 hội viên thì đến nay có khoảng hơn 101 nghìn hội viên).
NĐT: Bên cạnh những kết quả đạt được, vậy theo ông những bài học kinh nghiệm nào từ nhiệm kỳ XIII sẽ cần phải được rút ra và áp dụng nhằm cải thiện hoạt động trong nhiệm kỳ XIV?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Có thể khẳng định, các cấp Hội đã coi trọng việc xây dựng, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; gắn kết hơn với nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, địa phương, có đóng góp cụ thể, thiết thực. Đồng thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội trong tình hình mới. Hội Luật gia các cấp được chính quyền và nhân dân tin cậy, uy tín và vị thế của Hội ngày càng được nâng cao.
Những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ vừa qua mà chúng tôi rút ra được đó là:
Một là, tổ chức và hoạt động của các cấp Hội Luật gia phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, đây là nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm sự phát triển và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia.
Theo đó, để Hội Luật gia thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có điều kiện phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, các hoạt động của Hội phải có được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Luật gia, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 1/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Điều đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với công tác của Hội Luật gia.
Hai là, cần chú trọng hơn nữa vào việc củng cố, phát triển tổ chức Hội các cấp, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng đội ngũ luật gia có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp tốt. Cán bộ là nhân tố quan trọng, quyết định việc thực hiện có chất lượng và hiệu quả các hoạt động của Hội.
Đồng thời, tăng cường và thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, hội viên của Hội, chú trọng nâng cao nhận thức về tính chất, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm xã hội của Hội Luật gia Việt Nam.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước, mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài để tạo sự phát triển mới của Hội.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình, các cấp Hội ở Trung ương và địa phương cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, phát hiện và nhân rộng cách làm mới để mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội với tinh thần luôn chủ động nghĩ ra việc, chủ động tìm việc, chủ động đề xuất việc để triển khai thực hiện.
Bốn là, phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hội, của các hội viên; thực hiện tốt những việc đã được giao, gây dựng và tăng thêm uy tín của Hội Luật gia với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân.
Năm là, định kỳ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết các mặt công tác. Bên cạnh đó, cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý giúp các hoạt động của Hội trở nên nhanh chóng và tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.
NĐT: Tổng Bí thư Tô Lâm, trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, đã đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Trong công văn số 15/CTQH ngày 29/10/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yêu cầu về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Theo ông, các cấp Hội Luật gia Việt Nam cần phải làm gì để vai trò, vị thế của Hội ngày càng nâng cao, đáp ứng trong kỷ nguyên mới?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, Trung ương lần đầu có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Nhà nước pháp quyền (Nghị quyết 27). Đó là sống làm theo pháp luật, quản lý xã hội theo pháp luật. Do đó, pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng và đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật là đòi hỏi cần thiết.
Hội Luật gia Việt Nam là nơi tập hợp những hội viên đã và đang làm ở cơ quan pháp luật có trình độ, có kinh nghiệm về pháp luật, là một lực lượng tiềm năng trong công tác xây dựng pháp luật.
Thời gian tới, Hội sẽ tập trung đổi mới trong công tác này theo tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật như Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội đã nêu.
Song song với đó, Hội và các cơ quan báo chí của Hội tích cực tuyên truyền phổ biến để mọi người hiểu về pháp luật.
Đồng thời, các cấp Hội Luật gia Việt Nam cũng cần tích cực tham gia vào tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế. Đó là những nhiệm vụ, quan trọng mà Hội Luật gia cần làm tốt hơn. Làm được như vậy, vị thế, vai trò của Hội sẽ ngày càng được nâng cao.
NĐT: Hội Luật gia Việt Nam đang bước vào nhiệm kỳ mới với những vận hội mới, xin ông chia sẻ về những kỳ vọng của mình để Hội ngày càng phát huy được vai trò, vị thế của mình trong tình hình mới?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Tôi kỳ vọng, với sự đoàn kết và quyết tâm của toàn thể hội viên, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người dân. Đồng thời, Hội sẽ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng pháp lý trong nước và quốc tế.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!