Chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về câu chuyện phát triển tín dụng xanh tại SHB, ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB cho biết, từ năm 2018 đến nay dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.
Ông Dũng nói rằng, tăng trưởng tín dụng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về phát triển bền vững của SHB. Hơn nữa, việc tích cực thúc đẩy tín dụng xanh gần như không ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của ngân hàng này.
NĐT: Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong 7 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt trên 700%, trung bình mỗi năm tăng gấp đôi và gấp 5 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn hiện nay. Phía SHB đánh giá thế nào về triển vọng nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của kinh tế Việt Nam thời gian tới, thưa ông?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu thiệt hại lớn do biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam là quốc gia sớm theo đuổi chủ trương tăng trưởng xanh, phát triển bền vững với những chính sách và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất xanh phát triển.
Từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020…
Tại COP 26, Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tín dụng xanh cũng đang là xu hướng của ngành tài chính toàn cầu nói chung và ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam nói riêng nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh như đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế.
Khi các chính sách vĩ mô cũng như các chính sách của Ngân hàng Nhà nước được hoàn thiện, việc khơi thông nguồn vốn cho tăng trưởng xanh sẽ được đẩy mạnh. Chính vì vậy, ngân hàng chắc chắn sẽ là kênh tín dụng phát triển trong một vài năm tới.
Với tiềm năng cũng như dư địa phát triển tín dụng xanh của ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và SHB nói riêng là rất lớn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.
NĐT: Là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân hướng dòng vốn đầu tư vào những lĩnh vực xanh lớn, tỉ trọng tín dụng xanh tại SHB hiện lên tới hơn 10% trên tổng danh mục cho vay. Ông có thể chia sẻ về chính sách triển khai nguồn vốn ưu đãi tín dụng xanh mà SHB thực hiện trong thời gian qua?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Trong định hướng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2022-2027, SHB sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh.
Bao gồm: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo-năng lượng sạch, tái chế tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên và phòng chống thiên tai, quản lý nước sạch, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên…
SHB đã mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho chủ đầu tư các dự án xanh như ưu đãi thời hạn vay, ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường. Đặc biệt từ rất sớm, SHB đã hợp tác với các đối tác quốc tế như WB, IFC, ADB… và hiện đang tiếp tục tăng cường để tìm kiếm nguồn vốn trung dài hạn ưu đãi đồng thời tư vấn về an toàn, kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho khách hàng và SHB trong việc thực hiện, tài trợ có hiệu quả các dự án.
Nhờ những chiến lược phát triển đồng bộ, tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh tại SHB chiếm gần 10% trên tổng dư nợ, có xu hướng tăng trưởng ngày càng tăng và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường. Từ năm 2018 đến nay dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.
Một số dự án tiểu biểu về tín dụng xanh SHB đã triển khai trong thời gian qua có thể kể đến: Tham gia giải ngân gần 1.000 tỷ đồng trong dự án REDP do WB tài trợ thông qua các dự án năng lượng xanh; là ngân hàng phục vụ và cho vay lại Dự án “Lưới điện thông minh – Hiệu quả trong truyền tải điện” (giai đoạn 1) trị giá 65 triệu EUR và Dự án “Lưới điện hiệu quả tại các thành phố nhỏ và vừa” (giai đoạn 1 và 2) trị giá 350 triệu EUR do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
SHB cũng là ngân hàng phát hành bảo lãnh các ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” (VSUEE) do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ ủy thác qua WB và Bộ Công Thương với tổng giá trị là 75 triệu USD; Dự án Nhà máy gạo Hạnh Phúc – nhà máy gạo quy mô lớn nhất châu Á… cùng nhiều dự án xanh tiêu biểu khác.
NĐT: Thực tế, các quy định về ngân hàng xanh, tín dụng xanh về cơ bản mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện mà chưa mang tính bắt buộc. Điều này là “cơ hội” hay là “thách thức” với ngân hàng khi triển khai loại hình này?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Qua thực tế triển khai cấp tín dụng cho các dự án xanh của SHB cho thấy, việc lựa chọn phát triển bền vững thông qua tín dụng xanh là “cơ hội lớn”.
Tín dụng xanh không những giúp ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững hơn, mà còn giúp gia tăng thương hiệu ngân hàng đối với khách hàng, đối tác và các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các tổ chức quốc tế trong việc hợp tác nhằm hút nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất tốt.
Việc tích cực thúc đẩy tín dụng xanh gần như không ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của SHB. Bởi, việc cấp tín dụng cho các lĩnh vực/dự án xanh hóa, bảo vệ môi trường cũng ít cạnh tranh hơn so với việc cấp tín dụng cho các lĩnh vực khác.
Các khách hàng của SHB hoạt động trong lĩnh vực xanh hóa thường hoạt động an toàn, hiệu quả hơn các lĩnh vực khác. Họ có dòng tiền ổn định đảm bảo trả nợ đúng kỳ hạn và được xã hội, khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó, SHB đã tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng theo Basel II và chuẩn bị thực hiện theo Basel III. Chính vì vậy, trong thời gian tới, SHB sẽ tiếp tục gia tăng tỉ trọng dư nợ cho các lĩnh vực xanh, bảo vệ môi trường.
NĐT: Tài trợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của SHB chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng dư nợ. Đâu là lý do khiến SHB lựa chọn nông nghiệp nông thôn để cho vay vốn ưu đãi tín dụng xanh, thưa ông?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò chủ lực là một trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam, SHB đã hưởng ứng tích cực chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa dòng vốn đến các khu vực ưu tiên trên thị trường tài chính nông thôn, nhằm giúp các doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại có giá trị cao hơn, góp phần mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho nhiều hàng hóa nông sản của Việt Nam.
Doanh số cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của SHB bình quân trong 5 năm qua đạt hơn 100.000 tỷ đồng. Khách hàng của SHB là các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn; các khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…
Đặc biệt trong đó, SHB ưu tiên đẩy mạnh các dự án nông nghiệp xanh. Tiêu biểu có thể kể đến như trong lĩnh vực lúa gạo, SHB cho vay tài trợ chuỗi lúa gạo khép kín, góp phần liên kết giữa hàng trăm nghìn hecta vùng nguyên liệu, hàng chục nghìn hộ nông dân, hợp tác xã ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, SHB triển khai cho vay khách hàng doanh nghiệp theo dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Trong đó, các dự án được SHB tài trợ vốn đã đáp ứng các chuẩn mực, các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm “xanh” và “sạch”, góp phần nâng cao “giá trị gạo của Việt Nam”.
Các chính sách, chương trình cho vay ưu đãi là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tín dụng và hỗ trợ khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Do đó, trong những năm qua, SHB đã dành hàng nghìn tỷ đồng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất thông thường để thu hút và hỗ trợ khách hàng.
Đặc biệt trong giai đoạn 2023 - 2024, SHB đang triển khai Chương trình ưu đãi lãi suất với quy mô 6.000 tỷ đồng tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động và cả nhu cầu vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thuộc nhóm ưu tiên.
NĐT: Khi chưa có một hành lang pháp lý cụ thể, phía SHB đã có chính sách và chiến lược cho hoạt động tín dụng xanh gắn với các mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển chung ra sao?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Tăng trưởng tín dụng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về phát triển bền vững của SHB.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được SHB triển khai đồng bộ theo lộ trình cụ thể, từ nâng cao nhận thức cán bộ nhân viên, đối tác, khách hàng về tầm quan trọng của tăng trưởng tín dụng xanh; cải cách các quy định, quy trình, cơ chế cho đến “may đo” các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh.
Đồng thời, SHB từng bước chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên cho những khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực xanh, góp phần thúc đẩy khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường.
Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, SHB luôn kiểm soát hoạt động an toàn, bền vững. Các dự án khi được SHB lựa chọn tài trợ vốn phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế và trong nước về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.
SHB đã đưa nội dung đánh giá rủi ro môi trường xã hội là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình đánh giá, thẩm định để xem xét cấp tín dụng cho khách hàng.
Điều này giúp SHB lựa chọn được các khách hàng có phương án, dự án xanh thân thiện với môi trường, có rủi ro môi trường xã hội thấp, đồng thời có thể hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng trong việc thực hiện các biện pháp, kế hoạch hành động để tránh, giảm thiểu và/hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực về môi trường xã hội trong quá trình khách hàng thực hiện phương án, dự án kinh doanh, khuyến khích khách hàng hướng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch, an toàn và thân thiện hơn với môi trường.
SHB thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trên cơ sở các quy định của Nhà nước và tham khảo theo các tiêu chuẩn hoạt động về môi trường xã hội của IFC. Đồng thời, SHB đã và đang tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng.
Là ngân hàng sớm hoàn thành 3 trụ cột Basel II trước thời hạn, SHB đang từng bước đáp ứng Basel III và IFRS 9. Đây là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi gia tăng dư nợ tín dụng xanh và giữ vững lập trường theo đuổi phát triển bền vững trong nhiều năm qua.
Tuy vẫn còn gặp một số khó khăn chung, nhưng với vai trò của trung gian tài chính, SHB tiếp tục cam kết đẩy mạnh phát triển sản phẩm tín dụng xanh, sử dụng hợp lý nguồn vốn từ các ngân hàng hay các chương trình dự án của Nhà nước cho các dự án “xanh” nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.
SHB tiếp tục đẩy mạnh số hóa sản phẩm dịch vụ góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt từ đó giảm thiểu lưu thông tiền mặt trong thị trường, góp phần phát triển sản phẩm tín dụng xanh; nâng cao năng lực tài chính bằng cách huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế hay các nhà tài trợ nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ chức về tầm quan trọng và vai trò của tăng trưởng xanh; nâng cao ý thức của mọi người trong việc sử dụng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuyên truyền về tín dụng xanh tại các hội thảo, hội nghị để có thể tiếp cận với nhiều khách hàng.
Từ đó, cung cấp thông tin để khách hàng nắm bắt và hiểu rõ hơn về tín dụng xanh cũng như lợi ích của tín dụng xanh. Nhiều khách hàng quan tâm đến tín dụng xanh sẽ đẩy mạnh quá trình phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam.
Trên hành trình 30 năm phát triển, với phương châm “Lấy khách hàng làm trung tâm”, SHB đã, đang và sẽ luôn đồng hành gắn bó cùng doanh nghiệp bằng việc đưa ra các sản phẩm dịch vụ đa dạng, nguồn vốn ưu đãi, sẵn sàng mang đến những giải pháp tài chính linh hoạt, giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu quả sử dụng nguồn vốn, gia tăng năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô hoạt động, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
NĐT: Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
NGUOIDUATIN.VN |