Với vai trò là "cầu nối" giữa các doanh nghiệp với các sở, ngành Thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, năm 2024, HUBA sẽ tiếp cận và kết nối doanh nghiệp nhiều hơn nữa; xây dựng các hoạt động, chương trình gắn với chính sách vĩ mô.
Về định hướng hỗ trợ phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hòa, cho rằng doanh nghiệp xanh, sản xuất xanh, phát triển bền vững là xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu và đây cũng là hướng đi của kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA)
Theo ông Hòa, hoạt động chuyển đổi xanh được các doanh nghiệp của thành phố nói riêng, doanh nghiệp của cả nước nói chung nhận thức khá đầy đủ và đó là đòi hỏi của khách hàng, của thị trường. Hơn nữa, chuyển đổi xanh hiện được các nước sử dụng như một "hàng rào", đưa ra trong điều kiện nhu cầu thị trường giảm, do đó các doanh nghiệp phải chuyển đổi theo hướng xanh.
Để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp Thành phố chuyển đổi xanh, HUBA đã tổ chức trao giải thưởng doanh nghiệp xanh. Sau chương trình này, HUBA đang tổ chức chương trình kết nối với các nhà phân phối để làm tăng sự nhận diện của người tiêu dùng, sự ủng hộ của người tiêu dùng; tăng sự kết nối giữa các doanh nghiệp xanh trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng.
Trước mắt, HUBA đã kết nối các doanh nghiệp sản xuất xanh với các hệ thống phân phối chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh như: Satra, Saigon Co.op và nhà phân phối 100% vốn nước ngoài là MM Mega Market. Các nhà phân phối với thị phần lớn, mạng lưới bán hàng rộng khắp cả nước sẽ giúp doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất. Các nhà phân phối đã thống nhất sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xanh tiếp cận với người tiêu dùng.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh, để hỗ trợ doanh nghiệp xanh cần có cơ chế chính sách. Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cho phép khởi động lại chương trình kích cầu và nghị quyết 09 của HĐND Thành phố về chương trình kích cầu đã đưa dự án chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp vào các chương trình kích cầu; những doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, đầu tư chuyển đổi số cũng sẽ được hỗ trợ lãi suất từ Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh xác định phải phát triển bền vững, chuyển đổi xanh để tạo ra động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho thành phố.
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trước đây các tiêu chí xanh đối với sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu chỉ mang tính khuyến khích. Còn hiện nay các tiêu chí này là bắt buộc, nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ có nguy cơ bị mất thị trường.
Đồng thời, không chỉ thị trường khó tính như châu Âu mà các thị trường xuất khẩu khác cũng yêu cầu sản phẩm xuất khẩu phải xanh, vì liên quan đến chuỗi cung ứng và các hiệp định thương mại mà các nước này đã ký. Cho nên, doanh nghiệp muốn giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu thì phải có chiến lược chuyển đổi sản xuất xanh rất cụ thể. Trong đó, không chỉ xanh về nguyên liệu, môi trường, lao động và còn hướng tới kinh tế tuần hoàn.
“Xanh không chỉ là tín chỉ carbon mà còn liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, tuần hoàn nước, năng lượng. Những phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất chúng ta phải tái chế, tập trung vào nguyên tắc 4R, đó là giảm thải, tái chế, tái sử dụng và sửa chữa. Doanh nghiệp phải xây dựng, rồi mời các tổ chức chứng nhận xanh đánh giá, cấp chứng nhận xanh và khi có chứng nhận xanh chúng ta mới xuất khẩu hàng hóa đi các nước được”, TS. Huỳnh Thanh Điền nêu ý kiến.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng chậm lại nên cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, trong đó có kinh tế xanh và kinh tế số.
Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị văn minh, hiện đại nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách.
Khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột. Đó là phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển, tạo môi trường và cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay hành trình tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, đây là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035.
Theo các chuyên gia, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy vậy, thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước). Về cơ bản nền kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Ông Phạm Bình An cho rằng, bên cạnh những cơ hội để phát triển kinh tế xanh, thành phố Hồ Chí Minh hiện đang đứng trước những thách thức đó là nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn rất lớn nhưng nguồn ngân sách thành phố Hồ Chí Minh còn hạn hẹp.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh
Phát triển kinh tế xanh cũng đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi năng lực phát triển công nghệ của doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và năng suất lao động còn hạn chế. Ngoài ra, các chính sách phát triển kinh tế xanh hiện nay còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư năng lượng sạch nhưng biểu giá điện từ năng lượng tái tạo chưa đủ hấp dẫn, vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn dài…
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đầu tàu tiên phong xanh hoá nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là trong ngành Du lịch. Thực hiện chủ chương về ý thức bảo vệ môi trường, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh đã khai thác nhiều tour “du lịch xanh”, trong đó sử dụng phương tiện xanh (xe điện, xe đạp, xuồng ghe…).
Bên cạnh đó là tổ chức du lịch cùng hoạt động bảo vệ thiên nhiên, trồng cây, dọn rác; đến thăm các di sản thiên nhiên… qua đó lan toả thông điệp về bảo vệ môi trường, tài nguyên xanh. Các tour tham quan di sản thiên nhiên thường xuyên được doanh nghiệp lữ hành thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhằm lan toả thông điệp bảo vệ môi trường.
Nói về định hướng phát triển du lịch xanh của địa phương, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Du lịch xanh là xu hướng phát triển được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030; trong đó huyện Cần Giờ là một trong các khu vực trọng điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, biển và khu dự trữ sinh quyển”.
Thời gian qua, ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng và sẽ triển khai giai đoạn 2, thí điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Thành phố Hồ Chí Minh nhận trách nhiệm là địa phương đi đầu trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
Sở Du lịch Thành phố này cũng đang phối hợp với Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại 5 huyện của thành phố
Về định hướng phát triển du lịch xanh, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào 6 nội dung chính, trong đó có cơ sở hạ tầng như công viên, hạ tầng kết nối du lịch, du lịch xanh ở huyện Cần Giờ. Tạo môi trường phát triển du lịch xanh thông qua các cơ chế khuyến khích du lịch xanh, hợp tác với các địa phương để phát triển du lịch xanh.
Để làm được điều này, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ như tập huấn cho các cơ sở du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN, tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên; truyền thông, quảng bá về du lịch xanh. Khuyến khích doanh nghiệp xanh như hỗ trợ vốn, ưu đãi khi đầu tư liên quan đến kinh tế, du lịch xanh và phát triển sản phẩm du lịch xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Phân tích thêm, PGS.TS Phạm Trung Lương - Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) chỉ ra, đối với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, việc phát triển “du lịch xanh” có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Chính vì vậy một trong 3 mục tiêu cụ thể của chiến lược đã xác định phát triển “du lịch xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cùng với việc ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm “du lịch xanh” trên, các hoạt động phát triển du lịch cần tuân thủ các nguyên tắc của phát triển bền vững, đặc biệt trong khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quản lý tác động của du lịch, đặc biệt là chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường, khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường.
“Trước hết là nhận thức của các nhà quản lý các cấp, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển “du lịch xanh” nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Nhận thức này cần được chuyển hóa thành hành động cụ thể trong hoạt động tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, trong thẩm định các dự án đầu tư phát triển sản phẩm “du lịch xanh”. Cần thiết phải có được đánh giá toàn diện có tính hệ thống, đặc biệt là phát triển sản phẩm “du lịch xanh” thông qua việc xây dựng các tiêu chí và đưa vào áp dụng trong thực tiễn”, ông Lương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Du lịch xanh và bền vững là xu hướng tất yếu của du lịch toàn cầu. Phát triển điểm đến xanh, thân thiện môi trường cũng là mục tiêu thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến”. Do đó, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh định hướng tổ chức nhiều chuỗi hoạt động thiết thực nhằm khuyến khích hệ sinh thái du lịch tăng cường ứng dụng những giải pháp “xanh”, phát triển du lịch có trách nhiệm, tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành theo chiều sâu, chắc chắn và bền vững.
Cần Giờ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch xanh, đặc biệt là du lịch sinh thái của thành phố Hồ Chí Minh.
NGUOIDUATIN.VN |