Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để lắng nghe những trải lòng của địa phương này trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp.
Người Đưa Tin (NĐT): Làn sóng dịch thứ 4 đã “quét” qua Bắc Giang, trong đó có khu công nghiệp. Thời điểm đó, Bắc Giang đã có quyết định đóng cửa 4 KCN trên địa bàn, giờ khi dịch đã đi qua, ông nghĩ sao về quyết định đó?
Ông Mai Sơn: Làn sóng dịch thứ 4 “quét” qua Bắc Giang đã gây ra những hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động và nhân dân, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN. Từ khi xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên tại một doanh nghiệp, dịch đã lây lan rất nhanh ra các KCN và lan rộng trong khu vực dân cư có đông công nhân, người lao động sinh sống.
Việc dừng hoạt động 4 KCN của tỉnh (ngày 18/5/2021) là một quyết định đúng đắn và rất kịp thời, đã sớm ngăn chặn được dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Chỉ trong 11 ngày dừng hoạt động các KCN, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế và các doanh nghiệp cũng bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất.
NĐT: Chống dịch không đồng nghĩa với dừng phát triển kinh tế, xin ông chia sẻ về việc này?
Ông Mai Sơn: Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; ngày 25/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp; xây dựng Phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN khôi phục sản xuất; tập trung các giải pháp nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp như: Hỗ trợ giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động; về bố trí chỗ ở tập trung; về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, về đưa đón lao động...
Tỉnh đã thành lập Bộ phận y tế thường trực tại KCN, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án phòng chống dịch, thành lập các Tổ an toàn Covid-19; tuân thủ thực hiện nghiêm quy định “5K”, bố trí khu vực sát khuẩn tay, đo thân nhiệt tại cổng ra vào và khu vực nhà xưởng và tiến hành khai báo y tế theo quy định. Khi người lao động trở lại làm việc phải được xét nghiệm; quá trình hoạt động, các doanh nghiệp phải định kỳ xét nghiệm sàng lọc cho người lao động bằng phương pháp RT-PCR để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Bắc Giang ưu tiên tập trung tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân, người lao động đang làm việc trong các KCN. Đến nay, tỉnh đã tổ chức 10 đợt tiêm, dự kiến đến ngày 10/10/2021, 100% người lao động trong các KCN (đủ điều kiện tiêm) sẽ hoàn thành tiêm mũi 1, số người được tiêm mũi 2 sẽ đạt tỷ lệ gần 50%.
NĐT: Chúng ta đã đổi mục tiêu phòng chống dịch từ “không có Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, xin ông cho biết kế hoạch của Bắc Giang để bảo vệ “vùng xanh” ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong thời gian tới?
Ông Mai Sơn: Nhằm giữ vững thành quả đạt được, trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến còn kéo dài, công tác phòng, chống dịch của Bắc Giang xác định tập trung cao ở cả hai địa bàn chiến lược là trong cộng đồng và trong các khu, cụm công nghiệp.
Trong đó, để bảo vệ “vùng xanh” ở các doanh nghiệp trong KCN, Bắc Giang xác định một số giải pháp chính đó là:
Thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của công nhân, người lao động về các biện pháp phòng, chống dịch, tránh biểu hiện lơ là, chủ quan; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 5K và đẩy nhanh ứng dụng CNTT; chú trọng công tác phòng chống dịch tại khu lưu trú; quản lý chặt chẽ phương tiện đưa đón công nhân; kiểm soát tốt nguồn lây.
Khi phát hiện ca bệnh phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thần tốc truy vết, phân loại nguy cơ, thu hẹp phạm vi, dập dịch nhanh nhất.
Xác định chiến lược vắc xin được coi là giải pháp cấp bách và lâu dài trong phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc xét nghiệm tầm soát vẫn phải duy trì thường xuyên theo đúng chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó: (1) Đối tượng có nguy cơ cao thực hiện xét nghiệm định kỳ 03 ngày/1 lần; (2) Các đối tượng còn lại thực hiện xét nghiệm định kỳ 07 ngày/1 lần (mỗi lần xét nghiệm tối thiểu 20% đối tượng của doanh nghiệp). Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xét nghiệm, yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật dữ liệu trên phần mềm quản lý và truy vết Covid, thực hiện quy định về quét mã QR tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Tập trung triển khai các giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu; việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ Trung Quốc về Bắc Giang và ngược lại qua các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
NĐT: Thưa ông, những năm gần đây Bắc Giang nổi lên là một điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Ngoài lợi thế địa lý, chắc hẳn tỉnh phải có những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp?
Ông Mai Sơn: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 1.819 dự án đầu tư có hiệu lực, trong đó có 1.336 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đăng ký là 93.859,6 tỷ đồng; 483 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 6.828,55 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là thu hút trong giai đoạn từ 2016 đến nay với 225 dự án trong nước, vốn đăng ký 40.226 tỷ đồng và 259 dự án FDI với vốn đăng ký 4.497 triệu USD.
Có được thành quả bước đầu nêu trên, trước hết là quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng như để nâng cao hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư các nguồn lực cho phát triển.
Các cơ chế, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Đây cũng là tiền đề để thu hút đầu tư và phát triển đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian vừa qua, cũng như trong thời gian tới.
NĐT: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm hồ sơ thủ tục là tinh thần Chính phủ yêu cầu các Bộ, ban, ngành và địa phương. Doanh nghiệp tại Bắc Giang đã hưởng lợi như nào từ việc này?
Ông Mai Sơn: Thời gian qua, các ngành, các cấp của tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp với phương châm đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Trong đó, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặc biệt là một trong những khâu đột phá trong thu hút đầu tư của tỉnh những năm gần đây.
Nhờ đó, trong 2 năm trở lại đây 2019, 2020 chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Bắc Giang đã được cải thiện rõ rệt và đáng kể từ thứ 25 năm 2019 lên thứ 13 năm 2020. Riêng tháng 8/2021: 90,9% hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công của tỉnh được giải quyết trước hạn.
Phải kể đến những điểm sáng trong rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính là việc cấp GCNĐKĐT đã và đang được triển khai rất tích cực. Theo quy định của Luật Đầu tư thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp GCNĐKĐT của Nhà đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp GCNĐKĐT. Tuy nhiên, cơ quan đăng ký đầu tư tỉnh Bắc Giang (Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các KCN tỉnh) đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thẩm định rút ngắn thời gian chỉ còn 66% tổng thời hạn giải quyết.
Việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính giúp Nhà đầu tư, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư sử dụng vốn.
NĐT: Như ông đã nói, số doanh nghiệp tại Bắc Giang đang xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là giai đoạn 2016 đến nay. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang đóng góp cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà như thế nào?
Ông Mai Sơn: Đợt dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, Bắc Giang là tỉnh ở phía Bắc bị ảnh hưởng lớn nhất. Mặc dù vậy số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tính đến ngày 16/9/2021 trên địa bàn tỉnh đạt 965 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ), với số vốn đăng ký là 19.371 tỷ đồng (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ). Đến nay, toàn tỉnh đã có 11.675 doanh nghiệp; trong đó có 11.196 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 103.516 tỷ đồng và 479 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký đạt 3.891 triệu USD.
Trong những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tôi lấy ví dụ về giai đoạn 2016-2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự tăng đột phá với 6.127 doanh nghiệp được thành lập mới; số vốn đăng ký là 64.378 tỷ đồng (gấp 2,4 lần về số lượng doanh nghiệp và gấp 6,37 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015).
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Giai đoạn 2011-2015, có 154 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 22.960 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 có 251 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài được thành lập với tổng vốn đăng ký đạt 27.125 tỷ đồng (1,6 lần về số lượng và 1,2 lần về số vốn so với giai đoạn trước).
Hoạt động của các doanh nghiệp đã có đóng góp ngày càng lớn vào GRDP và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay. Với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 10,5%/năm, thì đóng góp của các doanh nghiệp đạt khoảng 5 điểm phần trăm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng GRDP đạt 13,8%/năm, thì các doanh nghiệp đóng góp khoảng 10,3 điểm phần trăm.
Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm gần đây đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực là giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Các doanh nghiệp hoạt động góp phần quan trọng trong thu ngân sách Nhà nước tại địa phương. Giai đoạn 2011 - 2015, các doanh nghiệp nộp NSNN đạt 4.829 tỷ đồng; đến giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp nộp NSNN đạt 9.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Nhìn chung, trong thời gian vừa qua cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang phát triển nhanh về số lượng, hoạt động đa ngành nghề; nhiều doanh nghiệp đã thể hiện rõ bản lĩnh, sáng tạo, dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro, vươn lên cạnh tranh trên thị trường quốc tế; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
NĐT: Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ngoài những lời chúc tốt đẹp, có lẽ doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa sự đồng hành của chính quyền địa phương trên chặng đường dài. Bắc Giang đã chuẩn bị “hành trang” như nào cho chặng đường dài này?
Ông Mai Sơn: Trước hết, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, cho phép tôi thay mặt UBND tỉnh gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh cũng như trong cả nước. Chúc các doanh nhân có nhiều sức khỏe, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và xứng đáng với bốn chữ “Tâm, Tầm, Tài, Trí”.
Đối với tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song nhờ làm tốt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch; nâng cấp hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp (CCN) và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nên tỉnh tiếp tục được coi là điểm đến hấp dẫn, dịch chuyển vốn FDI vào địa bàn. Thời gian tới tỉnh sẽ có những biện pháp quyết liệt nhằm "trải thảm đỏ" đón các nhà đầu tư.
Trong thời gian đã qua cũng như thời gian tới, tỉnh Bắc Giang luôn thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”; Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp; chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính... để góp phần phục vụ doanh nghiệp được tốt nhất.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
C.L