“Khi phụ nữ ngày càng tốt đẹp hơn thì rất đáng buồn, đàn ông chúng tôi vẫn như thế”, nhà văn Hoàng Anh Tú bắt đầu câu chuyện về chủ đề hạnh phúc, trong căn nhà riêng ngập tràn ánh nắng của mình.
Khi nhiều đàn ông quan niệm rằng, phụ nữ “hơn dăm ba tuổi vẫn là đàn em” thì nhà văn Hoàng Anh Tú lại dành cho họ một sự trân trọng đặc biệt. Trong mắt anh, phụ nữ của hiện tại đã được giải phóng, tiến bộ hơn rất nhiều và khiến đàn ông ngưỡng mộ, thậm chí nể phục. Và với anh, họ đã đem đến cuộc sống này những nguồn cảm hứng rất mạnh mẽ.
Thế nhưng, có lẽ quan niệm về hạnh phúc không khớp trục nên giữa phụ nữ và đàn ông còn thiếu sự… bằng lòng. Có những người đến giờ này vẫn chưa tìm được hạnh phúc. Họ vẫn lấn bấn ở đâu đó. Họ vẫn còn đặt quá nhiều kỳ vọng, hạnh phúc vào những người đàn ông xung quanh.
Đàn ông, hạnh phúc đơn giản là một mái ấm, đủ ăn đủ mặc mỗi ngày, thậm chí hạnh phúc là làm được những điều mình thích. Họ không tô điểm hạnh phúc một cách cầu kỳ và luôn biết bằng lòng với những gì mình đang có.
Còn phụ nữ, hạnh phúc rất đa dạng, không chỉ là đủ cơm ăn áo mặc, là những bó hoa được người thương gửi đến thường ngày, là món quà đắt tiền được tặng trong những dịp lễ tết… mà còn là vô vàn những điều tỉ mỉ khác nữa.
Với anh Tú, người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào người phối ngẫu với họ. Họ kém hạnh phúc hơn vì không được sự quan tâm, chia sẻ trong cuộc sống.
Hóa ra câu chuyện, đàn ông được dạy, chỉ cần kiếm được nhiều tiền mang về nhà cho vợ là xong là câu chuyện khá phổ biến trong xã hội Việt Nam. Anh Tú không phủ nhận và còn cho rằng, đàn ông Việt Nam nói riêng, đàn ông châu Á nói chung đều có ý thức rất kém trong việc chia sẻ việc nhà với vợ, cùng vợ xây đắp tổ ấm.
Trong hôn nhân, người chồng nói rất yêu vợ, làm tất cả mọi thứ cho vợ mà cô ấy vẫn cảm thấy không hạnh phúc. Đó là bởi rất nhiều người chồng nghĩ rằng đưa thẻ ATM cho vợ và nói: “Em mua gì thì em mua, tiêu không hết đừng về” sẽ khiến vợ hạnh phúc.
Sự thực, đó là mong muốn của rất nhiều phụ nữ. Nhưng một thực tế khác, là nhiều phụ nữ vẫn cảm thấy không hạnh phúc trước điều đó, bởi thứ cô ta mong muốn là thời gian, sự để tâm của chồng dành cho mình. Trong khoảnh khắc vui vẻ nào đó, người vợ nói câu chuyện về một địa điểm ăn ngon. Đến sinh nhật, người chồng đưa người vợ đi ăn, người phụ nữ sẽ vui vì người chồng rất lắng nghe, để tâm đến cảm xúc của vợ.
Có triệu USD trong tài khoản, dùng hàng hiệu mà không có hạnh phúc gia đình thì rõ ràng cũng trở thành bất hạnh. Người phụ nữ không có điều kiện nhưng được chồng yêu thương, chia sẻ thì họ vẫn hạnh phúc.
Về căn bản, hạnh phúc của phụ nữ giàu và nghèo không khác gì nhau. Hầu hết, họ đều đặt hạnh phúc của mình trên nền tảng gia đình.
Nhưng nhìn sâu xa hơn, mỗi người đều có quan điểm hạnh phúc khác nhau nên những người có điều kiện, mong muốn hạnh phúc của họ có thể sẽ nhiều hơn, khác hơn. Những người phụ nữ không có điều kiện, người ta chỉ mong muốn những điều phù hợp cho bản thân và gia đình...
Muốn mình hạnh phúc, đừng quá kỳ vọng hay đòi hỏi. Nhiều người phụ nữ có đầy đủ mọi thứ nhưng kỳ vọng nhiều hơn thế. Trong khi đó, họ lại không biết cân bằng cảm xúc trước những thiếu sót của người đàn ông. Xét cho cùng, phải nhìn thấy những điều chúng ta đang có. Đừng nhìn những điều mà phụ nữ khác đang có để thấy rằng mình bất hạnh. Đó là điều không nên.
Có nhiều phụ nữ bất hạnh trong sự chọn lựa. Họ lựa con đường khó khăn hơn những người phụ nữ khác. Như việc, họ chọn một người đàn ông chỉ vì rất yêu anh ta mà không nghĩ đến tương lai.
Có phụ nữ lại quên giá trị bản thân nên thường xuyên gặp bất hạnh. Khi đặt hạnh phúc của mình vào tay người khác sẽ giống như đánh cược, phần nhiều chúng ta đều thua.
Những người có lòng tin vào hạnh phúc sẽ có được hạnh phúc, còn những người không tin vào hạnh phúc, cho dù họ có đạt được tất cả mọi thứ, họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Khi họ đạt được mục tiêu này, họ lại có một mục tiêu khác. Đó thậm chí có thể coi là bất hạnh.
Tôi nghĩ rằng, những ai biết trân trọng giá trị bản thân mình, họ sẽ tìm được hạnh phúc tự thân. Chúng ta muốn là chúng ta hạnh phúc, chúng ta tin chúng ta được quyền hạnh phúc thì rõ ràng chúng ta sẽ hạnh phúc, hơn là cứ chờ đợi. Tại sao không phải là chúng ta tự kiếm tiền, tự làm mọi thứ cho mình vui.
“Cuộc đời thay đổi khi ta thay đổi”. Những người phụ nữ cảm thấy mình không hạnh phúc, hãy dừng lại một chút, hãy suy nghĩ lại một chút và thay đổi bản thân mình.
Bởi, hạnh phúc là chặng đường. Chúng ta tìm thấy nó khi chúng ta đi trên con đường đó chứ không phải ngồi một chỗ mơ mộng.
Không chỉ riêng phụ nữ, tất cả mọi người luôn phải biết tìm kiếm hạnh phúc tự thân. Tự chúng ta thỏa mãn với cuộc sống, yêu cái ngày hôm nay của chúng ta thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Chúng ta không có quá nhiều thời gian để tìm kiếm, chờ đợi, hi vọng ai đó mang lại hạnh phúc cho mình mà phải là chính mình.
Chúng ta không có đến 300 năm khiến cho cuộc đời chúng ta trở nên hạnh phúc, đôi khi chúng ta chỉ có 60 năm thôi, 60 năm cuộc đời để có thể có được nhiều thời gian hạnh phúc nhất. Đừng để đến khi 59 tuổi mới biết thế nào là hạnh phúc.
Có những lúc các con tôi suy nghĩ tiêu cực và hư đốn; có những lúc vợ tôi cảm thấy không thỏa mãn hay hạnh phúc với chồng. Tuy nhiên, đó chỉ là giây phút tạm thời.
Mỗi ngày, chúng tôi tự dạy nhau, rằng làm thế nào để khi về nhà chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc, làm thế nào để gia đình 5 người chúng ta có thể sống chung vui vẻ. Chúng tôi học lẫn nhau những điều đó và thay đổi mỗi ngày để có được cuộc sống hạnh phúc.
Chúng ta không bao giờ biết được ngày mai như thế nào. Không ai dạy chúng ta cách làm thế nào để chúng ta hạnh phúc. Mà đó là chính chúng ta. Tôi nghĩ rằng, đó là cách để vận hành một gia đình.
Tôi học sự tổn thương từ con mình. Khi con ngã, con khóc không phải vì con đau mà vì bố đã không ôm con. Còn chúng học ở tôi, rằng dù gặp bất cứ chuyện gì, cứ ngồi lại với nhau, nói được với nhau, mọi thứ đều giải quyết được. Tôi học được ở vợ tôi, hãy nỗ lực nhiều nhất để tốt hơn ngày hôm qua.
Chúng ta cứ tìm một mục tiêu để vượt qua, tìm đối thủ để chiến đấu, cuộc đời chúng ta trở thành cuộc chiến và cuộc đời của chúng ta rất mỏi mệt bởi cuộc đua đó.
Tôi cố gắng làm thế nào để đi ra ngoài, chúng (những đứa con) tự hào và không cảm thấy xấu hổ vì tôi. Tôi cũng cố gắng để trở thành một ông bố vợ thật ổn. Đối với vợ mình, tôi giữ gìn sức khỏe thật tốt. Nếu tôi không ốm đau thì vợ bớt đi được mối lo. Còn với mẹ và mẹ vợ, cuộc sống gia đình của tôi hạnh phúc chính là điều làm cho họ cảm thấy hạnh phúc.
Hạnh phúc của bố mẹ là thứ “vi-rút” rất dễ lây lan sang con cái. Khi chúng ta trân trọng bản thân, nỗ lực một chút để tốt hơn ngày hôm qua thì tôi tin rằng cuộc sống sẽ nở hoa.
Đức hy sinh là thứ cả đời gắn với phụ nữ. Họ hy sinh vì chồng, vì con. Nhiều phụ nữ cho rằng con mình hạnh phúc, mình sẽ hạnh phúc. Không phải vậy. Nếu bạn đi trên máy bay, bạn luôn được yêu cầu: “Hãy đeo bình dưỡng khí cho mình rồi sau đó mới đeo cho con”. Chúng ta không thể nào có một đứa trẻ hạnh phúc khi mẹ nó không hạnh phúc. Chúng ta không có một gia đình hạnh phúc nếu như không có một người vợ hạnh phúc. Đừng cho rằng, vì chồng tôi thế này, con tôi thế kia, mẹ chồng tôi thế nọ nên tôi không hạnh phúc. Thực ra là chính bạn chứ không phải ai khác đã cướp đi hạnh phúc của mình.
Phụ nữ, hãy độc lập trong suy nghĩ, đừng sống vì chuẩn mực hay giấc mơ của người khác; đừng cố gắn lên ngực mình những tấm huy chương, trở thành người mẹ giàu đức hy sinh, người vợ hiền dâu thảo...
20/10, phụ nữ thay vì chờ đợi ai đó tặng cho mình 1 bó hoa thì hãy tự mua tặng cho mình. Phụ nữ thay vì nhìn ngó tất cả những người phụ nữ khác xem họ được tặng gì, được ai tặng hoa thì chẳng có lý do gì không mua tặng lẫn nhau.
Còn đàn ông, dù 364 ngày đã yêu thương chiều chuộng thì 20/10, phụ nữ vẫn cần được quan tâm. Đừng khiến họ 364 ngày hạnh phúc còn ngày 20/10 thì không!