img

Dịp này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Phạm Tiến Vân – Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Hàn để tìm hiểu rõ hơn về giá trị mang lại của chuyến thăm này cũng như triển vọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới.

img

img

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Đại sứ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong 3 ngày với nhiều hoạt động. Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm này đối với quan hệ song phương?

Đại sứ Phạm Tiến Vân: Trước hết về quan hệ song phương, vào cuối năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng mối quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện. Đây là cấp độ cao nhất trong các quan hệ ngoại giao thông thường.

img

Năm 2022, hai nước đã dành nhiều thời gian để cùng nhau nhìn lại, rút ra những bài học cũng như thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại của mối quan hệ Việt - Hàn trong suốt 30 năm vừa qua. Điều đáng mừng là trong 3 thập kỷ, quan hệ ngoại giao của 2 nước đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, độ tin cậy ngày càng cao, lợi ích ngày càng song trùng.

Sau khi được nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, hai nước đã có những động lực mới, không gian chiến lược mới để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là dịp quan trọng để lãnh đạo cao nhất của hai nước trao đổi ý kiến, đề ra phương hướng và biện pháp cụ thể để triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong những năm tới.

img

Trong chuyến đi này, 2 nước đã thực hiện được việc đó, đi đến thống nhất để ký kết được Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc (gọi tắt là "Chương trình Hành động"). Chương trình hành động đó đã bao quát tất cả các mặt trong quan hệ chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, hợp tác khu vực và quốc tế…..

Chương trình hành động cho thấy lãnh đạo hai nước đã thống nhất rất cao và đã đạt được đồng thuận trong hầu khắp các lĩnh vực. Đồng thời cũng trở thành “kim chỉ nam”, tấm bản đồ chỉ đạo, cụ thể hóa những việc hai nước cần phải làm để đưa quan hệ của 2 nước lên tầm cao mới trong tương lai.

Và như Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phát biểu, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông đã mở ra một chân trời mới cho quan hệ hai nước, đồng thời khẳng định hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế vì sự thịnh vượng chung hài hòa.

img

NĐT: Đó là đối với quan hệ song phương, còn với từng nước, chuyến thăm lần này của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cho thấy những điều gì thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Tiến Vân: Đối với Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc đã nhận chức được 1 năm, đây là sự thay đổi trong nội bộ chính quyền của Hàn Quốc, từ phe tiến bộ chuyển sang phe bảo thủ. Chuyến thăm Việt Nam lần này là một trong những bước đi đối ngoại quan trọng của Tổng thống Yoon Suk Yeol nói riêng và chính quyền Hàn Quốc nói chung.

Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên và cũng là nước thứ ba Tổng thống Yoon Suk Yeol đến thăm, chỉ ngay sau Mỹ và Nhật Bản. Điều này thể hiện chính sách nhất quán của Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được xem là quốc gia hợp tác chủ chốt hàng đầu của Hàn Quốc.

img

Các chính quyền tiền nhiệm của Hàn Quốc trước đây cũng đã rất coi trọng và tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, nổi bật với Chính sách hướng Nam. Trong đó, coi Việt Nam là nước đầu cầu, là nước chủ chốt trong quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN. Đến thời của Tổng thống Yoon Suk Yeol, dù có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại, song vẫn nhất quán trong việc đánh giá về tầm quan trọng của mối quan với các nước ở khu vực này là quan hệ với Việt Nam và điều đó đã được thể hiện rõ nét bằng chuyến thăm Việt Nam lần này.

Chuyến thăm này cũng cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong không chỉ chính sách đối ngoại mà trong chính sách phát triển, an ninh của Hàn Quốc. Và dù có những thay đổi ý thức hệ trong nội bộ nhưng chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc vẫn tiếp tục những chính sách coi trọng Việt Nam, nỗ lực để tiếp tục phát triển các mối quan hệ với Việt Nam.

img

Còn đối với phía Việt Nam, đây là chuyến thăm rất quan trọng vì Hàn Quốc là đối tác lớn của chúng ta về tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh và trên diễn đàn quốc tế.

Đây là dịp để lãnh đạo Việt Nam cùng với lãnh đạo Hàn Quốc tiếp tục bàn, thỏa thuận về những điều quan trọng để hai nước phát triển trong tương lai. Chuyến thăm càng có ý nghĩa khi cùng thời điểm Việt Nam cũng diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại sôi động với các đối tác quan trọng khác, càng cho thấy chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa mà Việt Nam theo đuổi.

Bên cạnh đó, vào cuối năm ngoái Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Năm nay, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới nhậm chức chưa lâu, chuyến thăm của Nguyên thủ của một nước quan trọng cũng là dịp để Chủ tịch nước thể hiện vai trò lãnh đạo cao nhất đối với Nhà nước về đối ngoại.

Do đó, có thể khẳng định chuyến thăm này của Tổng thống Yoon Suk Yeol không chỉ có giá trị quan trọng đối với quan hệ song phương mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với từng nước.

img

img

NĐT: Thưa Đại sứ, dường như nghi lễ đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc lần này có phần trọng thị, đặc biệt hơn so với nhiều chuyến thăm của lãnh đạo hai bên trước đó?

Đại sứ Phạm Tiến Vân: Về mặt lễ tân, chúng ta đã dành nghi lễ đón tiếp trọng thị nhất dành cho một Nguyên thủ quốc gia nước ngoài.

img

Tuy nhiên trong chuyến thăm này có thể cảm nhận rất rõ sự thân tình được thể hiện qua cách Chủ tịch nước và Phu nhân Việt Nam đón tiếp Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân Hàn Quốc. Những hình ảnh rất thân tình và gần gũi như cùng nhau ăn sáng, rồi đích thân Chủ tịch nước Việt Nam cùng đi dạo và ngồi nói chuyện bên cạnh Hồ Gươm, giới thiệu về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Điều này thể hiện tinh thần hữu nghị, tinh thần anh em gần gũi, tình cảm đặc biệt.

Điểm thứ hai, bên cạnh các hoạt động chính trị, chuyến thăm lần cũng có nhiều hoạt động về kinh tế, văn hóa sôi nổi. Thể hiện rõ là việc tháp tùng Tổng thống trong chuyến thăm Việt Nam lần này có đoàn 205 doanh nghiệp chủ chốt, hàng đầu, quan trọng nhất của Hàn Quốc. Điều này nói lên rất nhiều điều, nhất là sự đặc biệt và tầm vóc của quan hệ 2 nước cũng như những dự báo tương lai của mối quan hệ này.

img

NĐT: Như Đại sứ vừa nói, một trong những điều rất ấn tượng của chuyến thăm này, là việc tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol có đoàn 205 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc. Đây có lẽ là điều chưa từng có. Xin Đại sứ phân tích rõ hơn điều này cho thấy những gì và sẽ mở ra những cơ hội như thế nào cho Việt Nam?

Đại sứ Phạm Tiến Vân: Đây là sự kiện đặc biệt vì thực tế chưa bao giờ có một đoàn doanh nghiệp với sự hiện diện đầy đủ của lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống đi thăm một nước tầm trung như Việt Nam. Những tập đoàn này chiếm tới 60% tổng sản phẩm quốc dân của Hàn Quốc.

Điều này thể hiện quan hệ kinh tế của Việt Nam với Hàn Quốc hiện tại ở mức rất chặt chẽ. Tính đến thời điểm hiện tại có đến 95.000 doanh nghiệp đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Về thương mại thì Hàn Quốc là đối tác thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thứ 3 của Hàn Quốc. Những năm qua, Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

img

Về ODA, Hàn Quốc là quốc gia thứ hai cung cấp ODA cho Việt Nam chỉ sau Nhật Bản. Bên cạnh đó là hợp tác trên các lĩnh vực lao động, văn hóa, giáo dục cũng đạt được những kết quả rất tích cực. Hiện có khoảng 200.000 người Việt Nam sống, lao động, học tập tại Hàn Quốc, chiếm số lượng đông nhất trong số công dân các nước Đông Nam Á ở Hàn Quốc. Ở Việt Nam, cũng có số lượng tương tự người Hàn Quốc sinh sống và làm việc, đông nhất trong số các nước Đông Nam Á có cộng đồng Hàn kiều.

Những điều trên nói lên tầm vóc của quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, xứng đáng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa mới được nâng cấp.

Thông qua sự kiện này cũng hứa hẹn một tương lai phát triển tốt đẹp, ngày càng khăng khít giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

img

Trước đó, trong dịp 30 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, đã có nhiều ý kiến băn khoăn liệu rằng: “Liệu quan hệ giữa hai nước đã lên đến đỉnh cao, đạt đến độ bão hòa, tương lai phải chăng sẽ đi xuống?”. Nhưng sau chuyến đi này của Tổng thống Hàn Quốc cùng với sự cam kết của lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, càng cho thấy dư địa phát triển của quan hệ Việt – Hàn còn rất lớn. Sau những đỉnh cao đã đạt được, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục vươn đến những tầm cao mới vượt bậc hơn. Cánh cửa sau mở ra còn rộng hơn cánh cửa trước. Điều đó cũng là nhận thức chung của lãnh đạo hai nước không chỉ 30 năm dừng lại mà phải tiếp tục đột phá trong chặng đường tiếp theo.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng mối quan hệ Việt – Hàn không chỉ được gắn kết khăng khít bằng độ tin cậy và quyết tâm chính trị mà được đồng hành bởi cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn của hai nước. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã khẳng định những cam kết đồng hành cùng Việt Nam, thậm chí có doanh nghiệp cam kết sẽ đi cùng cả trăm năm, gửi gắm thành công của doanh nghiệp vào quan hệ giữa hai nước. Đó là điều mà không phải mối quan hệ nào cũng có thể đạt được.

Việc quan hệ của hai nước được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện, đã tiếp tục tạo ra chỗ dựa cho doanh nghiệp hai nước phát triển hơn nữa. Quan hệ chính trị mở đường cho quan hệ kinh tế, đi tiếp cho 10 năm, 20 năm, 30 năm tới. Quan hệ kinh tế tiếp tục là nền tảng vững chắc cho quan hệ của hai nước.

img

img

NĐT: Trong những năm gần đây, những tác động của đại dịch Covid -19 và sự biến động của tình hình chính trị - kinh tế thế giới đã khiến môi trường đối ngoại của các quốc gia cũng có những diễn biến rất phức tạp. Điều này tạo ra cơ hội và thách thức như thế nào đối với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc trong những năm tới?

Đại sứ Phạm Tiến Vân: Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã được xây dựng trong bối cảnh rất đặc biệt. Từ một cựu thù trong chiến tranh và tay trắng về kinh tế sau 30 năm chúng ta đã đưa quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện, độ tin cậy chính trị ngày càng cao, lợi ích ngày càng song trùng và có rất nhiều mặt đặc biệt.

Sở dĩ có được điều đó trước hết là do lãnh đạo hai nước đã có sự quyết tâm mạnh mẽ để xây dựng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc với mục tiêu rất nhất quán vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân hai nước.

img

Đồng thời, mối quan hệ này phù hợp với xu thế phát triển của hai nước. Quan hệ này góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Trước những biến động rất phức tạp của thời cuộc nhưng chúng ta đã có một nền tảng vững chắc trong suốt 30 năm với ý chí từ cả hai bên rất mạnh mẽ, rất cao.

Với ý chí đó chúng ta cũng sẵn sàng vượt qua những khó khăn trong quan hệ của hai nước. Bởi hai nước đã từng có những chương buồn trong lịch sử, những vết thương của chiến tranh vẫn còn. Chế độ chính trị của hai nước cũng có khác biệt. Trình độ phát triển kinh tế của hai nước cũng khác nhau. Đây là khác biệt lớn, thông thường khi có những sự khác biệt như vậy sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp và khó khăn. Điều tích cực là những khác biệt đó đã không cản trở việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong mấy chục năm qua.

Đặc biệt, trong khi phát triển mạnh mẽ quan hệ song phương, hai nước đã thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh và đáp ứng lợi ích của quốc gia và nhân dân nước mình.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhưng với ý chí và quyết tâm như vậy, hai nước sẽ trao đổi, tham vấn thường xuyên để tìm ra giải pháp giải quyết kịp thời các vấn đề, giữ vững đà phát triển của quan hệ song phương và sự ổn định, cân bằng trong chính sách đối ngoại.

img

NĐT: Nhìn lại quan hệ 30 năm Việt Nam - Hàn Quốc và những hoạt động sôi nổi trong thời gian vừa qua, Đại sứ đánh giá đâu là giá trị cốt lõi trong mối quan hệ Việt – Hàn?

Đại sứ Phạm Tiến Vân: Giá trị cốt lõi nhất của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc là quan hệ này đang phát triển và đáp ứng được lợi ích quốc gia, dân tộc của cả hai nước trong suốt 30 năm cũng như phù hợp với xu thế quốc tế và đóng góp vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Chỉ khi đáp ứng được lợi ích quốc gia dân tộc và phù hợp với lợi ích quốc tế thì quan hệ này mới có thể phát triển suôn sẻ, thuận lợi như những gì chúng ta đã chứng kiến.

Và chính vì để đáp ứng lợi ích quốc gia dân tộc, mà mối quan hệ này đã khắc phục và giải quyết rất nhiều vấn đề trong chặng đường phát triển.

Sau 30 năm, hai nước đã làm được rất nhiều việc, nổi bật là sự tin cậy chính trị và đan xen lợi ích đa chiều với những hứa hẹn về một tương lai phát triển tốt đẹp, vững chắc, lâu dài.

NĐT: Xin cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

img

NGUOIDUATIN.VN |