img

N hân câu chuyện đầu năm mới 2022, Đại sứ Hà Kim Ngọc - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin về hành trình vượt đại dịch xích lại gần nhau của mối quan hệ rất đặc biệt này.

img

Người Đưa Tin (NĐT): Năm 2021 là một năm đặc biệt đối với quan hệ Việt - Mỹ khi đại dịch Covid-19 tiếp tục phủ bóng lên toàn cầu trong khi đó cả hai nước đều có những sự thay đổi trong nhân tố nội bộ. Từ góc nhìn của người trực tiếp chứng kiến dòng chảy của quan hệ hai nước, xin Đại sứ đánh giá về bối cảnh và những thành tựu nổi bật nhất của quan hệ Việt – Mỹ trong năm 2021?

img

Đại sứ Hà Kim Ngọc: Năm 2021, thế giới tiếp tục chứng kiến những khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của Covid-19. Tuy nhiên, quan hệ Việt – Mỹ tiếp tục phát triển, đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác toàn diện. Tôi xin điểm qua một vài điểm sáng nổi bật nhất.

Trước hết, năm 2021 là năm cả Việt Nam và Mỹ đều có Lãnh đạo mới, nhưng ngay từ sớm, hai bên đã nhanh chóng, linh hoạt và sáng tạo triển khai các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao bằng nhiều hình thức gửi thư, điện đàm, gặp trực tuyến... Tổng thống Biden đã gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu, hợp tác chống Covid-19; gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bên lề COP-26. Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thăm Việt Nam trong chuyến đi đầu tiên đến khu vực Đông Nam Á.

Hai nước thường xuyên duy trì trao đổi, điện đàm ở cấp quan chức cấp cao, giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Ngoại trưởng Mỹ Blinken, Cố vấn ANQG Sullivan và nhiều quan chức cấp cao khác.

img

Đại sứ Hà Kim Ngọc và Phó Thống đốc bang Deidre Henderson và đại diện Chính quyền bang Utah chụp ảnh lưu niệm.

Thứ hai, hợp tác phòng chống Covid-19, đặc biệt việc Mỹ viện trợ số lượng lớn vắc-xin chất lượng cao cho Việt Nam vào thời điểm ta đang rất thiếu vắc-xin có ý nghĩa quan trọng. Hết năm 2021, Mỹ đã viện trợ tổng cộng cho chúng ta 25 triệu liều vắc-xin; 77 tủ bảo quản âm sâu; và hàng chục triệu USD trang thiết bị y tế nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19. Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam công nghệ giải tự gen, giúp phát hiện các biến thể của vi rút, cung cấp các thiết bị xét nghiệm cũng như các thiết bị thiết yếu để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 như máy thở, máy làm giàu oxy và bình oxy lỏng…

Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp Mỹ, người Việt tại Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam nhiều trang thiết bị, vật tư y tế trị giá nhiều triệu đô la. Tháng 8/2021, Mỹ khai trương văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội nhằm thúc đẩy hợp tác y tế khu vực, tăng cường năng lực y tế, khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm hiện nay và trong tương lai.

img

Chúng ta vẫn thường nói “bạn bè có nhau khi khó khăn là bạn bè đích thực”, Việt Nam và Mỹ là những đối tác như thế. Điều cảm động là mỗi lần phía Mỹ giúp ta về vắc-xin, thiết bị y tế, hay tạo điều kiện về cơ sở vật chất phòng chống dịch, họ luôn nhắc lại nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, đồ bảo hộ kịp thời vào lúc dịch Covid-19 ở Mỹ đang ở giai đoạn căng thẳng nhất.

Thứ ba, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước tiếp tục là điểm sáng, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của quan hệ. Năm 2021 chứng kiến một mốc son mới khi kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ lần đầu tiên vượt 100 tỷ đô la. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của ta (ta xuất sang Mỹ gần 80 tỷ đô la). Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với phục hồi kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong và sau đại dịch cũng như duy trì đà tăng trưởng của đất nước.

img

Thứ tư, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh có bước tiến triển mới. Năm 2021, Quốc hội Mỹ đã lần đầu tiên dành ngân khoản lớn lên tới 45 triệu USD cho việc hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm và xác định hài cốt bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh, bên cạnh việc tiếp tục các chương trình về xử lý bom mìn vật liệu nổ, tẩy độc da cam/đi-ô-xin. Về phía chúng ta, dù gặp phải khó khăn do Covid-19 song Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực lớn hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích đạt kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân, du lịch giữa hai nước bắt đầu được nối lại, với cột mốc đáng nhớ trong năm 2021 là việc đường bay thẳng thường lệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã chính thức được khai trương. Đồng thời, hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là qua các cơ chế của ASEAN, Liên hợp quốc, Đối tác Mê Công-Mỹ... tiếp tục được thúc đẩy, thể hiện chất chiến lược và tầm mức khu vực, toàn cầu trong một số lĩnh vực của quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ.

img
img

NĐT: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, quan hệ kinh tế, thương mại Việt – Mỹ vẫn có nhiều phát triển tích cực. Đặc biệt, vào cuối năm nay, thương mại hai chiều Việt – Mỹ cán mốc 100 tỷ USD, xin Đại sứ bình luận và đánh giá thêm về thành tích này?

Đại sứ Hà Kim Ngọc: Kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ cán mốc 100 tỷ USD thể hiện Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ. Thương mại hai chiều đã tăng hơn 220 lần kể từ khi bình thường hóa quan hệ và hơn ba lần từ năm 2013, khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đáng chú ý, không chỉ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mà xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2021 cũng tăng 13,6% so với cùng kỳ. Đây là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính cho sự phát triển này. Thứ nhất, Việt Nam đã xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh ổn định, yên tâm cho các nhà đầu tư Mỹ. Trong năm qua, ta đã tích cực cùng Mỹ giải quyết các vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế - thương mại như các cuộc điều tra 301 về chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ. Cho dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, lãnh đạo cấp cao và các Bộ, ngành, địa phương ta luôn lắng nghe, giải quyết các quan ngại của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ.

img

Thứ hai, ta đã dỡ bỏ nhiều hạn chế, đặc biệt về ngô, lúa mì, và thịt lợn, để hàng hóa từ Mỹ có thể tiếp cận thị trường Việt Nam. Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết cách tiếp cận và trụ vững tại thị trường Mỹ. Nhiều mặt hàng của Việt Nam như may mặc, nông sản… đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Mỹ.

img

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Để quan hệ kinh tế - thương mại thật sự bền vững, chúng ta cần tiếp tục phát triển tất cả các mặt của quan hệ song phương để tạo môi trường chung thuận lợi và duy trì động lực mạnh cho quan hệ kinh tế - thương mại; xử lý các quan tâm của Mỹ về mở cửa thị trường và hướng tới phát triển quan hệ kinh tế - thương mại hài hòa giữa hai nước. Và tất nhiên, bản thân các doanh nghiệp của ta cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ, đồng thời từng bước khẳng định được vai trò của mình trong chuỗi cung toàn cầu.

NĐT: Với vai trò hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp hai nước, Đại sứ đánh giá như thế nào về khả năng tiếp cận của doanh nghiệp Việt đối với thị trường Mỹ? Đâu là điểm yếu của các doanh nghiệp khi muốn “bước chân” vào thị trường rộng lớn và tiềm năng này? Và ở chiều ngược lại, Đại sứ có thể chia sẻ những đánh giá của các doanh nghiệp Mỹ về thị trường Việt Nam?

Đại sứ Hà Kim Ngọc: Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng và đang tiếp cận thị trường Mỹ khá hiệu quả. Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng từ 49 tỷ USD năm 2018 lên gần 80 tỷ USD năm 2020. Cho dù đại dịch Covid-19, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn đạt 84,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, để “vững chân” tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục một số vấn đề còn tồn tại.

Trước hết, cần nhận thức rõ rằng việc thâm nhập thị trường Mỹ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh cao, nhiều bất trắc. Mỹ có các tiêu chuẩn phức tạp, nghiêm ngặt, đặc biệt với nhóm hàng nông sản, thực phẩm. Vào thị trường Mỹ sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại từ trong nội bộ Mỹ cũng như các đối thủ cạnh tranh mạnh từ châu Á, Nam Mỹ, châu Phi. Chi phí vận tải, bảo quản kho bãi luôn ở mức cao. Thế nhưng, không phải là ta không làm được! Ví dụ điển hình là vừa qua một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất hiện và nhận được sự chào đón của người tiêu dùng Mỹ.

img

Hai là, sẵn sàng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Các doanh nghiệp cần trung thực khai báo hải quan, tuân thủ các tiêu chuẩn khác nhau của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cùng với các chuyên ngành khác đối với từng loại sản phẩm. Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị về minh bạch xuất xứ, không tiếp tay xuất nhập khẩu hàng đội lốt hoặc nguồn gốc không rõ ràng; hiểu biết chắc chắn về pháp lý của Việt Nam và Mỹ, sẵn sàng cung cấp thông tin cho phía Mỹ khi cần.

Ba là, doanh nghiệp Việt không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu, cam kết lâu dài với chất lượng sản phẩm và hình ảnh thương hiệu. Điểm đặc biệt là Mỹ rất coi trọng chăm sóc sau khi bán hàng và phản hồi của khách đối với sản phẩm. Do đó, các dịch vụ sửa chữa, đổi trả được thực hiện thuận tiện và miễn phí sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm và nhà sản xuất.

img

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là một thị trường ngày càng rộng mở với mức tăng xuất khẩu 50% giá trị hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam 5 năm qua. Việt Nam là thị trường với 100 triệu người tiêu dùng, có tốc độ tăng trưởng cao và kết nối chặt chẽ với các thị trường lớn của khu vực và thế giới thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại. Các cơ hội đầu tư và thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục được mở rộng khi hai bên có các chuyến bay thương mại thường lệ trực tiếp giữa hai nước. Nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn đang lên kế hoạch hoặc cân nhắc đầu tư thêm tại Việt Nam.

Tuy nhiên cũng cần chia sẻ thêm là doanh nghiệp Mỹ đánh giá thị trường Việt Nam vẫn còn một số rủi ro, do qui định quản lý một số ngành nghề còn bất cập, thiếu đồng bộ; gian lận thương mại vẫn còn khiến Mỹ tiến hành nhiều vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Trong đại dịch Covid-19, các qui định chống dịch không thống nhất và nhiều lúc không cần thiết của một số địa phương gây đứt gãy sản xuất và tâm lý bất an cho doanh nghiệp Mỹ.

img

NĐT: Nhìn lại chặng đường 26 năm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, quan hệ Việt – Mỹ đã có những bước tiến dài. Theo Đại sứ thì đâu là điều cốt lõi cho sự phát triển này?

Đại sứ Hà Kim Ngọc: Quan hệ Việt – Mỹ đã có những bước tiến lớn trong 26 năm qua. Hai nước đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, từng bước xây dựng lòng tin, đưa quan hệ tiến lên phía trước. Việt Nam và Mỹ là Đối tác toàn diện của nhau. Có thể nói hành trình đầy ấn tượng của quan hệ Việt-Mỹ là một tấm gương cho các quốc gia từng là cựu thù nay trở thành bạn bè, đối tác tốt của nhau.

img

Trong hành trình 26 năm đó, nhiệm kỳ Đại sứ của tôi trải qua một giai đoạn cũng hết sức đặc biệt và chưa từng có khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến quan hệ, giao lưu của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Mỹ và tình hình nội bộ Mỹ có những biến động lớn. Nhìn lại thời gian vừa qua, đúng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, mới thấy rõ hơn bao giờ hết quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hai bên nhằm vun đắp, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ. Chúng ta đã vượt qua nghịch cảnh, biến nguy thành cơ, không những giữ được đà, mà còn đưa quan hệ tiến lên phía trước.

Tôi cho rằng, việc hai nước từng bước xây dựng lòng tin, chia sẻ ngày càng nhiều lợi ích chung trong quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và toàn cầu, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong 26 năm qua. Trong tất cả các tuyên bố chung từ 2013 đến nay, Việt Nam và Mỹ đều cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Đây là điều then chốt trong xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ hai nước. Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.

img

Bên cạnh những điểm đồng, mối quan hệ nào cũng có những khác biệt. Quan hệ Việt-Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Quan điểm của hai bên về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo còn khác nhau; một số vấn đề tồn tại và phát sinh trong thương mại, kinh tế vẫn cần được quan tâm xử lý. Điều quan trọng là cả hai bên cùng nhận thức mong muốn xử lý khác biệt trên tinh thần đối thoại, giữ quan hệ ổn định, tích cực, có những cơ chế giải quyết xử lý bất đồng trên tinh thần thiện chí, tính đến lợi ích chính đáng của nhau.

img

Nhìn vào thế và lực mới của đất nước, lịch sử phát triển của quan hệ hai nước và với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai phía, tôi lạc quan và tin tưởng vững chắc rằng quan hệ Việt –Mỹ sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Điều đó phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

NGUOIDUATIN.VN |