Bị phát hiện đột nhập nhà thầy Hiệu trưởng trường cấp 2 để trộm cắp, thiếu niên 15 tuổi dùng dao chống trả, đâm chủ nhà tử vong rồi bỏ trốn.
Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 80 ngày đối với Nguyễn Trung Tạ Bảo Duy (15 tuổi, quê xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) để điều tra về hành vi giết người.
Ngôi nhà, nơi xảy ra án mạng.
Cảnh sát xác định Duy là người dùng dao sát hại ông Nguyễn Nhất Th. (52 tuổi, trú xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Diệu).
Theo điều tra, chiều 9/7, Duy đột nhập vào nhà ông Th.để trộm cắp tài sản. Khi bị ông Th. phát hiện và bắt giữ, Duy đã chống trả, dùng dao đâm ông Th. tử vong.Sau khi gây án, Duy để lại hiện trường con dao cùng với mũ lưỡi trai, lấy một điện thoại rồi lên xe máy bỏ trốn.
Ông Th. được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong. Kết quả khám nghiệm cho thấy nạn nhân bị nhiều vết thương tại các vị trí trên cơ thể, dẫn tới sốc mất máu cấp và tử vong.
Bị can Duy và hiện trường tội ác.
Sau 10 ngày lẩn trốn, Duy bị lực lượng chức năng bắt giữ tại huyện Tiên Phước.Được biết, Duy chuyển hộ khẩu xuống thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) năm 2019 và mới học xong lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn thị trấn Hà Lam.
Bộ luật Hồng Đức (hay còn gọi Quốc triều hình luật; Lê Triều hình luật) là một bộ luật điển hình, hoàn thiện nhất trong lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Tuy ra đời cách đây hơn 500 năm, nhưng Bộ luật Hồng Đức đã quy định được gần như tất cả các tội danh cơ bản theo luật hình sự hiện đại.
Tính nghiêm minh trong chính sách hình sự ở Bộ luật Hồng Đức trước hết được thể hiện ở chỗ các tội ác nào được coi là tội nặng. Trong đó “thập ác” gồm có: Mưu phản là các tội xâm phạm đến an ninh tổ quốc, đến vẹn toàn lãnh thổ quốc gia; Mưu đại nghịch là các tội chống lại tính mạng, tài sản nhà vua; Mưu chống đối là các tội làm gián điệp hoặc cấu kết với nước ngoài chống lại tổ quốc; Ác nghịch là các tội đánh giết ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em ruột thịt…; Bất đạo là các tội thể hiện tính đặc biệt man rợ, tàn ác như giết 3 người trở lên một lúc, giết xong rồi chặt xác nạn nhân, dùng thuốc độc giết người; Đại bất kính là các tội ăn trộm đồ thờ cúng trong lăng miếu của nhà vua, làm giả ấn tín nhà vua, bất cẩn trong việc chăm nom thuốc thang, ăn uống và phục dịch các nhu cầu khác của nhà vua; Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi; Bất mục là giết hoặc đem bán những người trong họ từ hàng phải để tang từ 3 tháng trở lên, đánh đập và tố cáo chồng; Bất nghĩa là tội giết các quan chức trong hạt, học trò giết thầy học, chồng chết mà không để tang; Nổi loạn là các tội loạn luân.
Cảnh thăng đường xử tội trong luật Hồng Đức.
Ngoài các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, xâm phạm đến quyền lợi của nhà vua, thì các loại tội xâm phạm đến thuần phong mỹ tục như: Bất đạo, bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân cũng được coi là tội ác, thường bị xử phạt với hình thức cao nhất là tử hình.
Người Việt Nam luôn đề cao và bảo vệ giá trị đạo đức tốt đẹp của con người, như lòng nhân ái, sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng… Tình thầy trò cũng được đề cao bởi thầy giáo là người truyền dạy đạo lý làm người, tình nghĩa sâu nặng. Những tiêu chuẩn đạo đức đó đều được ghi nhận và đề cao trong luật Gia Long của nhà Nguyễn. Tất cả những ai phạm tội thập ác đều phải chịu hình phạt nặng nhất. Quyển 15 Hình luật, Điều 10 Ẩu thụ nghiệp sư quy định: “Nếu đánh thầy dạy học của mình thì tăng thêm hai bậc tội so với đánh người thường. Đánh thầy đến tàn tật thì xử 100 trượng lưu đày ba ngàn dặm…”.
Như vậy, nếu chiếu theo quy định của luật xưa, hành vi sát hại thầy Hiệu trưởng của đối tượng Duy đã phạm vào tội bất nghĩa với mức hình phạt cao, nếu không tử hình thì cũng lưu đày cả ngàn dặm.
Theo pháp luật hiện hành, hành vi của Duy đã phạm tội Giết người, tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, do khi phạm tội, Duy mới 15 tuổi, do đó khi xét xử, mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá 12 năm tù.
Về vấn đề vị thành niên phạm tội, cổ luật quy định ra sao? Dù mang bản chất giai cấp phong kiến nhưng Bộ luật Hồng Đức lại chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ với những quy phạm bảo vệ quyền lợi của người dân, của tầng lớp dưới, của nô tì, người cô quả, tàn tật…Đặc biệt, Bộ luật này còn có một số quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, điều đó phản ánh truyền thống nhân đạo, truyền thống tôn trọng phụ nữ, tư tưởng “lấy dân làm gốc”…
Tính nhân đạo đối với người phạm tội thể hiện ở Điều 16, theo đó, những người phạm tội từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những kẻ phế tật (si, câm, cơ thể què quặt, gẫy tay chân) phạm tội lưu (đi đày), đồ (làm việc nhẹ) trở xuống được chuộc bằng tiền; 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và những kẻ bệnh nặng (là những ác tật như điên cuồng, tay chân bại liệt, mù hai mắt) phạm tội phản nghịch, giết người, đáng lẽ phải xử tử thì trong trường hợp này phải tâu lên để vua quyết định. Những người này phạm tội trộm, đánh người bị thương thì cũng cho chuộc tội; 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống, dù phạm tử tội cũng không áp dụng hình phạt.
Do đó, nếu khi phạm tội, Duy chưa đủ 15 tuổi thì theo luật xưa, có thể được chuộc bằng tiền.
Bên cạnh đó, cổ luật cũng nghiêm cấm áp dụng hình thức tra khảo với người phạm tội là người cao tuổi, trẻ em, người tàn tật. Điều 665 quy định: “Những người đáng được nghị xét giảm tội như 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, người bị phế tật thì không được tra khảo họ, chỉ cần căn cứ lời khai của nhân chứng mà định tội. Nếu trái luật này thì coi như cố ý buộc tội cho người”.
A.D