“Đừng dạy người giàu cách tiêu tiền” là câu người ta vẫn hay truyền tai nhau để giải thích cho lý do xuống tiền của một đại gia nào đó. Những người có tiền có hàng trăm lý do để chi tiêu: vì kinh doanh, vì đầu tư, vì từ thiện… và vì cả những thú “chơi” của cá nhân mình – điều thường khiến cho công chúng có sự tò mò đặc biệt.
Chúng tôi mang thắc mắc này tới trò chuyện cùng với Shark Hưng – cái tên mà người ta thường gọi doanh nhân Phạm Thanh Hưng - với mong muốn ít nhiều hiểu thêm phần nào về thú “chơi” của giới thượng lưu.
Người Đưa Tin (NĐT): Liên hệ với ông để phỏng vấn, tôi rất bất ngờ khi ông từ chối chia sẻ về bản thân hay bất động sản – những thứ làm người ta nhớ tới đầu tiên khi nghe tới tên Shark Hưng, mà lại bày tỏ mong muốn được nói chuyện về trà, về thú vui của doanh nhân. Ông có thể chia sẻ lý do tại sao không?
Shark Hưng: Nếu nói về bản thân hoặc hành trình khởi nghiệp thì chúng tôi đã có nhiều dịp chia sẻ và cũng có nhiều người biết đến câu chuyện đó. Nhưng tôi muốn chia sẻ một góc nhìn khác về những thú vui của doanh nhân để nhiều người có cái nhìn mới mẻ hơn về chúng tôi.
Giới doanh nhân tuy vậy mà rất rộng, mỗi người có một cá tính và sở thích riêng. Đối với riêng bản thân, tôi có thể nói rằng những công ty và công việc kinh doanh bên ngoài ngành chính là bất động sản thì đều bắt đầu từ thú vui.
Chẳng hạn, tôi thích uống bia nên đã lấy một cô vợ Tiệp (cười) đã đành, bên cạnh đó tôi còn đầu tư vào hãng bia iBiero. Tôi thích uống trà, uống trà nhiều năm, nên đã cùng bà xã mở một công ty chuyên về trà.
Tôi thích đi phượt, thích tổ chức những tour mạo hiểm, chính tôi đã leo hầu hết các đỉnh núi cao nhất như dãy Hoàng Liên Sơn hay đỉnh Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh, Phan-xi-păng,... Từ chuyện thích đi phượt thì tôi quyết định đầu tư vào một bạn startup trên chương trình Shark Tank - Jungle Boss.
Tôi thích đánh golf rồi tôi mở ra công ty Cen Golf làm dịch vụ về golf và lữ hành cho các golfer. Tôi thích công nghệ, thích chơi xe thì đầu tư vào hãng ô tô Haval Thành An vừa mới ra mắt salon showroom đầu tiên.
Không phải chỉ riêng tôi, mọi người có thể nhìn vào tấm gương những doanh nhân khác xem họ “chơi” và chịu “chơi” như thế nào. Vào ngay sảnh khách sạn Melia sẽ thấy một quán trà của anh Tuấn “mượt” (ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex) – chủ khách sạn Melia. Anh ấy còn mở một quán ở bên Ocean Park được mệnh danh là trà thất hoành tráng nhất Việt Nam, anh Tuấn bỏ ra cả triệu USD xây dựng một trà thất nguy nga như vậy chỉ để “chơi” đúng nghĩa, cũng chẳng quan tâm bao lâu mới lời lãi được từ trà thất ấy.
Hay như Shark Việt với Shark Liên cũng có thương hiệu trà riêng, và họ chỉ làm để “chơi” và thoả mãn cái niềm đam mê của mình. Shark Liên thậm chí còn bỏ mấy tỷ mua trà đóng bánh đàng hoàng khắc tên Madame Liên.
Còn về phần tôi, tôi đầu tư vào hãng bia iBiero trước là vì sở thích, kể từ lúc đầu tư đến nay giá trị của nó đã tăng lên khoảng hơn 20 lần sau 4 năm, vừa rồi tôi đã bán được 25% cổ phần cho một quỹ đầu tư lớn.
Nói vậy để thấy khi làm doanh nhân, mình dùng dịch vụ của người khác đến lúc đủ nhiều thì mình có thể tự mở ra làm, trước hết là phục vụ chính mình, sau là phục vụ bạn bè và cuối cùng là kinh doanh thu lời. Đã là người kinh doanh, chơi cũng có thể ra tiền.
NĐT: Nhiều người cho rằng thú chơi của đại gia là “Phú quý sinh lễ nghĩa”, những “kẻ có tiền” thường thích xa hoa, xa xỉ. Ông nghĩ thế nào về quan điểm đó?
Shark Hưng: Khi người ta chưa đủ ăn đủ mặc thì người ta chỉ nghĩ đến chuyện ăn, chuyện mặc - đó là nhu cầu cơ bản. Khi đã đủ ăn, đủ mặc rồi người ta lại muốn sống trong môi trường trong lành, không bụi bặm, dịch bệnh. Nói vậy để thấy, con người luôn hướng đến cấp độ cao hơn trong tháp nhu cầu và nó liên tục tăng lên, đó là bản năng của con người.
Nên “phú quý sinh lễ nghĩa” là câu nói đúng nhưng không chỉ có hàm ý chê bai. Nếu là chê bai, thì chẳng qua là vì những người đang ở tầng thấp hơn của tháp nhu cầu mà họ còn chưa được thỏa mãn, thì sẽ nhìn thấy những người ở trên là đang tiêu xài xa xỉ. Khi đủ ăn rồi, bạn sẽ muốn ăn gạo sạch, đồ ăn ngon, nhu cầu của bạn ở mức đó thì người bên dưới sẽ nói: “Đói còn lắm chuyện!”.
Kể cả trong việc kinh doanh cũng vậy, chúng ta có thể bán sản phẩm 1 USD cho triệu người để trở thành triệu phú và cũng có thể kiếm triệu USD từ một người. Nếu bạn bán một sản phẩm đắt đỏ, cao cấp thì bạn phải làm chúng trở nên đắt đỏ, cao cấp bằng “lễ nghĩa”. Có những sản phẩm mà lễ nghĩa đắt hơn bản thân giá trị nội tại của chúng. Đó là “thú” để thỏa mãn cái tôi, nhu cầu về sự độc đáo khác lạ, nhu cầu được tôn vinh, trọng vọng luôn tồn tại trong mỗi người. Chẳng phải tự nhiên mà người ta có câu “đừng dạy người giàu cách tiêu tiền”.
NĐT: Thực ra để “chơi” thì rất dễ, nhưng “chơi ra tiền” lại là một câu chuyện khác. Tại sao không phải kinh doanh những ngành nghề chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận cao mà ông lại chọn thú “chơi” để kinh doanh? Việc lựa chọn thú “chơi” để kinh doanh sẽ có lợi thế gì so với những mảng khác?
Shark Hưng: Khi mình đam mê và thích thú thật sự với một điều gì đó, mình sẽ sẵn sàng bỏ ra thời gian và công sức để tìm hiểu kỹ càng về điều ấy. Khi mà ta thật tâm tìm tòi, chúng ta sẽ thấy niềm đam mê của mình không còn chỉ là một thú vui, nó sẽ đi kèm với rất nhiều điều hay ho và bổ ích.
Ví dụ như tôi uống trà, tôi tìm hiểu về trà rất kỹ và sẽ nghĩ ngay đến chuyện nếu mình thích thì chắc sẽ có nhiều người thích. Lúc ấy tôi nghĩ rằng “Tại sao mình không bắt tay vào kinh doanh nó mà chỉ mất thời gian để chơi”, thì thôi thà rằng mình chỉ mất thời gian để chơi nó thì mình kinh doanh luôn, vậy thì ta sẽ đạt được cả hai thứ là vui chơi và kiếm tiền. Và khi bản thân đứng từ góc nhìn của một người tiêu dùng, trở thành một nhà kinh doanh sẽ gần gũi hơn.
Còn câu chuyện đam mê, nó không nhất thiết phải là một đam mê khát khao cháy bỏng. Chỉ cần là mình thích một việc nào đó và quyết tâm làm đến cùng, đem nó đi phổ biến với những người xung quanh, vậy là đã đủ. Không cần phải quá đao to búa lớn, cố gắng biến nó trở thành điều gì đó lớn lao vượt qua khả năng của mình, chỉ cần làm trong phạm vi bản thân mình có thể là tốt nhất.
NĐT: Vậy một khi đã bắt tay vào kinh doanh, ông chú trọng đến phần “chơi” hay phần “ra tiền” hơn?
Shark Hưng: Nếu đã làm kinh doanh thì việc ra tiền là quan trọng chứ. Chơi là một chuyện, đã kinh doanh thì việc ra tiền là rất cần thiết. Nhưng bởi vì mình hứng thú thì mình sẽ tìm hiểu dưới một tâm thế rất khác, việc kinh doanh thú “chơi” cũng sẽ khiến mình say mê và cảm thấy thỏa mãn.
Tất nhiên ban đầu xuất phát điểm của mình là chơi, nhưng khi đã chọn biến nó thành hoạt động kinh doanh thì cần hết sức nghiêm túc. Để việc kinh doanh được hiệu quả, mình cần phải đánh giá, phân tích, tìm hiểu nhu cầu thị trường - khách hàng; cũng phải tính toán kỹ quản trị nguồn vốn và nhân lực; cùng với đó tất cả các hoạt động khác cũng cần được đảm bảo chặt chẽ, bài bản, chuyên nghiệp để hoạt động kinh doanh được diễn ra suôn sẻ.
Nói là chơi vậy thôi bởi vì đó là sở thích của chính mình, nhưng một khi đã quyết định làm kinh doanh thì phải rất lạnh lùng và bỏ qua yếu tố “chơi”. Nguyên do bởi cái mình thích, cái mình theo đuổi chưa chắc đã là thứ mà khách hàng thích.
Mặc dù bắt đầu với suy nghĩ “nếu mình thích sẽ có nhiều người thích giống mình” nhưng trên thực tế mỗi người sẽ có một kiểu thích khác. Do đó chúng ta cần phải cân nhắc đối với từng đối tượng khách hàng có thể thích kiểu như nào, để đưa ra sản phẩm phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng đúng nhu cầu riêng của từng khách hàng.
Nên nhớ, việc kinh doanh vốn dĩ là để mang lại giá trị cho khách hàng chứ không phải cho bản thân, vì vậy, chúng ta không thể áp đặt cái thích của bản thân, thú chơi của bản thân, khẩu vị của bản thân lên khách hàng. Mặc dù vẫn sẽ có sự liên quan nhưng không thể bền vững nếu người làm kinh doanh không thực sự lắng nghe và thấu hiểu ý kiến của khách hàng. Rất nhiều sản phẩm của tôi bắt đầu làm là vậy, nhưng sau khi tung ra thị trường nhận về phản hồi của khách hàng, tôi và các cộng sự cũng đã phải tự mình đánh giá lại và thay đổi sản phẩm rất nhiều so với lúc ban đầu.
NĐT: Hẹn gặp chúng tôi tại trà thất Hacoocha do ông cùng vợ sáng lập, tôi để ý mắt ông ánh lên niềm vui mỗi khi nhắc về trà – một thú “chơi” ra tiền của bản thân. Hẳn ông có một niềm đam mê rất mãnh liệt với bộ môn này, vậy cơ duyên nào đưa ông đến với trà?
Shark Hưng: Cơ duyên của tôi với trà bắt nguồn từ thời còn son trẻ, khi tôi chưa có một dấu ấn nào trong sự nghiệp kinh doanh. Có một dạo gia đình tôi đi sơ tán về Chí Linh, Hải Dương, khi ấy trong vườn nhà có trồng chè. Vì vậy tôi đã quen với việc trồng chè, hái chè, sao chè và uống chè từ bé. Sau đó gia đình tôi chuyển lên Hà Nội sinh sống, nhiều thứ thay đổi nhưng cái thú uống chè của tôi vẫn cứ dai dẳng mãi không thôi, thành một thói quen, nếp sống.
Như tôi vừa kể, tôi là một người rất thích đi phượt. Khi đi leo núi và chinh phục hàng loạt đỉnh núi cao, tôi tình cờ phát hiện ra ở trên những đỉnh núi của Hà Giang có đặc sản là món trà Shan Tuyết, trước đây tôi chỉ biết đến trà Shan Tuyết ở Suối Giàng. Tôi bất ngờ tại sao lại có một sản phẩm quý hiếm như vậy mà đến nay mình mới phát hiện ra, cho đến khi được thử hương vị trà mà người dân hái trực tiếp từ đỉnh núi Hà Giang xuống khiến tôi vô cùng thích thú.
Khi tôi thắc mắc, số trà này sẽ được bán đi đâu thì được người dân cho biết thương nhân Trung Quốc thường sang thu mua hết ngay tại chân núi.
Thậm chí, họ còn lập xưởng hoặc thuê xưởng của người dân để tiến hành chế biến, sơ chế trà tại chân núi vì đặc trưng của trà là phải chế biến trong ngày, không được để úa, hỏng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm.
Day dứt mãi về việc một sản phẩm tuyệt hạng như vậy lại bị nước ngoài thu mua với mức giá bèo bọt, sau khi chế biến mang về nước họ lại được đôn lên mức giá trên trời khiến tôi ra quyết định làm trà để xuất khẩu.
Trước đây thì mình uống trà như là thú vui, nhưng sau đó thì mình quyết định coi trà như là một công việc kinh doanh. Khi tìm hiểu thì mới biết trên thế giới, trà là đồ uống có lượng tiêu thụ lớn thứ nhì sau nước về tính phổ thông. Còn về giá trị tiêu thụ, trà chỉ xếp sau cà phê, chiếm tới 30 tỷ USD mỗi năm.
NĐT: Không giống với những thương hiệu trà khác, ông đã đem thương hiệu trà của mình “đi đánh xứ người” tại hàng loạt các nước Châu Âu rồi mới quay trở lại mở rộng quy mô ở Việt Nam. Ngay như trong chia sẻ vừa rồi, ông cũng nhắc rất nhiều đến việc muốn xuất khẩu trà chứ ít khi nói về thị trường nội địa. Tại sao ông lại có bước đi táo bạo và có vẻ “ngược đời” như vậy, nhất là khi trà Việt Nam chưa có quá nhiều tên tuổi trên thị trường thế giới?
Shark Hưng: Đúng vậy, tôi có mục tiêu kinh doanh trà rất rõ ràng là xuất khẩu chứ không hướng quá nhiều tới thị trường nội địa. Bạn có thể nhìn thấy phong cách thiết kế, mẫu mã, bao bì đều cơ bản theo phong cách của châu Âu, ý tưởng rất rõ ràng, từ logo cho đến nhận diện. Hai con hươu đứng cạnh cốc trà bởi vì hươu trong văn hóa Châu Âu là một sự bảo tồn đặc biệt, như thần canh giữ rừng.
Biểu tượng hai chú hươu canh giữ bên gốc chè cổ thụ ngàn năm còn thể hiện rằng Hacoocha luôn mang trong mình sứ mệnh gìn giữ, bảo vệ những cây chè cổ thụ, những vùng chè quý của đất nước ta.
Nguyên do tôi muốn đánh mạnh vào thị trường Châu Âu bởi thị trường nội địa giá trị không được bao nhiêu. Nói thẳng ra là đưa trà từ Hà Giang xuống Hà Nội bán thì không thêm được bao tiền, nhưng nếu đưa trà từ Hà Giang sang Châu Âu để bán thì giá trị gia tăng rất đáng kể.
Tôi có một bài “Hịch uống trà”, trong đó có viết rằng phải phấn đấu để cùng nhau xóa đi “nỗi nhục” trà dưới 2 USD. Viết vậy bởi trà Việt Nam rẻ quá, trong khi trà Trung Quốc trị giá tiền tỷ, giá trị gấp hàng nghìn lần. Sản phẩm mộc mạc của Việt Nam chỉ cần đưa qua biên giới Trung Quốc thôi là giá trị tăng lên hàng nghìn lần rồi, tôi nghĩ đó là vấn đề của nông nghiệp Việt Nam.
Người ta không thể tưởng tượng nổi, ví dụ như trà Đại Hồng Bào mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đến 30 tỷ đồng/kg. Những bánh trà đắt nhất thế giới hiện nay vẫn đang còn tồn tại và lưu trữ được, cũng đã giao dịch trên thị trường trà có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Như phiên đấu giá trà Hồng Kông cách đây 3- 4 năm có một bánh trà trị giá khoảng 3,7 triệu USD, khoảng 90 tỷ đồng.
Hiện nay nước ta đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu trà, nhưng là thứ hai về lượng chứ xếp tới thứ sáu, thứ bảy về giá trị. Vậy nên tôi đặt ra mục tiêu phấn đấu là khi nhắc đến trà Việt Nam thì người ta nhớ ngay đến một thương hiệu cụ thể nào đó.
NĐT: Thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ tại Shark Tank Việt Nam về việc khởi nghiệp, giờ lại đứng trong vị thế là một người khởi nghiệp về cổ trà, hẳn với kinh nghiệm của bản thân ông đã không phải trải qua quá nhiều khó khăn như các startup khác?
Shark Hưng: Trong cuộc sống khi mình bắt đầu làm một việc gì cũng vậy, tất cả mọi khó khăn đều sẽ lặp đi lặp lại, chỉ có giải pháp là khác nhau. Giải pháp để giải quyết vấn đề khác đi chứ khó khăn về câu chuyện thương hiệu, câu chuyện thị trường, câu chuyện nguồn vốn vẫn luôn nằm ở đó, dù là người ít hay nhiều kinh nghiệm thì khi dấn thân vào kinh doanh vẫn sẽ phải đối mặt.
Dù là “cá mập” thì tôi vẫn phải đối diện với khó khăn như thường, thậm chí còn đối mặt với việc có thể thất bại, phá sản, mất thời gian, mất tiền, mất công sức mình bỏ ra chứ không phải vì tôi có kinh nghiệm mà cuộc đời sẽ “trải hoa hồng” ra cho tôi.
Tất nhiên việc kinh doanh ở đây tôi cũng không hẳn đứng trên cương vị là một nhà điều hành mà tự coi mình là một nhà đầu tư. Bà xã tôi mới là startup, còn tôi vận hành công ty dưới tư cách là nhà đầu tư kiêm mentor.
Các bạn hỏi là tôi đầu tư xong, khởi nghiệp nhiều thế thì khi bắt đầu với trà từ con số không có thấy gặp lại những khó khăn không? Tôi thấy mọi sự khó khăn về bản chất đều giống nhau, vì mỗi một lĩnh vực đều luôn có sự thử thách.
Và thật ra đối với riêng tôi thì tôi là một người luôn thích sự thử thách. Mình đi khởi tạo thì sẽ thích hơn là mình đi làm theo người khác. Thay vì theo trend thì tôi thích cảm giác mình là người tạo nên xu hướng. Bao giờ làm như vậy cũng sẽ khiến mình có cảm giác chinh phục hơn.
NĐT: Ông vừa nhắc đến cảm giác chinh phục, có phải vì tìm kiếm thứ cảm xúc ấy nên ông mới chọn trà cổ thụ để làm? Vì thú thực, trà đã xuất hiện từ rất lâu và người dân Việt Nam dùng tính đến cả nghìn năm nay. Nhưng nước ta không có bề dày lịch sử về trà như Trung Quốc hay văn hóa trà cầu kỳ, tỉ mỉ như Nhật Bản.
Shark Hưng: Đúng vậy, ở Việt Nam thì người ta uống trà theo cách khá dân dã. Trà đá cũng được, chè ấm tích cũng được, người ta coi trà như một thức uống bình dân, giải khát, nên họ coi trà rất rẻ tiền - đó là văn hóa của Việt Nam.
Tôi tin là kể từ khi tôi làm trà để xuất khẩu, giá trị trà của nước ta trên thị trường đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tôi mong muốn đem thương hiệu trà Việt Nam chinh phục năm châu, để cho các nước trên thế giới biết Việt Nam cũng có bề dày lịch sử về trà không thua kém bất kỳ quốc gia nào, trà của Việt Nam cũng có chất lượng và giá trị ngang tầm với nhiều nước nổi tiếng về trà trên thế giới, để trà Việt Nam thoát khỏi lời nguyền cứ “luẩn quẩn” với những thị trường dễ tính.
Chính thị trường nội địa cũng nên nhìn nhận lại về tiềm năng của trà, bởi đây là một sản vật vô cùng có giá trị nếu chúng ta biết khai thác đúng cách, người dân hoàn toàn có thể kiếm tiền từ trà và giàu lên từ trà.
Tôi muốn cho mọi người biết rằng đầu tư vào trà là một khoản đầu tư đem lại lợi nhuận lớn, thậm chí những người đầu tư trà còn có sự tăng giá ổn định và bền vững hơn là kinh doanh bất động sản, mỗi năm giá trị của trà có thể tăng lên khoảng 10% đến 25% là bình thường.
NĐT: Ông thường xuất hiện trên truyền thông với hình ảnh vui vẻ, năng động, khả năng nói chuyện rất tốt, còn khi nghĩ đến trà thường khiến tôi liên tưởng tới những người ít nói, trầm tính. Ông có thấy bản thân mình mâu thuẫn không?
Shark Hưng: Chính vì nói nhiều nên mới cần phải uống trà cho ít nói, trầm tính lại, tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Thường người ta nói khi bạn buồn tìm đến rượu, mệt mỏi thì tìm đến cà phê. Khi nào bạn đang bức xúc, cáu giận, nóng nảy thì tìm đến trà, trà sẽ làm cho tâm an.
Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một trong 10 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới ở Việt Nam, trong hàng ngàn những bút pháp của sư ông để lại thì bút pháp được lưu truyền nhiều nhất là “Uống trà đi” - như một cách để nhắc nhở người ta về sự tỉnh thức.
Uống trà thực ra là một cách rất tốt để chúng ta thiền và chúng ta nên học cách thiền khi uống trà. Khi uống trà, hãy để cho tâm tính của chúng ta được nghỉ ngơi. Giữa biết bao nhiêu động niệm của cuộc sống, hãy cho bản thân những giây phút thư thái như vậy, chỉ tập trung vào việc uống trà, cố gắng nhận biết rõ ràng vị trà như thế nào, nước có nóng quá hay không, hương thơm của trà lan tỏa ra sao. Uống trà mà lại nghĩ đến việc khác thì không còn là uống trà nữa.
Vậy nên tôi uống trà gần như mỗi ngày, coi đó như giây phút cho bản thân nghỉ ngơi, thư giãn, để đầu óc mình không phải nghĩ ngợi gì, để tìm thấy sự an trú trong thân và tâm. Tôi cũng rất thích uống trà một mình.
NĐT: Có câu nói “Đàn ông như một tách trà nóng”, tự nhìn nhận bản thân mình ở thời điểm hiện tại, ông đánh giá mình có phải một tách trà “ngon” không?
Shark Hưng: Tôi không đánh giá quan điểm đấy vì tất cả những gì về thương hiệu, sản phẩm hay về thương hiệu cá nhân thì phải để người khác đánh giá. Thương hiệu hay nhân hiệu là những gì người khác nói về mình khi mình vắng mặt tạm thời hoặc mãi mãi, mình không thể tự đánh giá về mình được. Mình có thể muốn mình trở thành như thế nào nhưng có trở thành được hay không là do đánh giá của người khác, không phải ở mình.
Tôi tự cảm thấy với những mong muốn mà tôi đặt ra cho chính bản thân mình còn cách một khoảng xa lắm. Thành công là một quá trình, hạnh phúc là một quá trình, cũng là một đích đến. Mỗi người có một định nghĩa về thành công, quan trọng nhất là chính bản thân cảm thấy hài lòng với những gì mình đã và đang làm, điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với những gì mình đạt được. Nhiều khi đạt được nhưng chưa chắc đã vui.
NĐT: Xin cảm ơn ông về chén trà thơm và cuộc trò chuyện thú vị ngày hôm nay!
NGUOIDUATIN.VN |