Vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục có 6 anh chị em ở Mê Linh (Vĩnh Phúc), theo sự hướng nghiệp của gia đình, học xong phổ thông, bà Đỗ Thị Kim Liên thi đỗ và học Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đứng trên bục giảng, bà quyết định bỏ nghề và chuyển vào Nam lập nghiệp.
Năm 1993, bà Liên công tác tại Bảo tàng Vũng Tàu.
Năm 1996, bà bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm tại Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh và sau 8 năm lăn lộn để tích lũy kinh nghiệm, năm 2005, bà sáng lập Công ty CP Bảo hiểm AAA đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này.
Tại đây người phụ nữ giàu tham vọng đã chứng minh được khả năng lãnh đạo của mình khi mà từ một công ty có văn phòng chỉ rộng 12m2 với 9 nhân sự, doanh thu năm đầu ở mức khiêm tốn là 5 tỷ đồng đã tăng lên 218 tỷ đồng sau gần 3 năm. Những năm sau đó, AAA liên tục tăng trưởng đều đặn, và chạm ngưỡng doanh thu 400 tỷ đồng vào 2011.
Vậy nhưng giữa lúc đang lên như diều gặp gió trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bà Liên bất ngờ rút khỏi ngành này vào năm 2013, sau khi bán lại toàn bộ cổ phần của mình cho Tập đoàn IAG đến từ Úc để theo đuổi những trải nghiệm mới.
Cũng trong năm 2013, bà sáng lập tập đoàn AquaOne - chuyên xử lý và cung cấp nước sinh hoạt, thành lập công ty con của AquaOne là Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, đồng thời mở Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp và sáng lập Quỹ Môi trường xanh Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2013 cũng đánh dấu một trải nghiệm mới của bà sau khi thành lập AAA Plus, đơn vị chuyên thực hiện tư vấn các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), tái cấu trúc tài chính, quản lý tài sản và môi giới kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam cũng như nước ngoài.
Sau 5 năm rời xa ngành Bảo hiểm, đến 2018 bà Liên quay lại thị trường cũng bất ngờ như cách bà rời đi trước đó, bằng việc ra mắt ứng dụng bán bảo hiểm có tên Lian vào tháng 10 năm ngoái. Đây là ứng dụng bảo hiểm công nghệ đầu tiên tại Việt Nam) do sử dụng một loạt công nghệ hiện đại như Big Data, bảo mật bằng Blockchain, tận dụng một số API của Google, dịch vụ chữ ký số của Viettel, chăm sóc khách hàng bằng AI như chatbot, đọc báo tự động... và đã kết nối với cổng thanh toán Napas.
Năm 2019, bà Liên tham gia chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) mùa 3 với tư cách Shark (Nhà đầu tư) chính. Từ đây, bà trở nên gần gũi với dư luận hơn thông qua các danh xưng “Shark Liên”, “Shark Đỗ Liên”, bên cạnh tên gọi quen thuộc là “Madam Liên” là danh xưng bà tự nhận trên Facebook cá nhân.
Với tư cách một Shark chính, bà Liên đã thể hiện là một nhà đầu tư rất quyết liệt. Trong tập 15 của Shark Tank Việt Nam, Shark Liên quyết định rót vốn 10 tỷ cho 15% cổ phần để khôi phục làng nghề nước mắm cổ truyền cùng lời cam kết xây dựng một bảo tàng để lưu giữ giá trị văn hóa.
Cũng trong tập 15, Printgo của CEO Nguyễn Tuấn Anh chỉ nhận được mức đầu tư 1 tỷ cho 10% của Shark Dzũng và 4 tỷ cho 40% hoặc 2 tỷ cho 20% của Shark Hưng thì bà Liên đã thể hiện độ “chịu chơi” khi quyết định “xuống tiền” tới 4 tỷ đồng cho 25% cổ phần cùng nhiêu hứa hẹn hỗ trợ khác.
Ngoài ra, bà Liên cũng được biết đến với vai trò một nhà hoạt động xã hội. Được biết, trong hơn 10 năm qua, bà đã triển khai hơn 100 đợt thiện nguyện với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng, thông qua qua hoạt động xây dựng trường học cho trẻ em vùng cao.
Và người phụ nữ ấy thừa nhận còn nhiều dự án chờ đợi phía trước, khiến bà “chưa bao giờ ngưng làm việc và táy máy công nghệ”.
Tuy nhiên, danh tiếng của Madam Liên chỉ thực sự được phủ sóng kiểu “quốc dân” kể từ sau sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu thải và dự án nước sông Đuống khánh thành giai đoạn 1, sau đó Hà Nội phê duyệt giá mua buôn nước sạch sông Đuống với giá cao ngất ngưởng.
Theo đó, ngày 9/10/2019, hàng ngàn người dân Hà Nội phản ánh nước sinh hoạt có mùi khét khó chịu. Trước đó, hôm 8/10, một số người dân ở Kỳ Sơn (Hòa Bình) phát hiện có xe tải chở dầu thải xả trộm ra đầu nguồn sông Đà khiến nguồn nước của Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu.
Sự cố này sau đó đã trở thành vụ bê bối lớn vì Công ty Nước Sông Đà chỉ xử lý thô sơ rồi vẫn cấp nước bình thường, làm nổ ra cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch của 18% (khoảng 25.000 hộ dân) dân số Hà Nội ở khu vực Tây Nam thành phố.
Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án môi trường nghiêm trọng này. Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Sông Đà – ông Nguyễn Văn Tốn - mất chức vào ngày 5/11 vì những quyết định quản lý thiếu chính xác cùng những phát ngôn thiếu khôn ngoan trước truyền thông.
Và từ đây, nhiều người bắt đầu biết đến Shark Liên và Nước Sông Đuống khi mà sau sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải nói trên thì rất vừa vặn, Nhà máy Nước Sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Trong sự thất vọng vì nước Sông Đà nhiễm dầu, không có gì lạ khi người dân đón nhận Nước Sông Đuống với một thái độ tích cực đầy cảm tính. Chỉ tiếc tình cảm xốc nổi này tồn tại khá ngắn ngủi.
Tại buổi họp giao ban báo chí do Thành ủy tổ chức chiều 12/11, thông tin Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy Nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm, đã khiến cho người dân không khỏi... choáng váng (!)
Người ta tự hỏi, tại sao nguồn nước sông Đà xa gấp mấy lần sông Đuống, mà giá bán buôn nước sông Đuống lại đắt gấp đôi giá bán lẻ nước sông Đà? Và vì sao cùng là nước sạch mà chính sách của Hà Nội dành cho 2 nhà bán buôn lớn nhất hiện nay (Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà - Viwasupco - và Công ty CP Đầu tư Nước mặt Sông Đuống) lại khác nhau đến vậy.
Thời điểm đó, với tư cách là Chủ tịch HĐQT tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, bà Đỗ Thị Kim Liên đã đăng đàn trả lời báo chí rằng nước sông Đuống chất lượng hơn cả nước suối đóng chai, giá 10.264 đồng/m3 vẫn là rẻ so với giá 5.000- 6.000 đồng một chai nước suối nhỏ.
“Đây là dự án đầu tư lớn, số vốn vay cũng rất lớn”, bà Liên lý giải vì sao giá nước sông Đuống đắt gấp đôi nước sông Đà, hàm ý rằng khách hàng mua nước của bà là đối tượng phải chịu chi phí lãi vay đó.
Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội – cũng cho biết, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống có chi phí đầu tư 4.998 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư phải vay 3.998 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án, sau giai đoạn đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước.
Nói tóm lại, theo ông Hà, chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, nghĩa là người dân phải gánh 2.103 đồng tiền lãi vay của chủ đầu tư cho mỗi m3 nước mua của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Phát ngôn này ngay lập tức hứng cả rổ “gạch đá” của dư luận. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh doanh là chuyện lời ăn lỗ chịu, đầu tư dự án mà đẩy rủi ro về phía người dân như Shark Liên thì ai cũng có thể làm. Và rằng, doanh nghiệp khi đầu tư dự án phải có đủ lực tài chính, việc đi vay tới 80% vốn, sau đó để người dân phải gánh lãi cho dự án là “tay không bắt giặc”, “Đầu tư dự án như Shark Liên thì anh xe ôm cũng làm được”...
Và, giữa những lùm xùm giá nước, người ta bới lại thương vụ thoái vốn mới đây của Shark Liên để minh họa cho quan điểm kinh doanh “tay không bắt giặc” của bà. Cụ thể, Nước Sông Đuống vừa bán 34% cổ phần cho tỷ phú Thái Lan - bà Jareeporn Jarukornsakul (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn WHA) - với giá hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, chỉ bỏ ra khoảng 1.500 tỷ đồng ban đầu, rồi đi vay 3.998 tỷ đồng. Lãi vay thì tính vào giá bán nước. Dự án hoàn thành giai đoạn 1 liền bán 34% cổ phần, “chốt sale” bỏ túi 2.000 tỷ đồng. Quả là “tay không bắt giặc” khi cuối cùng vị Chủ tịch không bỏ ra đồng nào mà vẫn sở hữu dự án nước sạch lớn nhất cả nước, cung cấp 1/3 nước cho toàn Hà Nội (?!).
Diễn biến mới nhất liên quan đến Nước Sông Đuống cho hay, đến ngày 19/11/2019, bà Đỗ Thị Kim Liên đã nhường ghế Tổng Giám đốc cho người kế nhiệm đồng thời trong ban lãnh đạo Nước sông Đuống xuất hiện nhiều tên tuổi nhà đầu tư Thái Lan. Người Thái đã chính thức tham gia điều hành Nước Sông Đuống.
Ấy vậy mà khi lên truyền hình, vị “cá mập” nổi tiếng này lại phát biểu rằng mình “kinh doanh không cần lợi nhuận, chỉ vì đam mê”, hoặc “có lợi nhuận cũng đem làm từ thiện”...
Đương nhiên ngược dòng dư luận vẫn có người ủng hộ bà Liên khi lên tiếng rằng kinh doanh thì mấy ai không phải đi vay vốn, lãi vay chả tính vào giá thành thì tính vào đâu, ơ hay?! Nhưng thói thường, dân túy là một khái niệm tuy mơ hồ mà sức công phá dư luận của nó lại vô cùng lớn.
Luồng quan điểm trái chiều này không chống đỡ được luồng ngược chiều dội lại khi đặt vấn đề: Nước sạch là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận (Công ty Nước sạch Sông Đà năm 2018 thu về 218 tỷ đồng, biên lợi nhuận hơn 50%), thiếu gì nhà đầu tư muốn nhảy vào mà phải mua của nhà đầu tư 1 đồng vốn 4 đồng vay như Nước Sông Đuống?
Bên cạnh danh tiếng là một nhà đầu tư giỏi giang, quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược, Madam Liên còn được biết đến như là một doanh nhân có nhiều phát ngôn gây sốc.
Giữa những luồng thông tin bất lợi về giá nước Sông Đà, người ta ngạc nhiên khi vị Shark vốn thường tuôn những “lời vàng ý ngọc” trên sóng truyền hình lại bỗng dưng có những phát ngôn giống như “đổ thêm dầu vào lửa”.
Trên trang Facebook có tên Madame Liên được cho là của bà Đỗ Thị Kim Liên hôm 15/11 có chia sẻ dòng trạng thái: “Câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh thời thế chiến thứ 2 Winston Churchill: “Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu Bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!” Câu nói hay và rất ý nghĩa mình muốn chia sẻ với cả nhà”.
Việc trích dẫn những câu nói nổi tiếng của vĩ nhân trên Facebook vốn là thói quen bình thường của nhiều người, nhưng dòng trạng thái trên được đăng tải vào thời điểm rất nhiều người dân Hà Nội phản đối Shark Liên vì giá nước và quan điểm kinh doanh đã khiến không ít fan của vị “cá mập” này thất vọng và cộng đồng mạng phản ứng dữ dội.
Nhiều người cho rằng, Shark Liên đang có ý coi thường những góp ý của dư luận xã hội, truyền thông về những lùm xùm tại nhà máy nước sông Đuống. Mặc dù, đúng sai chưa nói nhưng giữa tâm bão truyền thông mà Shark Liên có phát ngôn như vậy nhằm mục đích gì?
Mặc dù sau đó dòng trạng thái trên đã được gỡ bỏ, đại diện phía Shark Liên xác nhận với báo chí rằng chia sẻ trên là của bà chỉ dẫn lại lời nói của một người nổi tiếng chứ không có mục đích gì cả. Song công chúng thì đã bị tổn thương ít nhiều. Người ta ném đá bà nhiều hơn trên mạng xã hội, rồi nhân tiện “đào mộ” cả những lùm xùm trong quá khứ của bà.
Cụ thể, nhiều thành viên trên mạng xã hội đã tìm ra, cách đây 10 năm, bà Đỗ Thị Kim Liên - khi ấy là TGĐ Cty Bảo hiểm AAA, đã từng có màn náo loạn trên chuyến bay Vietnam Airlines từ Singapore về Việt Nam, khiến an ninh sân bay Tân Sơn Nhất phải áp giải để làm rõ trong suốt hơn 3 giờ đồng hồ.
Cụ thể, theo trình bày của bà Đỗ Thị Kim Liên và chồng là ông Lê Toàn thì trong chuyến bay từ Singapore về sân bay Tân Sơn Nhất chiều 21/11/2009, gia đình ông bà đi 4 người nhưng chỉ mua được 3 vé hạng C (vé ngồi khoang V.I.P) của Vietnam Airlines.
Vì vậy, buộc ông phải mua vé cho cậu con trai 5 tuổi ngồi ở ghế hạng phổ thông. Khi mua vé thì bảo đã hết vé V.I.P nhưng khi máy bay cất cánh, thấy khu vực ghế hạng C còn trống 1 chỗ, cả gia đình ông Toàn đã ngồi chung với nhau để cùng trông coi con nhỏ. Bởi ông Toàn cho rằng không thể yên tâm khi để cậu con trai 5 tuổi ngồi một mình trên máy bay ở khu vực ghế phổ thông cách đó một quãng xa.
Khi được các tiếp viên nhắc nhở trở về đúng vị trí để họ phục vụ bữa ăn (suất ăn hạng thương gia khác suất ăn hạng phổ thông), bà Liên đã to tiếng với tiếp viên.
Theo phản ánh thì tiếp viên hàng không nói “Con của anh chị, anh chị tự đi mà lo” còn bà Liên có nói với các tiếp viên phục vụ rằng: “Thái độ của chúng mày như vậy, chị không hài lòng”.
Kết quả là, khi máy bay tới Tân Sơn Nhất, cơ trưởng đã yêu cầu an ninh hàng không áp tải cả gia đình xuống máy bay. Bức xúc về vấn đề trên, nữ đại gia đã đòi kiện Vietnam Airlines vì đã “làm nhục và xúc phạm danh dự”.
Về sau không thấy bà Liên kiện cáo gì, chỉ biết bà nổi tiếng sau vụ lùm xùm đó.
Bây giờ, trước làn sóng công kích mạnh mẽ từ vụ việc Nước Sông Đuống đến vụ lùm xùm quá khứ, Shark Liên cuối cùng đã chọn im lặng. Đồng thời bà chia sẻ một bài viết dài trên trang fanpage với hơn 60k lượt theo dõi.
Dẫn lời Steve Jobs “Cách duy nhất để tạo nên sự nghiệp vĩ đại là yêu những gì bạn làm”, bà viết: “Thật vậy, khi bạn dành đủ tình yêu cho những điều bạn chọn, những con đường bạn đi thì tất cả những trở ngại trên quá trình đó đều là vô nghĩa!”.
So với những phát ngôn trước thì phát ngôn này đã có khẩu khí ôn hòa hơn. Khi bà ôn hòa, những công kích cá nhân sẽ tự nhiên lắng xuống để người ta kịp nhận ra và trân trọng những gì bà đã chọn, đã làm cho cộng đồng.