img

Những năm gần đây, việc dạy và học môn Lịch sử luôn nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Đã có những câu hỏi đặt ra liệu có phải vì các bạn trẻ hiện nay đang dần mất đi sự yêu thích đối với môn học này? Tuy vậy nhưng vẫn có rất nhiều bạn trẻ giữ được cho mình niềm say mê với lịch sử. Một trong số đó phải kể đến là Hà Việt Hoàng, nam sinh trẻ được mệnh danh “Siêu trí tuệ Việt Nam”, người có nhiều thành tích trong lĩnh vực học tập và nghiên cứu.

Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Hà Việt Hoàng, dưới góc nhìn của một bạn trẻ Gen Z, về lịch sử và cách để “truyền lửa” đam mê lịch sử đến với thế hệ ngày nay.

img
img

NĐT: Chào Hoàng, rất vui được gặp gỡ và trò chuyện với Hoàng vào một ngày đầu Thu, một mùa lịch sử, khi mà cả nước đang hướng tới 77 năm kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Cảm xúc của Hoàng thế nào khi nhớ về những dấu son lịch sử này?

Hà Việt Hoàng: Mình tin rằng tình yêu nước của người dân Việt Nam là tình cảm đặc biệt, quý giá và thiêng liêng nhất. Cá nhân mình, một người trẻ sinh ra trong môi trường với bố và ông nội là những người lính, vẫn luôn cảm thấy tự hào khi mình là người con của đất Việt. Trong những ngày này, khi mà cả nước đang có những hoạt động kỉ niệm những dấu mốc lịch sử của dân tộc, được nhìn thấy tình yêu nước của người dân Việt Nam, mình lại càng cảm thấy tự hào hơn.

img

NĐT: Là một bạn trẻ có niềm đam mê với lịch sử, tuy nhiên ngành học bạn theo lại là Điện tử viễn thông, vậy có khi nào bạn cảm thấy sự mâu thuẫn không?

Hà Việt Hoàng: Theo mình, cả 2 lĩnh vực đều cần sự tỉ mỉ. Lịch sử cần phải chính xác tuyệt đối và điện tử cũng vậy. Đương nhiên sự khác nhau giữa hai lĩnh vực đó là một bên thiên về kiến thức tự nhiên, còn một bên sẽ thiên về kiến thức xã hội.

Thực sự, trước đây mình là một người thiếu sự cẩn thận, hồi còn đi học cấp 3 mình thường rất “ẩu”. Và mình nghĩ rằng học các ngành điện tử sẽ giúp mình trở nên cẩn thận hơn.

Ở thời điểm hiện tại, khi lập trình một chương trình, mình cẩn thận đến mức chỉ sửa một chỗ nhỏ thôi mình cũng sẽ chạy lại cả chương trình một lần. Vì mình cảm thấy chỉ cần một lỗi nhỏ sẽ gây ảnh hưởng đến cả một hệ thống. Và lịch sử với mình cũng như vậy, một cái hiểu sai về vấn đề nhỏ nào đó sẽ có thể gây ra sự lệch lạc về tư tưởng.

img

NĐT: Đã bao giờ bạn có ý tưởng về việc kết hợp giữa lịch sử và tin học chưa?

Hà Việt Hoàng: Để nói về sự kết hợp giữa tin học và lịch sử thì chúng ta có thể nói đến một hướng đi khác cho việc dạy và học. Đó là mình sẽ không quá tập trung dạy những gì trong sách vở trên lớp mà có thể ứng dụng những thành tựu của sự phát triển công nghệ.

Cụ thể như sử dụng slide trình chiếu thay cho bảng giấy, tiếp đó là chiếu những video, phóng sự để học sinh có tiếp cận kiến thức từ nhiều phương pháp khác ngoài kiến thức trong sách vở. Đó chính là sự kết hợp giữa tin học và lịch sử. Nhưng mình nghĩ chúng ta cần phải làm cái gì đó nhiều hơn và điều đó cần sự thay đổi từ từ.
img

Gen Z là một thế hệ rất hiểu biết về công nghệ, có thể làm chủ công nghệ. Thay vì cố gắng bắt họ phải học một cái thứ họ cảm thấy nhàm chán, hãy tích hợp nó vào với những thứ khác. Mình cũng là Gen Z, khi kết hợp điều mà mình không thích với thứ mình đang thích, mình sẽ sẵn sàng tìm hiểu về nó.

NĐT: Là một người cá biệt so với các bạn trẻ với niềm đam mê lịch sử, theo Hoàng, người trẻ cần có thêm những nguồn cảm hứng gì với môn Lịch sử?

Hà Việt Hoàng: Nếu nói là tự thích thì cũng không phải, vì mình sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông nội và bố là sĩ quan nên từ bé thay vì nghe nhạc thiếu nhi như các bạn cùng trang lứa thì mình được nghe các dòng nhạc về Cách mạng, nhạc thời chiến. Thay vì được nghe những câu chuyện cổ tích trước khi đi ngủ thì mình được nghe về những câu chuyện rằng năm 1972 bộ đội ta đã chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị như thế nào.

img

Vì thế mình lớn lên với những câu chuyện, với những bài hát đó, nó giống như ngay từ nhỏ mình đã được kích thích tìm hiểu về lịch sử rồi. Bất cứ khi nào mà bố mình kể về một câu chuyện lịch sử mà mình hỏi một câu sâu xa hơn, mình đều nhận được trả lời rằng “cái đấy con tự tìm hiểu được”. Và nhiệm vụ của mình sẽ là tự tìm hiểu.

Mình nghĩ là trẻ con thì đứa nào cũng hiếu kỳ, muốn tìm hiểu nên mình cho rằng đây là cách để khai phá sự tò mò của trẻ con nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Khi bắt đầu tìm hiểu một vấn đề lịch sử nào đó, mà người trẻ cảm thấy họ được truyền ngọn lửa yêu thích lúc ban đầu. Thì sau đó họ sẽ liên tục đặt ra những câu hỏi về vấn đề đó, đến lúc ấy họ sẽ tự tìm hiểu. Mình nghĩ rằng quan trọng nhất chính là bước khởi đầu. Bước khởi đầu không ai có thể tự đi cả, mà luôn luôn cần một người, thế hệ đi trước dẫn dắt, giống như mình được thế hệ cha ông kể lại.

Nhưng mà chúng ta không thể so sánh với thế hệ đi trước, những thế hệ lớn lên trong thời chiến thì lại khác. Thế hệ đi trước đã trải nghiệm thực tế hàng ngày vì vậy họ không cần phải ai dẫn dắt cả, bởi vì họ sống cùng với bom đạn khói lửa, là người trực tiếp tạo nên những trang sử đó.

img

Nhưng với thế hệ ngày nay thì khác, lớn lên ở thời bình cùng sự phát triển công nghệ, nên có rất nhiều mối quan tâm khác, hiện đại hơn, trẻ hơn. Đây là lúc mà người lớn phải tạo ra sự đam mê, sự yêu thích bằng nhiều cách chứ không phải “gắn” trách nhiệm cho người trẻ rằng giới trẻ hiện nay phải tìm hiểu về lịch sử. Đương nhiên nếu bắt người trẻ làm mà không cảm hứng và yêu thích thì rất khó để họ tập trung và theo đuổi.

img

NĐT: Có khi nào mà bạn cảm thấy rằng môn Lịch sử nhàm chán không? Có khi nào Hoàng nghĩ đến việc mình không học về nó nữa, đặc biệt là trong giai đoạn phổ thông không?

Hà Việt Hoàng: Thật ra, mình cũng không phải là một người quá thích học môn Lịch sử trên trường lớp, mình cũng không nói là cách dạy môn này trên trường lớp sai. Cách dạy hoàn toàn không sai vì cách dạy đó sẽ giúp cho học sinh nắm được các mốc lịch sử mà sự kiện đã xảy ra một cách cơ bản nhất. Tuy nhiên, học sinh sẽ khó có thể hiểu sâu và cặn kẽ tại sao nó phải xảy ra, nó xảy ra như thế thì có ảnh hưởng như thế nào với các sự kiện tiếp theo.

Lịch sử là môn học cần đặt sự quan tâm và tập trung rất nhiều. Mình là một người thích tự tìm hiểu, thế nên khi học các chương trình ở trường lớp, nếu những nội dung mình cảm thấy chưa được giải thích rõ ràng, chưa đủ làm mình thỏa mãn, mình sẽ ghi chú lại và tìm hiểu sau.

img

Đương nhiên điều này phụ thuộc vào việc bản thân mình có niềm đam mê với lịch sử từ trước thế nên mình sẽ tự nguyện và thoải mái bỏ thời gian ra làm những cái việc tìm hiểu thêm. Còn những môn khác mà mình không đam mê bằng mình sẽ bỏ qua việc đó. Suy cho cùng có chán hay không là do việc các bạn trẻ có hứng với nó hay không. và cảm hứng đó cần phải được thắp nguồn.

NĐT: Được biết Hoàng đã tham gia rất nhiều chương trình về xã hội. Những chương trình đó rất lý tưởng đối với các bạn trẻ ngồi trên ghế nhà trường, liệu lịch sử có phải là bàn đạp cho bạn có những cơ hội đó, cơ hội được tham gia các chương trình mang tính xã hội?

Hà Việt Hoàng: Nếu mà nói về những cơ hội mà lịch sử mang lại thì năm lớp 12 mình có tham gia một chương trình mang tên “Tự hào Việt Nam” cuộc thi về tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc. Ban đầu mình không có ý định tham gia bởi lúc đó mình vừa hoàn thành xong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia khá căng thẳng và mình muốn tập trung cho việc học ôn thi đại học.

Nhưng mình đã nhận được sự động viên từ rất nhiều bạn bè, những người biết mình có niềm đam mê với lịch sử. Họ giúp mình nhận ra rằng đây cũng là một cách khác để học và thu nhận kiến thức về lịch sử theo một cách rất “teen”. Mình cảm thấy đây là một cuộc thi rất thú vị, rất tốt cho giới trẻ.

Nói về Gen Z, đây là thế hệ rất tự tin, không sợ bị người khác đánh giá, luôn luôn muốn thể hiện bản thân mình. Vì vậy, cách chơi của cuộc thi “Tự hào Việt Nam” sẽ giúp giới trẻ chúng mình có thể tự tin nói ra suy nghĩ riêng. Và đương nhiên sẽ có các thầy cô cố vấn đồng hành và sẵn sàng sửa sai cho thí sinh. Bản thân mình không có vấn đề gì với việc đó và mình sẵn sàng thể hiện những điều mà mình biết, nếu sai thì mình sẽ được sửa, đó là một điều rất là tốt.

img

Mình cảm thấy nên có thêm nhiều cuộc thi được tổ chức như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều các thế hệ học sinh tự tin khi đứng trên sân khấu để bảo vệ quan điểm riêng của mình. Và hơn thế nữa, đây cũng chính là hướng đi khác, phương pháp khác để học những môn tưởng như khô khan như môn Lịch sử.

Việc tham gia cuộc thi về lịch sử văn hóa Việt Nam chính là bàn đạp giúp mình trở nên tự tin, thoải mái hơn trên sân khấu khi mình tham gia các cuộc thi sau này. Vì lẽ đó mà mình nghĩ nếu như các thế hệ học sinh được tham gia các cuộc thi này từ bé thì họ sẽ tự tin hơn rất nhiều, đơn giản qua các cuộc thi hùng biện.

Đấy là hai yếu tố mà mình tin sẽ giúp thế hệ học sinh có thể thể giúp học sinh tham gia vào các chương trình xã hội sau này.

img

NĐT: Đại đa số các bạn trẻ Gen Z đều sẵn sàng bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân, nhưng Hoàng có cảm thấy mình khác so với những bạn khác thuộc Gen Z?

Hà Việt Hoàng: Mình là người có quy tắc riêng trong việc giải quyết các vấn đề, nếu như không động đến các quy tắc đó thì mình là một người rất dễ tính. Câu cửa miệng của mình luôn là “sao cũng được” nhưng nếu nó là những vấn đề mà mình cảm thấy cần xem xét thì quy tăc riêng sẽ là cái được ưu tiên.

img

Khi mà bàn luận một vấn đề, mình luôn luôn suy nghĩ và đặt ra câu hỏi kết quả của việc này sẽ là gì. Ví dụ, thay vì đi bàn trồng cây bằng cách nào, nước gì, phân bón ra sao trồng hôm nào thì mình quan tâm đến việc xác định trồng cái cây này để làm gì và sẽ thu hoạch sau bao nhiêu thời gian. Đấy là cái bước đầu tiên chứ không phải việc mà suy nghĩ sẽ trồng cây như thế nào.

Đó là cái nguyên tắc đầu tiên của mình: Phải nghĩ được kết quả và mục đích. Có lẽ vì vậy mà các bạn cùng trang lứa thường nghĩ mình hơi kỹ tính.

NĐT: Bạn nghĩ sao về sự khác biệt của Gen Z với các thế hệ khác, về việc họ mang cái tôi lớn, dám bày tỏ quan điểm, sống thật với bản thân trong môi trường công việc?

Hà Việt Hoàng: Mình nghĩ rằng cái gì cũng có hai mặt, việc mang trong mình cái tôi lớn và sẵn sàng thể hiện quan điểm của bản thân, đôi khi nó tốt nhưng nếu nó “quá đà” thì sẽ không tốt.

Theo mình, bất cứ cái gì cũng phải có sự trải nghiệm, thế hệ nào cũng vậy, cũng không thể ngay từ đầu đã làm nên chuyện, chúng ta luôn luôn phải học hỏi, chỉ có điều là cách học của mỗi thế hệ khác nhau. Mình nghĩ đặc trưng của Gen Z đó là họ rất chủ động, chủ động hỏi những gì họ muốn, điều đó thể hiện cho người đối diện thấy rằng họ đang rất tự tin. Theo mình thấy đây là một lợi thế của Gen Z.

Mình thể hiện cho người ta biết và người ta cũng thấy được cái mặt tốt của mình. Nhưng điểm yếu lớn nhất cũng từ ấy mà ra, nếu không dung hòa và luôn tỏ ra nổi bật trước đám đông cũng sẽ không tốt.

img

NĐT: Nói đến điểm yếu của gen Z, rất nhiều bạn trẻ có xu hướng “thích nhảy việc”, thích tìm kiếm cảm giác mới. Hoàng suy nghĩ như thế nào về việc này? Bạn có phải là người thích sự thay đổi không?

Hà Việt Hoàng: Thành thật mà nói câu trả lời của mình không, mình là một người không thích thay đổi, nếu như đã làm mà cảm thấy tốt thì mình vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên nếu việc đó chưa thực sự tốt lắm mà mình xác định đc một cái lộ trình cho bản thân. thì mình vẫn sẽ cố gắng. Chẳng hạn như việc mình luôn đặt ra câu hỏi để làm gì, cái đích mà mình hướng tới và kết quả của công việc mà mình đang làm là gì.

Nhiều bạn trẻ hiện nay chỉ cần cảm thấy hơi khó khăn, vất vả chút thì các bạn nghĩ ngay đến việc từ bỏ và tìm cho mình công việc khác. Tại vì là đúng là người trẻ họ đang sống cảm hứng hơi nhiều, sống với việc họ chỉ làm những gì họ thích.

Mình là một người rất kiên định nhưng nếu mà trong quá trình làm việc mình cảm thấy mình không phù hợp, tất nhiên là mình sẽ không nhảy việc vào ngay lúc ấy, nhưng sau khi hoàn thành phần việc của mình, mình sẽ nghiêm túc nghĩ đến việc tìm một môi trường khác. Điều này không phải là vì cảm hứng của mình mà mình phải cân nhắc rất rõ ràng, là công việc đó có phù hợp với mình hay không.

img

Đơn giản là vì mình không có một câu trả lời đích thực cho việc 6 tháng đến 1 năm tới mình đang làm gì bởi vì bản thân mình còn đang không biết rằng ngày mai mình sẽ làm gì thì công việc đó sẽ không phải là điều phù hợp nữa.

Mình nghĩ là làm cái gì cũng thế, ngắn hay dài đều phải có mục đích, nếu có mục đích thì sẽ hạn chế tối đa việc làm theo cảm hứng.

Các bạn có thể cảm thấy việc chuyển công tác từ nơi này sang nơi kia nó là rất bình thường. Và mình thường nghe các bạn trẻ biện mình cho việc này bằng câu nói: “Mình còn trẻ, mình có thời gian để trải nghiệm”. Cá nhân mình thấy, trải nghiệm là khi bạn cảm thấy công việc thực sự không phù hợp với mình thì mình mới chuyển chứ quyết định chuyển việc theo cảm hứng, trải nghiệm kiểu đó sẽ không đọng lại chút kinh nghiệm gì cả mà còn rất lãng phí thời gian. Tất cả chỉ là tôi thích thì tôi làm, tôi không thích thì tôi nghỉ, đó không phải là trải nghiệm.

NĐT: Vậy đối với hành trình xác định câu hỏi “để làm gì?” cho cuộc đời mình, bạn đã, đang và sẽ làm như thế nào?

Hà Việt Hoàng: Để trả lời câu trả hỏi này thì người trẻ như mình gần như không thể vì trải nghiệm chưa đủ. Nhưng mình cũng không hướng tới câu trả lời sẽ làm gì cuộc đời trong 10-20 năm tới mà mình sẽ chia nhỏ nó ra, câu hỏi để làm gì của mình sẽ được dành cho 1-2 năm hoặc nhiều là 3-5 năm tới.

img

Mình sẽ xác định xem trong khoảng thời gian tương lai gần sắp tới mình cần phải làm những gì, chứ mình không xác định trong 10 năm tới mình có cái gì, đó là điều mình không bao giờ nghĩ đến.

NĐT: Cuối cùng, nhân dịp Tết Độc lập của dân tộc, dưới góc nhìn của một người trẻ, theo bạn, yêu nước là gì?

Hà Việt Hoàng: Mỗi thế hệ đều sẽ có một câu trả lời khác nhau. Nếu như là thế hệ cha anh đi trước thì câu trả lời sẽ rất dễ, là nhập ngũ thôi. Yêu nước là bảo vệ tổ quốc. Thế hệ sau đấy dưới thời bao cấp khó khăn, thì đơn giản yêu nước học cho tốt học để cải thiện và xây dựng đất nước. Và vô tình nó còn tồn lại cho đến ngày hôm nay, suy nghĩ yêu nước là phải học thật giỏi, ra trường phải làm công việc giúp cho đất nước giàu mạnh lên.

Cá nhân mình cho rằng, suy nghĩ này các vị phụ huynh đã nói lên cách đây khoảng 20-30 năm rồi và đến bây giờ họ vẫn giữ quan điểm như vậy. Bản thân họ lớn lên từ cái suy nghĩ đó và họ tiếp tục đưa cái suy nghĩ ấy đến với giới trẻ.

img

Thời điểm hiện tại, mình nghĩ rằng yêu nước còn rộng hơn như thế dưới bối cảnh toàn cầu hóa. Và đôi khi không phải chỉ làm điều lớn lao cho đất nước mới là yêu nước mà theo mình đơn giản chỉ cần mình biết làm sao cho cuộc sống của bản thân mình, cuộc sống của những người xung quanh mình và tài sản mình tạo ra có giá trị, thì đó chính là yêu nước.

Không cần phải to lớn, vĩ mô vì mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh riêng, yêu nước là làm thế nào có thể phát triển được giá trị của mình và những việc mình làm được những người xung quanh mình và xã hội ghi nhận.

NĐT: Xin cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN |

% include googleAnalystic %>