Từ ngày 1/8/2024, 3 bộ luật quan trọng tác động lớn đến kinh tế - xã hội là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Luật Đất đai chính thức có hiệu lực đã tạo ra hiệu ứng lớn trong xã hội. Những quy định trong các luật này không chỉ định hình quyền sở hữu và giao dịch BĐS mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân và nhà đầu tư.
Một trong những tác động mạnh mẽ nhất và cũng là tinh thần mà 3 bộ luật hướng tới là tạo nên một khung pháp lý về đất đai rõ ràng và minh bạch.
Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc đầu tư DKRA Group cho rằng, 3 uật sửa đổi đã được làm mới theo hướng lấy người dân làm trọng tâm, đồng thời gỡ rối được rất nhiều vấn đề tồn đọng, vướng mắc chồng chéo giữa các điều khoản và rộng hơn là giữa các luật với nhau.
Theo ông Thắng, các quy định trong luật sửa đổi đã hướng tới mục tiêu căn cốt là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giúp họ an tâm hơn khi tham gia vào thị trường thị trường BĐS, từ đó gia tăng niềm tin của người dân và khuyến khích các chủ đầu tư uy tín, có năng lực tham gia vào thị trường này.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc đầu tư DKRA Group.
Đối với môi giới BĐS, ông Thắng cho rằng, Luật Kinh doanh BĐS đã có những điều khoản quy định về chứng chỉ hành nghề của môi giới giúp nâng cao năng lực của đội ngũ này. Qua đó góp phần tạo nên môi trường kinh doanh BĐS chuyên nghiệp, có tính hệ thống.
Một điểm đắt giá nhất mà việc sửa đổi các bộ luật đem lại, theo ông Thắng là việc yêu cầu công khai thông tin về quy hoạch, giá trị đất đai và các dự án BĐS giúp giảm thiểu tình trạng thông tin không đầy đủ. Chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng buộc phải thanh toán qua ngân hàng, dự án BĐS phải công khai thông tin trước khi đưa vào kinh doanh.
“Việc này tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, trong đó người mua và người bán đều có khả năng tiếp cận thông tin công khai, giảm thiểu rủi ro cho tất cả các bên trong các giao dịch”, ông Thắng nêu.
Không chỉ thế, vị chuyên gia cho rằng điều này mở ra cơ hội lớn cho việc số hoá thông tin đất đai, qua đó góp phần xây dựng nên một thị trường BĐS công khai, minh bạch.
Tính đến đầu năm 2024, dữ liệu của Datareportal và Wearesocial cho biết tại Việt Nam ghi nhận có 78,44 triệu người sử dụng Internet trên tổng số 99,19 triệu dân, tương ứng có tới hơn 79% dân số đã và đang tiếp cận internet và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng từng ngày.
Bên cạnh đó cùng với xu hướng tiêu dùng chuyển dịch từ mua hàng trực tiếp sang trực tuyến cũng tạo nhiều cơ hội cho chuyển đổi số len lỏi vào từng ngóc ngách của thị trường BĐS.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea), Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của tất cả các ngành nghề nói chung và BĐS nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Đính- Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea), Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS).
“Trong một thế giới mà mọi thứ đều được số hoá, tìm kiếm và giao dịch qua internet thì doanh nghiệp và ngành nghề nào có tốc độ chuyển đổi số nhanh hơn sẽ chiếm lợi thế”, ông Đính nêu.
Theo vị chuyên gia, giải pháp công nghệ và chuyển đổi số đang trở thành yếu tố then chốt trong việc nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường BĐS.
Đầu tiên, việc phát triển nền tảng quản lý dữ liệu hiện đại cho phép nhà nước và các chủ đầu tư theo dõi thông tin về đất đai và BĐS một cách dễ dàng và chính xác. Các hệ thống này giúp giảm thiểu sai sót và tạo điều kiện cho việc đưa ra quyết định kịp thời và chính xác hơn.
Bằng cách ghi nhận và xác thực mọi giao dịch trên một hệ thống không thể thay đổi, việc số hoá các dữ liệu về đất đai giúp giảm thiểu tình trạng gian lận và bảo vệ quyền lợi của cả người mua và người bán. Thêm vào đó, sự phát triển của các ứng dụng di động giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin về dự án, quy hoạch và giá cả BĐS, từ đó nâng cao sự hiểu biết và tham gia tích cực vào thị trường.
Theo ông Đính, việc sử dụng phân tích dữ liệu lớn giúp dự đoán xu hướng thị trường và hành vi của khách hàng, từ đó hỗ trợ các nhà đầu tư và chủ đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Các phần mềm quản lý BĐS hiện đại cũng cho phép chủ đầu tư theo dõi, giám sát và quản lý dự án hiệu quả hơn, đồng thời tạo ra kênh liên lạc trực tiếp với khách hàng, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng.
“Sự kết hợp giữa các Luật Đất đai, Kinh doanh BĐS, Nhà ở với các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số không chỉ tạo ra một thị trường BĐS minh bạch và hiệu quả hơn mà còn góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng”, ông Đính khẳng định.
Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy nhưng ông Đính đánh giá quá trình chuyển đổi số của ngành BĐS còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố như thói quen người tiêu dùng, đòi hỏi nguồn tài chính lớn, đặc thù sản phẩm BĐS.
Hiện nay, đa phần khó khăn đến từ vấn đề tài chính doanh nghiệp khi việc chuyển đổi số yêu cầu đầu tư lớn vào công nghệ, phần mềm và đào tạo, điều này là một gánh nặng tài chính, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể và chiến lược chuyển đổi số, dẫn đến việc triển khai không hiệu quả và không đạt được mục tiêu mong muốn trong bối cảnh chuyển đổi số cần định hướng lâu dài, bài bản.
Đặc biệt áp lực của thị trường cũng gây khó cho quá trình chuyển đổi số của BĐS khi thị trường biến đổi nhanh chóng với những thay đổi từng ngày. Điều này khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc định hình và thích ứng với các xu hướng mới.
“Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, nhưng doanh nghiệp BĐS cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể trong quá trình triển khai”, Chủ tịch VARS nêu.
Dù vậy, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, áp dụng chuyển đổi số vào BĐS giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí nhân sự, khách hàng được gia tăng trải nghiệm đa kênh, quan trọng hơn là việc chốt giao dịch sẽ diễn ra nhanh hơn gấp nhiều lần so với trước đây chỉ qua không gian mạng.
ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn
Chưa kể việc sử dụng các kênh quảng cáo trực tiếp tốn kém rất nhiều chi phí và nhân lực, việc chuyển đổi số giúp cắt giảm chi phí quảng cáo rất lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng chuyển đổi số đã tạo ra cơ chế tự động liên kết được các bộ phận trong ngành BĐS.
Dữ liệu và thông tin chi tiết về thị trường được công khai, minh bạch trên không gian số không chỉ hữu ích cho chủ đầu tư BĐS mà còn mang lại lợi ích thực tế cho tất cả các bên liên quan đến lĩnh vực BĐS như ngân hàng, xây dựng và những người cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho ngành BĐS.
“Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp BĐS tối ưu hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn mở ra nhiều hướng phát triển mới, giúp họ tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, ông Quốc Anh nói.
Xu hướng phát triển của xã hội trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số được GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường đánh giá là tất yếu trong nền kinh tế thị trường.
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường
Một trong những chính sách đang lưu tâm mà ông Võ cho rằng nên được đầu tư phát triển là định danh số nhà nhằm giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ và giúp những người thu nhập thấp có thêm cơ hội tiếp cận với nhà ở. Từ đó tạo nên mối liên hệ giữa con người với BĐS qua thủ tục bắt buộc, bổ sung vào cơ sở dữ liệu chung mang tính minh bạch.
Việc thu thập dữ liệu cư dân đi kèm với BĐS, theo ông Đặng Hùng Võ sẽ khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân sở hữu BĐS công khai sở hữu, qua đó kiểm soát được tình trạng đầu cơ, tích trữ khi một người có rất nhiều BĐS nhưng không đưa vào sử dụng, hoặc sử dụng hiệu quả không cao.
Thứ trưởng Bộ Xây dsựng Nguyễn Văn Sinh.
Đánh giá về xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, các doanh nghiệp BĐS rất tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhất là các sàn giao dịch điện tử để giới thiệu sản phẩm.
Để góp phần giúp cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, cần tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến; chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm về chuyển đổi số.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để phổ biến rộng rãi tới người dân sử dụng trong quá trình giao dịch BĐS. Bên cạnh đó, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm hiện đại, đáng tin cậy.