NĐT: Với ưu thế công nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua tỉnh Đồng Nai đã chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Xin bà chia sẻ về kết quả chuyển đổi số của tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Hoàng: Tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số thông qua các sự kiện như: Tuần lễ Chuyển đổi số, Hội thảo chuyên đề, góp phần nâng cao hiểu biết và sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp đối với quá trình này.

Hiện, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thiện và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến nay, đã tích hợp 1.156 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (354 dịch vụ công trực tuyến một phần, 802 dịch vụ công trực tuyến toàn trình). Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến của tỉnh đạt 79,96% (258.642/323.471 hồ sơ).

Tỉ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 8%, cho thấy sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh trực tuyến. 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử và tỉ lệ kê khai thuế điện tử đạt 99%.

NĐT: Trong quá trình xây dựng chính quyền số, việc gắn kết với kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Đồng Nai diễn ra như thế nào? Tỉnh đã có những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy sự liên kết này, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hoàng: Việc gắn kết chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Đồng Nai là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản phê duyệt danh mục 29 dự án đầu tư công lĩnh vực chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, có 2 dự án (Xây dựng Trung tâm điều hành tác chiến của Công an tỉnh và Dự án nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Nai hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028) có quy mô lớn với số vốn lên đến 915 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai kỳ vọng khi hoàn thành 2 dự án này, sẽ góp phần lớn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh và đạt được một số kết quả tích cực; các nền tảng, ứng dụng dùng chung để phục vụ công tác quản lý, điều hành được triển khai cơ bản đầy đủ.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã đầu tư xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh (Phần mềm Một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công tỉnh) kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ TTHC qua mạng; cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực đã được xây dựng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng Chính quyền số tỉnh Đồng Nai.

Công nghệ số được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ; xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và mạng internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, tạo nguồn thu cho địa phương. Số lượng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngày một tăng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Việc đưa vào quy hoạch khu công nghệ thông tin tập trung tại khu vực Sân bay quốc tế Long Thành với quy mô khoảng 100ha; khu công nghệ thông tin tập trung sẽ thu hút các lĩnh vực ưu tiên về công nghệ thông tin, chip, vi mạch bán dẫn, AI, Big data …

Xã hội số từng bước phát triển, hạ tầng và dịch vụ viễn thông ngày càng phát triển, tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh tăng nhanh. Tỉnh tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và tạo môi trường giúp người dân, doanh nghiệp tham gia khai thác, sử dụng các nền tảng công dân số gồm: VneID, Đồng Nai Smart, Hóa đơn điện tử, Biên lai điện tử, Trợ lý ảo…

NĐT: Là một tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp nước ngoài, bà đánh giá như thế nào về đóng góp của khối doanh nghiệp này với tiến trình chuyển đổi số của Đồng Nai?

Bà Nguyễn Thị Hoàng: Tính đến nay, tại 33 khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai đã thu hút được 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với 1.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 30,4 tỷ USD.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 70% trong tổng số doanh nghiệp trong các KCN Đồng Nai. Những đóng góp của khối doanh nghiệp này đối với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh Đồng Nai là rất quan trọng. Các doanh nghiệp FDI mang theo công nghệ tiên tiến và các giải pháp số hiện đại, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ của tỉnh Đồng Nai.

Việc đầu tư vào hệ thống mạng, phần mềm quản lý và các thiết bị công nghệ cao giúp nâng cao khả năng vận hành và quản lý của các doanh nghiệp cũng như của tỉnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động quản lý, sản xuất nhằm cải tiến quy trình làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nhanh chóng áp dụng công nghệ số để cạnh tranh. Những mô hình này có thể giúp các doanh nghiệp trong tỉnh học hỏi và áp dụng các giải pháp số vào hoạt động kinh doanh của mình.

Các doanh nghiệp FDI chú trọng việc đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ. Điều này, không chỉ nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động địa phương, mà còn thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và quản lý số trên địa bàn.

Các doanh nghiệp FDI áp dụng cải cách quản lý và chính sách trong doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy chính quyền tỉnh Đồng Nai phải điều chỉnh các chính sách và quy định, nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của chuyển đổi số. Điều này, bao gồm việc cải cách quy trình hành chính, giảm thiểu thủ tục giấy tờ và khuyến khích áp dụng công nghệ trong quản lý.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI tạo ra cơ hội cho tỉnh Đồng Nai trong việc hợp tác quốc tế về công nghệ số. Những hợp tác này có thể bao gồm việc tham gia vào các dự án công nghệ toàn cầu, giao lưu công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế.

NĐT: Xin bà chia sẻ về những chính sách nổi bật của tỉnh Đồng Nai trong thu hút vốn đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài vào địa phương?

Bà Nguyễn Thị Hoàng: Tỉnh Đồng Nai luôn xác định các dự án đầu tư nước ngoài, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Đồng Nai.

Tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất về mặt trình thủ tục tục đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như thường xuyên gặp mặt, trao đổi thông qua các Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp hàng năm, các buổi làm việc trực tiếp giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài. Mục đích gặp gỡ này là để nắm bắt được những khó khăn vướng mắc và tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên thông.

NĐT: Tỉnh Đồng Nai có đang gặp những khó khăn, thách thức nào trong quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số? Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp nào để hoạt động chuyển đổi số tại tỉnh diễn ra đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực hơn?

Bà Nguyễn Thị Hoàng: Nhận thức về chuyển đổi số của một bộ phận người dân và doanh nghiệp, kể cả cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Nguồn nhân lực về chuyển đổi số còn thiếu và yếu. Việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin và các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số còn hạn chế.

Tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục nỗ lực để khắc phục những khó khăn này. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu xây dựng một “Đồng Nai số” hiện đại và phát triển bền vững.

NĐT: Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Thực hiện: Nguyễn Lành

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |