img nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Tiến sĩ Fatima Waziri-Azi, Tổng giám đốc Cơ quan quốc gia về cấm buôn bán người của Nigeria (NAPTIP). Ảnh Twitter

“Một đứa trẻ bị bắt cóc là cơn ác mộng tồi tệ nhất của mỗi bậc cha mẹ”, Tiến sĩ Fatima Waziri-Azi, Tổng giám đốc Cơ quan quốc gia về cấm buôn bán người của Nigeria (NAPTIP), nhận định.

Trẻ em bị buôn bán để phục vụ nhiều mục đích: Làm giúp việc gia đình, bóc lột tình dục, hành nghề mại dâm, sử dụng làm lính, cưỡng bức đi ăn xin, mổ cướp nội tạng và thậm chí cưỡng bức mang thai hộ trong các “trang trại trẻ em” (baby farm).

Đằng sau câu chuyện của mỗi nạn nhân đều là những sự thật đắng chát, và hậu quả để lại cho họ còn có những vết thương tâm lý không bao giờ lành.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Timipriye làm giúp việc trong gia đình chú thím mình đã 4 năm nay. Theo lời kể của cô gái, hồi đó người thím đã hứa đưa cô đến Lagos để chăm sóc và cho học đại học.

“Với rất nhiều lời hứa hấp dẫn, tôi đã rất rất rất hào hứng”, Timipriye bẽn lẽn kể lại câu chuyện của mình lần đầu tiên với Đài DW (Đức). “Tôi ngay lập tức nói rằng tôi muốn đi cùng họ”.

Hồi đó, Timipriye 16 tuổi và sống ở miền Nam Nigeria, trong một ngôi làng nông thôn cách trung tâm thương mại sầm uất Lagos khoảng 350 km.

Cuộc sống của cô gái ở quê nhà thật nhọc nhằn. Cha mẹ cô đã phải vật lộn để nuôi sống Timipriye và 10 anh chị em của cô. Do đó, họ đã nhanh chóng đồng ý cho cô đi cùng chú thím.

Những gì xảy ra sau đó với Timipriye hoàn toàn không giống với những gì đã được hứa. Thay vì đến trường, cô phải thức dậy từ lúc 3h sáng, với mỗi ngày trôi qua trong “núi” công việc nhà và chăm sóc cho 3 đứa con sinh ba của chú thím.

Một lần khi cô không kịp xuống xe, bà thím đã dập mạnh cửa xe vào bàn tay cô. Dù ngón tay bị thương, tối hôm đó cô vẫn phải giặt quần áo của 3 đứa trẻ bằng tay.

img

Ở Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, trẻ em là nhóm nạn nhân lớn nhất của bọn buôn người. Ảnh: Business Day Nigeria

Không dừng ở đó, cuộc sống của Timipriye ở Lagos còn là chuỗi ngày bị lạm dụng tình dục bởi chính người chú của mình. Ông ta xông vào cô khi cô đang tắm và vào phòng của cô lúc đêm khuya.

“Tôi đã cố gắng chống lại bằng cách khóa trái cửa trước khi đi ngủ. Nhưng sau đó ông ấy bắt đầu đối xử tệ với tôi và còn cảnh báo tôi không được khóa trái cửa khi đang ngủ nữa”, Timipriye nói.

“Mỗi đêm trước khi ngủ, tôi đều khóc và nước mắt làm ướt hết gối”, cô nói và buồn bã cho biết thêm rằng cô thậm chí không thể gọi cho cha mẹ mình để nói với họ những gì đang xảy ra vì cô không có điện thoại cũng chẳng có tiền để gọi điện thoại công cộng.

Trường hợp của Timipriye không phải là cá biệt. Tội ác buôn bán người xảy ra khi trẻ em và thanh thiếu niên bị thuyết phục, bị lừa hoặc bị bắt cóc khỏi nhà của các em, sau đó bị đưa đến một nơi nào đó, có thể là ngay trong đất nước hoặc là bên kia biên giới, và bị lợi dụng để làm lợi cho người khác.

Theo thống kê của NAPTIP từ 2019-2022, 39% số vụ buôn người ở Nigeria được thực hiện xuyên biên giới, trong khi số vụ buôn người ở ngay bên trong đất nước chiếm 61%.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Các nhà hoạt động nhân quyền diễu hành để phản đối buôn bán, lạm dụng trẻ em, Lagos, Nigeria, năm 2017. Ảnh: Jakarta Post

Theo ông Daniel Atokolo, chuyên gia tại NAPTIP, dù nạn nhân bị đưa từ cộng đồng này sang cộng đồng khác trong cùng một đất nước, hay từ nước này sang nước khác, từ lục địa này sang lục địa khác, thì “mẫu số chung” của nạn buôn người là “bóc lột”.

Là quốc gia đông dân nhất “lục địa đen”, Nigeria được coi là một trong những quốc gia ghi nhận số lượng các vụ buôn người cao nhất và được coi là điểm trung chuyển và điểm đến của nạn buôn người do các yếu tố bao gồm nghèo đói, sự trượt giá ồ ạt của đồng Naira (tiền Nigeria), nạn mù chữ, tỉ lệ thất nghiệp cao, mất cân bằng giới tính, bất ổn dân sự và chính trị...

Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm “đồng cỏ xanh hơn” (những nơi có điều kiện sống tốt hơn) và tín ngưỡng văn hóa cũng nằm trong số những yếu tố gây ra tỉ lệ di cư cao, khiến người dân ở Nigeria dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Bọn tội phạm buôn người thường tiếp cận “những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất” và những người “mù chữ và tâm lý yếu”, theo một nghiên cứu của Pathfinders Justice Initiative, một tổ chức làm việc với những nạn nhân bị buôn bán ở Nigeria.

Ở quốc gia Tây Phi này, trẻ em là nhóm nạn nhân lớn nhất của bọn buôn người. Các em bị buôn bán vì nhiều lý do, từ phục vụ trong gia đình như Timipriye đến bóc lột tình dục, bị sử dụng làm lính, cưỡng bức ăn xin, mổ cướp nội tạng và thậm chí cưỡng bức mang thai hộ trong các “trang trại trẻ em (baby farm), nơi các em được tẩm bổ và sinh con.

img

Giáo dục giới tính cho trẻ em gái độ tuổi dậy thì là cần thiết để các em hiểu về chính bản thân mình và tránh bị lạm dụng. Ảnh: The Guardian Nigeria

Trong số những nạn nhân bị buôn bán ở Nigeria, tỉ lệ cao nhất là trẻ em gái từ 12 đến 17 tuổi.

Các em đến từ các cộng đồng nông thôn như Shaki ở bang Oyo, nhiều vùng thuộc các bang Akwa-Ibom, Cross River, Benue và Kwara… thường bị bọn buôn người nhắm mục tiêu và đưa đến các thành phố lớn như Lagos, Abeokuta, Ibadan, Kano, Calabar và Port-Harcourt.

Để đưa các em đi, bọn buôn người thường thuyết phục cha mẹ hoặc người giám hộ tự nguyện giao các em cho chúng với những lời mật ngọt. Đôi khi, các em vì bị bạn bè tác động, vì tò mò với cuộc sống thành phố và/hoặc không có phương án nào khác thay thế, đã “tự chui đầu vào rọ”, tự tìm đến những kẻ buôn người. Đôi khi, các em cũng bị bọn buôn người hoặc đồng bọn của chúng bắt cóc.

Thay vì được đến trường như các bạn đồng trang lứa hoặc được học nghề như hứa hẹn, các em phải lao động trong điều kiện bị bóc lột và nô lệ, đối mặt với các hình thức lạm dụng tình dục, và không nhận được bất kỳ khoản thu nhập nào.

Mặc dù các tổ chức quốc tế phần lớn đồng ý rằng Nigeria đã cải thiện nỗ lực giải quyết nạn buôn người, phạm vi của vấn đề vẫn còn rất lớn, DW cho biết.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Trong báo cáo kết quả hoạt động của mình, NAPTIP của Nigeria cho biết đã nhận được 5.275 cuộc gọi báo cáo các trường hợp liên quan đến buôn bán người trên toàn quốc trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2022, tờ Punch (Nigeria) đưa tin hôm 24/9.

Nhưng NAPTIP tin rằng mặc dù hàng nghìn vụ buôn người xảy ra trên toàn quốc, nhưng các vụ việc hầu như không được báo cáo do các kênh tiếp nhận báo cáo không có biện pháp bảo vệ nạn nhân khỏi sự trả thù của bọn tội phạm buôn người.

Ở Nigeria, loại tội phạm này hiếm khi bị truy tố và kết án. Báo cáo về tình hình buôn bán người ở Nigeria năm 2021 do chính phủ Mỹ biên soạn chỉ ra rằng, ở quốc gia Tây Phi này chỉ có 36 bản án về buôn người.

NAPTIP giải thích rằng không phải họ không muốn thúc đẩy nhiều bản án về buôn người hơn, nguyên nhân phần lớn là do rất khó để thuyết phục nạn nhân đứng ra làm chứng và cung cấp lời khai khi họ quá sợ hãi phải làm điều đó, hoặc phức tạp hơn là khi các thành viên trong gia đình họ có dính líu vào vụ việc.

Ngoài ra, còn xảy ra “Hội chứng Stockholm”, đó là khi nạn nhân tin rằng kẻ buôn người đã làm điều tốt cho họ.

Điều này đồng nghĩa rất nhiều kẻ thủ ác không bị trừng phạt, và một số ít nạn nhân trốn thoát được thường vẫn phải sống trong nỗi sợ hãi về bạo lực, hoặc lo sợ gia đình của họ bị tổn hại một khi họ bị bọn buôn người bắt lại.

img

Nạn nhân của nạn buôn bán người ở Nigeria phần lớn đến từ các vùng nông thôn nghèo khó của đất nước. Ảnh: Relief Web

Đây là trường hợp của Ivie. Theo chia sẻ của cô với Đài DW, cô bị bọn buôn người đưa sang Italy và bị buộc phải bán dâm khi mới 15 tuổi. Trước đó, một người bạn đáng tin cậy của gia đình đã hứa sẽ đưa cô đến châu Âu, tìm cho cô một công việc trông trẻ và cho đi học. Nhưng sự thực là Ivie đã bị nhốt và bỏ đói cho đến khi cô đồng ý hợp tác.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính rằng, 80% phụ nữ trẻ Nigeria đến Italy có khả năng bị ép buộc làm gái mại dâm.

Nhờ một vị khách hàng tốt bụng, người cho rằng cô còn quá trẻ để hành nghề, Ivie đã trốn thoát và được kết nối với các nữ tu để trở về quê hương.

Nhưng trở về nhà, cơn ác mộng của Ivie vẫn chưa kết thúc. Cô sống trong nỗi sợ hãi thường trực khi đường dây buôn người đó liên tục săn lùng cô và cha mẹ cô, tuyên bố rằng Ivie nợ họ một số tiền lớn - tính bằng USD - mà họ đã chi cho chuyến đi đến Italy của cô.

Do đó, Ivie không thể sống với gia đình mình. Cô phải liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác để tránh bị bọn buôn người lần ra.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Ảnh tư liệu về nạn nhân của nạn buôn bán người ở Nigeria. Nguồn Trung tâm Báo cáo Điều tra Quốc tế (ICIR) - một tổ chức tin tức điều tra độc lập, phi lợi nhuận

Không có con số rõ ràng về tổng số nạn nhân bị buôn bán ra bên ngoài Nigeria. Tuy nhiên, theo Pathfinders Justice Initiative, Nigeria thường xuyên được liệt vào danh sách một trong những quốc gia có số nạn nhân buôn người lớn nhất ở nước ngoài (đặc biệt là tới châu Âu), với các nạn nhân được xác định ở 34 quốc gia ở 4 khu vực trong năm 2018.

Thống kê chỉ ra rằng trong số tất cả các quốc gia châu Phi, Nigeria là nguồn cung cấp phụ nữ bị buôn bán ép buộc hành nghề mại dâm lớn nhất đến châu Âu và Trung Đông, theo Mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự hoạt động chống buôn người, lạm dụng và lao động trẻ em (NACTAL).

NACTAL nói với trang Tribune Online (Nigeria) hồi đầu tháng 8: “Ở Nigeria, những tội ác như thế này đang gia tăng do nhiều người Nigeria cố tình hoặc do thiếu hiểu biết mà tham gia vào một trong những tội ác này. Một số người Nigeria tuyệt vọng rời khỏi đất nước qua các đường biên giới đất liền, đi qua Niger và Libya để đến châu Âu hoặc nơi nào đó nhằm tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn”.

Giống như nạn nhân của bọn buôn người trong nước, trẻ em cũng chiếm phần lớn trong số các nạn nhân của tội phạm buôn người ra ngoài. Các em gái trong độ tuổi từ 12-18 thường bị nhắm mục tiêu, và một vài trong số họ có thể được can thiệp y tế để trông già dặn hơn và đáp ứng các tiêu chuẩn “trẻ, mảnh mai và hấp dẫn”.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Lực lượng đặc nhiệm chống buôn người của bang Edo (ETAHT) phối hợp với NAPTIP tổ chức kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống buôn bán người, ngày 30.7.2022. Ảnh: Edo State

Trẻ em Nigeria chủ yếu được tuyển mộ từ các bang ở Đông Nam đất nước như Akwa Ibom, Cross Rivers và bị buôn bán chủ yếu bằng đường biển đến Gabon, Cameroon và Guinea để làm việc tại các đồn điền hay trang trại.

Các em cũng được tuyển mộ từ vùng nông thôn Shaki ở bang Oyo và bị buôn bán đến Guinea, Mali và Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) để bán hàng rong và giúp việc gia đình.

Phương thức vận chuyển thường bằng đường biển hầu hết trong điều kiện tồi tệ “chỉ có thể so sánh với việc buôn bán nô lệ xuyên Sahara vào thế kỷ 18”, theo Women’s Consortium of Nigeria (WOCON), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Lagos, Nigeria.

Xu hướng buôn bán người Nigeria sang các nước châu Âu, đặc biệt là Italy, Bỉ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và gần đây là Anh, để hành nghề mại dâm và bóc lột tình dục, bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980, nhưng đã đạt mức báo động vào giữa và cuối những năm 1990 cho đến nay, WOCON cho biết.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Tiến sĩ Fatima Waziri-Azi, Tổng giám đốc NAPTIP tiếp đón sinh viên Khoa Luật, Đại học Usmanu Dan Fodio, bang Sokoto, đến thăm trụ sở NAPTIP, ngày 15.8.2022. Ảnh: Twitter

Mồi của bọn buôn người thường là những lời hứa hão huyền về cơ hội “đổi đời” với việc làm tốt ở nước ngoài để kiếm ngoại hối, cơ hội được đào tạo nghề hoặc cơ hội kết hôn.

Nhiều bậc cha mẹ và người giám hộ của các em thậm chí còn bán tài sản để kiếm 200-400 USD (90.000-180.000 Naira Nigeria) đưa cho bọn buôn người làm lộ phí đưa các em ra nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều trẻ em trở thành con mồi của bọn buôn người thông qua sự chủ động cấu kết của chính các thành viên trong gia đình, bán các em cho các đường dây tội phạm này.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Trước thực trạng nhức nhối của nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria, hồi cuối tháng 7, NAPTIP đã phát động một chiến dịch đi bộ nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về vấn đề này.

Đây là một hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống buôn bán người (30/7), thu hút sự tham gia của các quan chức NAPTIP, các bên liên quan như Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Lực lượng Cảnh sát Nigeria, Sáng kiến Xã hội Marypearl cho Thanh niên và Giải pháp Gia đình, Mạng lưới Bảo vệ Trẻ em, Mạng lưới Trao quyền Bakhita St Louis, Quỹ Mum2Mum, FIDA...

Dọc theo tuyến đường được chọn cho chiến dịch đi bộ, từ văn phòng của NAPTIP ở thành phố Lagos đến khu vực cầu vượt Ikeja ở trung tâm đô thị sầm uất này, có thể nhìn thấy các biểu ngữ và tờ rơi với nội dung như: “Hãy giữ mắt mình sáng để thấy mọi thứ đều là sự thật”; “Hãy cứu nạn nhân của nạn buôn người”; “Nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết đang bị ép buộc làm gì đó và không thể thoát ra, hãy gọi cho trung tâm pháp lý để được giải cứu”.

Tại sự kiện, các diễn giả đã có các bài phát biểu bằng tiếng Anh, tiếng Yoruba, tiếng Igbo, tiếng Pidgin và tiếng Hausa nhằm nâng cao nhận thức công chúng về sự nguy hiểm của nạn buôn người.

img

Đại sứ Mary Beth Leonard phát biểu chào mừng Ngày Thế giới phòng, chống buôn bán người (30.7.2022). Ảnh của Đại sứ quán - Lãnh sự quán Mỹ tại Nigeria (ảnh trái); Các thành viên thuộc Mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự hoạt động chống buôn người, lạm dụng và lao động trẻ em (NACTAL) khu vực Lagos. Ảnh HDI Nigeria (ảnh phải)

“Các bậc cha mẹ cần nhận ra rằng buôn bán người là hoạt động kinh doanh xấu. Nhiều bậc cha mẹ trong số này tỏ ra thiếu hiểu biết, do đó gây nguy hiểm cho con cái của họ. Họ (cha mẹ) bán tài sản của họ ở quê nhà để gửi những đứa trẻ này ra nước ngoài thông qua các kênh bất thường, và họ tin rằng như vậy là ổn”, bà Comfort Agboko, người đứng đầu văn phòng đại diện của NAPTIP ở bang Lagos, cho biết.

“Điều đó là hết sức không ổn vì nhiều em nhỏ trong số này đã trở thành con mồi cho những kẻ buôn người ở nơi chúng bị đưa đến. Nếu các vị muốn gửi con mình ra nước ngoài, hãy làm điều đó thông qua các kênh phù hợp. Điều mà các bậc cha mẹ mong muốn là chăm lo cho con cái và giáo dục chúng”, bà nói.

Đầu tháng 9, Cảnh sát bang Rivers ở miền Nam Nigeria đã giải cứu 15 trẻ em bị bắt cóc để đem bán. Những đứa trẻ, từ 4 tuổi đến 15 tuổi, được phát hiện ở cùng với một phụ nữ 44 tuổi, tự xưng là một nữ tu ở bang miền Nam thuộc vùng Delta của Nigeria.

Cảnh sát đã bắt giữ người phụ nữ, tên Maureen Wechinwu, và cho biết họ đang làm việc để đưa các em về với cha mẹ mình.

Những em lớn trong số này đã thuật lại cho cảnh sát nghe cách các em bị bắt cóc và giao cho Maureen như thế nào. Người này đã bị cáo buộc tội buôn bán trẻ em cả trong và ngoài bang.

Để tăng cơ hội tìm thấy trẻ em bị mất tích nghi do bị bắt cóc, hồi cuối tháng 9, NAPTIP đã phối hợp với gã khổng lồ công nghệ Meta khởi động chương trình Amber Alert (báo động màu cam hổ phách).

Theo đó, Nigeria trở thành quốc gia thứ hai ở châu Phi và quốc gia thứ 29 trên thế giới tham gia chương trình Amber Alert của Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Thành viên của KAHTHR, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Lagos, xuống đường tuần hành nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về sự nguy hiểm của nạn buôn bán người. Ảnh: NewsMakers

Mục tiêu của các Amber Alert là để bổ sung thêm hàng triệu tai mắt để quan sát, nghe ngóng và giúp đỡ trong việc đưa trẻ trở về an toàn và bắt giữ được kẻ bắt cóc.

Khi một Amber Alert được cơ quan thực thi pháp luật kích hoạt, cảnh báo sẽ xuất hiện trên trang chủ Facebook và Instagram của người dùng trong khu vực tìm kiếm được chỉ định, cho phép họ chia sẻ thông tin ngay lập tức với bạn bè hoặc liên hệ với chính quyền nếu họ có manh mối.

Amber Alert cũng được thiết kế để bao gồm các thông tin quan trọng về đứa trẻ bị mất tích như ảnh mô tả nhận dạng, địa điểm xảy ra vụ bắt cóc, và các thông tin có liên quan và sẵn có khác để hỗ trợ xác định ngay lập tức đứa trẻ bị mất tích.

Phát biểu tại lễ ra mắt chính thức của chương trình Amber Alert ở thủ đô Abuja, bà Emily Vacher, Giám đốc Trust & Safety (Niềm tin & Sự an toàn) của Meta, cho biết điều giá trị nhất mà người ta có thể làm khi có một trẻ em bị mất tích là chia sẻ thông tin càng nhanh càng tốt.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Các thành viên thuộc Cơ quan An toàn Vùng lân cận Bang Lagos (LSSTF), tự nguyện tham gia phòng chống tội phạm nói chung và nạn buôn bán người nói riêng. Ảnh trên Facebook của LSSTF

“Bằng cách hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật trong việc giúp chia sẻ thông tin phù hợp với đúng người, chúng tôi hy vọng rằng những đứa trẻ bị mất tích sẽ được đoàn tụ với gia đình một cách nhanh chóng và an toàn hơn”, bà nói.

Theo Meta, tiêu chí để NAPTIP kích hoạt một Amber Alert để tìm kiếm trẻ em bao gồm: Đứa trẻ nghi bị bắt cóc có độ tuổi dưới 17, nạn nhân được cho rằng có nguy cơ bị bóc lột hoặc tổn hại nghiêm trọng về thể chất, và có đủ thông tin mô tả về nạn nhân và kẻ bắt cóc.

Tại sự kiện khởi động chương trình Amber Alert, Tiến sĩ Fatima Waziri-Azi, Tổng giám đốc NAPTIP, bày tỏ lo ngại rằng Nigeria đang chứng kiến các vụ bắt cóc gia tăng, đặc biệt là ở miền Bắc.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Meta (công ty mẹ của Facebook) phối hợp với NAPTIP của Nigeria khởi động chương trình Amber Alert để giúp tìm kiếm trẻ em mất tích trên khắp đất nước, ngày 28.9.2022. Ảnh: Business Day

“Một đứa trẻ bị bắt cóc là cơn ác mộng tồi tệ nhất của mỗi bậc cha mẹ. Tất cả chúng ta đều biết rằng, phản ứng nhanh chóng và tập thể trong trường hợp này là chìa khóa để tìm kiếm trẻ em bị mất tích”, bà nói, đồng thời nhấn mạnh rằng công nghệ này sẽ giúp ích cho các nỗ lực điều tra và giải cứu trẻ em của NAPTIP.

Dù là bị bắt cóc hay bị dụ dỗ, một khi trẻ em bị buôn bán và bị đưa ra khỏi vòng tay cha mẹ, hậu quả để lại cho các em còn có những vết thương tâm lý không bao giờ lành.

Trở lại với trường hợp của Ivie. Cô gái đã tìm được điểm tựa cho cuộc đời mình khi một số “Mạnh Thường Quân” giúp cô học nghề và cố gắng tìm cho cô một nơi cô có thể ở lại lâu dài.

nạn buôn bán trẻ em ở Nigeria

Nigeria thuộc Tây Phi, là nước đông dân nhất lục địa đen với dân số đông thứ 7 trên thế giới. Ảnh: Premium Times Nigeria

Nhưng Ivie vẫn bị sang chấn tâm lý vì những gì đã xảy ra. Ông Babatunde Fadipe, một bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đại học Sư phạm Y Lagos, cho biết những người từng là nạn nhân của nạn buôn người có thể gặp nhiều vấn đề tâm lý, từ tức giận đến lo lắng và trầm cảm.

Về phần Timipriye, cô cảm thấy sợ hãi nếu phải rời bỏ gia đình chú mình vì ông ta là một luật sư và có quyền lực.

Cô đã bí mật gặp phóng viên của Đài DW tại nhà hàng xóm trong khi chú thím đi vắng. Lấy hết can đảm, cô chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bị buôn bán.

Cô cũng có lời nhắn nhủ dành cho các bậc cha mẹ: “Đừng bao giờ giao con mình cho bất kỳ ai chăm sóc thay bạn”.

img

Amber Alert (báo động màu cam hổ phách) giúp bổ sung thêm hàng triệu tai mắt để quan sát, nghe ngóng và giúp đỡ trong việc đưa một đứa trẻ trở về an toàn và bắt giữ được kẻ bắt cóc. Ảnh: BBC

NGUOIDUATIN.VN |