img

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh mở ra dư địa mới cho phát triển du lịch liên tỉnh, liên vùng. Đây là tiền đề quan trọng để định hình chiến lược du lịch bền vững, đa trải nghiệm.

[E] Tạo động lực mới cho phát triển du lịch Lâm Đồng sau sáp nhập- Ảnh 1.

Đảng, Nhà nước đang tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhằm giải phóng sức sản xuất, tạo động lực, nguồn lực phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đây không chỉ là bước đột phá trong cải cách thể chế nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, mà còn mở ra cơ hội vàng để định hình lại bản đồ du lịch quốc gia theo hướng liên kết chặt chẽ, phát triển bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh giữa các địa phương.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh.

Trong đề án, nhập tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng.

Sau sáp nhập, đơn vị hành chính mới này trở thành tỉnh có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn nhất cả nước, đồng thời sở hữu một tổ hợp tài nguyên du lịch đa dạng bậc nhất, từ cao nguyên, rừng thông, khí hậu mát mẻ quanh năm cho đến đường bờ biển dài, nhiều thắng cảnh, di tích và đặc sản địa phương đặc sắc.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định: “Lâm Đồng là nơi hội tụ giữa thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đa sắc và khát vọng phát triển bền vững. 

Với Đà Lạt là trung tâm, chúng tôi không chỉ hướng đến trở thành thủ phủ du lịch của Tây Nguyên, mà còn vươn lên đóng vai trò là cực tăng trưởng xanh, sáng tạo và thân thiện của toàn miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”.

[E] Tạo động lực mới cho phát triển du lịch Lâm Đồng sau sáp nhập- Ảnh 2.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Tư duy phát triển của địa phương cũng đang có sự chuyển biến rõ nét sau sáp nhập. Không còn là chiến lược phát triển đơn lẻ, Lâm Đồng mới xác định rõ vị trí của mình trong chiến lược liên kết vùng, hợp tác quốc tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Lợi thế lớn nhất chính là hệ sinh thái du lịch đa dạng: Từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch biển, du lịch canh nông đến du lịch văn hóa – tâm linh. Mục tiêu đặt ra là hình thành chuỗi giá trị du lịch liên hoàn, kết nối không gian rừng – núi – biển, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Lần đầu tiên, vùng đất mới mang tên Lâm Đồng có cơ hội phát triển đồng bộ ba trụ cột: Văn hóa – Du lịch – Thương mại, trên nền tảng tư duy vùng thay vì ranh giới hành chính khép kín như trước đây. Liên kết giữa cao nguyên – duyên hải không chỉ là gần về mặt địa lý, mà còn bổ sung cho nhau về lợi thế chiến lược.

Lâm Đồng với khí hậu ôn đới, văn hóa bản địa đặc sắc và đô thị du lịch chất lượng cao như Đà Lạt cùng nền nông nghiệp công nghệ cao.

Đắk Nông với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, công viên địa chất toàn cầu UNESCO và tiềm năng du lịch khám phá giáo dục sinh thái.

Bình Thuận là cửa ngõ ra biển Đông, có bờ biển dài nắng ấm quanh năm, mạnh về năng lượng tái tạo, logistics và du lịch nghỉ dưỡng biển.

[E] Tạo động lực mới cho phát triển du lịch Lâm Đồng sau sáp nhập- Ảnh 3.

Sau sáp nhập, Lâm Đồng trở thành tỉnh có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn nhất cả nước, đồng thời sở tài nguyên du lịch đa dạng từ cao nguyên, rừng thông, cho đến đường bờ biển dài.

Ba địa phương ba thế mạnh giờ đây hội tụ thành một "tam giác phát triển" dựa trên trục xanh – sáng tạo – hội nhập.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Y Thanh Hà Niê Kđăm, tỉnh mới Lâm Đồng đang đặt nền móng cho bốn định hướng đột phá chiến lược: Liên kết không gian văn hóa bản địa xuyên vùng; Xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh – thông minh – đa trải nghiệm; Phát triển thương mại thông minh – kết nối chuỗi giá trị liên tỉnh: Cải cách thể chế và đầu tư hạ tầng liên vùng.

Việc tái cấu trúc hành chính không chỉ mang tính kỹ thuật hay tổ chức bộ máy, mà còn đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc lại tư duy phát triển lấy liên kết vùng làm nền tảng, lấy người dân và di sản bản địa làm trung tâm.

Nếu làm tốt, Lâm Đồng sẽ không chỉ là “trái tim của Tây Nguyên”, mà còn là biểu tượng cho một mô hình phát triển bền vững, hài hòa giữa thiên nhiên – văn hóa – con người trong thời đại mới.

[E] Tạo động lực mới cho phát triển du lịch Lâm Đồng sau sáp nhập- Ảnh 4.

Khi đề án sáp nhập các tỉnh chính thức được triển khai, có không ít băn khoăn liệu những thương hiệu điểm đến vốn đã in đậm trong tâm trí du khách như Sa Pa, Đà Lạt, Phan Thiết hay Hạ Long có bị phai nhạt khi các tỉnh sáp nhập vào với nhau?

Thay vì lo ngại, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc sáp nhập lần này là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam "thay máu" tư duy, từ quản lý phân tán sang phát triển tích hợp, từ khai thác đơn lẻ sang kiến tạo chuỗi giá trị liên vùng.

“Tên địa phương thay đổi không có nghĩa là mất đi điểm đến. Với du lịch, điều quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm và giá trị mà vùng đất ấy mang lại”, ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định.

Theo ông Trí, trong thời đại số, cách định vị điểm đến đã thay đổi. Tên tỉnh chỉ còn là một lớp vỏ hành chính. Điều cốt lõi là làm sao để du khách vẫn có lý do quay lại, vẫn tìm thấy cảm xúc khi nghe tên một địa danh dù nó nằm trong một đơn vị hành chính mới.

[E] Tạo động lực mới cho phát triển du lịch Lâm Đồng sau sáp nhập- Ảnh 5.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc sáp nhập lần này là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam “thay máu” tư duy, từ quản lý phân tán sang phát triển tích hợp, từ khai thác đơn lẻ sang kiến tạo chuỗi giá trị liên vùng.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, nhìn nhận việc tái cấu trúc không nên bị bó hẹp trong câu chuyện tên gọi, mà cần được nhìn như một “bản quy hoạch mềm” cho ngành du lịch.

“Sáp nhập là cơ hội lớn để các địa phương mở rộng quỹ đất, tài nguyên, nhân lực và hệ sinh thái văn hóa. Đó là những yếu tố cốt lõi để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt và mang tính cạnh tranh”, ông Hùng nói.

Điều mà ông Hùng đặc biệt nhấn mạnh là “độ thông suốt” trong quản lý giữa các vùng sau sáp nhập, một điểm nghẽn lớn từ trước đến nay. Nhiều ý tưởng tour liên tỉnh bị kẹt lại giữa ranh giới hành chính, khiến du khách bỏ lỡ những hành trình trọn vẹn chỉ vì… thủ tục hoặc cơ chế.

Nay, với cơ chế hành chính thống nhất, những tour xuyên rừng – vượt biển – lên núi hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm chủ lực, chứ không chỉ là “thử nghiệm du lịch”.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, các địa phương cần tận dụng ngay thời điểm này để xây dựng lại chiến lược truyền thông và sản phẩm. Đây không chỉ là điều nên làm mà là điều bắt buộc phải làm nếu không muốn tụt lại phía sau.

[E] Tạo động lực mới cho phát triển du lịch Lâm Đồng sau sáp nhập- Ảnh 6.

Ông Đạt cho rằng, khi không còn giới hạn bởi tên tỉnh cũ, các điểm đến có thể tự do kết nối, ví dụ kết hợp du lịch biển Bình Thuận với trải nghiệm rừng thông và nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, hay hành trình từ văn hóa cồng chiêng Đắk Nông đến nghỉ dưỡng cao nguyên Đà Lạt rồi ra biển Mũi Né, tất cả trong một hành trình thống nhất, không đứt gãy bởi cơ chế hay hạ tầng.

Còn ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc WonderTour cho rằng chính sự sáp nhập sẽ khiến ngành du lịch Việt thoát khỏi cái bóng manh mún, nhỏ lẻ.

“Lâu nay, mỗi điểm đến phát triển như một ốc đảo tự lập kế hoạch, tự quảng bá, tự gồng mình cạnh tranh. Bây giờ, khi được “gom lại”, du lịch Việt có thể bước sang một giai đoạn phát triển theo cụm, theo vùng, theo chuỗi đó là điều mà các quốc gia thành công đã làm từ rất lâu”, ông Năng nói.

Ông cũng dẫn chứng cụ thể sự kết hợp giữa Tuyên Quang và Hà Giang có thể tạo nên cung đường lịch sử, sinh thái hấp dẫn, hay sự hợp nhất Lào Cai – Yên Bái sẽ mở ra trục du lịch Tây Bắc trọn gói, từ Fansipan đến Mù Cang Chải, thay vì phải phân kỳ tour như trước.

Tái cấu trúc hành chính không chỉ là việc sắp xếp lại bộ máy quản lý, mà là cơ hội định hình lại tư duy làm du lịch của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Du lịch không còn bị giới hạn trong ranh giới hành chính tỉnh, mà mở rộng theo vùng sinh thái, theo chuỗi trải nghiệm đa dạng và liền mạch.

Khi rào cản hành chính được tháo gỡ, sự phát triển sẽ mang tính hệ thống, đồng bộ và chiến lược hơn. Khi đó, Việt Nam không chỉ có những điểm đến đẹp mà sẽ sở hữu một bản đồ du lịch thống nhất, có chiều sâu và đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Thực hiện: KIM THOA 

Thiết kế: QUỲNH CHI

NGUOIDUATIN.VN | THỨ 5, 19/6/2025 | 7:30

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.