Không phải cái Tết đầu tiên được tận hưởng hương vị của tự do, sau những khoảnh khắc đón chào bình minh năm mới sau song sắt lạnh lẽo của buồng giam, nhưng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 chính là cái Tết viên mãn của “người tù oan chung thân” Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình.
Không khí Tết đang ùa về với khắp ngõ xóm thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, những phiên chợ xuân bắt đầu rục rịch, đường sá cũng được tu sửa để kịp đón năm mới.
Giữa thôn Me, một tiệm tạp hóa vốn thân quen với bà con hàng xóm, dịp này cũng tấp nập người mua sắm đồ Tết hơn hẳn. Đó là tiệm tạp hóa của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn, người đàn ông bỗng nhiên “nổi tiếng” sau vụ án oan 10 năm tù, được bồi thường 7,2 tỷ đồng. Ông Chấn bị bắt oan trong vụ án giết người tháng 8/2013, nạn nhân là một phụ nữ hàng xóm, tên Nguyễn Thị Hoan.
Sau khi được giải oan, trở về với gia đình, Tết đem lại cho ông một cảm xúc khác. Ông tâm sự: “Còn nhớ, năm đầu tiên được đón Tết tại nhà cùng người thân, tôi không thể nói hết sự vui mừng trong lòng mình, thầm cảm tạ “trời cao có mắt” và bố tôi đã phù hộ. Cũng nhờ bố tôi là liệt sĩ, tôi mới được mức án chung thân, chứ nếu tử hình thì đâu còn sống được mà kêu oan. Cái Tết năm ấy xúc động vô cùng, như muốn “vỡ òa” sau chuỗi ngày đón năm mới trong bốn bức tường giam”.
“Nhưng cũng phải nhắc đến, năm đó, sau khi tôi về, ngày nào cũng nườm nượp khách khứa và đại diện báo chí đến thăm. Ngày 30 Tết vẫn còn nhiều phóng viên, nhà báo ở lại dùng cơm tất niên cùng gia đình, đông vui, náo nhiệt nhất xóm”, ông khẽ bật cười.
Nhấp ngụm nước chè, ông Chấn khẽ nheo mắt đăm chiêu: “Mặc dù đoàn tụ với gia đình gần 6 năm qua, nhưng nỗi ám ảnh về 10 năm chịu cảnh tù oan về tội Giết người vẫn như còn luẩn quẩn trong suy nghĩ của tôi. Hôm được trả tự do, tôi còn mơ màng như người trong giấc mộng, hỏi cán bộ trại giam: Cán bộ thả tôi về, bao giờ lại bắt tôi”.
Trải qua những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng nhưng bằng nghị lực phi thường và kiên định với niềm tin công lý, cuối cùng gia đình ông cũng chiến thắng. Sau khi nhận khoản tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng, gia đình ông Chấn cũng có điều kiện sửa sang mái ấm, trả nợ, đầu tư cho cửa hàng tạp hóa tại nhà và chăm sóc các con. Tuy nhiên, “có những thứ mất đi không bao giờ lấy lại được, bồi thường biết bao nhiêu cho vừa. Nhà nước bồi thường bấy nhiêu cũng là tốt rồi”, ông Chấn đưa tay chế thêm nước nóng vào ấm chè.
Sau khi ông Chấn được giải oan, gia đình ông đã và đang dần ổn định cuộc sống, Tết mỗi năm thêm vui một chút. Ông cũng bày tỏ tâm nguyện, tiếp tục sống thật tốt, thật trách nhiệm với gia đình để bù đắp lại phần nào những mất mát mà gia đình ông từng gánh chịu.
Trước thời điểm ông bị bắt oan, gia đình ông còn nấu rượu, xát gạo, chăn nuôi lợn gà số lượng lớn nên kinh tế cũng khá ổn định. Sau ngày trở về, ông chưa làm lại những công việc ấy, nhưng cũng tự hào vì: “Từ ngày tôi về, Tết cũng ấm hơn, tôi cố gắng năm nào cũng phải nuôi lợn để thịt, đón năm mới cho đủ đầy”.
Sau khi chia sẻ về câu chuyện của mình, ông Chấn hy vọng các cơ quan chức năng sẽ công tâm khách quan để không có thêm bất kỳ người nào rơi vào tình cảnh oan trái như ông từng mắc phải.
Hiện tại, ông phụ gia đình kinh doanh tạp hóa, ở nhà trông nom cháu nội và chăm sóc vườn tược cũng như một thú vui tuổi già. Chiều chiều, hàng xóm lại sang làm “bạn chè thuốc”, ngồi tâm sự với ông Chấn, cuộc sống cũng có phần nhàn nhã.
Ông Chấn có ba cuốn sổ ghi chép lưu lại tâm sự, cảm nhận của những người khách ghé thăm gia đình từ sau khi trở về nhà. Có cả những nhà hảo tâm, có những người ngẫu duyên mà gặp, và có cả một số lượng lớn phóng viên báo chí, viết “lưu bút” cho ông, có cả những trang thơ xuân chúc Tết ngọt ngào.
Lật mở vài trang lưu bút, ông Chấn còn kể: “Chưa ai ra tù mà nổi tiếng như tôi. Từ Bắc Giang hay đến tận Hà Nội, rất nhiều người nhận ra Nguyễn Thanh Chấn đều bày tỏ lòng yêu quý. Tôi rất trân trọng những khối tình cảm ấy”.
Nhớ lại những cái Tết lạnh lẽo suốt 10 năm chịu án oan, ông Chấn chia sẻ: “Đón cái Tết đầu tiên trong nhà lao, tôi như tuyệt vọng hoàn toàn, nào là nhớ nhung gia đình, nào là lo lắng số phận, hoang mang lắm. Hàng năm, cứ đến ngày 24 tháng Chạp, vợ tôi cùng các con lại chuẩn bị bánh chưng, giò lợn khăn gói vượt hàng trăm cây số đến trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc - PV) thăm tôi. Và ngày đó có lẽ cũng được coi luôn là ngày Tết chính thức của gia đình trong suốt 10 năm”.
Ông Chấn chia sẻ, ông đều đặn viết thư về chúc Tết, động viên, an ủi gia đình suốt những năm đón xuân mới trong buồng giam.
Trong từng câu chữ gửi về cho gia đình, ông gửi gắm tâm tình của một người con chưa trọn chữ hiếu, người chồng, người cha chưa làm tròn trách nhiệm. Ông thương vợ nhiều năm kiên trì đi kêu oan, thương các con ngóng chờ bố, mỗi năm chỉ mong tới ngày 24 tháng Chạp để được gặp gia đình trong trại giam.
“Càng đến những khoảnh khắc giao thời, ngồi sau song sắt, tôi càng nhớ mẹ, nhớ vợ, thương các con da diết, nhiều đêm Giao thừa, cán bộ đi chúc Tết mà lòng không gượng vui nổi, nước mắt tự nhiên rơi”, ông Chấn nhớ lại khoảng ký ức buồn.
Cụ Phạm Thị Vì, mẹ ông Chấn lấy tay chấm nước mắt khi nhắc lại: “Tết đầu tiên mà Chấn về, tôi mừng đến rơi nước mắt, cả làng còn khóc vì mừng thay cho gia đình tôi. Con trai tôi là đứa hiền lành, lại hay giúp đỡ xóm giềng nên hầu như cả làng đều thương. Mấy năm con ở trong nhà giam, tôi đau xé lòng, con tôi đẻ ra tôi biết, không thể là hung thủ tàn nhẫn thế được. Cũng may mấy năm ấy, ngoài con dâu, tôi còn có cô con gái nuôi động viên bên cạnh, nếu không có khi tôi không sống nổi”.
Thời điểm sau khi ông Chấn bị bắt, một số người trong làng chưa hiểu chuyện cũng tỏ ý xa lánh với gia đình ông, họ nghĩ ông là hung thủ giết người, không tránh khỏi những tiếng bàn tán xì xào. Con gái ông vì không muốn nghe điều tiếng không hay mà phải rời nhà, sang Đài Loan xuất khẩu lao động một thời gian.
Hồi tưởng lại những tháng ngày kiên trì gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng và lăn lộn đi tìm bằng chứng giải oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn vẫn không nén nổi xúc động: “Ngày ấy thực sự chật vật, tôi hết tìm lên Lạng Sơn lại mò vào Đắk Lắk, dò dẫm để tìm manh mối. Ở nhà còn phải giấu, không dám để mẹ chồng biết, phải nói dối, nhờ mẹ trông nhà giúp mấy hôm để đi có việc. Tôi cũng sợ mẹ biết chuyện thì lo lắng, mà việc điều tra càng nhiều người biết càng khó thành”.
Bà Chiến cho biết: “Hồi ấy, tôi cũng không biết mình lấy sức lực ở đâu ra để cáng đáng gia đình. Cứ nghe ai nhắc đến một tia hy vọng để cứu chồng mình là tôi phải nắm lấy ngay. Cũng một vài lần mất tiền oan mà không thu được chứng cứ gì, nhưng tôi không nản. Nhờ vậy mà tôi mới có thể kiên trì đến cùng”.
Ông Chấn cười thành tiếng khi cầm trên tay tờ trình của vợ mình viết năm xưa: “Ngày đó, chắc vợ tôi cũng phải tham khảo hoặc có ai mách nước cho mới viết được tờ đơn rành mạch thế này. Mất mấy đêm thao thức vì tờ đơn, hai cậu con trai chữ đẹp ngồi viết cho mẹ mà còn ngủ gật, mẹ sốt ruột phải đánh thức mấy lần”.
Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông Chấn lại đón nhiều niềm vui lớn: một ngôi nhà mới khang trang vừa được hoàn thiện, và cô con gái thứ hai vừa sinh thêm một em bé kháu khỉnh. Với ông, Tết này ấm áp và viên mãn hơn cả.
Gia đình ông bán tạp hóa nên những thực phẩm cho dịp Tết đã được chuẩn bị chu đáo. Việc sắm sửa cành đào, cây quất hay những vật trang trí mang không khí Tết về với ngôi nhà được ông phân công cho người con trai cả lo liệu.
Ông Chấn vui vẻ bước tới bên dãy chuồng chăn nuôi, “khoe” về hai con lợn cho Tết: “Một con được thịt trước Tết để gói bánh chưng và chia cho các con; một con thì để qua Tết. Làng này có lễ hội xuân mới vào ngày 10 tháng Giêng, mọi người đón lễ còn to hơn ăn Tết chính, nên sẽ lại gói bánh chưng và làm thêm cỗ thật đủ đầy”.