nước Nga

Việc chính quyền Moscow đưa ra lệnh cấm các sản phẩm thực phẩm phương Tây nhập khẩu để đáp trả lại các lệnh trừng phạt bắt đầu vào mùa Hè 2014 đã khiến người tiêu dùng Nga rơi vào tình trạng khó khăn, vì thiếu các lựa chọn thay thế ngay lập tức cho các loại pho mát và thực phẩm chế biến tươi ngon của châu Âu.

nước Nga

Nhưng khẩu vị của người Nga được điều chỉnh nhanh chóng và hiệu ứng thay thế hàng nhập khẩu đã thúc đẩy Nga đi lên vị trí nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu trên thế giới vào năm 2016.

Khi nước Mỹ bị tổn thương và phải chia sẻ thị trường nông sản toàn cầu do cuộc chiến tranh thương mại khởi động dưới thời Tổng thống Donald Trump, không ai khác, chính Nga đang là quốc gia hưởng lợi và tích cực lấp đầy khoảng trống, theo National Interest.


nước Nga

Đầu năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea - Mỹ, Liên minh châu Âu và một số nước phương Tây khác đã tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong suốt năm 2014, các biện pháp này đã tiến triển từ ngoại giao (giới hạn đối với các cuộc họp và đàm phán đã lên lịch trước đó), đến hạn chế các cá nhân và tổ chức cụ thể (cấm visa và đóng băng tài sản), và cuối cùng, vào tháng 7 và tháng 9, bắt đầu bóp nghẹt các lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga.

Trong đó, các biện pháp trừng phạt làm cho Nga khó tiếp cận vào thị trường vốn và cho vay lãi suất thấp, cấm vận vũ khí, cấm xuất khẩu các mặt hàng sử dụng kép cho khách hàng quân sự và cấm xuất khẩu công nghệ khai thác sáng tạo. Kể từ năm 2014, các lệnh trừng phạt đã được duy trì và tăng cường trong hầu hết các danh mục này.


nước Nga

Vào tháng 8/2014, Nga đã khởi xướng một số các lệnh cấm để đáp trả lại trừng phạt của phương Tây, trong đó cấm các mặt hàng thực phẩm cụ thể được nhập khẩu từ Mỹ và EU. Thực phẩm bị ảnh hưởng bao gồm thịt bò, thịt gia cầm, hải sản, trái cây/rau quả, các loại hạt, sữa và bơ, pho mát, cùng một loạt các thực phẩm chế biến và sơ chế khác.

Lệnh cấm rất rộng, bao gồm cả mặt hàng chủ lực và các mặt hàng xa xỉ. Quyết định này đánh vào nhiều loại thực phẩm mà Nga phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Chính vì phạm vi rộng như vậy mà Moscow đã cảm thấy khó khăn cho việc bù đắp hoàn toàn cho tình trạng thiếu hụt thông qua việc tăng nhập khẩu từ các quốc gia không bị trừng phạt.


nước Nga

nước Nga

Nga cảm nhận được các các biện pháp trừng phạt đang gây ra những tác động gần như lập tức: Sự biến động gia tăng trên thị trường ngoại hối, dẫn đến sự mất giá đáng kể của đồng rúp và dẫn đến áp lực lạm phát; hạn chế tiếp cận thị trường tài chính; và người tiêu dùng và nhà đầu tư chán nản.

Nhập khẩu giảm trong quý III năm 2014. Thậm chí, giá dầu thế giới giảm mạnh trong quý IV năm 2014 còn tác động sâu sắc hơn đến nền kinh tế Nga so với các lệnh trừng phạt.

Vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, giá dầu đã bắt đầu liên tục giảm cho đến nay (từ 100 USD /thùng trong quý II năm 2014, xuống dưới 60 USD vào cuối năm 2014, và thậm chí giảm hơn nữa vào nửa cuối năm 2015), khiến doanh thu xuất khẩu của Nga đã giảm 1/3. Do các biện pháp trừng phạt tài chính mà Nga cũng không thể bù đắp lại sự sụt giảm giá dầu bằng cách vay tiền.

Ngay lập tức, các lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm để đáp trả trừng phạt phương Tây của Nga đã ảnh hưởng đến 9,5 tỷ USD giá trị thị trường thực phẩm hàng năm, chiếm gần 1/10 tổng lượng tiêu thụ thực phẩm ở Nga và 1/4 nhập khẩu thực phẩm.

Trước khi đưa ra các quyết định này, sản xuất trái cây trong nước của Nga chiếm ít hơn 40%, sữa/bơ là 80% và rau quả là 90%; Nga đã là nước xuất khẩu ròng ngũ cốc, khoai tây và dầu thực vật.

nước Nga

Đòn đáp trả của Nga đã cấm 60% giá trị thịt và cá nhập khẩu, và một nửa nguồn sữa, trái cây và rau quả nhập khẩu. Nhìn chung, tỷ trọng nhập khẩu trong tổng mức tiêu thụ thực phẩm đã giảm từ hơn 1/3 trong năm 2014 xuống chỉ còn hơn 20% trong quý II năm 2017.

Giá cả ngay lập tức tăng. Đến tháng 2/2015, lạm phát lương thực (so với cùng kỳ) là hơn 23%. Các hộ gia đình thay đổi thói quen mua thực phẩm đắt đỏ - trước đây là thực phẩm nhập khẩu (trái cây, sữa, thịt bò) - sang các mặt hàng rẻ hơn có nguồn gốc trong nước (khoai tây, bánh mì, thịt gà), và đã áp dụng chiến lược mua sắm “thông minh”, chấp nhận các sản phẩm có giá trị hợp lý.

nước Nga

Môi trường tiêu dùng phần lớn đã điều chỉnh và phục hồi. Vào năm 2018, giá lương thực tăng thấp hơn nhiều so với lạm phát chung.

Một số sản phẩm thực phẩm bị cấm từ EU đã tìm đường đến Nga khi tái xuất từ các nước khác. Chẳng hạn, trong quý cuối cùng của năm 2014, xuất khẩu sữa của EU sang Belarus đã tăng gấp 10 lần so với năm trước và xuất khẩu trái cây và cá tăng gấp đôi.

nước Nga

Mặc dù không chiếm tỷ lệ lớn trong thương mại thực phẩm chung của Nga, nhưng những thay thế nhập khẩu thứ cấp này đã làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Nga và Belarus, dẫn đến việc khôi phục kiểm soát hải quan giữa hai nước vào tháng 12/2014, cũng như các cảnh báo hạn chế nhập khẩu các chế phẩm từ sữa của Belarus hồi đầu năm 2018. Belarus được coi là nơi mà các loại thực phẩm bị cấm, làm giả, và chất lượng thấp hoặc bị dán nhãn sai đi qua để vào Nga.


nước Nga

Các lệnh cấm để đáp trả trừng phạt phương Tây là một món quà cho ngành công nghiệp thực phẩm Nga. Chính quyền đã hợp pháp hóa và xúc tác cho một chiến lược thay thế nhập khẩu mà mục tiêu rộng lớn đã được thực hiện từ cuối những năm 2000: trở nên tự cung cấp lương thực.

nước Nga

Nói cách khác, các lệnh trừng phạt đã gián tiếp mở đường cho Tổng thống Putin bắt tay vào giải quyết vấn đề nhức nhối từ những năm 1990 của đất nước. Thời điểm đưa ra quyết định đáp trả, công bố chỉ vài ngày sau khi lệnh trừng phạt phương Tây đưa ra đã khiến nhiều nhà quan sát tự hỏi liệu danh sách các sản phẩm bị cấm đã được lên kế hoạch từ trước hay chưa? Và thực tế rằng, nó đã đến như một biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ngành công nghiệp thực phẩm của Nga đã nắm bắt cơ hội này. Nhiều nhà đầu tư trước đây không bận tâm đến nông nghiệp đột nhiên quan tâm đến lĩnh vực bị lãng quên.

Giữa bối cảnh trừng phạt, ngành nông nghiệp trở thành một niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước đối với một số người. Tỷ phú Nga Viktor Vekselberg là một ví dụ, người đã bắt đầu đầu tư vào việc xây dựng nhà kính trong đô thị.

Chính phủ đã dành 242 tỷ rúp (gần 4 tỷ USD) để hỗ trợ nông nghiệp trong giai đoạn 2018-2020, tập trung vào vận chuyển đường sắt, các khoản vay được trợ cấp, tài trợ cho các khu vực, hỗ trợ một phần cho đầu tư vốn và hỗ trợ mục tiêu cho nông dân chăn nuôi bò sữa.

Vào tháng 6/2015, các nhà sản xuất bánh kẹo của Nga đã cùng đề nghị Chính phủ mở rộng các lệnh cấm sang mặt hàng chocolate của châu Âu, với hy vọng sẽ chiếm được thị trường ngách từ Bỉ, Pháp và Đức.

Bộ trưởng Nông nghiệp Alexander Tkachev đã tóm tắt sự chuyển biến vào năm 2015: “Chúng tôi rất biết ơn các đối tác châu Âu và Mỹ, những người đã khiến chúng tôi nhìn vào ngành nông nghiệp từ một góc độ mới và giúp chúng tôi tìm ra nguồn dự trữ, cũng như tiềm năng đầy mới mẻ”.

nước Nga

Agrifood là một trong số ít những điểm sáng trong nền kinh tế ảm đạm của đất nước từ năm 2014-2016, với mức tăng trưởng trung bình 3,2%. Như lời của Andrey Guriev, giám đốc điều hành của PhosAgro, một nhà sản xuất phân lân của Nga từng nói: “Một ngày nọ, ngành nông nghiệp Nga trở nên có lãi theo cách không thể tin được”.

Và sự tăng trưởng vẫn tiếp tục. Nga hiện sản xuất gần gấp đôi lượng ngũ cốc tiêu thụ và gần như tự cung cấp đủ các sản phẩm thịt và đường. Sản xuất trong nước đã thay thế hoàn toàn nhập khẩu thịt lợn và thịt gà.


nước Nga

Vào năm 2016, Nga đã trở thành nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, vượt qua doanh số bán vũ khí để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Nga (sau dầu khí), đạt gần 21 tỷ USD.

“Vùng đất Đen” màu mỡ ở miền Trung và miền Nam nước Nga, gần các cảng Biển Đen, có vị trí tốt để cung cấp cho các nhà nhập khẩu lúa mì lớn như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Nơi đây đã có sự đầu tư lớn vào các cơ sở lưu trữ và xuất khẩu.

Sự hỗn loạn của thị trường thực phẩm đã thu hút một siêu cường mới đến với Nga. Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một thị trường béo bở cho đậu nành và hạt hướng dương của Nga, thay thế các sản phẩm của Mỹ bị áp thuế quan dưới thời Trump.

nước Nga

Và không dừng lại ở đó. Nga có khoảng 50 triệu mẫu đất vẫn chưa được sử dụng, bên cạnh 79 triệu mẫu đất trồng lúa mì trong năm 2017, và các kế hoạch luân canh cây trồng bao gồm lúa mì, ngô, lúa mạch, nhằm đảm bảo vượt qua được những rủi ro thời tiết xấu và thị trường bất ổn.

Năm ngoái, Tổng thống Putin đã phê chuẩn các mục tiêu tăng gấp đôi con số 25 tỷ USD xuất khẩu thực phẩm vào năm 2024.

Thay thế nhập khẩu trong nông nghiệp không phải là không có những thách thức. Các lệnh trừng phạt đã làm tăng giá máy móc và công nghệ nhập khẩu được sử dụng trong sản xuất thực phẩm, và sự thay thế sẵn có của Nga vẫn còn hạn chế, trong khi thiếu chi phí hiện đại hóa và mở rộng quy mô.

Lãi suất cao đã hạn chế khả năng đầu tư tăng tốc. Các chương trình hỗ trợ của chính phủ thường xuyên giải ngân tiền muộn. Sự sụt giảm nhu cầu đối với thực phẩm đắt tiền đã làm giảm lợi ích tích lũy từ việc thiếu cạnh tranh phương Tây.

nước Nga

Nhập khẩu vẫn thống trị cảnh quan của các sản phẩm có giá trị cao, bao gồm thịt bò, trái cây và rau quả. Lúa mì Nga được coi là có chất lượng thấp hơn so với các đối tác phương Tây (11,5% protein so với 13,5% trong lúa mì Mỹ).

Nhưng tác động của tất cả các yếu tố này đã giảm đi kể từ năm 2016. Chẳng hạn, năm ngoái, Đức và Hà Lan đã bán thiết bị nông nghiệp trị giá 650 triệu USD cho Nga và giá lúa mì Nga được điều chỉnh thấp hơn cho phù hợp với chất lượng.

Người tiêu dùng Nga đã nhanh chóng chuyển sang dùng các dòng sản phẩm mới trên kệ hàng. Theo thời gian, người mua hàng đã nhận thấy rằng chất lượng của các sản phẩm thay thế trong nước đối với thực phẩm nhập khẩu đang trở nên tốt hơn.

2/3 người tiêu dùng được hỏi vào tháng 8/2017 chỉ ra rằng chất lượng thực phẩm theo sau lệnh cấm nhập khẩu đã không suy giảm so với năm trước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết người Nga vẫn đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây thay vì các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Nga.

Thái độ này được coi là tích cực. Người tiêu dùng Nga đã áp dụng chủ nghĩa dân tộc vào thực phẩm để đối phó với môi trường trừng phạt; 94% người tiêu dùng thành thị năm 2015 và 90% vào năm 2016 cho biết, họ thích mua các sản phẩm thực phẩm do Nga sản xuất ngay cả khi hàng nhập khẩu có giá tương đương và có chất lượng tương đương. Trước sóng gió trừng phạt của phương Tây, người Nga đã thể hiện một tình cảm dạt dào.


nước Nga

Sự cản trở rõ ràng nhất trong việc thay thế chất lượng thực phẩm phương Tây đã tập trung vào mặt hàng pho mát. Mặc dù nhiều nhà sản xuất nhỏ, thủ công của Nga đã mọc lên, nhưng không có nhà sản xuất nào đạt được chất lượng của pho mát Thụy Sĩ, Italia và Pháp, nhiều trong số đó phải mất hàng thập kỷ để sản xuất.

Sản phẩm pho mát Parmesan là một thách thức: Nó sử dụng rất nhiều sữa, cũng như tốn nhiều chi phí để bảo quản. Nga chỉ sản xuất được khoảng 60% sữa nguyên liệu cần thiết để đáp ứng nhu cầu về pho mát và các sản phẩm từ sữa khác; thay vào đó, một số nhà sản xuất trong nước phải sử dụng sữa khô nhập khẩu, sữa tách protein và thậm chí cả dầu cọ.

nước Nga

Vào giữa năm 2015, khoảng 1/4 pho mát của Nga được coi là “hàng giả” do sử dụng dầu cọ. Nhập khẩu tăng 35,8% trong quý đầu tiên của năm 2018 so với năm trước, cho thấy nhu cầu với mặt hàng này vẫn tiếp tục. Mong muốn tìm nguồn sữa chấp nhận được, một trang trại bên ngoài Moscow đã nhập một nghìn con dê Pháp vào cuối năm 2016 đặc biệt để làm nguồn nguyên liệu cho pho mát.

Bất chấp những thách thức này, các lệnh cấm để đáp trả trừng phạt với phương Tây rõ ràng đã tạo ra một cơ hội cho thị trường pho mát. Chính phủ hiện đang bù một nửa chi phí hiện đại hóa các trang trại bò sữa gia đình và lên đến 20% cho các cơ sở sản xuất pho mát.

Tại một lễ hội pho mát lớn được tổ chức bên ngoài Moscow vào mỗi mùa hè kể từ năm 2016, những người nông dân còn tôn vinh con bò sữa được đánh giá cao nhất tại lễ hội với cái tên là “Trừng phạt”. Bên cạnh đó, những chiếc áo phông với dòng chữ “Cảm ơn lệnh trừng phạt” cũng được bày bán.


nước Nga

Vào tháng 7 năm ngoái, ông Putin tuyên bố rằng các lệnh cấm để đáp trả trừng phạt phương Tây sẽ vẫn tiếp diễn ít nhất là đến tháng 12/2019. Điều này được cho là không có gì bất ngờ. Chẳng có lý do gì nhà lãnh đạo Nga lại chấm dứt quyết định trên khi nó đã giúp những người nông dân khốn khó trước đây phát triển mạnh mẽ trong hiện tại.

Các lệnh trừng phạt đã tạo ra một cơ hội để xây dựng lại một ngành công nghiệp thực phẩm bị tê liệt của Nga và Tổng thống Putin đã nhanh tay nắm lấy.


nước Nga

Về phần mình, chính quyền phương Tây có lẽ đã đến lúc đánh giá lại những hậu quả không lường trước về các biện pháp trừng phạt khi một “kẻ thù” thông minh đang tích cực tìm cách tạo ra và khai thác lợi ích từ đây.

Thật khó để tưởng tượng được rằng sự phát triển vượt mặt của nông dân Nga so với nông dân Mỹ là kết quả mà người phương Tây nhận được khi đưa ra những biện pháp áp đặt 5 năm trước.