Đèo ba, không đội mũ bảo hiểm, tổ công tác ra tín hiệu dừng xe thì Minh tăng ga vượt chốt, người ngồi sau quàng vai cán bộ công an khiến chiến sĩ này ngã ra đường, gãy xương quai xanh.
Ngày 12/8, Công an TP.Hà Nội cho biết Công an quận Thanh Xuân đang điều tra, xử lý nam thanh niên thông chốt, tông gãy xương cán bộ công an.
Công an quận Thanh Xuân tạm giữ hình sự 2 đối tượng Đặng Bình Minh (bên trái) và Trần Anh Quân (bên phải).
Khoảng 17h45 ngày 10/8, xe máy chở 3 người (2 nam thanh niên và cháu bé khoảng 12 tuổi) không đội mũ bảo hiểm đi đến chốt kiểm soát trước số nhà 221 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, Thanh Xuân. Lúc này, tổ công tác ra tín hiệu dừng xe nhưng lái xe không chấp hành, tiếp tục cho xe vượt qua chốt.
Người ngồi sau tài xế dùng tay quàng vào vai ông Ngô Hải Phú (cán bộ Công an phường Khương Trung) khiến cả hai ngã ra đường. Hậu quả, ông Phú bị gãy xương quai xanh.
Đến 18h cùng ngày, nam thanh niên lái xe đến công an phường đầu thú. Tại đây, danh tính người điều khiển xe được xác định là Đặng Bình Minh (32 tuổi, trú tại 79 Nguyễn Trãi, Khương Trung; từng có 1 tiền án).
Trước đó, vì có hành vi chống người thi hành công vụ nên Hứa Hán Võ (27 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) đã bị cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam.
Ra đường sau 18h, khi bị phát hiện, bị can Hứa Hán Võ đã ép xe Thượng úy Phan Tấn Tài, cán bộ Công an quận 6, nhằm thoát khỏi sự truy đuổi khiến Thượng úy Tài bị tai nạn và hy sinh vào tối 2/8.
Trong khi đó, Công an huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự bà Trần Thị Tuyền (42 tuổi, ngụ xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) về hành vi chống người thi hành công vụ. Cụ thể, khoảng 16h5 ngày 3/8, tổ tuần tra kiểm soát cụm số 4, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đang trên đường tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm theo chỉ thị 16 thì phát hiện ông Nguyễn Phú Cường (50 tuổi, ngụ xã Hòa Lạc) điều khiển xe máy chạy hướng Hòa Lạc - Phú Hiệp nên đã yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra.
Tại đây, ông Cường trình bày "do ở nhà buồn chán nên đến nhà của thằng em chơi". Tổ tuần tra lập biên bản xử lý vi phạm về hành vi ra đường khi không thật sự cần thiết.
Bà Trần Thị Tuyền đã đánh công an xã để ngăn cản việc lập biên bản chồng bà vi phạm chỉ thị 16 khi ra ngoài không cần thiết.
Lúc này, vợ ông Cường là bà Trần Thị Tuyền đi đến nơi lực lượng công an lập biên bản dùng lời lẽ thô tục chửi tổ tuần tra. Mặc dù được lực lượng chức năng giải thích nhưng bà Tuyền vẫn tiếp tục có những lời lẽ thô tục.
Tổ công tác yêu cầu cưỡng chế đưa bà Tuyền về trụ sở công an xã làm việc thì bà Tuyền xông đến đánh một công an viên. Vì vậy, tổ tuần tra đã khống chế bà Tuyền đưa về trụ sở công an.
Theo luật hiện hành, hành vi của các đối tượng vi phạm sẽ bị xem xét xử lý về tội Chống người thi hành công vụ, quy định tại Điều 330 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Thuộc nhóm tội phạm nghiêm trọng do đó mức phạt thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, mức cao nhất là phạt tù lên tới 7 năm.
Mặc dù chưa hoàn chỉnh nhưng Bộ luật Hồng Đức thời Lê vẫn được xem là tinh hoa vì chứa đựng nhiều giá trị văn minh của đất nước và con người Việt Nam. Và dưới góc độ cổ luật, hành vi của các đối tượng Đặng Bình Minh, Hứa Hán Võ, Trần Thị Tuyền sẽ bị quy vào nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng, quản lý hành chính…
Về hình phạt, Bộ luật Hồng Đức quy định ngũ hình bao gồm xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Trong đó 4 hình phạt như xuy (đánh bằng roi), đồ, lưu, tử có thể áp dụng đối với cả nam lẫn nữ thì trượng (đánh bằng gậy) chỉ áp dụng đối với người phạm tội là nam giới.
Tuỳ theo mức độ vi phạm mà từng đối tượng trong các vụ việc trên sẽ phải nhận hình phạt tương ứng.
Nếu hành vi được xác định ở mức độ nhẹ, các đối tượng sẽ bị xuy với 5 bậc từ 10, 20, 30, 40, 50 roi, có thể kèm phạt tiền. Ở đây, nếu như Trần Thị Tuyền mới có hành vi đánh công an viên thì đối tượng ngồi sau xe của Đặng Bình Minh đã dùng tay quàng vào vai ông Ngô Hải Phú (cán bộ Công an phường Khương Trung) khiến cả hai ngã ra đường. Hậu quả, ông Phú bị gãy xương quai xanh. Trong quá trình bỏ chạy, Hứa Hãn Võ có tác động vào xe máy khiến Thượng uý Tài gặp nạn và tử vong. Do vậy, ngoài hành vi chống người thi hành công vụ, đối tượng quàng tay vào vai ông Phú và Hứa Hãn Võ còn bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích và cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người. Mức hình phạt chắc chắn sẽ nặng hơn so với các đối tượng Đặng Bình Minh và Trần Thị Tuyền.
Nhẹ thì các đối tượng sẽ bị phạt tang thất phụ (phục dịch ở các nơi nuôi tằm), nặng hơn thì bị lưu (tức lưu đày đi nơi xa) với 3 bậc là lưu cận châu, lưu ngoại châu, lưu viễn châu, bị đánh từ 90 đến 100 trượng, đồng thời còn bị thích chữ vào mặt và phải đeo xiềng.
A.D