Đến giờ, đa số người trẻ không biết trống quân và hát trống quân là gì. Nhưng trong ký ức của những người già ở vùng Đan Nhiễm, vẫn còn đó những đêm trăng thanh vắng, giữa một cái “trống quân” cắm que xuống đất, trai hát xướng lấy que tre đánh vào dây kêu bình bình, gái hát đáp gõ cái sênh kêu cách cách làm nhịp…
Cứ thế, nhạc điệu trống quân lên bổng xuống trầm đầy tùy hứng và sáng tạo, kết hợp điệu ví, điệu sa mạc cổ thông minh và dí dỏm, giản dị và gần gũi... đưa người nghe thảnh thơi về với lũy tre, giếng nước, với hò hẹn yêu đương…
Nghệ nhân hát trống quân – Họ là ai?
Trong hành trình đi tìm lại những di sản văn hóa phi vật thể đang trên đà bị mai một, chúng tôi tìm về thôn Đan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội), là địa phương duy nhất ở Hà Nội còn lưu giữ làn điệu trống quân.
Ngay từ đầu thôn, lẫn trong những căn nhà cao tầng hiện đại, cửa hàng cửa hiệu tấp nập…, vẫn thấy thấp thoáng vài nếp nhà mái rạ, mái tôn ềm ệp trong khói chiều bảng lảng. Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km nhưng nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Căn nhà đơn sơ của Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Trường nằm khuất sau những bụi cúc tần mờ mịt bụi đường. Chú Trường ngồi sẵn chờ chúng tôi trên chiếc chiếu cói được trải giữa khoảng sân gạch, với bộ ấm chén thoảng mùi trà ấm sực. Nom già hơn cái tuổi 69 của mình, thân hình chú gầy gò vì tai biến, từ mặc quần áo đến đi lại đều phải nhờ sự giúp đỡ của vợ. Nhưng khi biết chúng tôi đến để hỏi về trống quân, ánh mắt chú reo vui khó tả.
Trong câu chuyện sẻ chia về truyền thống hát trống quân quê nhà, thỉnh thoảng chú hát ngân nga:
“Thuyền ai (rằng) đi ngược về xuôi
Có về (thời) Đan Nhiễm với tôi thì về
Đan Nhiễm có bóng cây tre
Có sông (thời) tắm mát, có nghề chẻ nan…”
Theo lời chú Trường, làng Đan Nhiễm, xã Khánh Hà nằm êm đềm bên bờ sông Nhuệ, ngoài cấy hái còn có nghề phụ làm tre đan. Bởi thế, chính trong những đêm trăng thanh gió mát, người làng vừa làm nghề phụ vừa tổ chức hát trống quân, già thì để giải trí, trẻ thì chọn nhân duyên.
“Có những cặp chèo thuyền ngược xuôi sông nước hát thâu đêm để tỏ mặt anh tài, làm cho xóm làng thêm nhộn nhịp, cuộc sống thêm đầm ấn thanh bình” – chú hồi tưởng trong sự mơ màng.
Cũng theo chia sẻ của người nghệ nhân này, hát trống quân là nghi thức văn hóa không thể thiếu ở làng Đan Nhiễm vào các dịp hội làng, trung thu, tiễn bộ đội lên đường…
“Bắt đầu một canh hát giao duyên, nam giới sẽ hát gọi bằng một làn điệu sa mạc, sau đó đến bên nữ hát rải đồng đáp lại. Kết thúc rải đồng mới đến hát trống quân. Hát đối như vậy gọi là hát vận, khi nào bên nào không vận được nữa thì coi như thua” – chú Trường nói.
...
Biết chúng tôi đến hỏi chuyện về trống quân, chú Trường có mời tới một nghệ nhân kỳ cựu của làng – người cũng được phong Nghệ nhân ưu tú cùng đợt – đó là cụ Nguyễn Thị Vẫy (sinh năm 1937). Lúc này, cụ Vẫy đã được anh con trai chở đến.
Tuy đã 82 tuổi nhưng cụ Vẫy còn khá tinh anh, nhanh nhẹn, dù thân hình nhỏ thó. Cụ cho biết, thôn Đan Nhiễm vừa có 5 nghệ nhân hát trống quân được phong tặng nghệ nhân ưu tú là chú Trường, cụ Vẫy, bà Nguyễn Thị Điệp (sinh năm 1960), cụ Nguyễn Văn Bôn (sinh năm 1938), cụ Nguyễn Thị Lơ (sinh năm 1926, đã mất, truy tặng).
“Năm 1999 khi tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) về khai thác vốn cổ của nghệ thuật hát trống quân, tôi và ông Trường là một lớp, ông Bôn với bà Diệp và và Lơ một lớp” – cụ Vẫy nói, đồng thời cho hay bản thân mình là một diễn viên chèo cổ từ thời Pháp thuộc biểu diễn từ những năm 1954, 1955.
Nói xong cụ khẽ hát:
“Em nay là gái chưa chồng
Xin chàng lưu ý em trông cậy nhờ
Sông sâu nước chảy lờ đờ
Cắm sào đợi nước bao giờ trong lại trong?”
Tiếp lời cụ, chú Trường nhập vai nam hát đối lại:
“Sông sâu cá lội mất tăm
Chín tháng anh đợi một năm anh cũng chờ
Chờ em chờ ngẩn chờ ngơ
Chờ hết mùa mận mùa mơ mùa đào…”
Cứ thế, câu chuyện và những làn điệu của người nghệ nhân già đưa chúng tôi về với vốn văn hóa cổ truyền của người Đan Nhiễm. Họ hát say sưa như rút ruột để “thết đãi” những vị khách phương xa bằng một bữa tiệc văn hóa mà cả đời họ đã cống hiến, giữ gìn.
Trống không là trống
Cho đến giờ vẫn chưa có một lời giải thích xác đáng nào về ý nghĩa của từ ‘trống quân” cũng như nguồn gốc của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này.
Tác giả Nguyễn Tử Quang trong cuốn Điển hay Tích lạ (NXB Văn hóa Thông tin) dẫn lời các nhà nho Việt Nam cho rằng “Trống quân” do hai chữ “Tống quân” (tiễn bạn) mà ra.
Tương truyền ngày xưa khi một ông quan rời tỉnh này đi tỉnh khác, bạn bè tiễn đưa một quãng đường. Lúc sắp chia ly, người đi tiễn đặt một cái trống xuống đất rồi vừa nhịp trống vừa hát bài tiễn bạn trong đó có câu: “Tống quân nam phó thương như chi hà” (Khi ta tiễn bạn đi về phía nam, lòng đau đớn thế nào ai rõ được).
Lại có thuyết cho rằng: Trống quân bày ra từ đời vua Nguyễn Huệ. Khi ra Bắc đánh quân xâm lược Thanh (cuối thế kỷ XVIII), quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà, vua Quang Trung Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái hát đối với nhau để cho quân sĩ vui lòng. Đang khi hát có đánh trống làm nhịp cho nên gọi là Trống quân.
Cũng có người cho rằng, Triệu Quang Phục khi đánh thắng Trần Bá Tiên liền cho quân sĩ ăn mừng bằng cách gõ nhịp ngay trên thuyền, trong những bụi lau sậy tại đầm lầy Dạ Trạch (Hưng Yên).
Hiện nay người ta chưa tìm được thuyết nào là đúng. Nhưng có một điều đặc biệt, gọi “trống quân” nhưng sự thật trong bối cảnh diễn xướng môn hát đối này không hề tồn tại một cái trống nào, mà chỉ là những chiếc lu đất hay thúng, mủng đặt xuống đất để làm trung tâm, từ đó căng một sợi dây mây (dài độ 3 - 4 mét và dày độ 1 cm) cắm hai đầu sợi dây mây dưới đất bằng hai cây cọc nhỏ bằng gỗ hay bằng tre.
Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống thùng (là phần dây nơi đầu cọc hoặc đầu thanh tầm vông) để làm nhịp "Lưu không", vừa để thúc giục phe bên kia hát đáp lại.
Trên trời (thời) có đám mây xanh
Ở giữa (thời) mây trắng (ấy)
Chung quanh mây bển vàng (ư…) - "Lưu không"
Ước gì (thời) anh lấy được nàng thì anh (này)
Mua gạch (ấy) Bát Tràng đem về xây (ư…) - "Lưu không"
Xây dọc (thời) anh lại xây ngang (chứ)
Xây hồ (thời) bán nguyệt (ấy)
Cho nàng chân rửa chân (ư…) - "Lưu không"
Câu chuyện hôm nay:
Phục dựng và trao truyền
Theo hồ sơ tư liệu còn lưu giữ, hát trống quân ở Bắc Bộ nói chung có nguồn gốc gắn liền với những sự kiện chống ngoại xâm của dân tộc. Có thể nói, đó là nguồn gốc mang đậm dấu ấn lịch sử Đại Việt. Hát trống quân thường có nội dung đề cập đến các sự kiện lịch sử, địa danh làng xã, tục cưới hỏi, sản vật quê hương…
Vì vậy, có thể coi nội dung các câu hát là kho sử liệu quý về lịch sử làng xã, có tính giáo dục cao trong cách thức ứng xử, ca ngợi cái đẹp, phê phán cái xấu. Sinh hoạt văn hóa này cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, góp phần giải tỏa những lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống, sản xuất của cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung.
Nếu hát Tuồng (hát Bội) được thấy phổ biến ở miền Nam thì hát Trống quân được coi là một dạng hát bình dân và phổ biến tại miền Bắc thời bấy giờ.
Năm 2016, nghệ thuật trống quân tại một “cái nôi” khác là vùng Dạ Trạch (Hưng Yên) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hát trống quân cũng đã được đưa vào Khoa sáng tác (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) như một môn học chính.
Lý giải về điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân cho rằng: Xưa kia, ở Hà Nội cũng có một số làng ven ngoại thành hát trống quân nhưng bây giờ không còn nữa vì công nghệ thông tin phát triển nhiều quá. Theo đó, có rất nhiều trò chơi dân gian bị mất dần như: chơi ô ăn quan, giải gianh, đánh đáo, đánh quay… bởi vì đã có trò chơi điện tử, internet...
Theo lời cụ Vẫy, người đã dành quá nửa cuộc đời đóng góp vào việc “cứu sống” một làn điệu văn hóa khỏi cơn “hấp hối”, để hát trống quân tồn tại đến nay đã có biết bao thăng trầm, thậm chí có lúc tưởng rơi vào quên lãng.
Chính những người như cụ Nguyễn Thị Vẫy, Tôn Thị Tốn, Lê Văn Trường... và nhiều cụ khác nữa, đã cùng lúc dốc lòng thực hiện “dự án” khôi phục trống quân trên diện rộng.
Hay như ông Nguyễn Mạnh Tươi - một cán bộ xã giàu tâm hồn nghệ sĩ, yêu văn hóa, hiện nay là Chủ nhiệm CLB hát Trống quân xã Khánh Hà đã mạnh dạn “gõ cửa” Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhiều lần để xin kinh phí sắm đạo cụ, trang phục, mở lớp bảo tồn vốn cổ.
Cuối cùng hát trống quân đã “hồi sinh”, được “đánh thức” một cách bài bản.
Mặc dù, có những người đã không còn sống để chờ được ngày đó như cụ Nguyễn Thị Lơ. Tuy nhiên, với làng Đan Nhiễm thì đó đã là một kết quả rất đáng tự hào rồi.
Những nghệ nhân này chia sẻ với chúng tôi, khi đi vận động các cháu đến nghe hát trống quân, mắt đứa nào đứa nấy sáng lên khiến những người già như họ cũng cảm thấy ấm lòng, cảm thấy tương lai làn điệu văn hóa quê mình rồi đây sẽ có người hát tiếp.