img

img

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, trong quý 1/2023, khu vực công nghiệp, dịch vụ của Tp.HCM giảm 3,6%, đóng góp 20,2% vào cơ cấu GDRP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận tồn kho tăng còn tiêu thụ và lao động giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, GRDP vẫn tăng trưởng dương nhờ vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp đi lên. Dịch vụ chiếm 66,1% cơ cấu kinh tế, tăng 2,07%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ nhưng mức tăng rất chậm và có xu hướng giảm.

Còn theo số liệu Cục Thống kê Tp.HCM công bố, quý 1/2023 có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu của Tp.HCM có mức tăng trưởng âm. Đó là các ngành: vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,70%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

img

Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra, Tp.HCM là địa phương có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.

Trong khi đó, 5/9 ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá như: bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất với 24,34% so với cùng kỳ.

Các báo cáo đều chỉ ra nguyên nhân là thách thức toàn cầu về đứt gãy chuỗi cung ứng xuất phát từ chiến sự Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu do chính sách tiền tệ của Mỹ và giá dầu tăng và trong tháng 3/2023 phát sinh sự kiện sự sụp đổ liên tiếp các ngân hàng lớn của Mỹ.

Mặt khác, việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu thời gian qua cũng tạo ra khó khăn chung cho cả nước. Các thành phố lớn trên cả nước cũng sẽ có mức tăng trưởng thấp chứ không riêng gì Tp.HCM.

img

img

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi tại hội nghị
kinh tế - xã hội Tp.HCM 3 tháng đầu năm.

Tại hội nghị Thành ủy mở rộng ngày 4/4, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi có phát biểu khi mức tăng trưởng quý 1 của Thành phố này thấp hơn các địa phương khác. Cụ thể, GRDP của Tp.HCM trong quý 1 ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa Thành phố này về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Theo ông Mãi, Tp.HCM có độ mở cao, tác động gần như đồng thời với những diễn biến của tình hình thế giới. Nếu diễn biến kinh tế thế giới tích cực thì kinh tế Tp.HCM sẽ ảnh hưởng trước theo chiều hướng tích cực, và ngược lại.

Phân tích sâu về chỉ số tăng trưởng 0,7%, người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, địa phương này là trung tâm dịch vụ, công nghiệp và các mảng này bị ảnh hưởng lớn. Hiện, 90% dự án bất động sản đang đóng băng. Nhóm ngành ngân hàng bị tác động, cung tiền và lãi suất cao nên tiếp cận khó, tăng trưởng thấp; du lịch hồi phục khởi sắc nhưng nhiều mảng chưa phục hồi như quy mô trước dịch.

Cùng với đó, theo ông Mãi, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng khi đơn hàng giảm 30-40% và điều này đều xảy ra ở các địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, do thu nhập, việc làm, tiền lương của người lao động giảm cùng tác động tâm lý dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu.

“Quý 1, công tác điều hành của thành phố còn quyết liệt hơn năm ngoái nhưng do công việc của thành phố quá lớn. Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng sẽ thấy không đạt nhưng thành phố vẫn thu ngân sách 26%”, ông Mãi nói và cho rằng cần nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng để con số tăng trưởng 0,7% không phủ định các kết quả còn lại.

img

img

Tại hội nghị kinh tế - xã hội quý 1/2023 của UBND Tp.HCM ngày 1/4, TS.Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách - tiền tệ quốc gia phát biểu, chỉ ra các nguyên nhân hạn chế của kinh tế Tp.HCM

Đầu tiên là giải ngân vốn đầu tư công quý 1/2023 chỉ được 2% nên Tp.HCM bỏ lỡ công cụ kích thích nền kinh tế. Thứ hai là chưa hấp thụ được vốn. Thứ ba là chưa phát triển được thị trường nội địa.

"Đây là 3 trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, liều thuốc sau thời kỳ bạo bệnh nhưng Tp.HCM đều không sử dụng hiệu quả", ông Lịch nêu quan điểm.

Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm, Tp.HCM chỉ giải ngân được 952 tỷ đồng, tương đương 2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng. Còn về thể chế, ông Lịch cho biết đã có nhiều kiến nghị thành phố cần công khai, minh bạch thông tin của toàn bộ các dự án đang tồn đọng trên địa bàn. Dù vậy, thông tin đến nay vẫn mù mờ. Đầu tư tư nhân vì vậy cũng sa sút. Cuối cùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tại thành phố chỉ tăng trưởng hơn 3% trong khi cả nước đạt gần 10% là tình trạng “chưa bao giờ xảy ra”.

img

“Dự báo bối cảnh vĩ mô, thị trường tài chính có thể dễ chịu hơn, tình hình trong nước và cả thế giới khởi sắc hơn từ cuối quý 2, đầu quý 3. Nếu lãnh đạo Tp.HCM thật sự quyết tâm, giải quyết điểm cốt tử là sự trì trệ của bộ máy hành chính, có các hành động tháo gỡ cụ thể thay vì nói chung chung, thành phố hoàn toàn có thể đứng dậy trong những quý sau”, chuyên gia này nhìn nhận.

Nêu cụ thể khó khăn của doanh nghiệp đang đối mặt, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM cho hay, tâm trạng chung của doanh nghiệp hiện nay chia thành 2 nhóm.

Nhóm 1 là cầm cự hoạt động do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước sút giảm, hàng tồn kho tăng và đang gặp vấn đề về thanh khoản. Nhóm 2 là các doanh nghiệp đang cố gắng xoay xở và ấp ủ nhiều ý tưởng đầu tư, phát triển dài hạn.

Ông Hòa đề xuất ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp dòng vốn lưu động, doanh nghiệp có thể cầm cự; hoặc xem xét chấp nhận cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng vật tư, nguyên liệu, thành phẩm tồn kho.

img

img

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Phạm Thị Thanh Xuân, Trường Đại học Kinh tế - Luật Tp.HCM cho rằng con số tăng trưởng quý 1/2023 của Tp.HCM “không có gì bất ngờ và đã được nhiều báo cáo dự liệu trước”. Theo chuyên gia này, kịch bản sợ nhất nền kinh tế xấu đi ngoài dự kiến, còn nếu tăng trưởng thấp như dự kiến sẽ không có gì đáng ngại.

Dù vậy, bà Xuân cho rằng con số 0,7% không hề tươi sáng và áp lực tăng trưởng dồn lên quý 2, quý 3. Theo dự báo, triển vọng tăng trưởng quý 2 chưa sáng, như vậy áp lực sẽ dồn lên quý 3. Do vậy, Tp.HCM phải chuẩn bị các kịch bản, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng các quý sau.

Giải pháp bà Xuân gợi ý là tập trung hỗ trợ cho lực lượng lao động, lấy đây làm động lực tăng trưởng. Trong đó, ngoài việc giữ ổn định việc làm, việc thực hiện các công việc liên quan đến ổn định lực lượng lao động như tạo dựng nhà ở, chính sách hỗ trợ giảm giờ làm việc, giảm chi phí môi giới việc làm... cần được đẩy mạnh.

img

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, sự trì trệ của kinh tế Tp.HCM đến từ sự đóng băng của thị trường bất động sản. Bởi lẽ, Tp.HCM với số lượng dân cư đông đúc, nhu cầu mua bất động sản lớn, thị trường bất động sản phát triển rất mạnh trước đó. Do vậy, cũng dễ lý giải khi thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản kém, khó khăn bủa vây về vốn, về trái phiếu doanh nghiệp cùng những ách tắc về pháp lý đã tác động đến tăng trưởng của địa phương này.

Do đó, ông Thế Anh đề xuất, Tp.HCM cần chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương để tháo gỡ khó khăn về chính sách tiền tệ.

Hiện tại, lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại bắt đầu giảm, nhưng chưa nhiều và hấp dẫn để doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đầu tư công cũng cần có biện pháp để tăng tốc.

img

Trao đổi tại phiên họp UBND Tp.HCM ngày 1/4, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Hiện nay, cả xã hội đang quan tâm với tinh thần cả nước vì Tp.HCM. Chúng ta phải tự xem lại mình để nỗ lực, thúc đẩy”.

img

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, nhiều chia sẻ của chuyên gia rằng sự bật dậy của Tp.HCM trong năm 2022 chỉ là sự gượng gạo chứ chưa bền vững, bởi những tác động sâu rộng sau đại dịch Covid-19. Do đó, từng Sở, ngành cần nhìn nhận, đánh giá khách quan và nghiêm túc nhất, đặc biệt là đề ra giải pháp cho các quý sau để bù lại mức tăng trưởng thấp của quý 1/2023.

“Công tác triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách từ Trung ương của Tp.HCM rất nghiêm túc, giao nhiệm vụ kịp thời, triển khai công trình trọng điểm quyết liệt, cải cách hành chính được đánh giá có chuyển biến… nhưng kết quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng. Chúng ta làm nhiều nhưng cần hiệu quả trong bối cảnh hiện nay”, ông Nên yêu cầu.

Về giải pháp cho thời gian tới, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, sẽ tập trung vào "những cái đang có trong tay", trong đó đầu tư công sẽ đi đầu và tháo gỡ ngay những dự án ngoài ngân sách. Cụ thể, Thành phố này sẽ tập trung giải quyết những hồ sơ vướng mắc của doanh nghiệp, người dân.

Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng là công việc cần ưu tiên, ông Mãi kiến nghị Thành ủy, cấp ủy các địa phương quan tâm đến vấn đề này. Trong năm 2023, có 50 dự án giao thông thuộc 12 quận, huyện và Tp.Thủ Đức với tổng diện tích 100ha, giá trị 2.000 tỷ đồng. Riêng các dự án Vành đai 2, 3, 4 và cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài có diện tích phải giải tỏa lên đến 900 ha, tổng mức đầu tư 40.000 tỷ đồng.

img

"Nếu giải phóng mặt bằng hoàn thành trong 6 tháng đầu năm thì công việc phía sau rất thuận lợi", ông Mãi nhận định.

Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo thành phố cho biết sẽ tập trung phân nhóm 141 vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước trong tháng 4/2024 để tháo gỡ. Riêng nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước, các vướng mắc chính tập trung ở thủ tục đầu tư, đất đai, hoàn thuế. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tập trung rã băng nhóm ngành bất động sản, tạo công ăn việc làm, kích thích các ngành khác.

“Các dự án chạy thì dòng vốn sẽ chạy, tạo công ăn việc làm, tạo khí thế, niềm tin cho nền kinh tế. Thành phố sẽ tập trung khai thác thị trường hơn 10 triệu dân bằng các chương trình khuyến mãi, khai thác thị trường trong nước và đẩy mạnh một số thị trường xuất khẩu với các chính sách hỗ trợ”, ông Mãi khẳng định.

Tránh hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế

TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh) nhìn nhận, nếu không có chuyển biến về thực chất để giải quyết 3 cái thiếu về cơ chế, hạ tầng và nguồn vốn thì tăng trưởng GDP của Tp.HCM, nếu có hồi phục trong các quý sau cũng không bền vững mà hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi của kinh tế ngoại lực.

“Cũng đừng nghĩ, đây chỉ là vấn đề của riêng Tp.HCM. Trung tâm kinh tế của cả nước mà bị bệnh thì cả nước cũng sẽ bị lây nhiễm theo”, ông Tuấn chỉ ra.

Khi một trung tâm kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ hàng đầu của cả nước tăng trưởng chậm, thì những đầu mối cung cấp hàng sớm muộn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Kinh tế tăng trưởng chậm như vậy, trong khi lãi suất thì cao, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp trong tình trạng làm không đủ trả lãi ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng. Bởi vậy, đẩy mạnh gỡ rối cho Tp.HCM cũng chính là hỗ trợ cho cả nước.

img

NGUOIDUATIN.VN |