Chuyển đổi số là cơ hội lớn để các địa phương bắt kịp xu thế phát triển hiện đại, vươn lên trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chiến lược xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số... tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk về vấn đề này.

NĐT: Thưa ông, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai chiến lược, mục tiêu nào để xây dựng chính quyền số, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước?

Ông Nguyễn Tuấn Hà: Thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai chiến lược, mục tiêu để xây dựng chính quyền số, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Người dân ứng dụng công nghệ canh tác thông minh vào sản xuất sầu riêng.

Theo đó, xây dựng, hình thành hạ tầng, nguồn nhân lực đầy đủ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, phổ cập kiến thức chuyển đổi số cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

NĐT: Xin ông chia sẻ kết quả công tác xây dựng chính quyền số, việc gắn kết với kinh tế số và xã hội số của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua? Tỉnh có những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy sự liên kết này?

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin về những kết quả công tác xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tuấn Hà: Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đồng thời, chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, cũng như tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Kết quả, công tác xây dựng chính quyền số đạt được một số kết quả nổi bật.

Về thể chế, tỉnh đã ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và năm 2024.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đã được triển khai đảm bảo liên thông 4 cấp chính quyền. Theo đó, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các Bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Máy móc, thiết bị hiện đại giúp cho công tác dạy và học tại các trường đạt hiệu quả cao.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và kết nối liên thông với Trung ương.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được duy trì hoạt động ổn định. Đến tháng 6/2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đắk Lắk (https://dichvucong.daklak.gov.vn) đã kết nối với EMC (hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai).

Hệ thống phần mềm lõi triển khai cho Trung tâm Giám sát đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk đã kết nối, chia sẽ dữ liệu với các ứng dụng để quản lý và giám sát các dịch vụ, bước đầu thực hiện tổng hợp dữ liệu, theo dõi giám sát để hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành.

Đối với phát triển kinh tế số, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đến tháng 8/2024, tỉnh Đắk Lắk có 1.715 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; có 42.933 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 5 toàn quốc. Số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 259.652 hộ, đạt 43%.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chú trọng các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh, toàn quốc...

Tỉnh cũng đã triển khai giải pháp chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai nhiều giải pháp gồm: Nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật số; tăng cường quảng bá và tiếp thị kinh tế số; tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số và xã hội số; tạo ra cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin kinh tế số và xã hội số; tăng cường an ninh mạng và bảo mật thông tin.

NĐT: Với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Đắk Lắk có những chính sách gì hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Hà: Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 7.324 doanh nghiệp, trong đó có khoảng hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, ngày 10/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực đầu tư theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số; Hoàn thiện các chính sách khuyến khích về phát triển doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp số; Hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số tiếp cận, gia nhập thị trường.

Người dân thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Mặt khác, xây dựng các chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu, đề xuất và triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách về thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới, mô hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ số trên địa bàn nhằm xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

NĐT: Trong tiến trình chuyển đổi số, sẽ gặp không ít khó khăn. Với tỉnh Đắk Lắk, khó khăn đó là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Hà: Công tác triển khai chuyển đổi số tại địa phương vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như tiềm lực của địa phương. Trong đó, vấn đề đầu tiên là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin chưa hoàn thiện. Hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Điều này gây khó khăn trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ và dịch vụ số.

Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực xây dựng, hình thành hạ tầng, nguồn nhân lực đầy đủ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

Các vấn đề về nhận thức và năng lực chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ còn thiếu; chưa có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cụ thể và đủ mạnh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo mật thông tin và khả năng tích hợp, đồng bộ dữ liệu cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

NĐT: Trong thời gian tới, để quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực hơn trên tất cả các lĩnh vực, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch triển khai chính sách như thế nào?

Ông Nguyễn Tuấn Hà: Để quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực hơn trên tất cả các lĩnh vực, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số.

Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào xây dựng hạ tầng số tập trung, thống nhất đảm bảo hạ tầng và an toàn bảo mật để phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số và phát triển mạnh mẽ sàn giao dịch điện tử, đảm bảo kết nối cung cầu, nhất là chuỗi giá trị nông sản, du lịch.

Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tập trung ưu tiên chuyển đổi số 8 lĩnh vực: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và logistics; công nghiệp và năng lượng; tài nguyên và môi trường; du lịch; tài chính và ngân hàng.

Thực hiện: Khánh Ngọc

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |