img

img

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Thượng tướng Võ Văn Tuấn, ông từng là một trong những phi công quân sự xuất sắc nhất của Không quân Việt Nam, lại từng tướng lĩnh cao cấp của quân đội. Nhưng đặt lại vấn đề, tôi đang thắc mắc là tại sao ông lại lựa chọn con đường binh nghiệp, trở thành một người lính, một phi công quân sự? Tôi đoán rằng thời trẻ ông có những sự lựa chọn khác, như việc trở thành một nhà ngoại giao như cha mình chẳng hạn?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Ngay từ bé tôi đã thích những trò chơi quân sự như cờ quân sự hay đánh trận giả....Với tôi cũng như nhiều đứa trẻ thời đó, hình ảnh chú bộ đội là thần tượng, là ước mơ để phấn đấu.

Vào thời điểm năm 1967 tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV có 3 phi công đầu tiên được tuyên dương danh hiệu anh hùng là Trần Hanh, Lâm Văn Lích và Nguyễn Văn Bảy. Bây giờ tôi mới biết nhiều hơn về phi công và cảm thấy hứng thú với câu hỏi: Tại sao con người lại có thể bay được trên trời? Từ cảm giác hiếu kì lạ và cuốn hút, tôi bắt đầu ước mơ trở thành phi công quân sự. Tuy nhiên, càng lớn tôi càng cảm thấy giấc mơ đó quá xa vời vì nghe đồn quá trình tuyển phi công rất nghiêm ngặt với những đòi hỏi rất cao.

Năm 1973 khi tôi tốt nghiệp lớp 10, trước khi thi đại học 5 ngày, tôi có giấy gọi nhập ngũ. Khi nhận được tờ giấy đó, tôi cảm thấy gần như rất an tâm về chuyện thi đại học, vì xác định dù có trượt hay đỗ thì cũng đi bộ đội. Tôi thi và đạt điểm rất cao thậm chí còn đủ điểm để đi nước ngoài. Thế nhưng vì tôi đã có giấy gọi đi bộ đội rồi nên giấy báo đỗ đại học chỉ làm kỷ niệm.

img

Thời điểm tôi vào bộ đội, chiến tranh vẫn đang còn mặc dù Hiệp định Paris đã ký, Mỹ đã rút nhưng Nguỵ vẫn còn. Lúc đó, tôi được biên chế về Sư đoàn 308 Quân Tiên phong mới từ chiến trường Quảng Trị ra Bắc lấy quân để tiếp tục vào Nam. Lúc đang huấn luyện thì có đoàn tuyển phi công quân sự về đơn vị để khám tuyển. Tôi cũng đi khám với tâm thế khám cho biết chứ không hy vọng gì. Thế mà tôi qua vòng 1 rồi về lại Hà Nội khám vòng 2 và cuối cùng được thông báo trúng tuyển. Vừa chủ đích, vừa tình cờ, tôi bắt đầu nghiệp bay từ đấy.

Thực ra, trước khi có giấy gọi đi nhập ngũ, có lần ba tôi từ Paris về họp ở trong nước, tôi có hỏi ba rằng: “Ba ạ, ba nghĩ thế nào nếu như con theo nghề của ba”. Ba tôi có nói rằng: “Nếu như làm nghề ngoại giao mà hết mình trong công việc để có hiệu quả tốt nhất thì rất là vất vả và khó khăn”.

Tôi biết ba không phản đối nếu tôi muốn theo nghề, nhưng ba muốn tôi xác định nếu đi làm ngoại giao thì đó là một nghề rất vất vả, khó khăn, khác hẳn với suy nghĩ ngày trước về nghề ngoại giao là được đi nước ngoài, được ăn sung mặc sướng hay có điều kiện mua xe đạp xịn. Thực tế chứng kiến công việc của ba mình, tôi cũng hiểu điều đó. Tôi chỉ muốn hỏi xem ý ông thế thế nào, chứ tự mình vẫn luôn xác định là sẽ đi bộ đội. Và ông tôn trọng quyết định của tôi dù biết nếu tôi đi bộ đội sẽ rất nguy hiểm, nhưng biết đó là ước mơ từ nhỏ của tôi.

NĐT: Từng ước mơ trở thành phi công rồi lại thôi, đến khi đã trở thành một phi công thực sự có bao giờ ông nghĩ rằng mình sẽ trở thành một trong những phi công xuất sắc nhất của Không quân Việt Nam thậm chí trở thành một vị Tướng hay không?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Tôi lại nhớ đến một câu nói nổi tiếng của danh tướng người Nga Aleksandr Vasilyevich Suvorov: “Sẽ là một người lính tồi, nếu như không ước mơ trở thành tướng”. Tất nhiên, không phải ai cũng thành tướng được, nhưng đó là một động lực để phấn đấu. Tôi không có suy nghĩ phấn đấu làm tướng, nhưng khi làm tốt công việc của mình, cấp trên nhìn nhận đánh giá năng lực để bổ nhiệm vào vị trí cao hơn. Vị trí cao hơn sẽ tương ứng với quân hàm của mình.

img

Còn tôi cũng được mọi người đánh giá là người có năng khiếu bay. Đời bay của tôi trải qua nhiều loại máy bay, tôi học từ máy bay huấn luyện sơ cấp, đến máy bay MiG-21 rồi sau này bay ở đơn vị. Tôi còn được may mắn lái chuyển loại máy bay 3 lần với 3 loại máy bay hiện đại nhất của không quân lúc đó là Su-22M năm 1980 – 1981, Su-22M4 năm 1988, Su-27 năm 1995. Hơn thế, tôi đã được bay máy bay Su-30 ngay ở trong giai đoạn còn ở Viện thiết kế thử nghiệm cùng với các phi công thí nghiệm nổi tiếng của Liên Xô và Liên bang Nga giai đoạn bay chuyển loại Su-27 năm 1995. Đó là một điều may mắn, họ kèm chúng tôi, chuyển loại và truyền đạt cho chúng tôi những kinh nghiệm, thuật bay mà thậm chí không được dạy ở trong trường.

Mỗi người có một năng khiếu, khả năng và cái may mắn riêng, có những người đánh nhau không bị bắn rơi bao giờ, nhưng cũng có những người vừa lên máy bay đã bị bắn rơi, hy sinh. Ở Việt Nam có phi công Nguyễn Văn Bảy bay theo kiểu du kích, tức là đánh theo kiểu “nắm thắt lưng địch mà đánh”, “đánh thật sát”, ông chỉ dùng máy bay MIG-17 mà bắn rơi tới 7 máy bay và trở nên nổi tiếng, không ai trên thế giới có thể làm như vậy. Thế nên nghệ thuật quân sự cũng có phần của sự may mắn.

Vậy nên, tôi không bao giờ dám nhận là người bay giỏi nhất mà chỉ có thể nói là một người bay giỏi và có cái duyên với nghiệp bay. Chứ nghiệp bay của tôi cũng rất nhiều lần mà cái chết đã cận kề (cười).

img

img

NĐT: Nhiều lần suýt chết nhưng đâu là lần mà cái chết gần với ông nhất?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Vào năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đến thăm Trung đoàn Không Quân 937. Khi đó tôi đã là Trung đoàn trưởng và được giao nhiệm vụ bay biểu diễn cho Thủ tướng xem. Khi thực hiện thao tác bay nhào lộn phức tạp, lúc lao máy bay xuống sát mặt đất trước khi bay vọt lên, tôi đã gần như đâm xuống đất nhưng rất may mắn tôi đã kịp xử lý để có một màn trình diễn tốt. Nhớ lại thời điểm đó tôi vẫn còn sởn hết gai ốc.

Mặc dù Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đoàn không phát hiện ra sự cố nhưng một số lãnh đạo Quân chủng như bác Phạm Thanh Ngân (bấy giờ Tư lệnh Quân chủng Không quân) biết ngay ‘cái thóp” của tôi. Bác Ngân chỉ tay và cười nói với Thủ tướng: “Thưa Thủ tướng, đây rõ đúng là phi công Việt Nam bay chứ không phải phi công nước ngoài bay mà giỏi thế đấy ạ” Nhưng rồi sau đó ông nghiêm nghị quay lại nhìn tôi và nói nhỏ: “Lần sau không cho bay nữa đâu nhé!”, ông hiểu sự nguy hiểm của tình huống vừa xảy ra.

img

NĐT: Đó là chuyến “suýt chết” thế còn chuyến bay đáng nhớ, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong nghiệp bay của ông?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Có lẽ đó là chuyến bay ra Trường Sa vào Tết năm 1990, khi tôi làm phi đội trưởng bay với một đồng chí khác cũng tên là Tuấn. Đây là chuyến bay đầu tiên liên lạc được bằng Vô tuyến điện với các chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Nói đúng ra chuyến bay đầu tiên của Không quân chiến đấu là từ tháng 3/1988 đã bay rồi, sau đó thì cũng có thêm nhiều chuyến bay nữa. Tuy nhiên, tất cả các chuyến bay đó chỉ là làm nhiệm vụ tuần tra, chỉ bay qua đảo chứ không liên lạc được với các chiến sĩ trên đảo vì trước đó chưa được trang bị máy đối không, chưa có sĩ quan không quân trực ngoài đó.

Còn vào thời điểm tôi bay, thì đã có sĩ quan không quân trực tác chiến ngoài đó và có máy Vô tuyến điện để liên lạc với máy bay. Chuyến bay này gần tết, ý định của cấp trên là liên lạc để thay mặt anh em trong đất liền chúc tết bộ đội ngoài Trường Sa, vì thời điểm đó bộ đội ngoài Trường Sa khổ lắm, rất khổ. Không có liên lạc, không có đầy đủ như bây giờ.

img

Khi bay ra, tôi bay số 1, Kim Tuấn bay số 2, thời tiết bay ra Trường Sa hôm đó không tốt, nhiều mây mù. Chúng tôi phải cố gắng lắm mới để không mất đội hình. Lúc gần tới đảo, chúng tôi gặp một đám mây tích điện lớn phía trước, lấy độ cao vượt trên 10.000m mà vẫn chưa qua đỉnh mây. Sau khi lách qua đám mây tích điện và từ từ hạ độ cao, chúng tôi nhìn thấy đảo Trường Sa Lớn mờ mờ hiện lên phía trước. Lúc đó, không kìm nổi cảm xúc, Kim Tuấn reo lên "Trường Sa đây rồi!". Đến đảo, tôi cho máy bay thông trường ở độ cao 50 mét qua đảo, vì bất ngờ nên các chiến sĩ trên đảo không kịp ra chào đón. Lần thông trường thứ 2 tôi bay ở độ cao 30 mét, tôi và Kim Tuấn bất ngờ vì thấy hàng chục chiến sĩ cởi trần, mang xoong nồi, chậu, đứng nhún nhảy, reo hò phía dưới như thổ dân.

Trong giây phúc hạnh phúc, chúng tôi nghe tiếng đồng chí Bình – Sỹ quan tác chiến không quân trực trên đảo vang lên "Hải âu gọi Phượng hoàng, nghe rõ trả lời. Chúng tôi, những người canh giữ Trường Sa xin chào các anh!". Trong đối không, tôi thay mặt anh em ở đất liền gửi lời hỏi thăm, lời chúc tết tới các chiến sĩ. Chuyến bay đó thực sự đã tạo ra một hiệu ứng rất lớn, vì hồi đó không như bây giờ, để có thể liên lạc được được như vậy là một thành công lớn.

Ngoài ra trong đời bay của tôi còn nhiều chuyến bay đáng nhớ khác như chuyến bay đơn đầu tiên trong đời, chuyến bay đầu tiên sau khi tốt nghiệp tôi về nước bay trên đất mẹ, trên đầu trời Tổ quốc, chuyến bay cuối cùng giã từ bầu trời sau 27 năm gắn bó.

img

img

NĐT: Thế hệ cha ông (cố Đại sứ Võ Văn Sung) là những người đi tìm kiếm hòa bình cho đất nước, còn ông là một vị Tướng thời bình. Tôi nghĩ đó là một sự tiếp nối tuyệt vời. Liệu có phải không thưa ông và sự tiếp nối đó là gì?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Tôi luôn suy nghĩ là mình được hưởng thành quả của những thế hệ đi trước trong đó có cả cha tôi. Trong lửa đạn chiến tranh họ đã phải chiến đấu và chiến thắng để giành được hòa bình. Được thừa hưởng được điều đó nên tôi càng phải có trách nhiệm. Sự nghiệp mà tôi theo đuổi những năm qua, chính là tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước, bảo vệ những gì họ đã đem lại cho đất nước. Đó là độc lập tự do, là toàn vẹn lãnh thổ, là lợi ích quốc gia dân tộc, là hòa bình.

Họ đã đánh thắng rồi, nhân dân ta đã hy sinh xương máu rồi, bây giờ làm sao để đừng phải đánh nữa mà vẫn giữ được thành quả của cha ông, để công sức họ không đổ xuống sông, xuống biển. Thế hệ cha tôi đã vượt lên trên chiến tranh đi tìm lấy hòa bình thì chúng tôi không gì khác – phải bảo vệ nền hòa bình của đất nước.

img

NĐT: Ông từng chia sẻ hình ảnh của cha ảnh hưởng rất nhiều đến đời mình. Vậy, trong việc làm một vị Tướng nhất là khi đảm nhiệm Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách đối ngoại, ông có học được điều gì từ cha mình – một nhà ngoại giao lão luyện và dày dặn kinh nghiệm?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Ba tôi là một người rất lạc quan. Ông hay dạy tôi rằng trong xử lý giải quyết công việc luôn luôn nhớ một điều là biết biến đại sự thành trung sự, biến trung sự thành tiểu sự và biến tiểu sự thành vô sự. Tức là những việc khó hãy cứ chẻ nhỏ ra, giản đơn hoá đi thì chúng ta có thể làm được tất cả mọi thứ. Từ đó tôi cũng học được một điều rằng đừng bao giờ nhìn thấy nhiều việc phức tạp rồi sợ sệt. Bởi trong cuộc sống, công việc trong xã hội hay như quân đội cũng vậy cả, bao giờ những điều phức tạp cũng bao gồm việc nhỏ gom lại, chứ không bao giờ có một việc gì tự nhiên phức tạp.

Tôi học được từ ba cách xử lý công việc dẫn tới mọi thứ tôi đều cảm thấy mình có thể giải quyết được. Tôi cũng không thấy bận rộn khi làm việc kể cả lúc còn đương chức bởi luôn tin tưởng phân công cho cấp dưới làm. Khi được tin tưởng thì họ sẽ có trách nhiệm để hoàn thành việc được giao. Còn nếu không tin, họ cũng sẽ không làm mà tự chúng ta phải ôm đồm lấy. Vậy nên, có thể nói là những việc được giao tôi đều làm rất tốt.

img

Một bài học nữa khi giải quyết công việc, ba tôi có dạy phải luôn nhớ lời Bác Hồ là “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức là nhiều cách giải quyết miễn sao có thể đạt được mục đích cuối cùng. Ví dụ như khi tôi đi đàm phán mua máy bay thời điểm còn đang ở quân chủng, tất nhiên không thể bằng cách phải luồn cúi hay tiêu cực, nhưng để đạt mục đích cuối cùng, mình sẽ có nhiều cách thức khác nhau. Nhiều vấn đề trên bàn đàm phán không giải quyết được nhưng trên bàn tiệc hay bên cốc cà phê lại thông suốt.

Tôi cũng học ở ba mình về sự chân thành. Trong cuộc sống hay công việc điều đầu tiên là chúng ta phải rất chân thành, chân thành trong tất cả các mối quan hệ đặc biệt là quan hệ đối ngoại.

img

NĐT: Mỗi công việc đều có cái lý của nó. Là một vị Tướng, một vị Tướng thời bình, triết lý làm Tướng hay nói cách khác là đạo làm Tướng của ông là gì?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Tôi chẳng nghĩ gì đến đạo lý cao xa, chỉ nghĩ là làm thế nào để xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và người dân giao cho mình, xứng đáng với quân hàm Thượng tướng mà tôi được trao và xứng đáng với danh xưng là tướng. Ở vị trí nào dù góc độ nhiệm vụ, thời điểm có khác nhau, lúc đang còn đi làm hay khi đã về hưu, tôi luôn dặn mình phải giữ gìn cho xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.

NĐT: Là một người lính, một vị Tướng, ông sợ nhất điều gì? Tất nhiên tôi không mảy may nghi ngờ về lòng dũng cảm và kiên trung của một người lính…

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Điều một vị tướng sợ nhất là nhân dân, đồng chí không coi mình là tướng nữa. Nếu một vị tướng bị tha hóa, biến chất, không xứng đáng thì đó là điều sợ nhất. Mọi người nhìn vào và gọi mỉa mai là “thằng tướng”. Vậy nên một vị tướng phải sống đúng với con người thật của mình, sống hết mình và sống xứng đáng với chức vụ cấp bậc mà nhân dân, quân đội giao cho chúng ta. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm chứ không chỉ là vinh dự, niềm tự hào của bản thân, gia tộc, dòng họ.

img

NĐT: Thưa ông, giữa làm Tướng quân đội thời chiến và làm Tướng quân đội thời bình, ông nghĩ Tướng thời nào khó hơn?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Khó khăn của một vị tướng thời chiến là việc vũ khí trang bị, khí tài của quân đội đều yếu hơn rất nhiều so với các kẻ thù mạnh và các vị tướng ấy phải chiến đấu trong điều kiện lấy yếu địch mạnh, lấy ít địch nhiều, trăn trở phải làm thế nào để đánh thắng được. Vị tướng phải chịu áp lực trong việc lựa chọn chiến thuật, thời cơ, thời điểm mà đôi khi sai lầm phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.

Làm tướng thời bình nghe có vẻ nhàn hạ và thảnh thơi hơn nhưng “giành chính quyền đã khó giữ chính quyền còn khó hơn”. Làm Tướng thời bình có cái khó của Tướng thời bình. Giờ đây, chúng ta đã có được độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình, tuy nhiên luôn có không ít “con mắt” vẫn đang dòm ngó. Trong điều kiện hiện nay với thế giới phẳng, luôn tiềm ẩn những nguy cơ có thể nổ ra xung đột về tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp lợi ích…và biết bao vấn đề mang tính thời đại. Và nhiệm vụ của tướng thời bình là góp phần vừa giữ vững an ninh vừa tạo điều kiện cho phát triển và khẳng định vị thế của đất nước. Đó là cái khó của tướng thời bình.

Mỗi thời lại có cái khó riêng, để so sánh xem thời nào khó hơn thì rất khập khiễng nhưng suy cho cùng cũng xoay quanh chiến tranh – hòa bình. Cái khó của tướng thời chiến là tìm kiếm hòa bình từ chiến tranh còn cái khó tướng thời bình là ngăn chiến tranh, giữ lấy hòa bình.

img

img

NĐT: Thưa ông, nếu ông không giận, xin hỏi ông một câu thế này, có nhiều ý kiến thậm chí xuất phát từ nhiều tướng lĩnh quân đội đã về hưu cho rằng tướng thời bình “nhát” hơn, ‘sợ đánh” hơn tướng thời chiến. Ông nghĩ gì về điều đó?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Nói chính ra họ bảo tướng thời bình sợ chết, nhưng nói cho cùng cái chết ai mà không sợ, vấn đề là chết như thế nào cho xứng đáng. Không ai muốn xảy ra chiến tranh nhưng khi có chiến tranh thì chúng ta không thể sợ sệt hay chỉ lăm lăm theo đuổi “chủ nghĩa anh hùng” mà chọn lấy cái chết. Điều cần là tìm mọi cách để giành lại hòa bình.

Với tư cách là một tướng thời bình, điều mà tôi luôn mong muốn nhất là có thể gìn giữ được hòa bình. Tôi và tướng Nguyễn Chí Vịnh hay nói với nhau rằng: “Chúng ta mua sắm vũ khí, huấn luyện cho quân giỏi không phải là để đánh nhau mà là nhằm không xảy ra chiến tranh.” Hiện tại, nước ta mua sắm, trang bị máy bay, tàu ngầm, tên lửa hiện đại…để đối phương họ dè chừng mình, để chúng ta không bị “bắt nạt”, để các quốc gia thấy được rằng chiến tranh chỉ thiệt cho đôi bên. Chúng ta cần hòa bình, không muốn chiến tranh, không để chiến tranh xảy ra nhưng cũng không sợ chiến tranh.

img

Tôi nhớ thời điểm có những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, nhiều người nói tại sao quân đội không can thiệp, không sử dụng vũ lực? Nhưng đánh cũng không để làm gì, không đạt mục đích gì? Phải nói thẳng như thế. Khi bị đối phương xâm phạm chủ quyền mà chúng ta sử dụng vũ lực ngay thì quá dễ. Nhưng, sau đó sẽ là cái gì? Những nguy cơ nào có thể xảy ra? Do đó chúng ta phải hết sức bình tĩnh và tỉnh táo. Phải thấy rõ chúng ta bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nhưng còn phải bảo vệ hòa bình để xây dựng Tổ quốc nữa. Anh bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ nhưng lại đưa đất nước vào chiến tranh thì coi như cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Về sau, trong một buổi ăn cơm với các lãnh đạo đã nghỉ hưu, tôi có được các ông hỏi về quan điểm, trách nhiệm xử lý của quân đội đối với những sự kiện “nóng”. Sau 1 phút suy nghĩ, tôi có trả lời rằng: “Với những sự kiện như vậy, quân đội luôn phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. Thế rồi, các cụ mới cười bảo: “Đồng chí nói thế là chúng tôi yên tâm rồi.”

NĐT: Phải nói rằng trong thời gian ông là Phó Tổng tham mưu trưởng có những sự kiện “nóng” như thế mà đôi khi người ta còn phải “nín thở” để chờ xem. Nhưng rồi ngoài “trái tim nóng, cái đầu lạnh” như ông vừa nói, còn có điều gì đã giữ cho hòa bình có thể đi qua những biến động như thế?

img

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Tôi còn nhớ vào khoảng 6/2013 khi tôi tham gia đoàn Chủ tịch nước thăm Trung Quốc, tôi cùng một Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc ký một biên bản về hợp tác biên giới giữa 2 nước. Trong buổi chiêu đãi đoàn, vị Phó Tổng Tham mưu trưởng này có cụng ly với tôi và nói rất chân tình: “Đồng chí Tuấn, tôi với đồng chí sẽ không bao giờ để xảy ra chiến tranh. Vì chúng ta đã hiểu nhau và nếu chúng ta có gặp nhau ở biên giới thì cũng chỉ để uống rượu với nhau mà thôi”. Đúng thật vậy, khi ký được một thỏa thuận biên giới rất kín kẽ, chặt chẽ, đều có lợi để xây dựng biên giới hòa bình, thì chúng tôi nghĩ sẽ có thể đảm bảo được hòa bình và không để xảy ra chiến tranh. Tôi nghĩ vị Phó Tổng Tham mưu trưởng ấy nói thật lòng.

Nhìn lại giai đoạn đó kể cả những lúc căng thẳng nhất, tôi thấy không dễ xảy ra chiến tranh, vì tại thời điểm đó, giai đoạn đó với những cá nhân như vậy không thể nào xảy ra được chiến tranh. Chúng ta tỉnh táo và luôn cảnh giác nhưng cũng hiểu rằng nếu càng có nhiều cá nhân thiện chí như vậy thì khả năng chiến tranh giữa các quốc gia sẽ càng thấp. Bởi nhiều khi nguyên nhân nổ ra một cuộc chiến chỉ đơn giản là lãnh đạo của hai quốc gia đó không ưa nhau chứ không phải là tất cả.

img

Tất nhiên phải khẳng định tại thời điểm đó, trong lãnh đạo quân đội cấp cao và toàn thể lực lượng quân đội luôn xác định có thể xảy ra những tình huống xấu nhất, tức là nổ ra một cuộc chiến. Chúng tôi luôn xác định những tình huống xấu nhất, căn cứ vào tính toán từ trước đó là trong giai đoạn 10 năm tới sẽ xảy ra tình huống nào với đối với nước A, B, C từ đó phân tích, đưa ra các tình huống 1, 2, 3 cho đến tình huống xấu nhất và cách xử trí. Quân đội không bao giờ bị động.

NĐT: Trong cuộc đời binh nghiệp 45 năm của mình, điều gì khiến ông trăn trở nhất?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Tôi nghĩ có những người đồng đội giỏi hơn tôi, có trình độ, năng lực hơn tôi nhưng họ không có điều kiện phát triển như tôi. Mặc dù hoà bình đã nhiều năm nhưng đời sống của nhiều gia đình cựu chiến binh còn chưa được đủ đầy, gặp nhiều khó khăn. Tôi rất trăn trở về việc làm sao để cuộc sống của những người lính, của những người cựu chiến binh được tốt hơn, đầy đủ hơn.

img

NĐT: Thế còn với thế hệ sau, có điều gì khiến ông phải suy nghĩ?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn Thực tế có những người đi trước vẫn lo lắng thế hệ trẻ ngày nay như thế này, như thế kia. Nhưng đó là câu chuyện muôn thuở, 2000 năm trước người ta đã nói thế, 1000 năm trước người ta cũng nói thế, 100 năm trước người ta vẫn nói thế, cho đến bây giờ và sau này có lẽ vẫn vậy. Nhưng lịch sử vẫn tiếp diễn và đi lên đó thôi.

Tôi và thế hệ của tôi cũng từng rất trẻ nhưng chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao được giao phó. Vì vậy không lý do gì mà chúng ta không tin tưởng vào thế hệ trẻ ngày nay và những điều mà họ có thể làm được.

Không bao giờ được coi thường thế hệ trẻ, bởi thế hệ trẻ hiện nay rất giỏi và có thể làm được nhiều việc. Thế hệ trẻ bao giờ cũng hơn thế hệ đi trước bởi vì đó là thế hệ được tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm. Vậy nên tôi không bao giờ trăn trở về thế hệ trẻ, các cháu bây giờ giỏi lắm. Tôi tin rằng lớp trẻ sau này hoàn toàn có đủ tài năng, trí tuệ và sự hiểu biết để gìn giữ hoà bình, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

NĐT: Xin chân thành cảm ơn Thượng tướng Võ Văn Tuấn vì cuộc trò chuyện. Nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, xin kính chúc ông nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

img

NGUOIDUATIN.VN |