Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, trên khắp các ngả phố phường rộn rã cờ hoa. Những dòng người hối hả hòa cùng nhịp đập của mùa xuân cận kề. Đâu đó, vẫn có những người âm thầm với công việc của mình để bảo vệ sự bình yên của người dân, của Tổ quốc.

Tìm đến đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội, PV báo ĐS&PL bắt gặp những người lính PCCC vẫn tất bật với công việc thường nhật, miệt mài kiểm tra các phương tiện cứu hộ, sẵn sàng tác chiến khi tiếng còi báo động vang lên.

Tiếp chúng tôi, Thượng úy Dương Minh Hoàng, Phó đội trưởng đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Đống Đa cho biết: “Làm lính cứu hỏa thì luôn trong tinh thần sẵn sàng lên dây cót. Đã là lính cứu hỏa thì việc dập tắt đám cháy, cứu nạn cứu hộ luôn được đặt lên hàng đầu”.


Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Thượng úy Hoàng cũng cho biết, dịp Tết cũng là khoảng thời gian cao điểm và căng thẳng nhất đối với lực lượng cảnh sát PCCC, bởi thời điểm này hoạt động thắp hương, đốt vàng mã khiến cho nguy cơ cháy nổ tăng cao.

Thượng úy Hoàng vào nghề từ năm 2007. Trước đây, anh công tác tại phòng Cảnh sát PCCC của thành phố. Sau khi sáp nhập, anh được phân công về công tác tại đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Đống Đa từ năm 2018 với cương vị Phó đội trưởng.

Từ đó đến nay, anh cũng như bao chiến sĩ khác, không thể đếm nổi số vụ cháy đã từng tham gia tác nghiệp. Những lần chữa cháy, quân số trong đội không thiếu một ai, đều lần lượt trải qua sự bỏng rát, hơi cay và những lúc mệt nhoài.

Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Anh nói với chúng tôi rằng, tại quận Đống Đa, số lượng các vụ cháy gần như đứng tốp đầu. Tính theo bán kính tham gia các vụ cháy thì quận Đống Đa gần như là quận dễ tiếp cận vụ cháy nhất.

“Ngay cả vụ cháy khủng khiếp tại công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, lực lượng đội PCCC Công an quận Đống Đa cũng đã có mặt ngay tại thời điểm ngọn lửa bùng phát để chi viện cho các đội PCCC khác. Trọn 24 giờ, toàn bộ anh em cố gắng để ngọn lửa không bị cháy lan rộng, sau chiến đâu, ai cũng mệt nhoài”, anh Hoàng chia sẻ.

Anh Hoàng chia sẻ, anh như bao lính cứu hỏa khác tại đội, chỉ huy hay cán bộ chiến sĩ đều sẵn sàng lao vào dập cháy bất kể nguy hiểm ra sao. Anh tâm sự, anh em ở đội không bao giờ quên được đám cháy xảy ra tại số 5 ngõ 12, Núi Trúc (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) ngày 10/9/2019.


Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

“Hôm đó, các đồng nghiệp của tôi thực sự đã có những hình ảnh thật đẹp, xúc động. Người cùng tên với tôi là Trung úy Vũ Ngọc Hoàng đã đưa nạn nhân mắc kẹt từ tầng 4 xuống mặt đất an toàn.

Vụ cháy đó là sự phối hợp ăn ý và chúng tôi cũng cảm thấy được nhiều người dân yêu quý bởi rất nhiều hình ảnh đẹp sau vụ cháy được chia sẻ trên mạng xã hội”, anh Hoàng nói.

Vụ cháy dù không thuộc địa phận của quận Đống Đa, nhưng từ phía đơn vị nhìn ra đám cháy rất rõ, khói đã đen kịt trên bầu trời, hơn nữa đội di chuyển ra điểm cháy cũng dễ dàng.

Khi đó, vào 10h15 sáng 10/9, đội nhận lệnh, xuất 2 xe cứu hỏa cùng 1 xe chỉ huy tức tốc đến hiện trường. Đến nơi, căn nhà 5 tầng trong ngõ 12, Núi Trúc nghi ngút khói lửa, người dân la hét hoảng sợ, tầng 1 của ngôi nhà số 8 gần như bị ngọn lửa bao vây. Trên tầng 4, một thanh niên 17 tuổi bị mắc kẹt, ngất lịm, không thể cất lời kêu cứu.


Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Thông tin có người mắc kẹt được phát đi, nhưng không ai biết chính xác nạn nhân nằm tại tầng bao nhiêu. Trên tầng 2, đồ đạc gần như che kín cửa, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Bốn người khác đã kịp thời thoát thân theo cầu thang bộ, trèo sang nhà bên cạnh và tiếp đất an toàn.

Từ tầng 4, một đồng chí cố gắng nói vọng xuống: “Vẫn còn nạn nhân mắc kẹt”. Theo quán tính, lúc đó, Trung úy Vũ Ngọc Hoàng chạy thật nhanh, mặc cho trên người không có bất cứ đồ bảo hộ nào. Và cậu thanh niên chừng 17 tuổi được đưa xuống đất an toàn. Sau hôm đó, hình ảnh người lính cứu hỏa mặt đen nhẻm, mồ hôi ướt đẫm được truyền đi với thông điệp “tình người trong đám cháy”.

Có thể thấy rằng, đội PCCC&CNCH Công an quận Đống Đa chính là ngôi nhà thứ 2 không chỉ của Thượng úy Dương Minh Hoàng hay Trung úy Vũ Ngọc Hoàng mà là của tất cả các chiến sĩ ở đội, bởi lẽ, thời gian các anh ở đây còn nhiều hơn ở nhà.

Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Các anh bảo, gia đình vợ từng không hài lòng, vì anh em PCCC đều sẽ phải trực 100% quân số, nhất là những ngày Tết nhưng rồi, người thân trong gia đình cũng thấu hiểu cho nhau.

Cùng chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ khi chữa cháy, Thiếu úy Nguyễn Quốc Gia, cán bộ đội Cảnh sát PCCC&CNCH tâm sự, việc chữa cháy những ngày đầu năm mới chính là những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Đã từng có lần đơn vị của các anh phải chữa cháy vào mùng Một Tết.

Trong những lúc khói lửa mịt mù, chẳng còn ai bận tâm đang là ngày Tết. Trước mặt chỉ có mục tiêu duy nhất đó là bằng mọi cách diệt “bà hỏa” càng sớm càng tốt để tránh gây thiệt hại về người và tài sản.


Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

“Năm 2017 là năm đầu tiên tôi cùng đồng đội đón trọn một cái Tết tại đơn vị, sau khi nhận lời chúc của lãnh đạo, ban chỉ huy Công an quận từ lúc 21h, tôi cùng đồng đội lên đường ứng trực tại điểm bắn pháo hoa hồ Hoàng Cầu. Đến hơn 2h sáng mùng Một Tết, chúng tôi về đến đơn vị và cùng đón Tết với anh em trong đội bằng “điển tích” nổ máy và kéo còi xông đất đầu năm mới.

Tuy nhiên, đúng như với tâm thế lính cứu hỏa, ngay trong chiều mùng Một Tết, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu tập thể C3 Trung Tự. Sau 5 phút tới hiện trường, hàng chục chiến sĩ Cảnh sát PCCC quận Đống Đa đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân tổ chức dập tắt đám cháy.

Khi đám cháy được khống chế, trở về đơn vị mặt ai cũng lấm lem, bụi bẩn. Nghĩ lại mới thấy, đầu năm mới mà mặt mày ai cũng đã lấm lem”, Thiếu úy Nguyễn Quốc Gia nhớ lại.


Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Ở đơn vị, các anh được đánh giá là “thiện chiến” trong công tác. Các anh chưa từng nghĩ sẽ nuối tiếc nếu chẳng may phải đánh đổi tuổi xuân hay tính mạng để giành lấy sự yên bình cho nhân dân.

Bất cứ lính cứu hỏa nào, một khi đã dấn thân vào ngọn lửa đều chỉ có một tâm niệm duy nhất đó là hoàn thành tốt nhiệm vụ và đảm bảo an toàn, tính mạng cho chính mình và người dân. Bởi lẽ, các anh luôn tự hào khi khoác lên mình màu áo của người lính cứu hỏa.


Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Mỗi người, mỗi nghề có một cách chào mừng mùa xuân khác nhau. Với lính cứu hỏa cũng vậy, họ có một cách rất độc đáo mà không phải ai cũng biết. Trước thời điểm Giao thừa, bao giờ những chiếc xe cứu hỏa cũng được rửa thật sạch sẽ, các dụng cụ ngoài việc làm sạch còn được kiểm tra tính sẵn sàng khi tác chiến.

“Đêm 30 Tết, 50% quân số đội PCCC quận Đống Đa có nhiệm vụ túc trực tại điểm bắn pháo hoa tại hồ Hoàng Cầu, đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết. Sau nhiệm vụ, thường 1h các anh em sẽ lên xe rút về đơn vị để ăn Tết.

Lúc này, ngoài việc cùng nhau đón Tết trên xe cứu hỏa trên đường trở về đơn vị thì mọi người cũng đã sẵn sàng để xông đất đầu năm mới. Tại đơn vị đã có tất cả các anh em còn lại của đội chờ đón dưới sân để chờ anh em về xông đất.


Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Tới thời khắc thiêng liêng của đất trời, xe nổ máy và kéo còi thật lâu để chúc mừng năm mới, đón Giao thừa. Anh Hoàng bảo, đây là “luật bất thành văn” học được từ những người đi trước. Vậy là toàn đội đón Giao thừa cùng nhau như vậy”, anh Hoàng ngậm ngùi kể lại.

Tiếng còi hú chính là báo hiệu mùa xuân của lính cứu hỏa, nó cũng thể hiện cho việc họ luôn sẵn sàng chiến đấu, cho dù ở bất kỳ thời điểm nào, điều kiện gian khổ nào cũng gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với đó, tiếng còi cũng giục giã anh em trong đơn vị đoàn kết, xua đi cảm giác thanh vắng, nhớ nhà, người thân...

Cũng theo lời Thượng úy Dương Minh Hoàng, vào những ngày Tết cổ truyền, lính cứu hỏa thường tổ chức cái Tết đầm ấm cho anh em và mọi thứ chẳng khác nào ở nhà. Ở đơn vị, gần 100% là nam giới nên sẽ không có ai để “nhờ vả” việc bếp núc, đặc biệt vào ngày Tết, nên anh em thường bảo nhau rằng “đã vào lính thì việc nhà phải biết hết”.

Thế là, người đi trước truyền lại cho người đi sau, từ việc dọn dẹp gọn gàng cho đến nấu cơm sao cho ngon, quét nhà sao cho sạch. Trong ngày Tết, do “chị nuôi” không có mặt, các cán bộ, chiến sĩ sẽ cùng nhau xuống bếp, tự phân công việc để cùng làm cơm đón xuân.


Tiếng còi ủ đêm Giao thừa của những người lính cứu hỏa

Những bàn tay vốn quen với việc nặng lại bắt đầu “trổ tài” làm đủ thứ món truyền thống. Cùng với ẩm thực, các hoạt động vui chơi như giao lưu văn nghệ cũng được tổ chức, giúp các cán bộ, chiến sĩ được đón Tết vui tươi, đầm ấm như ở nhà.

Những câu chuyện của các anh càng khiến người ta hiểu sâu hơn về những hy sinh thầm lặng mà mỗi người lính phòng cháy chữa cháy đang đối mặt và nếm trải.

Trong thời khắc thiêng liêng của ngày đầu năm mới, các anh đã phải nhận nhiệm vụ khó khăn, vất vả và không kém phần hiểm nguy. Thế nhưng không một ai nao núng tinh thần, tất cả nhận lệnh như bản năng của nghề nghiệp. Đó chính là “có lệnh là lên đường”.

Có lẽ, cái Tết đoàn viên không chỉ là bên gia đình, mà còn là ở bên những người đồng đội đã sát cánh, cùng nhau xông pha trong những trận chiến dẹp “giặc lửa” cứu người. Đó là một tình cảm thiêng liêng và đáng trân quý biết bao.