Bài phỏng vấn như một lát cắt mỏng chạy dọc cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Câu chuyện bắt đầu bằng chuyện viết văn (hẳn nhiên) và sẽ lần lượt đưa bạn đọc ngược về quá khứ khi Thiều còn là một cậu bé 5 tuổi suýt bị bắt cóc. Một người cha sau 4 năm du học về nhà được con trai gọi bằng “chú" và giờ là một người ông si mê cháu - đồng thời là chủ tịch một hội văn nghệ danh giá hàng đầu đất nước. Không chỉ dừng lại ở hiện tại, ông còn nói chuyện tương lai. Những được - mất trong cuộc đời ông gói trong cuộc nói chuyện dài 1 tiếng 30 phút vào một ngày cuối năm. Tất cả được ghi chép lại tại đây. Một bài viết rất dài.
Có riêng cho mình một “kho tác phẩm” đồ sộ, Nguyễn Quang Thiều là một văn nhân đa tài. Ông “ôm” trong con người hạn hữu khối lượng công việc vô hạn. Ông là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam, ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, nhà hội họa, xúc tiến văn hóa và tham gia vào lĩnh vực báo chí… Ở đâu có Nguyễn Quang Thiều, ở đó có niềm say mê đến tột cùng. Người Đưa Tin xin giới thiệu một lát cắt nhỏ - nghiệp văn chương, đời người và những chuyến đi… góp phần tạo nên cốt cách Nguyễn Quang Thiều.
NĐT:V: Xin ông cho biết nghiệp văn chương của ông đến từ khi nào và ai là người có ảnh hưởng lớn nhất?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Bà nội là nhà văn đầu tiên trong cuộc đời tôi. Mặc dù đó là một người nông dân không biết chữ. Bởi những năm tháng xa xưa, làng quê hầu như không có sách, bọn trẻ như tôi biết duy nhất quyển sách tập đọc. Trong những năm tháng không có điện và đèn dầu lại rất hiếm, chỉ có đèn hạt đỗ để ánh sáng leo lét trong nhà, tôi hay ngủ với bà. Bà kể những câu chuyện bà biết. Chuyện trong làng, trong họ, chuyện làng khác,... những câu chuyện ám ảnh, bí ẩn, huyền thoại, mà sau này tôi đã đưa vào sách. Những câu chuyện của bà dụ mình vào thế giới rất khác. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với văn chương, một thế giới văn chương của lời kể. Trong một bài thơ tôi đã viết: “Giờ vẫn nghe rì rầm/ Lời kể chốn thôn quê buổi tối".
Rồi một sự kiện khác, năm 1964 khi tôi 7 tuổi, chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ leo thang ở miền Bắc, các trường đại học phải sơ tán. Trẻ em Hà Nội là con em cán bộ về quê sơ tán rất nhiều, chúng mang theo một thứ vô cùng kỳ diệu. Đó là sách. Khi họ đi ngủ thì chúng tôi trộm sách để đọc. Những quyển sách đó ra một thế giới khác lạ, một thế giới chưa bao giờ mình biết đến và được kể bằng chữ viết.
Những lời kể của bà và những cuốn sách của những đứa trẻ Hà Nội đã dựng lên thế giới mà mình muốn theo đuổi mãi. Đó là hai thứ dẫn tôi vào thế giới văn chương. Sau này lớn hơn một chút, tôi đã nghĩ rằng tại sao mình không trở thành nhà văn và viết lên những cuốn sách như thế? Nhưng suy nghĩ đó dần mất đi khi tôi tiếp tục học. Mãi sau này tôi mới bắt đầu sự nghiệp viết ở tuổi 24-25, rất chậm so với các nhà văn khác.
NĐT: Tại sao ông lại quay lại giấc mơ viết lách vào tuổi 25? Có phải vì đàn anh trong nghề dẫn lối?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Khi đi học, ôn thi, tôi không chú tâm viết nhưng vẫn có thói quen viết thơ vào sổ tay và đọc cho bạn bè nghe. Bạn bè chép lại và một vài người bạn già dặn hơn đã âm thầm gửi thơ của tôi cho tòa soạn báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Và tôi được in bài thơ đầu tiên trên báo. Đó là bài “Tiếng vọng” nói về con chim chết trong một đêm bão. Cũng chính bài thơ đầu tiên này được chọn vào sách giáo khoa cho học sinh lớp 7.
Khi tôi có nhiều thời gian hơn để viết thì có một nhà thơ gặp tôi. Ông ít xuất hiện nhưng đam mê thơ ca vô cùng. Ông có thể dạy tôi về kỹ thuật làm thơ và cuốn tôi vào đam mê đó. Đó là nhà thơ Nguyễn Tấn Việt. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông từng là phiên dịch của nhà máy giấy Bãi Bằng của Thụy Điển. Những năm tháng đó làm phiên dịch rất khá, có thể nuôi được cả gia đình nhưng với đam mê thơ ca, ông đã bỏ tất cả để làm biên tập thơ ở một tạp chí địa phương. Vì thế mà cuộc sống nghèo khổ, nuôi các con rất vất vả.
Một ngày ông đến tìm tôi vì tôi có gửi thơ đến tạp chí đó. Ông gặp tôi và nói: “Tôi đến tìm bạn vì tôi phát hiện bạn là một thi sĩ. Trong bạn chứa đựng quá nhiều hình ảnh của thi ca! Và tôi nghĩ rằng tôi phải nói với bạn điều đó. Bạn phải biết và không bao giờ được dừng lại!". Rồi ông nói với tôi cả buổi. Ngay buổi gặp đầu tiên đó mà ông không còn ý tứ, ông đứng cả lên ghế để nói say đắm về thơ ca.
Sau này tôi gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông tổ chức một buổi gặp gỡ với những người cầm bút trẻ. Ông mời 5 người bọn tôi đến và hỏi từng người làm nghề gì. Thực ra ông đã biết nhưng vẫn hỏi và khi từng người trả lời ông, ông khuyên nên tiếp tục nghề của mình. Rồi ông nói: “Còn một người ở lại làm thơ. Đó là Nguyễn Quang Thiều”. Ông nhận thấy rằng tôi sẽ trở thành nhà thơ. Khi bài thơ đầu tiên tôi đưa cho ông đọc, ông nhận xét ảnh hưởng của người này, ảnh hưởng của người kia, chỗ này vụng, chỗ này dại... Và ông khuyên: “Nguyễn Quang Thiều ở lại làm thơ! Tôi nhận thấy phẩm chất thi sĩ Nguyễn Quang Thiều”.
Như thế là có hai người dẫn tôi đi trong cuộc đời thực. Còn sau này lớn lên thì có những người bảo thơ của tôi là cách tân. Thực tế là tôi không định làm như thế, đó là giọng nói của tôi. Giọng của tôi có hai ảnh hưởng của nước ngoài. Đó là phần dịch nghĩa của thơ Đường. Tôi rất thích phần dịch nghĩa của thơ Đường. Nó còn thô những tạo nên nhịp điệu tầng tầng lớp lớp. Hai là nhà thơ đoạt giải Nobel người Mỹ gốc Nga Brodsky. Tôi đọc ông rất kỹ và coi ông là người thầy trong tinh thần thi ca.
NĐT: Trong giới, ông là cây bút xuất bản nhiều, cụ thể đến nay ông đã in bao nhiêu cuốn?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi in gần 40 đầu sách các thể loại, thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, chân dung văn học, tiểu luận văn chương, sách thiếu nhi, sách dịch… Thời gian trước thường 1-2 năm tôi lại ra sách. Tôi làm không mệt mỏi. Sau này có một chút tuổi tác cộng với những thứ liên quan đến công việc thì tôi bị cản trở rất nhiều. Dù hiện tại tôi đang làm một công việc khá mệt mỏi nhưng tôi vẫn có bản thảo của 7 cuốn sách chưa in, trong đó có tiểu luận, phê bình, các bài báo về giáo dục, xã hội, một trường ca, một tiểu thuyết, một tập thơ.
NĐT: Với các tác phẩm của ông - những cuốn sách trong đó hình ảnh quê hương ông: làng Chùa và sông Đáy xuất hiện rất nhiều. Có độc giả đã cho rằng dường như văn thơ của ông không thoát ra khỏi lũy tre làng. Ông có bình luận gì không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Điều này đúng. Vì không chỉ với tôi mà với các nhà thơ khác trên thế giới cũng vậy, họ chọn lấy một hiện thực quen thuộc nhất và thấu hiểu nhất của họ. Hiện thực đó là đời sống quanh anh ta khi anh ta sinh ra và lớn lên. Đặc biệt các làng quê Việt Nam có tính dòng họ, gia đình, làng xóm, quê hương bản quán, có sự gắn kết rất khác thường với tất cả người phương Tây. Một người Mỹ cả đời có thể di chuyển hàng chục thành phố để sinh sống nhưng người Việt Nam đi đâu cũng muốn trở về cố hương. Người Việt có sự gắn kết nguồn cội với làng quê mình rất lớn.
Một nhà văn lớn người Colombia là García Márquez, ông được giải Nobel với cuốn “Trăm năm cô đơn". Và “Trăm năm cô đơn" chính là chuyện ông nói về ngôi làng Macondo của ông. Tôi thấy rằng ở Việt Nam làng nào cũng có thể làng Macondo. Nó chứa đựng rất nhiều câu chuyện như làng Macondo của Marquez có. Chỉ có điều ở đấy không có một Marquez cầm bút mà thôi!
Mỗi làng quê đều chứa đựng hiện thực của nó, chứa đựng những nền tảng văn hóa, dân tộc, chứa đựng những câu chuyện kỳ bí, xúc động, lạ lùng, những số phận con người. Chúng ta chỉ cần cúi xuống, nhìn lại và viết ra. Còn viết ra rồi có trở thành nhà văn lớn hay không thì phụ thuộc vào tư tưởng của anh ta. Không phải cứ viết những vấn đề mang tầm thế giới giới thì trở thành nhà văn lớn còn viết về một cái xóm thì trở thành nhà văn nhỏ! Vấn đề là tư tưởng, cấu trúc và ngôn ngữ sáng tạo của anh ta đến đâu.
Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều ở làng Chùa mà mình có thể viết mãi không hết, viết mãi cũng chưa chạm được vào điều mình muốn viết, những điều lớn lao chứa đựng trong vùng đất nhỏ bé. Đó là những câu chuyện đi cùng mọi thời đại mà không hề xa cách. Vấn đề là chúng ta kể nó bằng giọng gì, bằng tư tưởng gì. Vì thế, việc khai thác một ngôi làng, một dãy phố, hay thậm chí ngay chính ngôi nhà của mình cũng có rất nhiều đề tài mà không phải đi tìm đâu xa.
Tôi không thích việc đi thực tế sáng tác theo hình thức đến một vùng nào đó dăm mười ngày để tìm hiểu rồi viết. Quan điểm của tôi là đi để thay đổi không khí, để gặp gỡ chứ không phải đi để tìm tư liệu sáng tác. Thực tế những người đến trại sáng tác viết từ vốn họ có từ trước, từ nơi mà họ đã sống lâu nhất, hiểu nhất, từ nơi mà trái tim và số phận của họ gắn kết với nó. Đó là hiện thực của họ. Tôi viết về hiện thực nông dân làng tôi phải giỏi hơn những người khác.
Hiện thực là điều quan trọng, là nơi mà anh ta yêu thương nhất, thân thuộc nhất, khổ đau nhất, buồn bã nhất và hy vọng nhất về nó. Chỉ cần anh ta có một tư tưởng lớn đặt vào hiện thực đó, dùng hiện thực đó để minh chứng, truyền tải tư tưởng của anh ta mà thôi. Tôi nghĩ như vậy nên việc khai thác về làng Chùa tôi vẫn viết. Có những bài thơ mà họ cho là Tây quá. Nhưng khi bóc lớp vỏ của hiện tại thì bên trong nó là con người, là đời sống, là suy tưởng về mảnh đất, về ngôi làng.
NĐT: Ông đã viết quyển Mùi của ký ức, có vẻ như mọi món ăn đều không qua được ẩm thực làng Chùa?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Người ta thường nói món ăn ngon nhất là món mẹ nấu. Vì nó chứa đựng trong đó một tinh thần khác ngoài ẩm thực. Vì thế tôi hay nấu ăn cho các con vào ngày nghỉ. Khi nấu tôi hay kể những câu chuyện xung quanh nó: rau khúc, canh cua, bánh đúc… Ở đó gợi mở nên một nền văn hóa ẩm thực. Ở đó gợi nhớ đến những người thân yêu đã khuất. Ở đó chính là văn hóa, sự thiêng liêng của nguồn cội. Đó chính là tinh hoa ẩm thực. Các dân tộc khác cũng thế. Không một món ăn nào của dân tộc này ngon hơn món ăn của dân tộc khác mà chỉ có những món ăn phổ cập hơn. Ẩm thực có một sự linh thiêng, đánh thức không chỉ vị giác mà còn đánh thức ký ức và lòng biết ơn. Sau mỗi món ăn là một sự kỳ vĩ của đời sống, của sự gắn kết giữa con người với con người, của lịch sử dân tộc, vùng đất.
NĐT: Ông nhắc đến các chuyến đi thực tế và thực tế là ông đã đi rất nhiều, không chỉ ở trong nước. Ông có nhớ mình đã đi bao nhiêu quốc gia không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi đi rất nhiều và có những nơi tôi đi rất nhiều lần. Quốc gia tôi đến nhiều nhất là Mỹ, cũng mười mấy lần. Tôi đã đi Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc, Colombia, Pakistan, Afghanistan... gặp gỡ các giáo sư, tiến sĩ, trí thức, chính khách, các nhà thơ danh tiếng, tiếp kiến Đức Vua, Hoàng hậu, những người Việt xa xứ, và cả những người vô gia cư. Tôi cũng đi dự trại sáng tác ở Ai-len, nhưng trại sáng tác của họ chỉ có một người, không bao giờ có người thứ hai. Tôi ở một mình trong ngôi nhà dựng trên quả đồi hoa vàng bất tận, ban đêm bước ra cửa bạn chỉ thấy ngọn đèn le lói từ xa của những người chăn cừu. Và bạn chỉ nghe thấy hai thứ âm thanh, là tiếng cừu kêu và tiếng gió thổi. Một vẻ đẹp bất tận. Chuyến đi đó thay đổi tôi nhiều. Tôi sống trong sự cô đơn thực sự. Không ai động đến mình, tự mình nấu ăn, tự mình viết, tự mình lang thang. Tôi có một cuốn sách chuẩn bị in có tựa là “Thế gian và những mặt người"
Những tầng tầng lớp lớp về hiểu biết, tri thức, phong tục, tập quán, giáo dục mà tôi biết được trên thế giới cho tôi cơ hội nhìn lại thế giới của mình, đó là Việt Nam. Nhìn lại kỹ lưỡng hơn để thấy Việt Nam giá trị hơn, kỳ vĩ hơn để yêu thương hơn và thấy thiêng liêng hơn. Tôi đi cả thế giới để quay về đi lại từ đầu làng đến cuối làng. Người làng tôi có khoảng 200 câu nói mà tôi ghi chép được nói về thơ ca và cuộc sống khiến tôi phải giật mình nhận ra ở đó chứa đựng những triết lý cao cả nhất về con người, về nghệ thuật, về lẽ sống.
Làng Chùa quê tôi cách đây ¼ thế kỷ đã họp lại những người con của làng. Các cụ nói chúng tôi hãy dựng lại cổng làng. Cổng làng này không phải bằng đá, bằng gạch mà là bốn chữ trên cổng làng, dựng lại tinh thần, hồn cốt của làng. Đó là: “Vọng tự nhập xuất” nghĩa là nhìn chữ để biết việc ra vào. Rộng hơn nghĩa là chúng ta phải có văn hóa để biết việc hành xử với con người, với thiên nhiên. Nó là một câu nói rất giản dị nhưng chứa đựng minh triết. Tôi đã đi gần 50 nước trên thế giới, tiếp xúc với đủ loại người. Tôi muốn lắng nghe tất cả giọng nói trên thế gian này để tìm kiếm những con người, những số phận để mang những tinh thần, cảm nghĩ vào trang viết của mình sau này.
NĐT: Đi nhiều như vậy, ông đã từng phạm sai lầm nào về văn hóa không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi là một kỹ lưỡng. Tôi không phạm sai lầm nào về văn hóa. Nhưng lúng túng thì có. Tôi đi các nước Hồi giáo thì tôi phải tìm hiểu qua đọc sách. Tôi đã dành một buổi trao đổi với nhân viên ngoại giao Pakistan, ông ta đã dặn tôi những điều cần thiết. Còn những nét cơ bản thì tôi tra cứu trên internet. Khi vào hoàng cung thì một lời hai lời phải Kính thưa Đức vua, Kính thưa Hoàng hậu. Tôi đi và thấy được sự kỳ diệu của văn hóa. Người Úc có nói một câu: “Nếu chúng ta thêm một nhạc sĩ người Nga thì chúng ta thêm một màu sắc. Chúng ta biết thêm một kiến trúc sư người Ấn Độ chúng ta biết thêm một không gian. Và chúng ta thêm một nhà thơ Việt Nam thì chúng ta thêm một ngôn ngữ”. Tôi đã có một phát hiện thú vị khi đọc một cuốn tuyển tập các bài thơ và bài hát của Thổ dân Úc và thấy ở đó nhiều tư tưởng giống với các dân tộc ít người Việt Nam: những nghi lễ về tổ tiên, nghi lễ gieo trồng, gặt hái. Điều đó cho thấy sự thiêng liêng đời sống là điểm chung đánh thức tất cả.
NĐT: Ông có thể chọn một đất nước mà ông ấn tượng nhất không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mỗi đất nước đều mang đến một vẻ đẹp khác biệt nhưng tôi muốn chọn Ai-len. Một đất nước hơn 4 triệu dân nhưng đã có 4 nhà văn đoạt giải Nobel, nơi sinh ra những nhà văn vĩ đại như James Joyce - người được xếp vào hàng những nhà văn khổng lồ nhất của nhân loại. Trước khi đi Ai-len tôi có đọc một bài báo viết rằng bạn đi trên đường thấy 5 người, nếu bạn ném một hòn đá thì kiểu gì cũng trúng một nhà thơ hoặc một họa sĩ, hoặc một nghệ sĩ hát dân ca, hoặc một kiến trúc sư. Đó là một đất nước với 10 ngàn nhà thơ hưởng tài trợ của nhà nước để sống và sáng tạo.
Ở đó mỗi gia đình là một ban nhạc, mỗi một gia đình là một studio hội họa, tối tối họ cùng nhau hát những bài dân ca. Làng không có chính quyền thôn hay chính quyền xã. Họ chỉ có hai thứ chung là nhà thờ và bưu điện. Tất cả những thứ còn lại là tài sản riêng, thuộc về cá nhân. Người dân yêu cuộc sống yên bình, tôi không thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông. Họ yêu thơ ca vô cùng và cũng là một trong năm nước có thu nhập đầu người cao nhất châu Âu. Vào những ngày cuối tuần, họ tụ tập trong quán rượu và tôi thấy trên bức tường của quán rượu dán dày đặc những bài thơ chép tay của những người công nhân, nông dân.
Tôi gặp một nhà thơ rất nổi tiếng, bà rời thủ đô Dublin để về sống ở vùng đồi đó. Bà sống với khoảng năm bảy chục con mèo hoang và coi chúng như những người bạn. Hàng ngày bà nấu ăn cho chúng, cùng chúng đi dạo dọc bờ biển, suy ngẫm và viết. Đó là cuộc sống của một trong những nhà, nhà văn lớn của Ai-len.
Trong những nơi tôi đã đi, ngoài Việt Nam, nếu được chọn để sống, tôi sẽ chọn Ai-len.
NĐT: Cũng có thể cảm giác bình yên là kết quả của một chuyến đi ngắn ngày. Nếu bình yên cả đời có phải ...hơi bị buồn không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã sống một mình trong ngôi nhà sáng tác đó một tháng rưỡi. Không có ai ở đó. Mỗi cuối tuần, Ủy ban sáng tác của Ai-len đến đón tôi đi để giao lưu, đọc thơ, thuyết trình, tọa đàm… còn cả tuần tôi ở một mình. Những đêm đầu tiên tôi cảm thấy hơi hoang mang, buồn, cô đơn, không có ai để trò chuyện. Tuần đầu tiên khi đến đó, tôi kéo đi-văng ngồi bên cạnh lò sưởi suốt đêm rồi ngủ luôn tại đó. Tôi có khả năng ở đó một tháng rưỡi mà không cần liên lạc với ai ở Việt Nam. Rất may là mình biết tiếng Anh nên tôi đi lang thang được. Từ căn nhà tôi ở đi xe 30 phút là có thể xuống phố. Thỉnh thoảng tôi theo một người dân Ai-len để về nhà họ chơi. Tôi thích cuộc sống như thế. Đó là cuộc sống lý tưởng theo cách nhìn của tôi, không ồn ã, không xô bồ, không tranh giành. Cuộc sống mọi người hòa đồng chia sẻ, văn hóa, đời sống tinh thần trù phú. Lúc đó tôi không có nhu cầu vật chất gì nhiều, chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, đủ củi đốt trong mùa đông, đủ giấy để viết thơ.
Trong bài tham luận của tôi viết về Hội nghị Văn hóa toàn quốc tôi có trích câu nói của người làng tôi: “Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường”. Nếu không có ăn chúng ta không thể lê chân trên mặt đất nhưng lê chân được mà không có văn hóa thì chúng ta không nhìn thấy đường, chúng ta sẽ trở thành kẻ mù lòa trong cuộc sống này. Văn hóa chính là đôi mắt, như cụ Hồ nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi". Không có văn hóa chúng ta không thể hạnh phúc, không biết đâu là vẻ đẹp, đâu là nhân tính.
Xuyên suốt những năm tháng miệt mài sáng tác văn thơ, cái tên Nguyễn Quang Thiều vẫn luôn là chủ đề nóng hổi trên văn đàn, người khen rất nhiều và những ý kiến chê bai cũng không ít. Mang trên vai nhiều “gánh nặng” nhưng vị Chủ tịch Hội Nhà văn không cho phép mình thỏa hiệp hay từ bỏ. Ông khẳng định, sẽ dám dấn thân và băng qua mọi thách thức.
NĐT: Trong tác phẩm của mình, ông có nhắc đến thuật ngữ “sự kiện tâm hồn", ông có thể làm rõ khái niệm này không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Sự kiện tâm hồn là một bản chất của văn chương. Chúng ta chứng kiến rất nhiều sự kiện bên ngoài nhưng khi mang vào trong văn chương, anh phải tạo nên một sự kiện tâm hồn. Mỗi một sự kiện tâm hồn chứa đựng vẻ đẹp, cảm xúc, sự thiêng liêng, những điều tốt lành. Những câu chuyện bà kể buổi tối, những chiếc bánh khoai nóng hổi bà làm bọc trong lá chuối làm ấm bụng tôi trong cả ngày đi học đói khát đều là những sự kiện tâm hồn. Từ một sự kiện đời sống thông thường anh mang vào văn chương và khiến nó trở thành một sự kiện mang ý nghĩa triết học, mỹ học và của những giá trị thiêng liêng khác. Văn chương làm được điều đó. Ai cũng nhìn thấy những sự kiện trong đời sống nhưng những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ mới có thể biến hiện thực thông thường đó thành sự kiện tâm hồn. Nếu văn học không biến một sự kiện thông thường, kể cả những sự kiện đau buồn, thành sự kiện bên trong tâm hồn mang tính mỹ học thì văn học đó không có giá trị. Nó chưa trở thành văn học thực sự.
Chính trong đời tôi có những sự kiện thông thường đến giờ vẫn rung vang mãi. Đám tang của bà nội tôi - một người yêu tôi vô cùng. Hồi tôi 13 tuổi ốm tưởng chết, bà đã cho tôi vào cái thúng lót rơm rồi đội lên đầu đi 10 cây số để đến một thầy lang nhờ bắt mạch chữa bệnh. Đêm đó bố và các chú nghĩ tôi không qua khỏi nên đã đóng cho tôi một cái quan tài. Bà nội mặc váy đi chân đất chạy từ cửa đình ra cánh đồng cầm cái áo cũ của tôi đi vòng quanh đám lửa cánh đồng và gọi: “Ba hồn bảy vía thằng Thiều ở đâu trở về". Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy và sống đến bây giờ. Tôi cho rằng lòng yêu thương bà nội tôi quá lớn, lớn động đến trời đất.
Bản chất của văn học nhân loại là làm sống lại những gì đã chết và làm mới những gì đã cũ, đã xa vời. Văn học làm cho lương tâm con người mở rộng, anh cảm thấy thổn thức về mọi thứ. Anh yêu cái cây hơn, yêu một con côn trùng có cánh, yêu bầu trời, yêu người bên cạnh, biết chìa tay chia sẻ. Nếu văn học không làm được điều đó thì văn học trở thành phản bội vẻ đẹp nhân tính con người. Văn học mang ý nghĩa xỉa xói, hằn thù, chửi bới, ám chỉ là thứ văn học vứt đi. Và chúng ta không nên gọi đó là văn học.
NĐT: Thế còn những trường hợp cần phải lên án?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Đấy là việc khác. Anh lên án để ngăn chặn những việc tồi tệ có thể xảy ra. Cách chống lại cái ác tuyệt vời nhất là gieo vào con người sự tử tế. Cách phòng thủ xa nhất, hiệu quả nhất là dùng cái đẹp, lương tâm để cải hóa con người. Một nhà tù, một tòa án, một hình phạt đương nhiên phải có nhưng đó là cách cái cuối cùng chúng ta phải làm. Văn học nghệ thuật phải trở thành vắc-xin đầu tiên, quan trọng nhất để những đứa trẻ lớn lên.
Cách đây khoảng 20 năm, trong một lớp trại hè dành cho học sinh, một phụ huynh đặt vấn đề là các nhà văn hãy viết một cuốn cẩm nang về các cạm bẫy trên cuộc đời để các con tránh. Tôi trả lời là có thể viết được, nhưng nếu chúng tôi viết được 1000 cái mẫu cạm bẫy, thì đứa bé khi ra đời sẽ gặp cái cạm bẫy thứ 1001. Và cái 1001 đó sẽ giết chết đứa bé. Nhưng khi ta gieo vào chúng cái đẹp, lòng yêu thương, sự kính trọng, sự chia sẻ, lòng quả cảm thì chúng sẽ phân biệt được đâu là ác, đâu là thiện và những đứa trẻ sẽ đi qua tất cả các cạm bẫy trong cuộc đời chúng. Đức hạnh không có bản mẫu. Nó ở bên trong chúng ta, đầy mơ hồ nhưng vô cùng quyền lực.
Cái tốt nhiều hơn cái ác nhiều. Nếu cái ác nhiều hơn thì chúng ta đã bị vùi dập lâu rồi, chúng ra đã biến mất khỏi thế gian bởi cái ác, chúng ta không thể ngồi đây để nói về nó. Chỉ có điều là văn học nói cái xấu nhiều quá. Tại sao bao nhiêu vẻ đẹp không ngợi ca? Không đưa ra để làm xúc động con người? Chúng ta bị cái xấu cuốn đi trong rất nhiều tác phẩm.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi đồng ý là nhà văn có thể tranh luận, thậm chí không thỏa hiệp về quan điểm sáng tạo nhưng để tranh giành hay đấu đá những cái ngoài văn chương, ngoài nghệ thuật là một điều xấu hổ. Nhưng tiếc là trong đời sống văn học Việt Nam có điều đó. Tất nhiên, các nước khác cũng có, nhưng tôi không thấy họ nặng nề đến thế. Ở ta, tôi thấy sự đố kị, bóp méo, xỉa xói nhau. Trên mạng xã hội Facebook tôi thấy rất nhiều.
Tôi đã viết một bài về những gì người ta viết trên Facebook chính là bản tự khai lý lịch tâm hồn họ. Có những người đưa ảnh con cháu, mình cũng có thể hiểu tâm hồn, cuộc sống, quan điểm của họ. Những thứ trên Facebook làm ta buồn hơn nhiều.
Facebook là thế giới ảo nhưng “vết cắn” thật, chảy máu thật. Có những người lỡ lời một câu nói thì cả một cộng đồng xỉa xói, vùi dập. Như thế thật độc ác và kinh hoàng. Thế giới nhân tính không chấp nhận điều đó. Trong giới văn chương càng phải tránh. Nhà văn thường xuyên viết về lòng vị tha, sự chia sẻ, bao dung nhưng trong đời thực lại không bao dung, không chia sẻ, không vị tha được. Với những nhà văn luôn hằn học, luôn đố kị, luôn ghen tức thì chúng ta không đợi chờ gì ở những tác phẩm của họ. Vì anh ta đã không dám hy sinh một quyền lợi nhỏ nhất.
Chúng ta đều là con người đầy khiếm khuyết, đầy sai lầm, đầy lỡ làng. Nhưng khi anh mang đến sự chia sẻ hay phân tích kỹ lưỡng thì mọi chuyện sẽ khác.
Tôi nhớ một chuyện rất hay. Một lần nhà thơ Chế Lan Viên dẫn đoàn nhà văn, nhà thơ trẻ thăm Vịnh Hạ Long. Ông hỏi một nhà thơ: “Cậu thấy hoàng hôn trên biển màu gì?”. Nhà thơ đó trả lời đó là màu ngọc bích. Ông bảo: “Cậu cho tôi vay 10 đồng", nhà thơ trẻ đó không có. Ông nói: “Cậu không có 10 đồng cho tôi vay mà cậu cho thiên hạ cái màu ngọc bích dễ dãi của cậu". Ông lại hỏi một nhà thơ khác màu ấy là màu gì, và nhà thơ ấy trả lời đó là màu dầu loang trên biển. Và nhà thơ Chế Lan Viên biết rằng sau này nhà thơ đó sẽ làm được điều gì đó. Đó chính là nhà thơ rất tên tuổi - nhà thơ Thanh Tùng, tác giả của Thời hoa đỏ. Câu chuyện cho thấy anh Tùng là người chân thành, anh đem đến sự chân thực, không khoe mẽ, không đao to búa lớn. Anh đem đến cái mà anh ấy nhìn thấy, điều mà anh ấy thực sự rung động. Chỉ cái đó mới đem lại những điều tốt đẹp cho người đọc.
Câu hỏi chị đặt ra làm tôi vừa buồn, vừa xấu hổ. Nhiều nhà văn Việt Nam không chịu tìm hiểu nhau một cách kỹ lưỡng. Họ rất lười đọc của nhau. Tôi có thể nói là một tác phẩm dù viết thế nào, dù che đậy bằng ngôn từ mỹ miều đến thế nào thì nó vẫn chứa đựng sự thật bên trong của tác giả. Khi anh đọc hết một cuốn sách của họ anh sẽ thấy ngôn từ dù có lấp lánh mỹ miều đến đâu cũng không thể giấu diếm nổi sự thật bên trong. Sự thật có một khả năng hiển lộ đặc biệt mà người đọc nào có kinh nghiệm sẽ nhìn ra. Giống như chúng ta giao tiếp với một người chân thực chúng ta biết ngay. Sự giả dối, xảo ngôn, bẻm mép chúng ta cũng có thể phát hiện ngay.
NĐT: Một năm ở chức Chủ tịch hội Nhà văn, ông đã phải dàn xếp sự vụ gì chưa?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Chưa có gì phải dàn xếp. Nhưng có nhiều thách thức. Ví dụ chúng tôi thành lập hội đồng. Đó là những nhà văn nhà thơ uy tín ở các lĩnh vực. Có những người phản ứng: “Tại sao người đó lại ở trong hội đồng? Tại sao lại đưa người đó làm chủ tịch hội đồng?”. Việc bầu ra hội đồng chuyên môn không phải ý kiến của cá nhân chủ tịch mà chủ yếu là ban chấp hành đưa ra, xem xét và thống nhất. Và chuyện đó bị phản ứng. Có người còn kêu rằng: “Thế này thì nền văn học mất đến nơi rồi”. Tôi nghĩ là phải để cho họ hành động, họ làm thì mới chứng minh được.
Việc chúng tôi cải tổ báo Văn nghệ, có người bảo không được. Nhưng hỏi vì sao không được thay đổi thì họ không trả lời được. Tôi nghĩ vì họ theo thói quen cũ. Trong khi hội viên và xã hội đòi hỏi rất nhiều ở tờ báo, ban chấp hành nhiệm kỳ trước đã quyết tâm nhưng chưa làm được. Chúng tôi làm. Chúng tôi tin vào sự trung thực, sự tiến bộ của mình và chúng tôi tin những người trong hội đồng mà chúng tôi lựa chọn. Vì họ tham gia mà không hề có quyền lợi gì mà chỉ vất vả thêm. Những người làm thật chịu nhiều áp lực và phải luôn cẩn trọng.
Chọn cuốn sách nào để đưa vào chung khảo để xét giải thưởng, chọn một ai để xét kết nạp hội viên là những việc đã có tai tiếng trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng không bao giờ hết được chuyện đó. Anh phải đủ bản lĩnh để tin rằng mình làm đúng. Vì một tác phẩm đưa 10 người thì không có chuyện cả 10 người đều đồng ý mà họ sẽ chia làm hai phe. Có những tác phẩm rất lớn lao nhưng cũng không tránh khỏi tranh luận.
Văn chương là sự khác biệt. Nhà văn nào giống nhau thì không cần viết nữa. Chúng ta đã có một Nguyễn Trãi, một Hồ Xuân Hương, một Nguyễn Du. Chúng ta đã có những nhà văn tên tuổi như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Mỗi một nhà văn mang một giọng nói của thời đại mình, một giọng văn khác biệt đóng góp vào tính đa sắc, đa chiều, đa dạng của nền văn chương. Có những người nói với tôi rằng làm thơ hậu hiện đại là phản bội. Tại sao lại gọi thơ hậu hiện đại là phản bội? May mà nhận định này không lộ ra ngoài, nếu không các nhà thơ nhà văn trên thế giới họ sẽ cười. Nó chỉ là một thể loại, như lục bát, như song thất, như thơ năm chữ, như thơ tự do, thơ văn xuôi. Cái xấu hay không xấu nằm trong tư tưởng và trái tim của nhà văn chứ không nằm trong thể loại. Không ai nói viết tiểu thuyết là vĩ đại còn viết tản văn là vớ vẩn, nhỏ vặt. Không ai nói nhà văn viết voi vĩ đại hơn nhà văn viết về con kiến. Đề tài hay thể loại không có ý nghĩa gì. Nó chỉ là phương tiện mà nhà văn chọn lựa mà thôi.
Thách thức luôn có nhưng chúng tôi sẽ đi qua thách thức. Chúng tôi làm vì một nền văn chương. Chúng tôi “đẻ" ra giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi. Chúng tôi muốn hằng năm in hàng chục vạn bản sách tốt nhất của các tác giả Việt Nam để mang đến cho trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chúng tôi muốn có giải thưởng trẻ để nói với những người trẻ rằng chúng tôi tôn trọng các bạn, chúng tôi đợi chờ các bạn và các bạn chính là chủ nhân nền văn học trong tương lai. Làm sao chúng tôi còn sống đến lúc đó? Mà nếu còn sống thì cũng không thể nào làm gì được nữa. Vậy chúng ta phải học ông cha triết lý đầy nhân văn và đạo đức: Con hơn cha là nhà có phúc. Nếu những người sau giỏi hơn, mới mẻ hơn, hiện đại hơn, tinh tế hơn, sâu sắc hơn thì chúng ta phải thấy rằng mình có phúc. Chứ không phải chúng ta sợ họ đè bẹp chúng ta. Trên thế gian này không có nhà văn nào chiếm chỗ của nhà văn khác. Chỉ trừ khi anh kém, anh bị tàn lụi và khuất lấp trong đời sống này. Còn mỗi nhà văn giỏi đều đóng góp những tinh thần giá trị khác biệt.
Tôi biết có nhiều thách thức. Và cũng nhiều người kinh hãi thế giới các nhà văn Việt Nam. Dư luận, bạn đọc, nhà báo, thậm chí là những người làm công tác quản lý cũng thấy các ông nhà văn kinh nhất. Nhưng tôi làm điều này để cùng ban chấp hành mở ra những con đường mới, những đời sống mới và những giá trị mới trong văn chương. Nếu chỉ vì chức Chủ tịch thì tôi không làm làm gì. Tôi đã nói với cơ quan quản lý là nếu các đồng chí kỷ luật, không cho tôi làm Chủ tịch nữa thì tôi sẽ mang lễ đến cảm ơn các đồng chí vì tôi thoát khỏi “gánh nặng” này. Nhưng tôi còn làm thì tôi phải dấn thân. Tôi không thỏa hiệp.
NĐT: Đã có lần ông hỏi các nhà văn rằng, họ sống vì lý do gì?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi hỏi lâu rồi. Và có nhiều người không trả lời được là họ sống vì lý do gì. Sống phải có lý do. Một người nông dân có lý do trên cánh đồng. Một trí thức, một nhà văn, chính khách phải có lý do của mình. Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 10 chúng tôi đặt slogan là “Vì sao chúng ta viết”. Nếu anh không viết về cái đẹp, không viết để bênh vực những số phận chịu bất công, không viết để lên án những tội ác trong cuộc sống này, không viết để chia sẻ, gắn kết hay khám phá những vẻ đẹp trong đời thường con người thì tốt nhất là đừng viết. Nếu anh viết chỉ để chửi rủa, cười cợt, bôi nhọ, ám chỉ, nguyền rủa những người khác thì đừng bao giờ cầm bút.
Vì sao chúng ta sống? Đó là một câu hỏi đơn giản. Vì cuộc sống ngắn dài khác nhau. Có những người sống một ngày đã đủ cho một đời. Còn có những người sống một đời không đủ cho một ngày. Có những người cho đến lúc gần chết mới nhìn thấy giá trị đích thực của đời sống. Lúc đó ánh sáng ngập tràn họ và tất cả những năm tháng tội lỗi của họ được xóa đi hết. Câu hỏi vì sao chúng ta sống rất quan trọng, đặc biệt với nhà văn. Vì anh có mục đích sống thì anh có mục viết. Một nhà thơ cách đây 10 năm viết được một bài thơ hay, xúc động, có tư tưởng nhưng anh ta muốn viết bài thơ thứ hai hay như thế thì anh ta phải sống bằng lúc đó, suy nghĩ bằng lúc đó, dấn thân bằng lúc đó, cảm xúc bằng lúc đó. Hoặc đơn giản như người phương tây nói: Anh sống được đến đâu thì anh viết được đến đấy.
NĐT: Vậy ông sống vì lý do gì?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi sống trước hết để yêu mảnh đất này. Nhiều người rất tuyệt vọng về đời sống. Tôi như cảm thấy con người mỗi ngày như chìm vào bóng tối. Bệnh tật nhiều hơn, tranh giành nhiều hơn nhưng xin thưa trên mảnh đất này cũng chứa đựng biết bao nhiêu vẻ đẹp trong gia đình mình, cơ quan mình, khối phố mình và trên thế gian này. Và tôi sống, mục đích là để đi kiếm và hưởng thụ những vẻ đẹp mà tạo hóa mang lại cho đời sống này, để được sống dâng hiến cho những người thân yêu bên cạnh, để thực hiện những khao khát của mình và để khi chết mình nghĩ rằng mình đã nỗ lực hết sức để mang lại những điều tốt đẹp cho chính mình, cho gia đình mình và cho những ai có thể.
NĐT: Ông là một trong số ít nhà thơ Việt Nam biết nhiều ngoại ngữ. Ông đã học ngoại ngữ như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi học ngoại ngữ khi còn trẻ, lúc 18-19 tuổi ở trường công an. Sau đó tôi học lớp phiên dịch. Ngay từ khi còn rất trẻ tôi đã dịch sách. Tôi làm việc và chơi với nhiều người nước ngoài. Sau đó tôi đi học tiếng Tây Ban Nha ở Cuba. Ngoại ngữ là một điều thú vị, nó cho anh ta biết một tiếng nói khác. Và phải nói là khi tôi học tiếng Anh thì rất nhiều vấn đề ngữ pháp của tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha quay lại củng cố ngữ pháp tiếng Việt của tôi. Cách tu từ, cách viết rành mạch không cầu kỳ phức tạp, tập trung vào vấn đề. Khi đưa vấn đề ra thì từ câu đầu tới câu cuối anh phải bám sát vào vấn đề đó. Có rất nhiều bài thơ Việt chúng ta nghe rất hay nhưng khi dịch sang tiếng Anh thì bạn đọc không thấy nó hay như thế nữa. Vì tính tư tưởng của chúng ta ít. Người Việt Nam thiên về tình cảm, chúng ta đọc những bài thơ xúc động thì nhớ, thì thuộc. Tất nhiên bất kỳ bài thơ nào cũng khởi sự từ sự rung lên của tâm hồn. Nhưng sự rung lên của tâm hồn đó phải chạm đến một triết lý sâu xa trong tư tưởng của đời sống này.
Lợi thế thứ hai của tiếng Anh là nó giúp tôi được đi rất nhiều. Nhiều nhà văn Việt Nam rất tài năng không có cơ hội đi vì họ không thể giao tiếp được, họ không có khả năng đi một mình, không thể đối thoại, không thể giao lưu, không thể tọa đàm, không thể trả lời phỏng vấn. Rất may là tôi biết ngoại ngữ đủ để bày tỏ quan điểm, trạng thái tình cảm của mình hay để tham gia hội thảo, bàn luận vấn đề mà yêu cầu chuyến đi đặt ra.
NĐT: Ông có dự định gì sắp tới hay không? Ông sẽ tiếp tục làm thêm mấy khoá nữa ở hội Nhà văn?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi không biết nhưng thấy sức khỏe… và nó cũng mệt mỏi. Khi bước vào tôi thấy mọi người chỉ muốn nghỉ ngay… Thì tôi muốn viết bài thơ tạm biệt những người đang sống để ra đi. Tôi sẽ nói với họ vẻ đẹp của đời sống này. Và thậm chí cả những bí mật huy hoàng giấu sau cái chết. Biết đâu sau khi chết tôi lại ở trong thế giới mà ở đó tôi được gặp lại những người thân yêu, các cụ kị, cha mẹ, bạn bè, những người thân yêu đã mất sớm. Biết đâu đấy ở thế giới đó tôi vừa được sống với những người đã khuất và vừa được nhìn thấy những người thân yêu của mình đang sống. Đó là viễn cảnh tuyệt vời. Chúng ta chưa trả lời được đằng sau cái chết là gì. Nhưng chết không phải là một nỗi đe dọa. Sống mới là liều. Trong một bài thơ tôi đã viết: Và trong lúc anh ra đi anh cúi xuống/ khi em đang thiếp ngủ/ Anh hôn lên trán em và nói: Đời sống này nhiều lúc buồn hơn cả chết.
Nếu chỉ đọc văn thơ của Nguyễn Quang Thiều, nào ai hay cuộc đời ông từng trải qua những khúc ngoặt dữ dội đến khó tin. “Đời tôi bao nhiêu biến cố. Rồi những năm tháng cách biệt gia đình. Đứa con sinh ra không được gặp mặt trong suốt 4 năm liền, muốn nghe giọng nói cũng không được. Lúc gặp lại con, thằng bé gọi tôi bằng chú…”. Nhưng, khi sống đến lúc này, thì ông lại thấy những biến cố đó là may mắn.
NĐT: Ông từng đi du học đúng thời điểm vợ ông mang thai con đầu lòng?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Lúc đó vợ tôi mang thai một tháng. Tôi đã nhiều lần quyết định không đi nữa vì sẽ đi biền biệt 4 năm và không có khả năng về những dịp hè, lễ Tết. Khoảng cách quá xa và chẳng ai thời đó có đủ tiền mua vé. Đêm trước khi đi, tôi tỉnh giấc lúc 2h sáng thì thấy vợ tôi khóc. Tôi hỏi thì vợ tôi nói: “Anh đi em không biết nuôi con thế nào". Vợ tôi lúc đó là sinh viên mới ra trường, chưa có công ăn việc làm. Nhưng sự quyến rũ của chuyến đi quá lớn. Từ nhỏ tôi đã muốn biết thế giới. Ngày xưa ở trong làng thì tôi muốn biết làng khác, đứng bên này sông tôi muốn biết bên kia sông là gì.
Đến giờ tôi vẫn ấn tượng với chuyến đi kỳ vĩ của tuổi thơ tôi. Lúc đó tôi 5 tuổi, mẹ tôi đưa tôi sang bên kia sông để về quê ngoại của mẹ. Tôi đi qua dòng sông Đáy mênh mông, nhìn thấy những ngọn núi sừng sững, những cây đa khổng lồ mà tôi cảm giác bóng của nó như một khoảng tối lớn trùm trên bầu trời.
Tôi muốn đi tìm hiểu đời sống thế gian, những món ăn lạ. Đến đâu thấy món ăn lạ là tôi phải ăn đầu tiên. Những món ăn đó họ đã nấu hàng ngàn năm, họ tinh kết và nấu cho mình ăn thì mình phải ăn để xem là ở đó chứa đựng những gì.
NĐT: Vậy là ông đã xa con những năm tháng đầu đời, ông có thấy hối tiếc không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi thấy hoàn toàn hối tiếc. Những ngày nghỉ hè, tôi lang thang ở đồng cỏ Cuba và nhìn về phía xa nơi chân trời và hình dung làng tôi ở đấy. Những hình ảnh quê hương hiện lên từ cái cây, con trâu, con bò, ngôi nhà, bóng người. Có một chuyện tôi nhớ mãi. Lúc đó con tôi 2 tuổi, tôi muốn được nghe giọng con nên đã viết thư cho vợ, hẹn một buổi ra bưu điện bờ Hồ để gọi điện sang Cuba cho tôi. Tôi đưa cho vợ số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba và ở đó chờ vào ngày hẹn. Nhưng rốt cuộc là tôi đã phải nằm tại Đại sứ quán từ đêm đến sáng mà không nhận được cú điện nào cả. Cuộc gọi bị trục trặc không thể kết nối, công nghệ thời đó không được như bây giờ. Đó là những ngày rất lạ lùng. Tôi liên tục giật mình tỉnh giấc giữa đêm, ngửi thấy mùi rơm tươi ẩm mốc trong cơn mưa của làng Chùa, nghe thấy tiếng con khóc. Nhiều đêm tôi đứng ngoài ban công nhớ nhà.
Tôi trọ học trên tầng 18 của cư xá. Tinh thần của một nhà thơ thường hay vượt qua khỏi ngưỡng của hiện thực. Tôi cứ cảm giác là chỉ cần bước chân ra khỏi ban công thì mọi phiền muộn, nhớ nhung, dày vò, hoang mang sẽ tan biến hết. Sau tôi sợ quá. Tôi phải khóa cửa ra ban công và vứt chìa khóa đi. Tôi sợ một ngày mình đi ra đó mà không kiểm soát được tinh thần của mình thì mình sẽ bay ra khỏi ban công. Lúc đó tôi cũng thấu hiểu hơn những người khác. Có những người quá cô độc và buồn bã đến nỗi phải đi đến kết thúc cuộc đời. Chuyện đó cũng giúp tôi có thể lý giải về nhiều chuyện có thật trong cuộc sống hay những nhân vật văn học phải sống lưu vong, tha phương. Cuộc sống đối với họ ghê gớm như thế nào.
NĐT: Ông đã bù đắp gì cho những tháng ngày vắng mặt?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi muốn làm mọi thứ. Tôi về nhà khi con trai tôi 4 tuổi. Thằng bé chào tôi là chú. Khi chúng tôi sinh đứa con thứ hai thì con gái rất quấy, khóc dạ đề mấy tháng trời. Tôi phải bế đứng cháu mới ngủ, ngồi xuống là không chịu. Mỗi buổi sáng tôi sớm nấu cơm cho vợ ăn rồi mới đi làm. Tôi đạp xe từ Hà Đông ra Hà Nội. Tôi đã cộng lại và tính theo chu vi Trái đất thì tôi đã đạp mấy vòng Trái đất rồi. Tôi đi xe đạp bền bỉ. Có những người nhìn tôi cũng kinh ngạc khi thấy tôi nhiều năm ròng một cái xe, một cái mũ, một cái cặp lồng cơm đạp xe không thiếu một ngày. Đêm tôi bế con đứng ngủ đến gần sáng. Một phần tôi thương con, một phần tôi muốn bù đắp cho vợ sau những ngày tháng xa gia đình.
Sau này khi có cháu thì tôi rất yêu cháu. Đến chính gia đình tôi cũng ngạc nhiên vì sao tôi yêu cháu đắm mê không rời. Bởi vì khi mình lớn lên, mình đã trải qua thì mình hiểu giá trị cuộc đời và một đứa bé cần sự yêu thương thật lớn. Nó ăn như những đứa trẻ khác, mặc như những đứa trẻ khác, ở trong một ngôi nhà như mọi đứa trẻ khác nhưng tình yêu thương phải thật lớn như một thành trì bao dày xung quanh nó để bảo vệ, để che chở. Thế nên tôi làm tất cả, từ dán diều, nặn đồ chơi, vẽ mặt nạ, diễn kịch cùng cháu.
NĐT: Ông có vẻ ít chia sẻ về vợ?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Vợ luôn là bí mật của mọi người đàn ông, đặc biệt là những nhà văn. Tôi có thể nói vợ là quà tặng của thượng đế cho tôi. Một người đàn bà lặng lẽ, âm thầm, chịu đựng tất cả những thứ dở hơi của một ông nhà văn như tôi. Nhà văn thường có sự bất ổn trong tâm lý. Khi chúng tôi còn trẻ, một đêm vợ tôi thức giấc và nói: “Em chỉ có thể đi cùng anh một đoạn đường trong suy nghĩ của anh, còn đoạn sau em không hiểu, em không thể đi được". Có lẽ bởi tôi hay cô đơn, hay giày vò, hay suy nghĩ, thường xuyên đặt những câu hỏi phiền muộn về cuộc đời. Đó là số phận của tôi từ bé. Mẹ tôi nói sau này lớn lên tôi sẽ khổ vì từ lúc 3 tuổi tôi hay gác tay lên trán thở dài mỗi khi ngủ.
NĐT: Trong phòng bày khá nhiều chai rượu, ông có uống nhiều không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi không rượu bia nhưng lại có rất nhiều rượu. Chai rượu tôi bày chơi. Những cái vỏ chai là sản phẩm mỹ thuật, mỹ nghệ rất đẹp. Tôi có một bộ sưu tập hàng trăm chai từ các nước trên thế giới: Anh, Scotland, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ai-len, Tây Ban Nha, Colombia, Venezuela, Panama... Tôi để chơi chứ không uống.
NĐT: Ông hoàn toàn không uống?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi hầu như không uống. Lúc nào có bạn bè thì tôi chạm ướt môi một chút thôi. Thực ra hồi xưa tôi uống rượu rất ghê nhưng sau đó tôi quyết định không uống nữa. Tôi bỏ nó.
NĐT: Có biến cố gì không, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Biến cố là say cứ nói lảm nhảm. Thế nên tốt nhất là không uống nữa. Rồi uống vào thì khả năng làm việc giảm đi. Nhưng tôi có thể ngồi hầu bạn bè cả một buổi tối hoặc cả một buổi chiều dài. Bạn bè uống rượu còn mình hầu rượu.
NĐT: Đàn ông Việt thường khó chối khi ngồi uống rượu, ông đã làm thế nào?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi thường chối ngay từ đầu. Và tôi phản ứng rất quyết liệt về việc ép rượu. Hồi trẻ tôi đi công tác ở Cần Thơ mà uống rượu từ sáng đến tối, hở ra là rượu. Đến khi tôi sang phà Sông Hậu, (hồi đấy chưa có cầu,) tôi qua được bên này tôi phải quay lại chắp tay tôi lạy mấy lạy rượu. Có một số bạn bè ở các tỉnh miền núi cứ mời, tôi bảo nếu lần tới tôi lên mà ông cứ ép rượu thì tôi không bao giờ lên nữa. Tôi không thích ép rượu mà dân rượu cứ đưa câu: “Rượu bất khả ép, ép bất khả từ". Ép rượu là việc không nên. Có thể là lượt uống đầu tiên rồi sau đó cho họ uống tự do. Những người không định uống thì không nên ép.
Tôi chưa gặp quốc gia nào ép rượu. Mọi người cứ bảo ông đi nước ngoài mà ông không uống rượu thì ngồi thế nào. Tôi bảo nước ngoài có ép rượu đâu. Nước ngoài cũng không uống rượu những buổi trưa ngày làm việc, buổi tối họ uống nhẹ rượu vang và uống vào những ngày nghỉ chứ không bừa bãi như chúng ta. Tôi cho rằng luật công chức không uống rượu vào buổi trưa ngày làm việc là luật là văn minh. Nhưng thực hiện dường như không được mấy.
Chúng ta nên tôn trọng tự do và cá tính của người khác. Chúng ta phải học cách văn minh. Chúng ta có một nền tảng văn hóa truyền thống sâu sắc rộng lớn. Ông cha ta có những câu nói đúc kết mang những tư tưởng lớn không thua kém gì các triết gia trên thế giới nhưng có điều không được triển khai kỹ lưỡng. Chúng ta phải sống đời sống văn minh. Việc ăn thú rừng phải được loại bỏ, phá rừng phải chấm dứt, uống rượu tràn làn phải bỏ. Chúng ta hiện nay đã tiến bộ rất nhiều.
Trước đây chúng ta có cả một khu công nghiệp thịt chó trên Nghi Tàm. Giờ thì số người ăn thịt chó đã giảm. Cách đây 10 năm tôi viết một bức thư kêu gọi mọi người không ăn thịt chó. Có những người chửi nhưng đa phần mọi người ủng hộ tôi và xem xét lại thói quen ăn thịt chó của mình. Rồi tôi thấy người ta gánh hàng gánh chim trời đi bán ở ngoài phố. Người ta vẫn mua để ăn. Còn tôi thì không bao giờ ăn chim. Đó là nguyên tắc. Gia cầm vật nuôi thì tôi ăn còn những con vật đến từ thiên nhiên thì tôi không ăn. Chúng ta phải xem lại cách thức. Có những phong tục phải tiến tới bỏ đi vì nó quá cổ hủ. Đừng lấy phong tục, một thói quen mà áp nó thành văn hóa.
NĐT: Ông đã trải qua nhiều biến cố từ khi còn nhỏ, ông coi đó là xui xẻo hay may mắn?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Cũng có thể coi đó là may mắn. Khi sống đến lúc này thì mình thấy những biến cố đó là may mắn. Sẽ ra sao nếu tôi biến mất khỏi cuộc đời từ khi 13 tuổi? Nhà tôi hồi đó có cái gác chuồng trâu. Có lần đi vào tôi nhìn thấy một cái hộp to màu đỏ rực. Tôi hỏi bà tôi đây là cái gì, cháu nhìn sợ lắm. Thế là đến chiều bà tôi mang dao ra bổ và đốt góc vườn. Đó chính là cái quan tài đóng sẵn cho tôi.
Rồi năm tôi 5 tuổi, tôi ra bờ sông. Ngày xưa đò dọc có những người đàn bà kỳ quái hay dụ những đứa trẻ đi theo. Có thể người ta không có con, có thể người ta bắt cóc. Họ sống trên sông, ăn ở trên sông. Những nhân vật trong “Mùa hoa cải bên sông” là những câu chuyện có thật về những sống trên sông như thế. Bà ấy cho tôi kẹo và dụ tôi lên thuyền. Số phận thế nào mà mẹ tôi xuất hiện. Mẹ tôi sau đó sợ và không cho tôi ra bờ sông nữa. Mẹ tôi nguyền rủa mãi người đàn bà ấy vì suýt bắt mất con mình.
Đời tôi bao nhiêu biến cố. Rồi những năm tháng cách biệt gia đình. Đứa con sinh ra không được gặp mặt trong suốt 4 năm liền, muốn nghe giọng nói cũng không được. Khi gặp con tôi gọi tôi bằng chú…
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị.
NGUOIDUATIN.VN |