img

Tranh luận quanh việc Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai “yêu cầu” tòa cung cấp hồ sơ vụ án

Tư Viễn

Xung quanh vụ 1 quan chức tỉnh Gia Lai can thiệp hoạt động xét xử, chuyên gia pháp lý cho rằng, bất kể là ai can thiệp trái pháp luật vào hoạt động nói riêng của thẩm phán, hội thẩm trong quá trình xét xử, và hoạt động của tòa án nói chung đều vi phạm pháp luật. Hành vi này trái với quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh bị tố can thiệp vào hoạt động xét xử

img

Ông Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai

Mới đây, dư luận lại một phen tranh cãi xung quanh việc ông Đặng Phan Chung - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai bị tố can thiệp vào hoạt động tư pháp, lạm quyền vào hoạt động xét xử đối với 1 doanh nghiệp trên địa bàn có tranh chấp hợp đồng kinh tế với ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Gia Lai.

Cụ thể, ngày 18/5/2018, ông Đặng Phan Chung, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai ký văn bản số 537 gửi TAND tỉnh Gia Lai với nội dung yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ án tranh chấp giữa ngân hàng TMCP đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Gia Lai (BIDV Nam Gia Lai) và 1 doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong văn bản số 537 do ông Chung ký nêu rõ: “Xét thấy vụ việc phức tạp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức phiên giải trình về nội dung này. Để phục vụ giải trình, Thường trực HĐXX tỉnh đề nghị lãnh đạo TAND tỉnh Gia Lai cung cấp toàn bộ bản sao hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018 do thẩm phán Ngô Thanh Quảng làm chủ tọa phiên tòa; đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai và lãnh đạo TAND TP.Pleiku báo cáo về quan điểm giải quyết vụ việc; yêu cầu thẩm phán Ngô Thanh Quảng viết bản giải trình…”.

img

Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật (Ảnh minh họa)

Ngày 29/8/2018, TAND tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm số 12 của TAND TP.Pleiku, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.Pleiku giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tiếp nhận đơn tố cáo của chủ doanh nghiệp Phú Lợi, Tỉnh ủy Gia Lai đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Đặng Phan Chung. Tuy nhiên, do sự việc không được xử lý dứt điểm nên chủ doanh nghiệp Phú Lợi đã khiếu nại lên ban Nội chính Trung ương và UBKT Trung ương.

Trung tuần tháng 6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào Gia Lai công bố quyết định kiểm tra theo đơn tố cáo với ông Đặng Phan Chung.

Sau khi bị tố cáo, ông Chung trần tình trên mặt báo bằng việc dẫn chiếu Nghị quyết số 77/NQ-HĐND (ngày 7/2/2017) của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai ban hành quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2020.

Trong đó, Điều 6 của quy chế về nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh là được “chỉ đạo, theo dõi các công việc theo thẩm quyền trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách, lĩnh vực pháp chế… Trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh”. Từ đó, ông Chung khẳng định “Mình làm theo quy chế”!.

Cần làm rõ án phúc thẩm có hay không sự tác động từ bên ngoài?

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ông Xuyền cho biết, Hiến pháp đã quy định cho tòa án 1 quyền rất đặc biệt, đó là “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm”. Do đó, bất kể là ai can thiệp trái pháp luật vào hoạt động nói riêng của thẩm phán trong quá trình xét xử, và hoạt động của tòa án nói chung đều vi phạm pháp luật. Hành vi này là trái với quy định của Hiến pháp, trái pháp luật.

Bên cạnh đó, khi có căn cứ chứng minh một cá nhân, tổ chức có hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án để làm sai lệch, hoặc “thiên vị” quyết định, bản án của tòa án thì các cơ quan chức năng phải xem xét, xử lý về mặt trách nhiệm. ĐBQH Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh: “Nếu có người tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của tòa án, gây hậu quả thì cần được xử lý một cách nghiêm túc. Nghiêm cấm việc lấy danh nghĩa để can thiệp vào hoạt động xét xử bình thường của tòa án”.

img

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Ông Xuyền nói thêm, pháp luật không cấm việc theo dõi, chỉ đạo với vai trò cấp ủy, nhằm đảm bảo hoạt động của tòa án diễn ra một cách bình thường và mọi hoạt động đảm bảo đúng hiến pháp và pháp luật; nếu can thiệp trái phép, làm sai lệch hoạt động của tòa, của thẩm phán là vi phạm pháp luật. Ở đây, người lãnh đạo một đơn vị hành chính nào đó theo sự phân công, phân nhiệm trong quy chế hoạt động không được hiểu lầm là anh được chỉ đạo, được theo dõi thì anh chỉ đạo làm bất cứ việc gì trên tòa án, trên pháp luật là sai.

“Chưa nói, nếu quy chế quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2020 (ông Chung trích dẫn) nếu đi sâu vào hoạt động của tòa án, can thiệp vào hoạt động của tòa án thì quy chế đó cũng cần phải xem lại”, ông Xuyền nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Quang Tuấn - nguyên là kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao chỉ rõ, cụm từ "nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm" được quy định trong Hiến pháp năm 2013 cũng là bảo đảm cho nguyên tắc độc lập trong xét xử phải được thực thi trong thực tiễn xét xử.

Dưới góc nhìn pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp nhấn mạnh: Luật quy định mọi hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án đều bị coi là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng tới tính khách quan của hoạt động xét xử. Cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, thẩm phán và hội thẩm có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt dư luận xã hội nhưng khi ra quyết định về vụ án, thẩm phán và hội thẩm phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xem xét các vấn đề của vụ án một cách độc lập, khách quan, không bị ảnh hưởng, bị ràng buộc bởi các quan điểm, ý kiến bên ngoài của vụ án. Xét xử độc lập không có nghĩa là xét xử tùy tiện mà việc xét xử phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong khuôn khổ của pháp luật.

Đối với vụ việc nêu trên, theo luật Tổ chức chính quyền địa phương thì HĐND tỉnh có thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; giám sát hoạt động của TAND, VKSND cùng cấp..., đồng thời trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có quyền xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, việc xử lý đơn thư của tổ chức, cá nhân và giám sát hoạt động của TAND chỉ được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không được phép can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, việc giải quyết việc dân sự của thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào.

img

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp nhấn mạnh.

Luật sư Cường cho rằng, cần làm rõ có hay không bản án phúc thẩm có sự can thiệp từ yếu tố bên ngoài, thẩm phán, hội thẩm xét xử không vô tư, khách quan, không độc lập. Nếu bản án phúc thẩm được giải quyết đúng nguyên tắc độc lập, không có sự can thiệp nào thì các đương sự sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự để tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích.

“Ngược lại, nếu phát hiện có hành vi can thiệp hoạt động xét xử phúc thẩm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nêu ý kiến.

T.V

img