img

Dũng cảm trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình, ông Nguyễn Mạnh Bá xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần của người thương binh “tàn nhưng không phế”. Từ khu đồi trọc, bằng sự sáng tạo của người lính chiến, ông Bá đã phát triển thành trang trại kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh, mỗi năm cho thu nhập đáng nể.

img

Ký ức

Theo chân ông Nguyễn Văn Cương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Hương, men theo con đường trải bê tông vượt qua khu đồi khá dốc, chúng tôi mới vào đến trang trại của thương binh Nguyễn Mạnh Bá, trú ở thôn Hương Tân, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

Trang trại vườn đồi của gia đình ông Bá nằm biệt lập ở khu rừng, xung quanh nhà là những hàng cây bưởi quả nặng trĩu cành cúi sát mặt hồ cá… kế bên là vườn quýt, cam nặng trĩu quả hứa hẹn cho mùa vụ bội thu.

Vườn ông Bá

Giữa tiết trời nắng nóng như lửa đốt ở chảo lửa miền Trung, ông Bá trong bộ quân phục của một cựu chiến binh vẫn đang miệt mài làm việc ngoài vườn. Vợ chồng ông đang tưới nước cho vườn cây, thấy khách lạ tự xa đến, ông Bá nghỉ tay chốc lát trò chuyện với chúng tôi.

ông Nguyễn Mạnh Bá

Được biết, năm 1978, vừa tròn 20 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Bá hăng hái theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia.

Ông nhớ như in vào mùa khô năm 1978, đơn vị ông được lệnh điều động lên nơi tiếp giáp giữa tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Lần đầu tiên ra trận, đứng ở khu vực biên giới xung quanh rừng khộp, nắng đổ cháy da người, tiếng pháo nổ, tiếng súng lúc gần lúc xa, làm những tân binh như ông Bá có phần hồi hộp.

Ông Bá là một người lính chiến, cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chế độ diệt chủng như một người lính được lệnh bước trước quân kỳ. Ông cho biết, những người lính thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả ở Campuchia trong giai đoạn vô cùng khó khăn, ăn đói, mặc rách. Trong mỗi trận đánh, mỗi chiến sĩ chỉ có một bộ quân phục, một tay súng chiến đấu với cường độ cao.

Trong một lần chiến đấu, không may ông Bá đã bị thương. Sau đó bằng những kiến thức, kinh nghiệm của mình, ông tiếp tục ở lại chiến trường làm y sĩ, chăm lo cho các đồng đội bị thương.

Ông Bá cho biết: “Nhiều người cứ nghĩ chỉ có kháng chiến chống Mỹ là ác liệt nhưng công bằng mà nói thì nhiều khi đánh nhau với quân Pol Pot còn ác liệt, thương vong nhiều hơn thời đánh Mỹ. Thời đó, đất nước vô cùng khó khăn, chúng tôi chỉ có bo bo, đậu rang để làm lương khô ra trận, gạo để dành cho thương-bệnh binh. Có nhiều lúc phải hy sinh đổ máu để giằng co từng khe suối cạn, gạn tìm giọt nước…”

Đến năm 1984, ông Bá xuất ngũ trở về địa phương, trên mình mang nhiều vết thương của chiến tranh. Khoảng 2 năm sau ông kết hôn cùng người vợ Đặng Thị Lan (SN 1964). Cuộc sống gia đình dựa vào mấy sào ruộng và tiền trợ cấp thương binh hạng 3/4 nên khá chật vật.

img

Từ chiến trường về quê, ông quyết tâm lập nghiệp mà trong tay không có vốn liếng gì kể cả đất đai, nhà cửa để kiếm kế sinh nhai. Ngay sau khi lập gia đình, ông đã quyết định đưa vợ con lên khu đồi trọc ở với ước mơ đơn giản là để thoát lũ, chứ không có bất cứ một dự định nào.

Tuy nhiên, với suy nghĩ “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Bá mạnh dạn vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây chuồng trại nuôi heo, bò, nuôi gà, trồng các loại cây ăn quả theo mô hình trang trại khép kín.

Với ý chí kiên cường của một người lính chiến, ông Bá kiên trì, nhẫn nại vác cuốc băng đồi khai phá vùng đất khô cằn, sỏi đá để gây dựng trang trại tổng hợp. Ban đầu mới lập nghiệp, vợ chồng ông đã gặp không ít thất bại trong mô hình trồng cây ăn quả.

ông Nguyễn Mạnh Bá

Lúc đầu, gia đình ông trồng cây thanh long đỏ nên bao nhiêu vốn liếng đều dốc hết vào đó. Sau gần một năm vun tưới chưa có lãi thì bỗng dưng cả vườn thanh long héo vàng và chết dần. Thất bại đó đã khiến ông rất bế tắc trong việc tìm hướng đi mới.

Đang lúc bế tắc thì làn gió mới từ dự án Nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh lan tỏa tới địa phương. Ngoài việc được vay vốn, ông còn được trang bị kiến thức bằng các cuộc tập huấn, được cán bộ kỹ thuật đến tận nhà tư vấn cách làm. Khi đã có đủ tự tin, ông và gia đình một lần nữa lại dốc hết vốn quy hoạch lại khu vườn của mình, cùng với việc áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật. Giờ đây, cả khu đồi trọc dần dần biến thành một rừng cây sum suê các giống như bưởi, cam, quýt cho giá trị kinh tế cao. Ông bàn với vợ, đầu tư thêm vào chuồng trại chăn nuôi lợn, mở rộng diện tích chăn thả gà đồi.

Đổi đời

Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, bệnh dịch thường xuyên xảy ra, gia đình ông Bá thua lỗ nặng. Nhưng với ý chí kiên cường, không chấp nhận thất bại, ông kiên trì học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ sách báo và các mô hình trang trại hiệu quả, cộng với thực tiễn vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm nên các năm tiếp theo, trang trại chăn nuôi của ông từng bước đem lại thu nhập ổn định.

img

Sau một thời gian tìm hiểu, vợ chồng ông Bá quyết định xây dựng trang trại nuôi gia súc, gia cầm… Thời kỳ giá lợn hơi còn hưng thịnh, từ 40 đến 42.000 đồng/kg, mỗi năm ông xuất chuồng bán 20 tấn lợn hơi, thu về một khoản đáng kể. Cứ thế, ông lấy lãi đầu tư mua giống nuôi lứa kế tiếp, xây đắp ao hồ thả các giống cá.

Hiện nay, gia đình ông đã có hơn 2ha đất trồng các loại, với 200 gốc quýt, 500 gốc cam chanh, 400 gốc cây bưởi và rất nhiều loại cây trồng khác: nhãn, cam,... Ngoài việc quy mô các loại cây trồng, gia đình ông còn có một mô hình chăn nuôi tổng hợp với hơn 1000 con gà, 120 đôi bồ câu, heo, bò, hồ cá... Tất cả những thứ trong vườn, chuồng, ao được tận dụng tối đa, bổ trợ cho nhau góp phần rất lớn cho nguồn thu.

Vào mùa thu hoạch, tại khu vườn của ông, nhà buôn, thương lái từ khắp nơi tìm đến để mua hàng. Hàng năm, tổng nguồn thu từ trang trại của gia đình ông Nguyễn Mạnh Bá đạt trên 700 triệu đồng. Tính đến nay, vợ chồng ông đã có vốn giắt lưng hàng tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng nể ở vùng quê miền núi huyện Vũ Quang.

vợ ông Nguyễn Mạnh Bá

Vợ chồng ông cho biết, để phát huy truyền thống gia đình, hiện 4 người con trai của ông thì có 3 người đang phục vụ trong ngành quân đội. Duy chỉ có cậu con trai út đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Lan toả

Từng tận mắt chứng kiến những ngày gian nan, cơ cực, ông cùng vợ con mắc võng, dựng lều giữa đồi hoang làm trang trại tổng hợp, không ít người dân ở thôn Hương Tân cảm thấy ái ngại. Thế nhưng, vùng đồi trọc ngày ấy, sau hơn gần 20 năm gia đình ông Bá gây dựng, đã được phủ kín bởi màu xanh bạt ngàn của cây trái, ao hồ.

img

Với mô hình kết hợp giữa vườn, chăn nuôi và ao cá gia đình ông đã vinh dự nhận giải thưởng: “Khu vườn mẫu nhận giải thưởng đặc biệt” trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình vườn mẫu của ông được hàng chục đoàn trên toàn quốc ghé tham quan, học tập. Rất nhiều đoàn đến đây đã phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, tính hiệu quả của khu vườn mẫu nhận giải thưởng đặc biệt này.

Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, thương binh Nguyễn Mạnh Bá còn là hạt nhân tích cực tham gia ủng hộ đóng góp công, của xây dựng đường làng ngõ xóm.

ông Bá

Đặc biệt, gia đình ông Bá là hộ tiên phong trong thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi tại địa phương, với mong muốn nhân dân địa phương có đời sống ngày một ổn định, ông vận động bà con cải tạo vườn, chuyển đổi cây trồng, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó mà những năm gần đây, thôn Hương Tân xuất hiện ngày càng nhiều khu vườn quy mô, trồng các loại cây, nuôi các loại con có giá trị kinh tế cao.

“Là người lính chiến, tôi luôn tự nhủ phải làm sao vươn lên trong cuộc sống. Giờ đây khi đất nước đã hòa bình thì cần phải phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con, cho cháu, cho bà con địa phương cùng học tập để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh”, ông Bá chia sẻ.  

ông Bá