Theo Straitstimes, trong đại dịch bệnh do virus corona gây ra, các bác sĩ ở tuyến đầu phải đương đầu với nhiều rủi ro nhất và cũng là người nắm rõ tình hình nhất. Bác sĩ Peng Zhiyong, trưởng khoa hồi sức tích cực tại bệnh viện Trung Nam thuộc đại học Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc nằm trong số đó.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với tờ Caixin, bác sĩ Peng đã miêu tả lại trải nghiệm cá nhân về lần đầu phải đương đầu với căn bệnh này hồi đầu tháng 1 cũng như sự cần thiết của các biện pháp cách ly nghiêm ngặt.
Khi căn bệnh lan truyền và tràn ngập khắp trung tâm hồi sức cấp cứu, vị bác sĩ cho biết 3 tuần dường như đủ để quyết định sự khác nhau giữa cuộc sống và cái chết ở những người mắc phải thứ virus này. Các bệnh nhân có hệ thống miễn dịch khỏe sẽ bắt đầu hồi phục trong khoảng 2 tuần nhưng ở tuần thứ 2, một số trường hợp trở nên yếu dần đi.
Trong tuần thứ 3, để cứu sống một số bệnh nhân đòi hỏi sự can thiệp phi thường. Với nhóm này, tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng từ 4-5%, bác sĩ Peng cho biết.
Và thường sau ca làm việc ban ngày kéo dài tới 12 tiếng, bác sĩ dành buổi tối để nghiên cứu về căn bệnh cũng như tóm tắt lại thực tế trải nghiệm trong báo cáo của mình.
Qua một tháng đương đầu với mặt trận chống lại nạn dịch bệnh do virus corona gây nên, ông Peng nhiều lần phải rơi nước mắt khi buộc phải “quay lưng” với bệnh nhân do thiếu nhân viên và giường bệnh. Tuy nhiên, điều ám ảnh ông nhất là cái chết của một phụ nữ mang thai bị tổn thương khá nặng do phải chấm dứt điều trị bệnh bởi thiếu tiền, một ngày trước khi chính phủ Trung Quốc quyết định chi trả mọi chi phí chữa trị.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn với trưởng khoa hồi sức tích cực của tờ Caixin:
Caixin: Ông có thể cho biết thời điểm ông bắt đầu chữa trị cho bệnh nhân mắc virus corona đầu tiên?
Bác sĩ Peng: Đó là ngày 6/1/2020. Có một bệnh nhân từ Hoàng Cương đã bị nhiều bệnh viện từ chối được đưa vào phòng cấp cứu của bệnh viện chúng tôi. Vào thời điểm đó, tình trạng bệnh của bệnh nhân đã nặng và anh ta rất khó thở. Tôi đã chẩn đoán ngay anh ấy mắc bệnh do virus corona. Chúng tôi tranh luận về việc có nên tiếp nhận bệnh nhân này hay không. Nếu chúng tôi từ chối đồng nghĩa với việc anh ấy không có nơi nào nhận chữa trị và nếu chúng tôi làm như vậy khả năng cao anh sẽ lây bệnh sang cho người khác. Chúng tôi cách ly bệnh nhân rất nghiêm ngặt và quyết chữa cho bệnh nhân đến cùng.
Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ tiếp nhận một bệnh nhân tại một bệnh viện tạm thời để tiếp nhận các bệnh nhân có triệu chứng nhiễm coronavirus, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 5 tháng 2 năm 2020. ẢNH: REUTERS
Tôi gọi điện cho giám đốc bệnh viện và tường trình lại thực tế cho ông nghe, trong đó tôi có nhắc đến thực tế rằng chúng tôi đã phải tẩy sạch phòng cho các bệnh nhân khác đồng thời thiết lập các chuẩn mực giống như hồi căn bệnh Sars tràn qua bằng việc thành lập khu nhiễm bệnh, khu tiếp giáp, khu tiệt trùng và chia tách các khu vực ở của nhân viên bệnh viện với bệnh nhân.
Vào ngày 6 tháng 1, với những bệnh nhân ở phòng chăm sóc tích cực (ICU), chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, khử trùng phòng cấp cứu và sửa sang cải tạo nhiều cho phòng chăm sóc đặc biệt.
Trung tâm hồi sức cấp cứu của viện chúng tôi có tổng cộng 66 giường. Chúng tôi dành một không gian riêng cho bệnh nhân mắc virus corona. Tôi hiểu sự nguy hiểm của việc lây nhiễm bệnh.
Chúng tôi cũng tin rằng sẽ còn có nhiều bệnh nhân mắc bệnh tìm đến nên quyết định dành riêng 16 giường để đón tiếp. Vào thời điểm đó, một số ý kiến cho rằng trong khi trung tâm hồi sức cấp cứu không có nhiều giường mà lại dành tới 16 giường cho bệnh nhân mắc virus corona là hơi quá. Tuy nhiên, tôi khẳng định điều này là xứng đáng.
Caixin: Ông đã dự báo từ hồi tháng 1 rằng bệnh do virus corona có thể lây từ người sang người dù đã áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Vậy ông có báo cáo tình hình thực tế này với cấp cao hơn không thưa ông?
Bác sĩ Peng: Căn bệnh này thực sự lan truyền rất nhanh. Vào hôm 10/1, 16 giường bệnh trong phòng hồi sức của chúng tôi đã kín bệnh nhân. Thấy thực trạng khẩn cấp, chúng tôi đã trình bày với lãnh đạo bệnh viện rằng cần phải báo cáo cấp cao ngay. Chúng tôi đã báo cáo thực trạng lên ủy ban y tế thành phố Vũ Hán.
Vào ngày 12/1, ủy ban đã cử một nhóm với 3 chuyên gia đến viện Nam Trung để tìm hiểu. Các chuyên gia cho biết các triệu chứng lâm sàng thực sự giống với Sars tuy nhiên khi đó họ chỉ tập trung bàn luận về yếu tố chẩn đoán. Chúng tôi trả lời ngay rằng các yếu tố này khá khó. Rất ít người được chẩn đoán dựa trên yếu tố này. Lãnh đạo bệnh viện chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại điều này khi đó. Tôi biết các viện khác cũng đang làm điều tương tự.
Các nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm của trường đại học VirPath đang cố gắng tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả chống lại virus corona. ẢNH: AFP
Các chuyên gia cũng đến viện Jinyintan để nắm bắt tình hình và đưa ra nhiều yếu tố chẩn đoán. Nào là phải tiếp xúc với chợ thủy sản, phải bị sốt và xét nghiệm dương tính với virus. Khi phải có đủ cả 3 điều kiện này thì mới được chẩn đoán mắc bệnh. Đặc biệt, điều kiện thứ 3 khá khó được thực hiện bởi thực tế rất ít người xét nghiệm virus.
Vào ngày 18/1, các chuyên gia cấp cao của ủy ban y tế quốc gia đã đến Vũ Hán, đến viện chúng tôi. Một lần nữa tôi nhắc về việc các yếu tố để quyết định chẩn đoán người mắc bệnh là quá xa thực tế. Nếu đáp ứng đủ các yếu tố này, rất dễ có khả năng bỏ lỡ nhiều bệnh nhân mắc bệnh. Tôi có nói với họ, đây là bệnh truyền nhiễm, nếu cứ căn cứ vào điều kiện chẩn đoán khắt khe và để lọt bệnh nhân, xã hội sẽ đối mặt với rủi ro cao. Sau khi đội chuyên gia thứ hai đến, các yếu tố chẩn đoán đã được thay đổi. Số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhanh.
Caixin: : Điều gì khiến ông tin rằng virus corona mới có thể lây truyền từ người sang người?
Bác sĩ Peng: Dựa trên kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức của mình, tôi tin rằng căn bệnh này sẽ là bệnh truyền nhiễm cấp tính và chúng ta phải bảo vệ cao độ. Virus này sẽ không thay đổi theo mong muốn của con người. Tôi thấy chúng ta cần hành động theo khoa học. Theo yêu cầu của tôi, trung tâm hồi sức cấp cứu của viện Trung Nam đã triển khai các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và kết quả, khoa của tôi chỉ có 2 người bị nhiễm.
Cho đến hôm 28/1, trong toàn bộ nhân sự của viện chỉ có 40 người bị nhiễm bệnh. Đây là tỉ lệ thấp hơn nhiều so với các viện khác xét trên số lượng nhân viên y tế.
Caixin: Theo kinh nghiệm của bác sĩ, sự tiến triển bệnh do virus corona gây nên sẽ như thế nào?
Bác sĩ Peng: Tôi đã quan sát các bệnh nhân tại ICU ban ngày và sau đó tiến hành một số nghiên cứu vào các buổi tối. Tôi đã viết một nghiên cứu, thu thập dữ liệu từ 138 trường hợp tại bệnh viện từ ngày 7-28/1 và cố gắng tóm tắt một số đặc điểm về virus mới này.
Nhiều virus sẽ tự chết sau một khoảng thời gian. Chúng tôi gọi đây là những căn bệnh tự giới hạn.
Tôi nhận thấy rằng giai đoạn phát bệnh khoảng 3 tuần, từ khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng đến khó thở. Về cơ bản, bệnh có thể chuyển biến từ nhẹ sang nặng trong 1 tuần. Có các dạng triệu chứng nhẹ như: mệt mỏi, khó thở, một số người bị sốt, một số người không. Dựa trên nghiên cứu 138 trường hợp, các triệu chứng phổ biến nhất ở giai đoạn đầu là sốt (98,6% trường hợp), mệt mỏi (69,6%), ho (59,4%), đau cơ (34,8), khó thở (31,2). Và các triệu chứng ít phổ biến hơn là đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
Cảnh người dân Hong Kong mua khẩu trang phòng bệnh
Nhưng ở một số bệnh nhân, tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng kể từ khi sang tuần thứ 2. Ở giai đoạn này, bệnh nhân nên tới bệnh viện. Người cao tuổi có thể gặp các biến chứng, một số có thể cần thở máy.
Với các bệnh nhân như vậy, khi các cơ quan khác của cơ thể bị ảnh hưởng, đó là lúc tình hình trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch tốt sẽ thấy các triệu chứng giảm nghiêm trọng ở giai đoạn này và bắt đầu hồi phục. Vì thế, tuần thứ 2 này quyết định bệnh tình có trở nên nghiêm trọng hay không.
Việc người mắc bệnh có tử vong hay không được quyết định vào tuần thứ 3.
Hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi trong vòng 2 tuần. Với những người bị bệnh nặng, nếu họ có thể vượt qua sau 3 tuần, họ sẽ khỏe lại. Những người không thể vượt qua được sẽ tử vong trong 3 tuần.
Caixin: Xin bác sĩ cho biết chi tiết hơn về nghiên cứu lâm sàng, tỷ lệ các ca biến chuyển từ nhẹ sang nặng, tỷ lệ các ca từ nặng sang nguy cấp cũng như tỷ lệ tử vong?
Bác sĩ Peng: Theo quan sát lâm sàng của tôi, bệnh này rất dễ lây nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Người chuyển biến bệnh nặng thường là người già, đã có tiền sử mắc bệnh mãn tính.
Tính tới ngày 28/1, trong số 138 ca mà tôi theo dõi, có 36 ca trong phòng điều trị tích cực, 28 ca đã bình phục và 5 ca tử vong. Điều đó có nghĩa tỷ lệ tử vong đối với các bệnh nhân bệnh nặng là 3,6%. Ngày 3/2 có thêm một bệnh nhân tử vong, nâng tỷ lệ tử vong lên 4,3%. Số ca tử vong cũng có thể tăng lên nhưng không nghiêm trọng.
Những người nhập viện thường là người rơi vào tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Với người có triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại nhà. Chúng tôi chưa thu thập dữ liệu về tỷ lệ các trường hợp tiến triển từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nếu bệnh nhân phát triển từ tình trạng nghiêm trọng đến mức độ đe dọa tính mạng, bệnh nhân sẽ được gửi đến ICU.
Trong số 138 bệnh nhân, 36 người được chuyển tới ICU, tương đương 26%. Tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp nguy hiểm tới tính mạng là khoảng 15%. Thời gian chuyển biến từ triệu chứng nhẹ sang nguy hiểm tính mạng là khoảng 10 ngày. Tỷ lệ bình phục là 20,3%.
Đáng chú ý là 12 trường hợp bệnh nhân có tiếp xúc với chợ hải sản Nam Trung; 57 người bị nhiễm khi ở viện, 40 nhân viên y tế. Điều đó cho thấy bệnh viện là nơi có nguy cơ lây bệnh cao nên cần phải tăng cường phòng vệ nhiều hơn cả.
Cảnh sát đo thân nhiệt của khách du lịch tại chợ Hải sản ở Quảng Châu, TQ hôm 6/2.
Caixin: Nguy cơ lớn nhất mà một bệnh nhân bị bệnh nặng gặp phải là gì?
Bác sĩ Peng: Virus corona tấn công mạnh nhất vào hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Nó làm tổn hại phổi và gây khó thở. Nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng đã tử vong vì không thở được. Những người khác qua đời do các cơ quan trọng cơ thể bị phá hủy do các biến chứng sau khi hệ thống miễn dịch bị tê liệt.
Caixin: Một bệnh nhân 39 tuổi ở Hong Kong chịu tổn thương ở tim và tử vong nhanh chóng. Một số bệnh nhân khác dù không có triệu chứng nghiêm trọng trong giai đoạn đầu nhưng tử vong bất ngờ. Một số chuyên gia cho rằng virus này có thể tàn phá hệ thống miễn dịch ở người trẻ nhanh hơn. Ông đánh giá sao về hiện tượng này?
Bác sĩ Peng: Theo tôi quan sát, 1/3 bệnh nhân sẽ có biểu hiện viêm nhiễm trong toàn bộ cơ thể. Và thực tế này không chỉ gặp ở người trẻ tuổi.
Người dân Bắc Kinh xếp hàng nhận phát khẩu trang miễn phí
Caixin: Có thông tin cho rằng một số loại thuốc có tác dụng chữa bệnh do virus corona gây nên. Mọi người đang hy vọng về tác dụng của loại thuốc do Mỹ sản xuất và tin rằng thuốc đã chữa khỏi được trường hợp bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
Bác sĩ Peng: Cho đến nay chưa có loại thuốc nào có thể ngăn chặn bệnh do virus corona gây nên. Một số bệnh nhân có thể hồi phục sau khi dùng một số loại thuốc cùng điều trị hỗ trợ. Nhưng các trường hợp riêng lẻ như vậy không thể hiện tác dụng toàn cầu của các loại thuốc này. Tác dụng còn liên quan tới tình trạng bệnh của mỗi trường hợp và tình trạng sức khỏe của người đó. Mọi người muốn điều trị khỏi ngay tức thì, nhưng chúng ta cần phải thận trọng.
Caixin: Bác sĩ có lời khuyên gì cho các bệnh nhân nhiễm virus corona?
Bác sĩ Peng: Biện pháp hiệu quả nhất đối với dịch này là kiểm soát nguồn lây lan, ngăn chặn sự lây nhiễm của virus và đề phòng lây nhiễm từ người sang người. Lời khuyên của tôi cho các bệnh nhân là hãy tới một khoa truyền nhiễm, phát hiện sớm, cách ly và điều trị sớm. Khi bệnh tiến triển nặng nhập viện là bắt buộc. Tốt nhất là điều trị ngay ở giai đoạn đầu, một khi bệnh đã tới giai đoạn nguy hiểm tới tính mạng việc điều trị sẽ khó khăn hơn và tốn kém hơn.
Caixin: Ông đã điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân ở tình trạng bệnh đe dọa đến tính mạng? Có bao nhiêu người đã hồi phục?
Bác sĩ Peng: Kể từ hôm 4/2, 6 bệnh nhân của ICU viện Nam Trung đã tử vong. 80% trong số họ tình trạng bệnh đã hồi phục, ¼ đang hồi phục.
Kiểm tra thân nhiệt người mua sắm ở Vũ Hán
Caixin: Khối lượng công việc và cường độ của bác sĩ như thế nào?
Bác sĩ Peng: Công việc tại khu chăm sóc tích cực thực sự quá tải. Có ba buồng bệnh với 66 giường bệnh, có thể đón tiếp 150 bệnh nhân. Kể từ ngày 7/1 khi bệnh nhân virus corona đầu tiên nhập viện, không ai được nghỉ, chúng tôi thay ca nhau làm việc tại ICU. Thậm chí các nhân viên mang thai cũng không được nghỉ. Sau khi dịch bệnh diễn biến xấu đi, không ai trong số các nhân viên y tế trở về nhà. Chúng tôi ở trong khách sạn gần bệnh viện hoặc tại bệnh viện.
Trong khu vực cách ly, chúng tôi mặc bộ đồ bảo hộ 3 lớp. Mỗi ca làm việc kéo dài 12 giờ đối với bác sĩ và 8 giờ đối với y tá. Do bộ đồ bảo hộ bị thiếu nên chỉ có một bộ cho mỗi nhân viên y tế một ngày. Bộ đồ khá dày, kín khí và cứng, khiến chúng tôi cảm thấy ban đầu không thoải mái, nhưng giờ thì đã quen.
Caixin: Ông đã trải qua khoảnh khắc nguy hiểm nào chưa? Và ông phải làm gì để bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ bị lây nhiễm?
Bác sĩ Peng: Virus corona là một chủng mới. Chúng ta chưa hiểu rõ về bản chất của nó cũng như con đường lây lan. Sẽ là không thật lòng nếu nói rằng chúng tôi không sợ. Các nhân viên y tế đều sợ ở mức độ nào đó. Nhưng các bệnh nhân cần chúng tôi. Khi một bệnh nhân khó khở, chúng tôi phải đặt ống thở. Quy trình này khá nguy hiểm vì bệnh nhân có thể bị nôn, ọe. Các nhân viên y tế là những người có nguy cơ bị nhiễm nhất. Chúng tôi nghiêm khắc yêu cầu các bác sĩ và y tá thực hiện các biện pháp bảo vệ ở mức cao nhất. Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là thiếu thiết bị bảo vệ. Kho thiết bị bảo vệ của các nhân viên ICU đang cạn dần, mặc dù bệnh viện ưu tiên cung cấp cho khoa chúng tôi.
Caixin: Ông có thể kể về trường hợp khiến ông cảm động đặc biệt khi điều trị bệnh?
Bác sĩ Peng: Tôi từng khóc nhiều lần vì nhiều bệnh nhân không được nhập viện. Họ khóc trước cửa bệnh viện, một số bệnh nhân thậm chí quỳ xuống van nài tôi cho họ nhập viện. Nhưng tôi không thể làm gì được vì tất cả các giường bệnh đã kín. Tôi khóc khi từ chối họ. Tôi không còn nước mắt để khóc nữa rồi. Tôi không nghĩ gì khác ngoài cố gắng hết sức mình để cứu sống các bệnh nhân.
Điều tôi tiếc nuối nhất là trường hợp một phụ nữ mang thai ở Hoàng Cương. Cô ấy trong tình trạng rất nghiêm trọng. Trường hợp của cô ấy đã tiêu tốn 39.505 USD chi phí sau hơn 1 tuần điều trị tại ICU. Cô ấy tới từ nông thôn và số tiền nhập viện phải vay mượn từ bạn bè và họ hàng. Tình trạng của cô ấy được cải thiện và có khả năng được cứu sống. Nhưng chồng cô ấy quyết định ngừng điều trị và anh ấy đã khóc vì quyết định này. Tôi cũng khóc vì tôi thấy cô ấy có hy vọng được cứu sống. Cô ấy đã qua đời sau khi chúng tôi từ bỏ các nỗ lực. Nhưng ngay ngày hôm sau, Chính phủ đã thông báo chính sách mới nhằm điều trị miễn phí cho tất cả các bệnh nhân nhiễm virus corona. Tôi cảm thấy vô cùng tiếc cho người phụ nữ mang thai đó.
Phó trưởng khoa chúng tôi nói với tôi một điều và ông ấy cũng khóc. Bệnh viện Vũ Hán số 7 có quan hệ hợp tác với bệnh viện của chúng tôi. Ông ấy đã tới đó để trợ giúp khu chăm sóc tích cực của bệnh viện và ông biết rằng 2/3 nhân viên của ICU bị nhiễm virus. Các bác sĩ tại đó làm việc trong tình trạng “không che đậy” vì họ biết đã bị nhiễm do thiếu đồ bảo vệ. Dù vậy, họ vẫn phải làm việc. Đó là lý do tại sao các nhân viên của ICU hầu hết bị nhiễm bệnh. Đây là thực tế rất khắc nghiệt đối với các bác sĩ và y tá của chúng tôi.
Nơi tưởng niệm Li Wenliang, bác sĩ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vềdịch virus corona, người đã qua đời tại một bệnh viện ở Vũ Hán cuối tuần trước.