7h sáng, trên con dốc phố Bồ Đề, Long Biên đã bắt đầu những thanh âm của ngày mới. Chúng tôi không vội bởi thứ hương lao động nơi đây quá quyến rũ, nó kéo chúng tôi thoát ra khỏi những suy tính về một cuộc sống mưu sinh nặng nợ.
Lê chân trên con phố nhộn nhịp, tôi vẫn nghe văng vẳng ở phía xa tiếng chổi nan quét vào lá khô những thanh âm quen mà lạ. Hoá ra, giữa chốn phố phường này vẫn còn đó những hồi ức về một thời xa lắm.
Một chút thành thị, một chút thôn quê, một chút cổ kính khiến chúng tôi lặng lại hồi lâu để lắng nghe tiếng thì thầm của những câu chuyện.
Cơn mưa tối qua có vẻ vội vã, mặt đường còn lấm tấm những vũng nước nhỏ như cánh sen bên hồ Tây lộng gió. Làn gió mát đầu ngày cứ thế ru hồn người lạc vào miền cổ tích.
Mải miên man, tôi quên mất chàng trai với vóc dáng cao, mảnh khảnh cùng nụ cười thân thiện đứng đầu ngõ 175, tổ 12, phường Bồ Đề, quận Long Biên đang chờ chúng tôi cuối phố.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là một mùi hương lạ, thoáng có vị ngọt lại hơi phảng mùi hồ dán và mực pha, tuy không gắt nồng nhưng cũng đủ để khiến những khối óc hiếu kỳ nhớ mãi.
Đi qua con ngõ nhỏ, anh dẫn chúng tôi vào một căn nhà bình yên với một rừng hoa đúng nghĩa.
Cuối tháng 7, sen đến độ tàn, ấy vậy mà đầm sen của anh vẫn rực sắc, bông nào bông ấy căng tròn mơn mởn như thách thức sự kiên nhẫn của người thưởng lãm.
Vây quanh chúng tôi là những bông sen đủ màu sắc đầy nhựa sống. Câu chuyện dần trở nên hấp dẫn khi anh khẽ tiết lộ rằng những bông sen này bất tử, chúng không bao giờ héo, không rụng cành, đặc biệt những sợi tơ sen hiếm hoi sẽ còn sống mãi cả chục năm sau đó.
Hoài nghi và ngờ vực, tôi vốn không tin vào những câu chuyện lạ kỳ. Tôi cùng anh bắt đầu nhâm nhi tách trà sen ướp kỳ công, anh tâm sự: “Tốt nghiệp trường Luật, anh háo hức đi làm, nhưng không hiểu lý do gì đã thôi thúc anh tìm hiểu và học thêm ngành du lịch. Đi đây đi đó, bôn ba khắp nơi cùng ngõ hẻm, anh muốn khám phá và trải nghiệm những điều xưa nay ít biết”.
Nói đến đây, anh khựng lại ít chút. Trước mắt tôi, chàng trai Kiều Cao Dũng chân thành và nhỏ nhẹ. Anh trầm ngâm: “Những chuyến đi cho tôi thấy thế giới này thật rộng lớn, tôi cảm giác mình như lọt thỏm vào giữa không gian xa lạ của phố thị đèn đường, của những con người chưa từng gặp trên vùng đất mới. Tôi đã nghĩ, giá như bất cứ nơi nào tôi đến đều có một dấu ấn của truyền thống Việt Nam thì hay biết mấy”.
Khách du lịch ngày một nhiều, họ đến Việt Nam không chỉ để thưởng thức sự tuyệt vời của xứ sở nhiệt đới, họ yêu thích những nét đẹp cổ truyền, những món quà lưu niệm thủ công tinh tế được tạo nên bằng bàn tay và khối óc Việt. Nhưng có lẽ, nền kinh tế thị trường cùng dòng chảy ồ ạt của nhiều sản phẩm nước ngoài đã khiến những điều made in Vietnam đang dần bị thương mại hoá.
“Tôi thấy mình cần phải làm một điều gì đó, một món qùa gửi tặng du khách nước ngoài đúng chất Việt”, Dũng trăn trở về thực tại.
Anh hào hứng cầm bông sen đã hơn 3 năm tuổi sang phía chúng tôi đang ngồi: “Với tôi, hoa sen là loài hoa đẹp nhất, ý nghĩa nhất. Hiếm có loài hoa nào rực rỡ, thơm ngát, kín đáo dịu dàng át đi mùi bùn tanh nồng vây quanh. Kẻ sĩ ngày xưa, khi công đã thành danh đã toại, lúc lui về ẩn dật nơi chốn điền dã thì cái cảnh bơi thuyền trong hồ sen để hứng những giọt sương mai còn đọng trên tán lá về pha trà mỗi sáng là thú tiêu dao đầy quyến rũ. Ấy vậy mà dù khách lạ hay kẻ viễn hương mỗi lần nhìn thấy sen thì trong lòng lại dâng lên một niềm an yên đến kì lạ”.
Cơ duyên đã đưa anh Dũng trở thành trò của nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Bá Mưu – người thổi hồn cho mọi loài hoa bất tử.
Với anh Dũng, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu là một người đáng kính, yêu nghề, nhiệt huyết và trăn trở với làng nghề truyền thống. “Thầy là người đã truyền lửa, đã trao cho tôi sức mạnh khiến tôi luôn tin rằng mình sẽ thành công”.
Nhưng có con đường thành công nào được trải nhựa bóng loáng và trơn tru, có vinh quang nào được dựng xây bằng những bức tường chỉ chứa nụ cười.
Tôi lặng nhìn vào đôi bàn tay anh, vụng về giấu nhưng vết thương sau tà áo, tôi mới thật sự cảm nhận được cái Tâm của anh với nghề.
Anh kể: “Những ngày đầu, tôi mới chỉ học ghép từng cánh hoa sen. Tôi không muốn mình trở thành một người hời hợt với nghệ thuật. Tôi đã theo chân những người hái sen ra tận vườn để lựa bông, ngồi trên thuyền thúng, cảm giác hoà mình giữa bữa tiệc ấy thật thi vị. Hoa sen phải bóng, căng mọng, nở vừa phải. Lá sen phải còn nhựa sớm, không sâu không héo úa. Để có được một bông sen ưng ý quả thực chẳng phải chuyện dễ dàng”.
Anh thanh niên trước mặt tôi bộc bạch: “Thời gian đầu tôi vụng về lắm, hoa thì hỏng, hoa thì bị sấy quá độ dẫn đến giòn gãy, có bông thì “toe toét”, có bông thì như trầm cảm, màu loang màu đục. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại cất chúng vào một chiếc hộp để lên trên tủ mà làm bài học cho mình. Dần dần tôi cũng thoát khỏi cái “dớp” làm hoa hỏng. Những bông hoa của tôi đã cùng tôi sống một quãng đời lâu chưa từng có”.
Từ một người làm du lịch với mức thu nhập không phải là thấp, anh Dũng đã quay trở lại mốc ban đầu để tìm thấy niềm vui thực sự của mình là nghệ thuật.
Khó khăn, thiếu thốn và cả túng thiếu, có những thời điểm khuôn mặt của chàng trai hơn 30 tuổi nặng nề những vết nhăn.
Anh tiếp lời: “Có lẽ thời gian ấy với tôi thật khó khăn. Cứ nhìn những bông hoa bị hỏng là tôi hụt hẫng, chán nản và hoài nghi chính mình. Tôi đã từng nghĩ con đường này liệu mình có đi được không, mình có làm được không, mình phải làm gì? Một mình tôi ngược hướng, tôi đơn độc với những cánh sen trong lòng mình. Nhưng nếu mình từ bỏ chẳng phải là...”.
Và anh Dũng đã làm được điều kỳ diệu...
Ngày anh Dũng cầm thành phẩm trên tay là ngày chiếc tủ của anh đã chứa vài nghìn hộp hoa. Anh không nỡ bỏ, cũng chẳng muốn dọn đi. Với anh nó là bạn, là quá khứ, là chặng đường, là con dấu ý chí đóng chặt trên tấm bằng nỗ lực.
Nhìn xuống đôi tay loang lổ những vệt màu thấm cả vào móng tay bị cắt cụt, anh nói: “Màu sắc quan trọng lắm. Hoa sen phải giữ được nét tinh tế của nó. Thanh cao, dịu nhẹ chứ không gắt gỏng như tháng tháng 6, màu của sen chỉ phớt hồng như đôi má cô gái say rượu. Vì hoa là bạn nên những thành phẩm để làm nên sắc hoa khô bất tử phải thật “quý” người, thân thiện và không gây hại với con người. Tôi nhớ, khoảng thời gian cùng với thầy Mưu tìm ra hợp chất màu của hoa khô thật gian nan. Bởi hoa sau khi sơ chế có màu trắng đục, làm thế nào để khi “nhuộm” hoa mà hoa vẫn giữ được nét đẹp sơ thuỷ ban đầu. Cuối cùng, tôi và thầy cũng có đáp án. Một đáp án hoàn chỉnh cho bài toán khó nhằn”.
Cuộc trò chuyện đã quá trưa, nhưng chúng tôi chẳng một ai thấy mệt. Có lẽ đứng trước những sản vật đậm chất truyền thống như vậy, sự mệt mỏi đời thường đã theo dòng ký ức tan biến tự lúc nào.
Anh Dũng ra hiệu cho chúng tôi, anh đứng lên ngắm nhìn những bông sen mỉm cười trong lồng sấy. Khẽ nâng từng cánh hoa, anh không giấu nổi niềm vui mà mỉm cười như đứa trẻ lần đầu được người thân trao tay món quà quý.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày giấc mơ của chàng thanh niên du lịch bắt đầu dần thành hiện thực, anh Dũng đã quá quen thuộc với hoa sen và cách thức khai sinh linh hồn mới cho chúng.
Từng lang thang khắp làng Chuông – cái nôi của nón Việt, mê mải với thư pháp và hội hoạ, anh Dũng đem ước mơ của mình đặt vào tay những nghệ nhân hàng đầu của đất nước.
Những ý tưởng đột phá với sen bất tử khiến anh Dũng ngày càng say mê với nghề. Tinh thần di sản luôn hiện hữu trong các sản phẩm của anh và đồng nghiệp, trong những bức tranh đông hồ trên lá sen, thư pháp trên cánh sen, nón lá, nón quai thao và những bức tranh cổ mặc.
Có lẽ tôi đã dần hiểu anh qua những lời kể chân thành mộc mạc. Chàng trai ấy trước mặt tôi, hiền lành dễ mến nhưng dũng cảm kiên cường. Đằng sau ánh mắt biết cười kia là một ý chí mạnh mẽ với ý muốn vươn mình ra biển lớn.
Nhịp sống hiện đại xô những giá trị cổ truyền vào trong niềm nhớ một cách vô thức.
Trân trọng lắm những người trẻ đã giảm gia tốc cuộc đời, sống chậm lại và nghĩ về những điều truyền thống.
Trời chạng vạng tối, nắng chiều gấp gáp nhường chỗ cho những ánh đèn đường thắp sáng con phố Bồ Đề bình lặng. Anh Dũng vẫn miệt mài bên những cánh hoa, tỉ mỉ lau khô từng bản lá bằng đôi tay loang lổ những vệt màu cùng vài vết sẹo.
Hẹn gặp lại anh vào một ngày sen nở - một ngày giấc mơ giương buồm ra khơi của anh sớm thành hiện thực.