Cuối tháng 7/2024, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn cuối cùng là làm thủ tục nhập học đối với thí sinh trúng tuyển, chuẩn bị cho năm học 2024 – 2025.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2024 – 2025 đánh dấu 10 năm thành phố Hồ Chí Minh đổi mới phương thức từ xét tuyển sang thi tuyển. Kết quả tuyển sinh thể hiện bức tranh giáo dục giữa các trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

Tại những khu vực có mức độ đô thị hóa cao nhưng số lượng trường THPT công lập hạn chế như quận Tân Phú, quận Gò Vấp,.. thì áp lực tuyển sinh lớp 10 luôn hiện hữu. Tương đồng với các trường THPT chuyên, các trường có truyền thống thành tích học tập cao.

Tại kỳ họp thứ 17 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh từ 15 đến 17/7, các đại biểu đã thảo luận về áp lực của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đối với học sinh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thông tin: “Đúng là tuyển sinh lớp 10 trong những năm gần đây thể hiện rõ ràng về áp lực đối với thí sinh. Mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh tăng học sinh cấp THCS nhưng chưa thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đến năm 2025 sẽ nâng lên tỷ lệ 40%.

“Tuy nhiên, học sinh hết lớp 9 còn nhỏ nên phụ huynh hầu hết không muốn cho con học nghề và lao động sớm nên mong muốn học hết lớp 12. Đây là mong muốn chính đáng. Một phần do chúng ta chưa làm tốt công tác hướng nghiệp”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Một lý do khác khiến công tác tuyển sinh lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh nhiều áp lực, là các trường đào tạo nghề chưa thu hút được học sinh khi chất lượng đào tạo chưa gắn liền nhu cầu thị trường lao động.

“Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tìm giải pháp nâng cao chất lượng trường đào tạo nghề nghiệp. Cụ thể, khi một bộ phận học sinh tốt nghiệp THCS sẽ tự nguyện học nghề chứ không phải do áp lực thi trượt lớp 10 công lập. Có đạt được như thế thì mới thực hiện đúng đắn chủ trương phân luồng”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Sau kỳ thi cuối cùng đánh giá kiến thức của học sinh dựa trên nội dung chương trình giáo dục ban hành năm 2006, năm sau, kể từ năm học 2025 – 2026, kỳ thi này sẽ đánh giá học sinh dựa trên chương trình giáo dục ban hành năm 2018 với sách giáo khoa mới.

Trong bài viết này, Người Đưa Tin chia 10 năm thành 3 giai đoạn và 1 năm đặc biệt để khái quát hành trình tuyển sinh lớp 10 của thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2014, UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện thi tuyển vào lớp 10 tại tất cả các trường THPT trên địa bàn từ năm học 2014-2015 trong khi trước đó tồn tại song song cả hai phương pháp là thi tuyển và xét tuyển.

Quyết định này được đưa ra khi hình thức xét tuyển đã bộc lộ một số nhược điểm như: chất lượng giáo dục ở bậc THCS có xu hướng giảm sút, các trường THPT rất vất vả khi phải “giữ” học sinh, tránh cho học sinh bỏ học vì không theo kịp chương trình.

Đồng loạt áp dụng thi tuyển ở 24 quận huyện, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh chứng kiến tỷ lệ chọi vào các trường tốp trên, trường có uy tín cao hơn năm học trước và cuộc đua trở nên căng thẳng hơn.

Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014 - 2015 của hệ thống các trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là gần 62.000 chỉ tiêu so với 68.500 thí sinh thi tuyển vào lớp 10.

Đến năm 2015, toàn Thành phố tuyển 66.980 chỉ tiêu trong khi có gần 83.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Như vậy, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp tăng hơn 14.000 học sinh trong khi chỉ tiêu vào lớp 10 công lập tăng chưa đến 3.000 chỉ tiêu.

Sự chênh lệch chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào đã hình thành đánh giá chung về mức độ cạnh tranh ở các trường THPT tốp trên. Sau khi lấy hết thí sinh có điểm cao vào lớp 10 chuyên thì sẽ xét tiếp nguyện vọng vào lớp 10 thường.

Những trường THPT như: Nguyễn Thượng Hiền, Trung học Thực hành, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân luôn đứng ở tốp đầu của thành phố Hồ Chí Minh về điểm chuẩn. Bám sát là các trường THPT tốp giữa như:Gia Định, Nguyễn Công Trứ, Phú Nhuận, Trưng Vương, Lê Quý Đôn,…

Qua năm 2016, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh tăng khoảng 2.000 so với năm trước nhưng số lượng học sinh lớp 9 lại tăng gấp 5 lần số đó. Sở dĩ có sự tăng đột biến này vì đây là lứa học trò sinh vào năm Canh Thìn (2000), năm được quan niệm là “Rồng vàng”.

Điều này dẫn đến mặt bằng điểm chuẩn trung bình các trường tăng hơn 3 điểm, đặc biệt ở khu vực ngoại thành, có trường tăng hơn 10 điểm. Năm nay, ban chỉ đạo kỳ thi cũng thông tin cụ thể hơn về cấu trúc đề thi. Ngoài Toán và Ngoại ngữ vẫn biên soạn theo cấu trúc tương tự những năm trước, bắt đầu từ năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo thay đổi cấu trúc đề môn Văn tuyển sinh lớp 10 theo hướng đề thi THPT quốc gia.

Năm 2017, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017 - 2018 có 73.769 thí sinh dự thi vào lớp 10. Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, tiếp tục đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của thí sinh.

Thời điểm đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, đề thi ra theo phương pháp đổi mới, yêu cầu học sinh phải tư duy, nên việc luyện thi sẽ không còn ý nghĩa.

Năm 2018, cuộc đua giành suất vào lớp 10 công lập vẫn căng thẳng. Cụ thể, theo số liệu nguyện vọng thì có hơn 86.881 học sinh đăng ký thi vào lớp 10. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu 103 trường THPT công lập là 68.690 học sinh.

Kết quả kỳ thi tiếp tục phân hóa sâu sắc khi những trường THPT có điểm chuẩn dẫn đầu là Nguyễn Thượng Hiền, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai... và những trường có điểm chuẩn thấp là các trường ở ngoại thành.

Từ năm đó, Ban chỉ đạo tuyển sinh cũng quán triệt rằng thí sinh tuyệt đối không đổi nguyện vọng sau khi công bố kết quả tuyển sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường trung học phổ thông đều không nhận đơn cũng như không giải quyết việc xin đổi nguyện vọng. Các trường trung học phổ thông chỉ nhận hồ sơ thí sinh có trong danh sách trúng tuyển vào lớp 10 của đơn vị mình.

Năm 2019, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 có 80.327 thí sinh đăng ký dự thi so với chỉ tiêu là 67.299 học sinh. Năm đó, ghi nhận phản ứng của giáo viên cho thấy đề thi tuyển sinh khá hay.

Trong đó, đề thi môn Văn có nhiều câu hỏi "mở", khơi gợi sự sáng tạo của thí sinh, còn đề thi môn Toán có nhiều bài toán thực tế nhằm yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.Tuy nhiên, đề môn Toán được đánh giá là hơi dài và phân hóa thí sinh khá chặt chẽ.

Riêng đề thi tiếng Anh được các giáo viên nhận xét là khá nhẹ nhàng so với năm trước. Mặc dù vậy, nếu học sinh đọc đề không kỹ rất dễ nhầm lẫn và sai sót.

Khi công bố điểm chuẩn lớp 10 của 112 trường THPT, thực tế cho thấy các trường đều giảm điểm chuẩn, đa số giảm 1-3 điểm. Nguyên nhân điểm chuẩn giảm là đề thi khó hơn các năm trước. Ở môn Toán, dạng bài vận dụng thực tế chiếm 40% đề, học sinh chưa quen nên làm không tốt. Ngoài ra, thí sinh không được cộng điểm nghề (0,5-1,5) vào điểm xét tuyển cũng khiến ngưỡng đầu vào các trường không cao.

Trong năm 2020, kỳ thi lớp 10 có 82.303 thí sinh đăng ký dự thi trong khi các trường THPT công lập đưa ra chỉ tiêu 66.520 học sinh. Rút kinh nghiệm từ năm trước đó, đề thi năm 2020 có mức độ nhẹ nhàng hơn. Đề có độ mở tốt, sát thực tế, sáng tạo, giữ cấu trúc ổn định, tạo điều kiện cho thí sinh làm bài trong bối cảnh việc học tập gián đoạn, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đề thi bám sát chỉ đạo của phòng chuyên môn theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, không kiểm tra kiến thức được học một cách máy móc mà kiểm tra việc hiểu và vận dụng những kiến thức được học để làm bài, giải quyết những tình huống thực tiễn được đưa ra ở cả 3 môn thi.

Thay vì kế hoạch ban đầu, đến đầu tháng 8/2021, do ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, thành phố Hồ Chí Minh quyết định không tổ chức kỳ thi tuyển mà chuyển sang xét tuyển vào lớp 10 bằng điểm trung bình lớp 9.

Thời điểm đó, thành phố Hồ Chí Minh có 83.324 học sinh lớp 9 đăng ký thi vào lớp 10. Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của 114 trường trung học phổ thông là 67.989 học sinh. Hầu hết các điểm chuẩn xét tuyển đều cao hơn từ 10 điểm so với năm trước.

Và từ đó, câu chuyện ồn ào đã xảy ra tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Đặc biệt, trường này còn có hệ đào tạo THCS với tỷ lệ chọi đầu vào lớp 6 không kém gay gắt so với tuyển sinh lớp 10. Đây cũng là đơn vị duy nhất tại thành phố Hồ Chí Minh lúc đó có quy định tuyển sinh riêng cho lớp 6 với chỉ tiêu hàng năm dao động khoảng 500 học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

Phần lớn các học sinh lớp 10 tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đều được kế thừa từ quá trình đào tạo cấp THCS. Mặc dù các học sinh tốt nghiệp lớp 9 từ nhà trường vẫn phải thi tuyển cùng các đơn vị khác trong kỳ thi chung của thành phố Hồ Chí Minh để vào lớp 10 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng lợi thế “sân nhà” là không thể phủ nhận.

Thế nhưng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã đảo lộn truyền thống đó. Với chỉ tiêu lớp 10 là 405 học sinh (hệ chuyên và không chuyên), trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển sinh bằng xét tuyển thay vì kế hoạch thi tuyển đã bị dời lại hơn 6 tuần.

Và khi những học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa không thể tiếp tục học tại đây, cũng như cạnh tranh khốc liệt để vào các trường chuyên khác như THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định,…thì không ít phụ huynh đã bức xúc.

Họ tập hợp thành nhóm với gần 250 thành viên để gửi đơn kiến nghị đến ngành giáo dục và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, giữa lúc các trường THPT chuyên đã bắt đầu nhận hồ sơ nhập học.

Đơn kiến nghị dẫn chứng, gần 500 học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chỉ có 28% trúng tuyển lớp 10 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trong khi tỷ lệ này hằng năm đều trên 90% nên các phụ huynh mong muốn quá trình học trường chuyên, lớp chuyên của con em họ không bị gián đoạn.

Đứng trước sức ép này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, bất kỳ phương án tuyển sinh nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm.

Đối với nhận định “trường ra đề khó nên điểm thấp, không công bằng khi xét tuyển” trong đơn kiến nghị, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho rằng là “chủ quan, không có cơ sở”.

Bước đến năm 2022, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có thay đổi quan trọng khi tổng điểm 3 môn thi đều có hệ số 1, trước đây môn Ngữ văn và Toán là hệ số 2. Đối với 114 trường THPT trên địa bàn, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 99.973 thí sinh trong khi chỉ tiêu là 72.800 cho lớp 10.

Năm đó, nhiều trường THPT trên địa bàn tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không nhiều. Trong khi đó, số học sinh lớp 9 dự kiến sẽ tốt nghiệp THCS lại tăng vọt so với những năm trước vì là lứa “Heo vàng” (năm 2007 là Đinh Hợi).

Năm học 2021-2022 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một thời gian dài việc dạy và học phải thực hiện theo phương thức trực tuyến nhưng cả thầy và trò đã đáp ứng, cố gắng học tập.

Năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh có 77.294 chỉ tiêu vào lớp 10 thông qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại 114 trường THPT. Trong số 96.325 thí sinh tham gia dự thi thì có 88.237 thí sinh đăng ký vào lớp 10 thường, 1.055 thí sinh thí sinh đăng ký xét vào lớp 10 tích hợp (loại 1), 92 thí sinh đăng ký xét vào lớp 10 tích hợp (loại 2), 6.941 thí sinh đăng ký nguyện vọng chuyên.

Kỳ thi năm đó cũng chứng kiến nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu, trong khi có thí sinh điểm cao lại trượt hết nguyện vọng. Đến đầu tháng 8/2023, tức sau 1 tháng khi công bố điểm chuẩn, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thống kê các trường THPT công lập còn trống gần 4.000 chỗ học.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là nhiều thí sinh nhà ở trung tâm nhưng đăng ký vào các trường vùng ven. Khi trúng tuyển, các em lại không thể theo học vì xa nhà. Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển bổ sung nhưng vẫn trống gần 2.000 suất học.

Năm nay, năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh quyết định tăng 5.535 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 tại 62 trường THPT năm học 2024-2025.

Động thái được thực hiện sau khi thống kê số học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 nhận thấy tỷ lệ học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 và chỉ tiêu tuyển sinh chưa cân đối ở một số trường, từ đó có thể dẫn tới tỷ lệ chọi ở một số trường tăng cao.

Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 ở thành phố Hồ Chí Minh là 77.355 học sinh (chỉ tiêu ban đầu là 71.820 học sinh). Năm nay, địa phương có 98.681 học sinh lớp 9 đăng ký thi lớp 10.

Đối với nhiều ý kiến cho rằng đề thi môn Toán năm nay quá dài, quá khó, điểm thi môn Toán cũng thấp nhất trong 3 môn thi tuyển sinh lớp 10, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đề thi môn Toán được thực hiện theo chủ trương của ban ra đề nhằm rèn luyện và kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu của thí sinh.

Từ mùa tuyển sinh lớp 10 năm 2025, đề thi phải đảm bảo yêu cầu theo tinh thần đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có thể nói, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đang gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh. Với tính chất tuyển sinh, mục đích phân hóa thí sinh dựa trên điểm số để phân luồng học sinh là quan trọng nhất.

Hành trình tuyển sinh lớp 10 qua 10 năm đã đặt ra yêu cầu cho các trường THCS phải cải thiện cách dạy - học, cách kiểm tra, đánh giá học sinh để hướng đến kỳ thi năm 2025 theo chương trình giáo dục mới có sự thay đổi tốt hơn, tích cực hơn.

Bài viết: Thành Nhân

Thiết kế: Quốc Việt

NGUOIDUATIN.VN |