NĐT: Năm 2013, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được thành lập. Và rồi, năm 2021, chúng ta lại tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Sau 8 năm, vẫn phải có một cuộc vận động dù đã có riêng một hiệp hội, phải chăng văn hoá doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn “nhiều điều phải nói”?
Ông Lê Quốc Vinh: Chúng ta cần phải hiểu một cách cho đúng như thế này, bất cứ một tổ chức nào, một cộng đồng nào cũng đều đã có một nền văn hóa nào đó. Muốn hay không thì văn hóa vẫn sẽ luôn tồn tại, gia đình có văn hóa của gia đình, một tổ chức sẽ có văn hóa của một tổ chức, một cộng đồng sẽ có văn hóa của cộng đồng,… kiểu gì cũng sẽ luôn có văn hóa, chỉ khác là nó ở mức độ nào mà thôi.
Với việc phát động về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chúng ta cần phải hiểu, đó là phát triển một nền văn hóa tích cực và hữu ích trong việc phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” đưa những tiêu chí về văn hóa kinh doanh Việt Nam thành tiêu chuẩn chung, đưa ra những định hướng để các hoạt động kinh doanh đúng với pháp luật, đạo đức và văn hóa phù hợp với tư duy chung giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam vững chắc.
NĐT: Vậy văn hóa trong các doanh nghiệp của Việt Nam đang ở mức nào?
Ông Lê Quốc Vinh: Hiện tại, nhiều doanh nghiệp để văn hóa phát triển một cách tự do theo suy nghĩ, cảm nhận của người sáng lập. Người đứng đầu suy nghĩ thế nào, cảm nhận thế nào thì doanh nghiệp sẽ đi theo con đường như thế. Nếu sự áp đặt của lãnh đạo theo hướng tích cực thì nó sẽ tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh và ngược lại. Thực ra, chúng ta không xây văn hoá từ con số không mà đang xây dựng nó lên một tầm cao mới để văn hoá trở thành động lực phát triển.
NĐT: Trước, trong và sau đại dịch Covid-19, vai trò của văn hoá doanh nghiệp thể hiện thế nào, thưa ông?
Ông Lê Quốc Vinh: Covid-19 thực sự là một thảm họa cho doanh nghiệp, nhưng nó cũng là thuốc thử để doanh nghiệp tái tạo lại và là cơ hội để giá trị tốt đẹp của người Việt trỗi dậy mạnh mẽ. Giá trị tốt đẹp ấy chính là văn hóa tương thân tương ái.
Khi chúng ta phát triển trong bối cảnh không có những thách thức lớn, không có những áp lực lớn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển khá độc lập, mạnh ai nấy làm. Nhưng, khi đứng trước khó khăn, các doanh nghiệp lại cùng nhau hành động vì lợi ích cộng đồng.
Người Việt Nam chúng ta lúc nào cũng thế, đối diện với khó khăn bao giờ cũng là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một đức tính của người Việt. Điều này cũng đã chi phối đến các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, thậm chí có những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng không phải vì thế mà họ không chìa tay ra để giúp đỡ cộng đồng. Thực tế đã cho chúng ta thấy, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện đóng góp cho cộng đồng mà chẳng cần phải có cuộc vận động nào cả. Đến khi đại dịch bùng phát, tinh thần tương thân tương ái ấy phát triển mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp nhỏ giúp đỡ nhỏ, tập đoàn lớn giúp đỡ lớn.
Điều đó cho thấy, đa số chúng ta đều ý thức được rằng bản thân phải đóng góp gì đó để cùng nhau thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Sự đồng lòng đó đã giúp chúng ta vượt qua khó khăn.
Sự cống hiến cho xã hội lúc khó khăn sẽ tác động trở lại, giúp doanh nghiệp khi đại dịch qua đi. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp đóng góp nhiều trong giai đoạn đại dịch đều có thể đứng vững và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sau đó.
NĐT: Thật tuyệt vời khi nghe những điều này, nhưng cũng từ thực tế cho ta thấy vẫn còn những nốt trầm. Có những doanh nghiệp đã lợi dụng đại dịch để thu lợi bất chính, bất chấp đạo đức và lợi ích của cộng đồng?
Ông Lê Quốc Vinh: Đúng là vẫn có những doanh nghiệp ích kỷ, những doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sự tồn vong của mình. Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm xã hội khi chúng ta đối diện với đại dịch Covid-19 thì vẫn có những doanh nghiệp như Việt Á hay những công ty trục lợi khác nhưng chưa được đưa ra ánh sáng.
Đó là những doanh nghiệp làm ăn rất tốt, có lợi nhuận cao, doanh thu cao nhưng văn hóa tồi. Bởi vì, họ chỉ chăm chăm đến việc kiếm tiền, kiếm lợi nhuận. Việt Á là một điển hình. Họ chỉ kiếm lời và lời rất nhiều, nhưng văn hoá lại là ăn cắp, chộp giật. Họ ăn cắp quyền được phát triển một cách bình thường của những người khác. Ăn trộm cơ hội của người khác để làm giàu cho mình. Đó là một loại văn hóa rất thiếu lành mạnh, văn hóa thối rữa, kiếm lợi trên quyền và lợi ích của người khác. Đó là loại văn hóa chúng ta cần loại bỏ để hướng đến những điều tốt đẹp cho doanh nghiệp, cho xã hội như đúng với bản chất của hai từ văn hoá.
NĐT: Thời gian gần đây, nhiều người so sánh văn hoá doanh nghiệp với vắc-xin. Vắc-xin ấy đã giúp các doanh nghiệp cầm máu và phát triển trở lại sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, đã là vắc-xin thì phải tiêm đủ liều và tiêm đúng thời điểm. Vậy, thế nào được coi là đủ liều và sử dụng khi nào thì được coi là đúng thời điểm?
Ông Lê Quốc Vinh: Khái niệm này xuất phát từ đại dịch Covid-19. Hình ảnh vắc-xin là để chúng ta liên tưởng đến việc chống chọi với Covid-19. Nôm na, chúng ta có thể hiểu thế này, nếu văn hóa của doanh nghiệp lành mạnh thì giống như một liều vắc-xin giúp cơ thể khoẻ mạnh để miễn nhiễm với bệnh tật. Những điều tử tế của văn hoá lành mạnh sẽ triệt tiêu những khó khăn, giúp doanh nghiệp vững vàng trước những thách thức.
Vậy văn hóa lành mạnh là gì? Nó chính là tất cả mọi người đều nhìn về một hướng. Nếu như chúng ta có một văn hóa lành mạnh thì tất cả những người trong doanh nghiệp đều yêu thích nơi mình làm việc, yêu thích công việc đang làm và sứ mệnh của công ty. Khi có sự đồng lòng ấy, mọi người sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn.
Bản chất của văn hoá doanh nghiệp chính là kiến tạo để có một môi trường gắn bó, tôn trọng, yêu thương nhau, cùng nhau hướng về một mục tiêu. Sự đồng thuận cao này sẽ tạo nên lợi thế mạnh mẽ trong doanh nghiệp.
Tôi lấy ví dụ thế này, nếu một doanh nghiệp mà ở đó người lao động chỉ làm hết phận sự của mình, chỉ mong hết giờ để về thì khi gặp khó khăn, họ sẽ không thể tồn tại. Nếu doanh nghiệp đã yếu từ nội tại thì chỉ cần khó khăn là sẽ “chết” và ngược lại. Trong đại dịch Covid-19, nếu doanh nghiệp không đủ tiền để trả lương và người lao động chỉ làm việc đúng phận sự thì họ sẽ ngay lập tức bỏ rời doanh nghiệp. Đó có thể hiểu là chúng ta chưa được tiêm đủ liều vắc-xin.
Còn về việc tiêm vắc-xin lúc nào, với tôi, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một hành trình rất dài. Nó không thể là một sự kiện hay là một chiến dịch để chúng ta xây dựng trong một ngày, hai ngày hay một tháng, hai tháng. Khi nó đã là hành trình dài thì chúng ta xây dựng sớm bao nhiêu doanh nghiệp sẽ sớm bền vững bấy nhiêu. Khi chúng ta có được một cơ thể khoẻ mạnh thì càng dễ vượt qua khó khăn, thách thức.
NĐT: Thế nhưng, ở giai đoạn hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Điều này phản ánh điều gì từ góc nhìn của văn hóa doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Quốc Vinh: Đây là câu chuyện phức tạp hơn văn hoá doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp có văn hóa tốt nhưng gặp sai lầm về kinh doanh hoặc hoạt động không còn phù hợp với sự thay đổi thì việc người lao động rời đi là bình thường.
Có thể, người lao động rất muốn gắn bó với doanh nghiệp, yêu thương nơi mình làm việc nhưng họ cũng cần phải đảm bảo cuộc sống. Thế nên, không thể đánh giá việc họ rời đi là không tinh thần gắn bó.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhiều lao động phổ thông di cư nhận ra, đi làm xa đối diện với những nguy cơ rất lớn. Từ thực tế của đại dịch Covid-19, chúng ta có thể thấy, ở nông thôn chúng ta sẽ xoay xở tốt hơn so với việc ở thành phố lớn. Ở thành phố, khi không có tiền, chúng ta sẽ đối diện với nhiều khó khăn nhưng ở nông thôn, việc giải quyết những nhu cầu hàng ngày dễ dàng hơn. Chúng ta có thể ra vườn hái rau, bắt một con gà là đã có bữa ăn cơm tươm tất. Từ thực tế đó, nhiều người lao động đã chọn trở về quê nhà. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng thiếu lao động tại một số ngành chính là sự chuyển dịch quá nhanh ở một số lĩnh vực của nền kinh tế. Có những mảng phát triển đột biến và có những mảng lại bị suy thoái. Khi đó, người lao động sẽ dịch chuyển sang những mảng đang phát triển.
NĐT: Năm 2005, cuốn sách Thế giới phẳng của Thomas Friedman ra đời đã tạo nên tiếng vang lớn với những lập luận mà ông ấy đưa ra. Thế nhưng, nó cũng khiến nhiều người trăn trở về sự tồn tại của văn hoá truyền thống, của những giá trị riêng tạo nên khác biệt. Trong thế giới phẳng, tiếp biến văn hoá liệu có đáng lo ngại với doanh nghiệp Việt không, thưa ông?
Ông Lê Quốc Vinh: Với một doanh nghiệp mới hình thành, văn hóa phụ thuộc vào thế hệ của những người đầu tiên, những người lãnh đạo đầu tiên, nhưng trong quá trình phát triển sẽ có rất nhiều biến động tạo ra những làn sóng mới. Khi đó, doanh nghiệp đang trong quá trình phát triển cũng thay đổi cách tư duy của mình, thay đổi những giá trị để phù hợp với định hướng mới. Nó có thể là sự thay đổi tích cực nhưng cũng có thể là tiêu cực.
Có nhiều yếu tố tạo nên sự thay đổi, chẳng hạn như mở rộng thị trường. Khi mở rộng thị trường từ nội địa ra quốc tế, doanh nghiệp sẽ phải thu nhận những yếu tố văn hoá mới để phù hợp. Hay khi doanh nghiệp thực hiện mua bán sáp nhập (M&A), tuyển dụng những nhà lãnh đạo mới từ các nền văn hoá khác, hoặc từ các địa phương, quốc gia khác... đều sẽ dẫn đến những thay đổi. Tiếp biến văn hóa là rất bình thường, luôn luôn có những điều mới đến và có những thứ cần phải loại bỏ.
NĐT: Như ông đã nói, tiếp biến văn hoá là rất bình thường, nhưng chúng ta cứ hoà nhập một cách tự nhiên thì sẽ có ngày bị hoà tan. Vậy thì đầu còn cái riêng để tạo sự khác biệt của doanh nghiệp Việt?
Ông Lê Quốc Vinh: Để tránh được điều này, chúng ta cần phải hướng đến mục tiêu cuối cùng, tập trung vào mục tiêu cuối cùng. Văn hóa lành mạnh chính là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo những tiêu chuẩn chung của pháp luật, của xã hội, của đạo đức. Vì vậy, chúng ta phải có thứ tự ưu tiên. Khi đã xác định rõ điều này, chúng ta sẽ biết cái gì phải loại bỏ, cái gì cần được tiếp nhận để phục vụ triết lý tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Điều này thì có thể hiểu rằng cái gì cản trở cho con đường đã chọn, cản trở con đường biến giấc mơ thành hiện thực thì loại bỏ, còn cái gì cộng thêm, làm gia tăng giá trị để mình hướng tới giấc mơ thì tiếp nhận.
NĐT: Đại dịch qua đi, các doanh nghiệp Việt đã bắt nhịp trở lại khá tốt. Thưa ông, đâu là đặc trưng của doanh nghiệp Việt khi bước ra thế giới để chúng ta tạo lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp đến từ các nước khác?
Ông Lê Quốc Vinh: Với tôi, đó chính là luỵ tình. Người Việt chúng ta thường luỵ tình. Tất nhiên sẽ có người phản đối và nói rằng “luỵ tình đâu mà luỵ tình”. Thật ra, điều này phụ thuộc vào quan điểm, trước một vấn đề sẽ có những quan điểm khác nhau. Nhưng với tôi, cái nổi nhất chính là tính tương thân tương ái. Đây chính là đặc trưng nổi bật nhất của doanh nghiệp Việt. Điều này, chúng ta có thể thấy rất rõ thông qua đại dịch Covid-19 vừa rồi.
Với người ở một số nước châu Á khác, khi ra bên ngoài, họ rất đoàn kết với nhau, nhưng đoàn kết là để không bị bắt nạt, không muốn ngoại bang xen vào làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Người Việt Nam chúng ta lại khác, chúng ta tư duy, tôi giúp anh vì tôi đang ổn hơn anh, vì anh yếu hơn nên tôi giúp chứ không phải đoàn kết để không bị bắt nạt. Đó chính là đặc trưng của người Việt nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng. Điều này chính là nét khác biệt, góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
NDT: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
NGUOIDUATIN.VN |