img huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Người Đưa Tin (NĐT): Những năm qua, từ thương hiệu “kinh đô vải thiều” của cả nước, Lục Ngạn đã có nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội, được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế khu vực Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Xin ông cho biết định hướng chiến lược phát triển kinh tế của huyện Lục Ngạn để sớm hiện thực hóa những kỳ vọng đó?

Ông La Văn Nam: Việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Lục Ngạn hay bất kỳ địa phương nào khác cũng cần dựa trên những đặc trưng, thế mạnh vốn có, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh, của vùng.

Lục Ngạn là một huyện miền núi có diện tích lớn, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, chúng tôi xác định nông lâm nghiệp là thế mạnh, là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, cùng với sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, Lục Ngạn đã trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Bắc Giang và khu vực phía Bắc, đang tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm cây ăn quả cùng với việc kêu gọi, thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, các dịch vụ logistic để đa dạng hóa cơ cấu kinh tế và sản phẩm của địa phương với chất lượng và giá trị cao hơn, hướng tới đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn của nhiều thị trường tiềm năng.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Bên cạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, chúng tôi đang chú trọng vào chiến lược phát triển đô thị phù hợp với đặc trưng địa bàn huyện miền núi, mà trọng tâm là đẩy mạnh quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khu dân cư, khu đô thị và hạ tầng xã hội nhằm tạo sức hút, tạo động lực đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo Nghị quyết 233 của BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, đến năm 2025, Lục Ngạn dự kiến sẽ được sắp xếp lại đơn vị hành chính. Do đó, ngay từ bây giờ chúng tôi đang ưu tiên tập trung cao vào phát triển các đô thị trung tâm để đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí của các đơn vị xã, thị trấn đã được tính toán tiến tới thành lập thị xã Chũ. Ở các vùng xung quanh thì được định hướng phát triển theo mô hình đô thị vệ tinh, hình thành các thị trấn, các trung tâm thị tứ để thu hút các ngành và lực lượng sản xuất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn tạo được bước đột phá trong phát triển du lịch trên địa bàn; chú trọng các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tâm linh và du lịch trải nghiệm nhằm khai thác tốt lợi thế vùng cây ăn quả tập trung, các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

NĐT: Làm nông nghiệp không phải câu chuyện quá mới nhưng làm giàu từ nông nghiệp là điều còn phải bàn nhiều và là hướng mới mà nhiều địa phương đang hướng đến. Với Lục Ngạn, định hướng nông nghiệp là mũi nhọn kinh tế chủ đạo, huyện định hướng như thế nào để có thể thực sự làm giàu từ nông nghiệp?

Ông La Văn Nam: Trước hết nói về diện tích, Lục Ngạn xác định sẽ là vùng chuyên canh rộng lớn, vùng trọng điểm cây ăn quả. Vấn đề này đã được đề cập đến ngay từ khâu quy hoạch trong đó không chỉ nhấn mạnh về mặt diện tích mà còn quy hoạch đến thể loại cây trồng, đánh giá các loại cây ăn quả ở vùng nào, ở địa phương cụ thể nào thì có điều kiện thâm canh tốt nhất. Với tổng diện tích cây ăn quả trên 28.000 ha, trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái: từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5,6,7 có vải; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối...

Từ quy hoạch tốt, chúng tôi tập trung cao nhất công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, lựa chọn giống tốt, kỹ thuật trồng và thu hoạch tốt, hướng đến sản xuất theo các quy chuẩn Vietgap, Global Gap. Chúng tôi tập trung cho việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng quy trình chuẩn hóa để tạo sự thống nhất trong sản phẩm. Đặc biệt, chúng tôi xác định phải chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình sang doanh nghiệp, hợp tác xã, khuyến khích người dân cần thành lập các tổ hợp tác nhằm thuận lợi cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ chăm sóc cây trồng, dịch vụ bảo quản, đóng gói, vận chuyển sản phẩm nông sản.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Cùng với sản xuất, Lục Ngạn cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa chính quyền - người sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng; tăng cường việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội và nền tảng số khác. Năm vừa rồi, chỉ riêng trên các nền tảng thương mại điện tử, Lục Ngạn đã bán được hơn 100.000 tấn vải, điều đó cho thấy cách tiếp cận của chúng tôi đang đúng hướng.

NĐT: Cùng làm nông nghiệp nhưng không phải địa phương nào cũng có thể “hái được quả ngọt”. Từ những bước thành công đầu ở Lục Ngạn, theo ông mấu chốt thực sự để có thể làm giàu thực sự từ nông nghiệp là gì?

Ông La Văn Nam: Làm nông nghiệp thì rõ ràng chẳng phải mới, thậm chí phải nói đó nền tảng cơ bản của nền kinh tế nước ta từ hàng nghìn năm nay, do đó để làm giàu từ nông nghiệp hiện nay cơ hội là có nhưng thách thức cũng không hề ít, để thấy “quả ngọt” cũng cần trải đủ “trái đắng”. Tôi cho rằng điểm mấu chốt cần nhấn mạnh là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó cấp uỷ, chính quyền phải là người tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải biết hy sinh vì dân, biết nghĩ cho lợi ích của dân.

Bên cạnh đó là phải có được cơ chế chính sách để giúp cho người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Cơ chế chính sách không ở đâu xa lạ mà xuất phát ngay từ thực tiễn làm việc của người dân và doanh nghiệp. Người dân có nhu cầu, chính quyền thì phải lắng nghe, tổng hợp điều đó rồi tự mình làm hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền. Chỉ như vậy mới tạo được sự cố kết trong mối quan hệ giữa các bên trong chuỗi cung ứng.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

NĐT: Lục Ngạn lấy nông, lâm nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế bên cạnh định hướng phát triển đô thị. Giữa hai khía cạnh này có mâu thuẫn gì với nhau không, thưa ông?

Ông La Văn Nam: Hai định hướng phát triển đó được đặt trong một bức tranh chiến lược tổng thể, nên thay vì mâu thuẫn, chúng có vai trò bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Cụ thể ở chỗ, chúng tôi lấy nông, lâm nghiệp là mảng màu chính và phát triển đô thị trở thành những trung tâm của mảng màu chính đó.

Nhìn một cách khái quát, diện tích để phát triển đô thị sẽ rất nhỏ so với diện tích toàn huyện, nhưng nó sẽ tạo ra điểm nhấn, là nơi thu hút các doanh nghiệp về đầu tư cũng như giao dịch các sản phẩm. Đặc biệt khi Lục Ngạn hiện nay đang hướng tới việc phát triển các mô hình du lịch miệt vườn thì những đô thị đó sẽ là điểm quy tụ, cung cấp các dịch vụ về nhà hàng, khách sạn, thương mại để hỗ trợ cho du lịch miệt vườn.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

NĐT: Là một huyện miền núi, Lục Ngạn đã gặp phải những khó khăn thách thức như thế nào trong định hướng phát triển đô thị của mình, thưa ông?

Ông La Văn Nam: Lục Ngạn mới đang bước vào những giai đoạn đầu của phát triển đô thị và từ quá trình thực hiện, chúng tôi thấy có cả những thuận lợi và khó khăn.

Thuận lợi ở chỗ, là vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, quanh năm đều có sản vật, bản thân Lục Ngạn đã có sức thu hút đối với người dân, du khách ở cả các địa phương khác đến để tham qua, trải nghiệm, nghỉ dưỡng và thậm chí là sinh sống lâu dài. Một lịch trình cho du khách mà chúng tôi đang hướng đến sẽ là ban ngày đi trải nghiệm vườn trái cây ăn quả, về đêm thì nghỉ dưỡng, giải trí ở đô thị.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn, trong đó thứ nhất là về quỹ đất, bởi theo quy định hạn mức về đất hiện nay thì huyện Lục Ngạn chưa có nhiều quỹ đất cho quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị. Thứ hai là khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt khi xây dựng đô thị ở miền núi sẽ cần nguồn kinh phí lớn hơn so với các đô thị vùng đồng bằng.

NĐT: Trong phát triển đô thị, việc đầu tư hạ tầng là vấn đề đặc biệt quan trọng, ở trường hợp của Lục Ngạn vấn đề này được giải quyết như thế nào?

Ông La Văn Nam: Những năm gần đây, chúng tôi đang tập trung cao nhất cho hạ tầng giao thông nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa Lục Ngạn với Tp. Bắc Giang, các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương và các khu vực xung quanh. Trong thời gian tới, Lục Ngạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các trục giao thông hướng ngoại kết nối liên vùng với các dự án lớn của Bộ GTVT và của tỉnh như: Cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ (QL) 31; dự án xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An - QL 31 - QL 1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa - hồ Khuôn Thần, tổng chiều dài khoảng 28 km; xây dựng tuyến nối ĐT 295 đoạn Quý Sơn-Hồng Giang dài 15 km, tổng kinh phí ba dự án khoảng 2,37 nghìn tỷ đồng.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang
huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Không chỉ dừng lại ở các tuyến đường “đối ngoại” đó, mà hiện nay chúng tôi đang tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông “đối nội”, cụ thể từ năm 2017 đến nay, huyện Lục Ngạn đã cứng hoá được trên 2.000 km đường giao thông nông thôn đến tận các thôn xóm, bản, làng. Đồng thời đã quy hoạch và mở mới các trục đường giao thông kết nối để liên thông các tuyến đường liên huyện, liên xã nhằm phục vụ cho việc tiêu thụ nông sản ngay tại thôn, xã, các trang trại, nhà vườn, làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Đối với hạ tầng đô thị, chúng tôi xác định phải đảm bảo hạ tầng khung gồm các khu nhà ở dân cư đô thị, đường xá, các công trình hạ tầng thiết yếu kèm theo như điện, cấp - thoát nước, viễn thông, dịch vụ thương mại, công viên, quảng trường, trụ sở, kiến trúc cảnh quan,… theo hướng cập nhật xu thể phát triển đô thị hiện đại, thông minh. Đặc biệt, Lục Ngạn định hướng sẽ phát triển không gian đô thị xanh dựa trên lợi thế vốn có của địa phương, chúng tôi không lựa chọn mô hình đô thị với mật độ dân số, nhà ở quá dày đặc như ở nhiều nơi khác.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

NĐT: Trong câu chuyện phát triển kinh tế dù là nông nghiệp hay phát triển đô thị thì rõ ràng không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp. Ở Lục Ngạn, việc thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh được thực hiện như thế nào?

Ông La Văn Nam: Lục Ngạn rất coi trọng vai trò của các doanh nghiệp và luôn mong muốn doanh nghiệp về với Lục Ngạn. Chúng tôi hiện đang đẩy mạnh quá trình xúc tiến đầu tư, quảng bá và mời gọi các doanh nghiệp về làm ăn kinh doanh tại địa phương.

Với phương châm coi doanh nghiệp là đối tác, là khách hàng, là đối tượng phục vụ, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các vướng mắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm về đầu tư và gắn bó với địa phương, tạo ra sự kết nối bền vững.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

NĐT: Ông vừa nói về sự kết nối. Vậy sự kết nối mà Lục Ngạn đang muốn hướng tới là gì?

Ông La Văn Nam: Lục Ngạn là địa phương rất trân trọng sự kết nối bởi đây là một thứ không thể thiếu trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Cho nên chúng tôi hướng đến việc phải không ngừng mở rộng và ngày càng cố kết sự kết nối đó.

Trước hết là sự giữa Lục Ngạn với các nhà khoa học để tạo ra các sản phẩm tốt. Từ khi còn làm Phó Chủ tịch UBND huyện, tôi đã trực tiếp đến nhiều trường đại học, viện nghiên cứu để mời các nhà khoa học đầu ngành về nghiên cứu thổ nhưỡng, cây trồng, cách thức trồn trọt cho Lục Ngạn.

Đó còn là sự kết nối với các doanh nghiệp, các nhà cung cấp để không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm không những ở trong nước mà còn ra cả thế giới.

Sự kết nối còn là với các địa phương bạn để tạo ra một không gian phát triển rộng lớn hơn. Điều này thể hiện rõ qua đại dịch Covid-19 vừa qua, xe chở hàng, chở nông sản của Lục Ngạn được cấp luồng xanh. Không chỉ chạy thông từ đây vào thành phố Hồ Chí Minh mà còn đi các tỉnh miền tây, thậm chí còn chạy lên biên giới, qua nước bạn Trung Quốc. Để thấy rằng đây chính là kết nối, là liên kết để các địa phương chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá tình từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bên cạnh đó, kết nối văn hoá giữa các địa phương cũng được đẩy mạnh. Các địa phương bạn đến Lục Ngạn để học hỏi văn hoá, thành tựu của Lục Ngạn. Và chúng tôi lại đến địa phương bạn để tiếp nhận, học hỏi kinh nghiệm từ các bạn. Đây chính là sự kết nối văn hoá.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

NĐT: Thời gian qua, chúng ta thường nói nhiều đến Chính phủ kiến tạo, chính quyền kiến tạo. Ở Lục Ngạn, chính quyền kiến tạo được hiểu như thế nào và chúng ta đã làm gì để tạo lập chúng quyền kiến tạo, thưa ông?

Ông La Văn Nam: Quả thật điều đó rất quan trọng! Chúng tôi xác định Chính quyền phải đóng vai trò trung tâm trong mọi sự chuyển biến, do đó không gì khác chính quyền phải năng động và chủ động kiến tạo, phải luôn suy nghĩ để thấy được những khó khăn, thuận lợi của người dân cũng như doanh nghiệp để kết nối họ lại với nhau.

Chúng tôi xác định chính quyền kiến tạo, ở cấp địa phương là chính quyền tạo ra tạo ra cơ chế, cơ hội, các điều kiện thuận lợi nhất và chất lượng phục vụ các dịch vụ công tốt nhất, tạo ra sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế - xã hội, mà trong đó tất cả các chủ thể đều thiện chí, cầu thị, cầu tiến bộ. Chúng tôi không ngại việc, và luôn sẵn sàng trải thảm đỏ cho tất cả doanh nghiệp, các nhà khoa học, du khách về với Lục Ngạn để tìm hiểu, đầu tư, hợp tác và trải nghiệm, để giúp cho các sản phẩm Lục Ngạn được tiêu thụ tốt nhất, thương hiệu Lục Ngạn được nhiều người biết đến nhất.

Cái đích cuối cùng cần hướng đến là dân giàu hơn, doanh nghiệp mạnh hơn thì chính quyền mới mạnh, thực lực của địa phương mới phát triển.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

NĐT: Trong bối cảnh rất nhiều địa phương đang đẩy mạnh ghi dấu ấn trên bản đồ phát triển của đất nước, Lục Ngạn định hướng, khẳng định thương hiệu là gì để tạo sự khác biệt?

Ông La Văn Nam: Với Lục Ngạn, chúng tôi đang hướng đến xây dựng và khẳng định thương hiệu “Miền trái ngọt”. Trái ngọt ở đây không chỉ đến từ cây trái đặc sản đã nổi danh ở khắp trong và ngoài nước, mà được kết tinh từ chính tâm hồn và tấm lòng mến khách của con người Lục Ngạn!

NĐT: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện.

huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

NGUOIDUATIN.VN |