img

sutit

Nơi góc quán cà phê quen, TS Nguyễn Văn Hiếu, SN 1979, giảng viên trường đại học Nông Lâm TP.HCM kể về đoạn đầu cuộc đời đói khổ của mình bằng ngôn từ hài hước, dí dỏm. Bởi với anh, những tháng ngày khó khăn ấy là kỷ niệm đẹp, đầy tự hào. Anh Nguyễn Văn Hiếu nói: "Tuổi thơ tôi nghèo khó nhưng cái nghèo khó ấy nuôi dạy chúng tôi khôn lớn, có ý chí vươn lên bằng chính đôi tay, khối óc của mình. Và, trong những ngày tháng ấy, tôi có những kỷ niệm thật đẹp".

Nguyễn Văn Hiếu

Thế rồi, anh vẽ ra trước mắt người viết khung cảnh bầu trời rợp bóng dừa xanh của một làng quê nghèo thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ở nơi đó, nhà anh nằm trong số những gia đình nghèo với cuộc sống quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc. "Nhà tôi chỉ có 3 công đất ruộng nhiễm phèn. Không trồng được lúa, cha mẹ tôi trồng mía. Nhưng mía cũng không ăn thua. Tiền bán mía không đủ mua gạo cho 5 miệng ăn trong gia đình. Để nuôi con, cha mẹ tôi bươn bả đi làm thuê. Tôi và 2 em của mình phải tự lo kiếm thức ăn phụ giúp gia đình từ tấm bé", anh kể.

Ở tuổi 11, Hiếu không để cái đói, nghèo quật ngã mình và các em. Anh cùng 2 người em từ chỗ bỡ ngỡ rồi quen với việc hằng ngày phải trầm mình dưới kênh, rạch để mò tôm, bắt cá để mưu sinh. Cơ cực có, ốm đau có nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy những ngày ấy thật đáng quên. Anh kể lại chuỗi ngày vào đời bất đắc dĩ của mình bằng những xúc cảm như đang nhảy múa: "Có lần, anh em tôi bắt được con tôm to lắm, cả ba reo lên sung sướng vì biết sẽ có thêm được chút tiền. Ở miền sông nước, nhưng anh em tôi có được ăn con tôm to thế này bao giờ đâu. Về đến nhà, mỗi đứa chỉ dám cầm con tôm to ấy một chút cho đỡ “thèm” rồi đem ra chợ bán. Chúng tôi chỉ dám giữ lại mấy con tép nhỏ mà người ta chê để ăn thôi. Kể nghe khổ thế chứ hồi đó vui lắm".

Thế nhưng "cái vui hồn nhiên" ấy của Hiếu không được mấy lâu. Năm 13 tuổi, Hiếu nuốt nước mắt nhìn cảnh cha mẹ tha hương mưu sinh. Hiếu và 2 em phải ở lại quê nghèo với ngoại. Lúc này, đói nghèo, khó khăn chất chồng lên cậu bé mới 13 tuổi.

TS Nguyễn Văn Hiếu2
quote

TS Hiếu kể: "Lúc cha mẹ đi làm xa, tôi dần ý thức được cái nghèo sẽ khiến mình khó khăn, đau khổ đến thế nào. Để mưu sinh, tôi quên ăn quên ngủ, quăng mình nơi kênh rạch để bắt cá, bắt tôm. Phần là để có cái ăn, phần để làm thức ăn cho đàn vịt nuôi. Những năm tháng khó khăn ấy giúp tôi hiểu được rằng, chỉ có con đường học tập mới có thể giúp mình thoát nghèo, giúp mình thay đổi cuộc đời lam lũ phía trước. Thế là anh em tôi lao vào học, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để học".

Ý thức được tầm quan trọng của việc học cùng hy vọng con đường học vấn sẽ đưa gia đình vượt lên đói khổ, Hiếu và các em học rất giỏi. Năm 1997, anh "vượt vũ môn" thành công và đậu vào trường đại học Khoa học tự nhiên tại TP.HCM. Ngày nhập học, Hiếu giấu nỗi mừng vui trong lòng vì biết phía trước vẫn sẽ là chặng đường dài vô cùng gian nan. Để theo đuổi giấc mơ giảng đường đại học, Hiếu cần mẫn đi làm thêm. Cũng như ngày ở quê, tại TP.HCM, anh không bao giờ cho phép mình nhàn rỗi. Sau mỗi giờ học, người ta thấy cậu sinh viên nhỏ thó, đen nhẻm đi làm thuê, bán báo dạo, bốc vác, bồi bàn, dạy thuê,...

sutit

Cuối cùng, sau biết bao lần đổ mồ hôi và cả nước mắt, Hiếu cũng hoàn thành chương trình học và lấy được tấm bằng cử nhân chuyên ngành vật lý. Vẫn cảm thấy chưa đủ, anh tiếp tục nuôi khát vọng học cao học. Giữa lúc lao đao thiếu kinh phí cho việc học, anh được nhận vào làm việc tại trường PTTH Nguyễn Khuyến với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Với anh, đó là số tiền không tưởng. Thế nhưng ở thời khắc then chốt của cuộc đời, anh lại khiến gia đình bạn bè kinh ngạc, khó hiểu. Giữa lúc đang dần ổn định cuộc sống, anh xin nghỉ dạy để ứng tuyển vào làm việc tại trường đại học Nông lâm TP.HCM với mức lương chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng.

TS Nguyễn Văn Hiếu3

Anh nói nguyên nhân của quyết định ấy là do anh bị ám ảnh bởi sự khổ cực của người nông dân. Anh muốn phải có cái gì đó từ những kiến thức của mình giúp ích được cho người nông dân. Và anh chọn làm việc tại trường đại học Nông lâm như một cách đi tìm câu trả lời cho nỗi ám ảnh ấy của mình. Cuối cùng, anh cũng tìm thấy hướng đi của riêng mình. "Năm 2008, tôi nhận được học bổng đi học tiến sĩ. Và dường như ngay lập tức, tôi chọn học chuyên ngành Khí tượng nông nghiệp", TS Hiếu kể.

TS Nguyễn Văn Hiếu5

Thật ngạc nhiên, tại nước ta, hiện nay, chuyên ngành Khí tượng nông nghiệp có rất ít người quan tâm, theo đuổi. Do đó, có thể nói, anh cũng trở thành TS Khí tượng nông nghiệp duy nhất của Việt Nam được đào tạo một cách bài bản. Anh nói, việc ngành này hiếm trường đào tạo không phải vì nó kén chọn người học mà bởi ngành không đem lại kinh tế một cách rõ ràng nên khó thu hút người học. Và việc anh quyết định chọn đi con đường ít ai khai phá ấy lại bắt nguồn từ nỗi trăn trở về sự khó nhọc của người nông dân.

img

TS Hiếu kể: "Khi lần đầu nghe thấy chuyên ngành này, tôi đã nhận thấy rằng đây có lẽ sẽ là cơ hội trong việc đem lại lợi ích cho người nông dân và ngành nông nghiệp nước nhà".

"Tuổi thơ khó nhọc của tôi, của cha mẹ tôi cùng những lần đi thực tế, tôi nhận thấy người nông dân của mình làm việc đều trông chờ vào ông trời. Nghĩa là năm mưa thuận gió hoà thì được mùa, ngược lại sẽ thất bát. Trong khi đó, nếu mình dự báo được khí tượng từng vùng một cách chính xác, chi tiết, người nông dân nói riêng và ngành nông nghiệp nước nhà sẽ chủ động hơn trong việc sản xuất, tránh đi những thiệt hại không đáng có từ thời tiết", anh phân tích. Từ những nhận định trên, TS đã và đang ấp ủ đề tài xây dựng Lập bản đồ khí tượng nông nghiệp trực tuyến.

Anh lý giải: "Hiện nay, ngành khí tượng Việt Nam chỉ dự báo trên khổ rộng và thông tin người dân tiếp nhận không được trượt theo thời gian một cách liên tục. Trong khi đó, những công nghệ mới có thể làm được những chuyện đó. Ví dụ như một diện tích trồng cao su đang cho công nhân cạo mủ bỗng chốc một cơn mưa đổ xuống, công nhân trở tay không kịp, mủ bỏ hết. Trong khi đó, nếu ta dự đoán được chi tiết khí tượng ở ngay trang trại cao su đó, theo từng giờ, người dân sẽ biết khi nào trời mưa, mưa trong bao lâu để sắp xếp công việc, thuận theo thời tiết, tránh bị thiệt hại".

TS Nguyễn Văn Hiếu6

"Cũng như việc bón phân, nếu như ngay khi bón phân, trời bất ngờ đổ mưa lớn, phân sẽ bị rửa trôi gây lãng phí, tổn thất đáng kể. Ngược lại nếu có bản đồ khí tượng chính xác, chúng ta hoàn toàn chủ động được việc này. Do đó, tôi ước mơ và sẽ thực hiện việc lập bản đồ khí tượng nông nghiệp trực tuyến cho người nông dân trên từng vị trí, diện tích cụ thể. Bản đồ này sẽ được tích hợp trên một thiết bị cụ thể có thể dự báo trên từng vị trí. Cụ thể, với thiết bị này, người nông dân muốn dự báo ở đâu thì chỉ việc cắm thiết bị ở đó. Nó sẽ cho kết quả cụ thể và chính xác gần như tuyệt đối.

Sản phẩm này có thể dự báo khoảng 10 ngày và độ chính xác gần như tuyệt đối. Với thiết bị này, tôi hy vọng người nông dân sẽ chủ động được việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp như xuống giống, phơi phóng, bón phân, phun thuốc, …Trước đây, chúng tôi đã lắp trạm quan trắc khí tượng trực tuyến tương tự như thế này tại Trường Sa và có kết quả rất tốt", TS Hiếu nói thêm.

sutit

Trong câu chuyện miên man về khát vọng hỗ trợ người nông dân vơi bớt nỗi cơ cực, TS Hiếu bất chợt tiết lộ một việc làm khác đầy nhân văn. Anh vừa hoàn tất thủ tục đăng ký hiến tạng. TS Hiếu nói: “Đây cũng là một trong những điều tôi tâm niệm từ lâu. Tôi làm việc này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng tóm lại, tôi có một hy vọng là từ hành động của mình sẽ giúp xã hội có cái nhìn tiến bộ hơn về việc hiến tạng. Từ khi lên TP.HCM học, tôi đã gặp và đưa rất nhiều người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện. Nhiều người dân bây giờ lạ lắm, thấy người bị tai nạn giao thông thường chỉ đứng xem mà không có hành động giúp đỡ. Trong khi đó, khoảng thời gian từ lúc bị tai nạn đến khi vào bệnh viện được gọi là thời gian vàng. Việc người gặp tai nạn sống hay chết sẽ được quyết định bằng khoảng thời gian vàng này. Vì thế đưa nạn nhân vào bệnh viện càng sớm chừng nào thì cơ hội sống sót của họ càng lớn chừng đó”.

TS Nguyễn Văn Hiếu7

“Tôi cũng trả lời thật lòng luôn là tôi làm việc này không phải chỉ vì tôi nghĩ đến người bị tai nạn. Người ấy chết là hết. Tôi làm việc này vì tôi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra khi người gặp tai nạn mất đi. Câu chuyện ở đây là những người gặp tai nạn ấy đa phần là người lao động chính trong gia đình. Và khi họ mất đi thì nỗi đau ấy sẽ ập lên cha mẹ, con cái, người thân của họ. Những người còn sống và phải tiếp tục sống ấy sẽ chịu đựng nỗi đau rất lớn. Tôi nghĩ đến việc mình có thể ngăn chặn, giúp những con người ấy không phải hứng chịu nỗi đau này nên dù bận cách mấy, khi gặp người bị tai nạn giao thông là tôi đưa họ vào viện. Và có người nhập viện lại mất tính mạng vì thiếu bộ phận ghép tạng. Đó là lý do đầu tiên tôi đăng ký hiến tạng”, TS Hiếu chia sẻ.

Anh cũng tiết lộ, một nguyên nhân khác khiến anh đi đến quyết định đầy nhân văn này là anh được tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy, tiềm năng tuổi thọ của con người có thể sống từ 120-140 tuổi. Anh kể cho người viết nghe công trình nghiên cứu ấy bằng một sự vui thích đầy cuốn hút. Cụ thể, từng bộ phận trên cơ thể con người có thể sống được từ 120-140 tuổi. Nhưng thực tế, con người chỉ sống được ½ số tuổi thọ trên. “Và nguyên nhân chính chủ yếu là một bộ phận nào đó trên cơ thể của con người bị hư hại. Ví dụ như, có người bị bệnh tim mà mất, bị bệnh về gan mà mất, … trong khi các bộ phận khác của cơ thể còn rất tốt và có thể tiếp tục sống trong nhiều năm nữa. Mình bỏ các bộ phận khác kia nó phí đi. Cho đi là còn mãi mà. Tiếc làm chi”, anh nói một cách dí dỏm.

TS Nguyễn Văn Hiếu8

Sau cùng, anh nhấp ngụm cà phê như để lấy lại cân bằng cảm xúc, chuẩn bị cho một sự chia sẻ đầy khó khăn. Anh nói: “Thực ra, thông qua hành động này, tôi cũng muốn gửi đến cộng đồng thông điệp riêng của mình. Cá nhân tôi thấy, những người như mình cần phải làm việc này để xã hội có cái nhìn tích cực hơn về việc hiến tạng, cứu người vốn vấp phải nhiều khó khăn ở Việt Nam do lối suy nghĩ cũ về sự sống sau cái chết của người Á Đông. Và tôi nghĩ rằng, trong việc thay đổi lối suy nghĩ ấy, vai trò của những người trí thức hết sức quan trọng. Tôi hy vọng, với hành động này, ít nhất tôi sẽ truyền cảm hứng đến cho mọi người, để từ đó việc hiến tạng đến với mỗi người dân chúng ta tự nhiên hơn, dễ dàng hơn”.