Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% vào giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này lại đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trần Đăng Đạt, đồng sáng lập Công ty TNHH Đạt Butter (Đạt Foods; nhà máy tại huyện Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, dù Chính phủ và các ngân hàng thương mại đã có nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng, giúp doanh nghiệp vực dậy nhưng câu chuyện tiếp cận vốn thực chất vẫn “khó tứ bề”.

“Trước đây, Đạt Foods được hưởng chính sách ưu đãi về vốn vay từ Quỹ Liên hiệp Thanh niên dành cho doanh nghiệp với quy định người sáng lập dưới 35 tuổi. Nay chúng tôi đều trên 35 cả rồi nên nguồn hỗ trợ đứt đoạn. Chúng tôi đang dùng tài sản cá nhân thế chấp để vay với mức lãi suất thông thường, tăng them chi phí cho doanh nghiệp”, ông Đạt nói.

Lý do đi vay cá nhân thay vì vay dưới tư cách doanh nghiệp SME thì doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện để vay. Về thủ tục, cần phải có tài sản bảo đảm, nguyên vật liệu thế chấp, chứng minh được khả năng tài chính và dòng tiền trong 3 năm trở lại đây. Trải qua thời kỳ Covid khó khăn, để chứng minh được năng lực tài chính của công ty 3 năm gần đây là rất khó.

Chính vì vậy, ông Trần Đăng Đạt đề xuất, ngân hàng có thể xem xét, cho vay cần cá nhân hoá đối với từng doanh nghiệp, doanh nghiệp SME nhưng doanh thu bao nhiêu, mỗi doanh nghiệp lại có khó khăn khác nhau. Chính sách cho vay là một chuyện, hệ thống vận hành cần có đi vào thực tiễn, nhìn nhận đúng “nỗi đau” của doanh nghiệp hay không lại là chuyện khác.

Đồng quan điểm với ông Đạt, ông Nguyễn Ngọc Bích – Chủ tịch Rustic Hospitality Group thông tin, hiện nay, khi đi vay vốn ngân hàng, về cơ bản, các ngân hàng đều sẵn sàng dành thời gian giải đáp và hỗ trợ các thủ tục vay vốn, hỗ trợ tốt trong phần tín dụng.

Khó ở chỗ các điều kiện cho vay, chính sách chung đối với việc vay vốn vẫn cần phải có tài sản thế chấp, chứng minh được dòng tiền bằng việc sao kê ngân hàng trong 3 năm. Tình hình tài chính và những dự án đang được triển khai cũng phải có báo cáo cụ thể về phương án kinh doanh và phương án tài chính khả quan để chứng minh được khả năng trả nợ ngân hàng.

“Việc chứng minh được dòng tiền ở thời điểm hiện tại là rất khó. Bởi sau thời kỳ Covid, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đang trong giai đoạn tái đầu tư, chưa thể có lãi. Đồng thời, đối với doanh nghiệp dịch vụ du lịch như chúng tôi, tài sản thế chấp chỉ có tài sản cá nhân bởi doanh nghiệp về dịch vụ hầu như không có tài sản, chỉ có thương hiệu công ty.

Nhưng cá nhân vay thì lại không được nhiều, chỉ vay được 70-80% tài sản được định giá và vẫn phải chứng minh được khả năng trả nợ ngân hàng, nếu định giá tài sản khoảng 10 tỷ đồng thì theo chính sách ngân hàng chỉ được vay được 6-7 tỷ đồng. Thậm chí có ngân hàng chỉ cho vay khoảng 50% là 5 tỷ đồng. Số tiền trên nếu dùng để phục vụ sản xuất kinh doanh thì không thấm vào đâu cho vốn lưu động”, ông Bích nói.

Chủ tịch Rustic Hospitality Group cũng bộc bạch, công ty cũng đã tìm đến những nguồn vốn khác từ các quỹ đầu tư cá nhân, đầu tư quốc tế, các đối tác tài chính sau thời gian Covid-19, tuy nhiên, ngành dịch vụ, du lịch lại không phải khẩu vị của các quỹ đầu tư bởi họ cần những ngành có ít rủi ro, khả năng tạo ra dòng tiền nhanh, nhân bản nhanh như các ngành F&B, công nghệ… để có thể nhanh chóng thu hồi vốn.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí đúc Trường Mạnh, ông Nguyễn Tiến Mạnh thì cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi từ phía các ngân hàng giúp công ty đẩy mạnh đầu tư hơn nữa, thêm các công nghệ, làm sản phẩm chất lượng hơn đưa tới khách hàng.

Dù vậy, tương tự các doanh nghiệp trên, vấn đề lớn nhất đối với Cơ khí đúc Trường Mạnh vần là khó tiếp cận vay vốn do không đủ tài sản để thế chấp. Nếu có thì tính pháp lý vẫn chưa rõ ràng, giá trị đảm bảo thấp. Vì vậy, không đáp ứng được điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng.

Trong khi các ngân hàng hiện nay cho vay doanh nghiệp SME vẫn chủ yếu nhìn vào giá trị tài sản bảo đảm, rất ít hạn mức tín chấp dành cho nhóm khách hàng này.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB), câu chuyện doanh nghiệp vay vốn ngân hàng phải được nhìn từ hai góc độ, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn và ngân hàng là đơn vị cung cấp vốn. Doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng cũng phải đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu của ngân hàng về hồ sơ thủ tục thì ngân hàng mới có thể cho vay được.

“Doanh nghiệp nào cũng có khó khăn riêng của họ. Nhưng ngân hàng cũng không thể vì thế nới lỏng chính sách, thủ tục cho vay. Nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không thể trả gốc và lãi vay, ngân hàng sẽ là bên chịu rủi ro, không thể thu hồi lại được tiền”, ông Hùng nhận định.

Đồng thời, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp rất đa dạng nhưng không phải nhu cầu nào cũng đủ chất lượng để hoạt động sản xuất kinh doanh có lời, trả gốc lãi cho ngân hàng. Chính vì thế, ngân hàng khi tiếp cận đánh giá hồ sơ vay luôn phải cẩn trọng, theo đầy đủ quy chuẩn tín dụng.

Theo đại diện các ngân hàng, họ cũng cần đảm bảo duy trì an toàn hoạt động tín dụng, cần thu hồi vốn và hạn chế tối đa nợ xấu. Chính vì vậy, dù rất muốn nhưng nhiều khi ngân hàng cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành thủ tục, hồ sơ về cho vay. Hạn chế rõ ràng ở các doanh nghiệp SMEs là ngân hàng không đủ dữ kiện để đánh giá tình trạng tài chính của doanh nghiệp này.

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, ngân hàng xác định nhóm doanh nghiệp SME là nhóm khách hàng quan trọng cần quan tâm.

Ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa quy trình sản phẩm dịch vụ, giúp giảm thiểu các hồ sơ, giấy tờ cho doanh nghiệp. Hiện tại, SHB đã triển khai gói tín dụng 11.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp SME với lãi suất ưu đãi từ 5,8%/ năm.

“Các ngân hàng luôn mong muốn tài trợ cho các khách hàng doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi cũng như tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch.

Tuy nhiên, tại phần lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME hoặc phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam, khả năng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn cấp tín dụng của các TCTD nói chung còn rất hạn chế. Do đó dẫn đến việc ngân hàng khi xem xét cấp tín dụng thường yêu cầu có tài sản đảm bảo”, ông Dũng nhìn nhận.

Ông Đào Minh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) thông tin, thời gian qua, ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động linh hoạt, bám sát thị trường và đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và NHNN nhằm tiết giảm chi phí vốn để hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp SME. Giai đoạn 1, tổng giá trị gói tín dụng ưu đãi đạt 10.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng dư nợ vay mảng khách hàng doanh nghiệp.

Dù vậy, doanh nghiệp SME hiện nay vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn do gặp nhiều vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính doanh nghiệp, cụ thể là số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, số liệu báo cáo có sự chênh lệch, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định… khiến ngân hàng khó cấp tín dụng khi các thông tin quan trọng để đánh giá và quyết định không đầy đủ và thiếu minh bạch.

Đồng thời, kế hoạch kinh doanh và sử dụng nguồn vốn của các doanh nghiệp chưa được thể hiện minh bạch, và khả thi theo đánh giá chuẩn của ngân hàng dẫn đến ngân hàng khó có thể đánh giá được hiệu quả phương án.

Một số doanh nghiệp không có đủ tài sản đảm bảo để thế chấp, hoặc tài sản thế chấp không đủ đảm bảo cho hạn mức tín dụng được cấp dẫn đến thiếu hụt nhu cầu vốn để hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, hoạt động cho vay tín chấp tại một số ngân hàng còn đang rất hạn chế và phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro.

Từ góc độ ngân hàng, để giải bài toán về nguồn vốn vay, Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp SME ABBank khuyến nghị, ngân hàng cần xây dựng định hướng kinh doanh, giải pháp sản phẩm, chính sách khách hàng bám sát với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các chính sách được phân tách rõ ràng theo từng phân khúc khách hàng.

Củng cố năng lực của bộ phận Định vị giá trị khách hàng với chức năng chính là Am hiểu khách hàng, hiểu rõ chân dung khách hàng qua đó thiết kế các giải pháp, chính sách phù hợp và đưa ra các chương trình kinh doanh đúng đối tượng trọng tâm đã được lựa chọn.

Cải thiện các nền tảng công nghệ để tiếp cận và thu hút khách hàng thông qua nhiều kênh: kênh vật lý, kênh thay thế và kênh Ngân hàng số. Song song với việc phát triển các nền tảng hỗ trợ vay vốn online, vay siêu tốc để đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng.

Kinh tế trưởng ADB thì cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải đầu tư quản trị doanh nghiệp nếu họ muốn tiếp cận tín dụng để mở rộng phát triển, sản xuất kinh doanh. Đồng thời phải có những quyết sách, kế hoạch để giải quyết được những khó khăn nội tại, khó khăn từ thị trường. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải thuyết phục, chứng minh cho ngân hàng thấy năng lực của mình, cơ hội kinh doanh để vay vốn phải thực tế, có hiệu quả thực sự.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 22/06/2024 | 08:00