Trong bài phỏng vấn với Người Đưa Tin (NĐT) nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group đã có chia sẻ về hành trình hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, từ việc yêu kinh doanh cho đến khoảnh khắc nhìn thấy “mỏ vàng” từ nông nghiệp, cũng như cách cân bằng cuộc sống sau những căng thẳng trong kinh doanh.

NĐT: Sau hơn hai thập kỷ kinh doanh và phát triển, Phúc Sinh đã trở thành công ty đứng đầu Việt Nam về xuất nhập khẩu hồ tiêu, cũng là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước. Nhìn lại hành trình này, ông có cảm nhận như thế nào?

Ông Phan Minh Thông: Năm 2000, tôi di cư từ Bắc vào Nam. Đến năm 2001, tôi thành lập Phúc Sinh Group. Mình là dân nhập cư mà, lúc đấy chỉ mong sao đủ sống, vượt qua được những khó khăn hiện tại của cuộc sống và có thể tồn tại được.

Thời gian trôi qua, có nhiều chật vật nhưng bằng sự chắt chiu, chăm chỉ, nỗ lực, không ngừng sáng tạo, luôn thách thức bản thân với những giấc mơ lớn hơn, cố gắng vượt ra khỏi ranh giới thì chỉ sau hơn 5 năm, Phúc Sinh đã đứng số 1 ở Việt Nam trong ngành xuất khẩu hồ tiêu.

Đến năm 2008, chúng tôi bắt đầu xây nhà máy cà phê và hoàn thành vào năm 2009. Cùng với hồ tiêu, chúng tôi cũng xuất khẩu cà phê. Mỗi năm, chúng tôi làm đến 70-80.000 tấn cà phê. Kết quả, trong nhiều năm liền, Phúc Sinh là một trong 4 công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Và tôi cảm thấy tự hào về điều đó.

NĐT: Ông có suy nghĩ thế nào khi được gọi với danh xưng là “vua hồ tiêu”?

Ông Phan Minh Thông: Tự hào mà nói, Phúc Sinh có những cách làm kinh doanh sáng tạo, từ đó tạo nên những cú hích lớn để phát triển thị trường xuất khẩu hồ tiêu nói riêng và nông nghiệp nói chung. Từ một công ty nông nghiệp tư nhân Việt Nam mà vươn ra thế giới, xuất khẩu khắp nơi, thì có những đồng nghiệp trong ngành, kể cả những công ty đối thủ họ cũng chia sẻ có một sự ngưỡng mộ nhất định.

Nếu chỉ duy trì phong độ từ 1 đến 2 năm thì nó sẽ không là gì, nhưng qua hàng chục năm qua, Phúc Sinh vẫn giữ vững được thị phần thì tôi cho rằng Phúc Sinh xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ đó.

Thú thực, được mọi người gọi với danh xưng “vua hồ tiêu”, tôi cũng cảm thấy ngượng ngùng, nhưng về mặt nào đó thì tôi cũng cảm thấy rất tự hào. Điều đó cho thấy những kết quả mà Phúc Sinh làm đều được mọi người ghi nhận.

NĐT: Những doanh nghiệp đã triển khai công nghệ số là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Việc Phúc Sinh ưu tiên chuyển đổi số trong điều hành kinh doanh đem lại hiệu quả như thế nào?

Ông Phan Minh Thông: Phải nhấn mạnh rằng, công nghệ thông tin luôn là cứu cánh trong sản xuất và quản trị. Việc áp dụng công nghệ thông tin giúp Phúc Sinh tiết kiệm được nguồn lực lao động cũng như phương thức tính thống kê. Bởi tính thống kê đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ví dụ như chúng tôi có thể giảm số lượng nhân sự từ 20 người xuống còn 5 người trong hệ thống kế toán. Công nghệ thông tin giúp công ty tính toán, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và có thể hoạt động được ở mọi miền khác nhau thay vì phải đến văn phòng làm việc.

Thời điểm khủng hoảng do đại dịch Covid-19, việc áp dụng công nghệ thông tin đã giúp công ty trụ vững và điều hành một cách nhịp nhàng. Trong vòng 18 năm qua, không lúc nào chúng tôi không đầu tư vào công nghệ công thông tin và chuyển đổi số. Bởi tôi coi đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng tôi vượt qua khăn và giúp chúng tôi thành công như hiện nay.

NĐT: Ông có đánh giá thế nào về việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam? Với Phúc Sinh, điều này đã được triển khai như thế nào?

Ông Phan Minh Thông: Thực sự tôi muốn nói rằng, nông nghiệp là một mỏ vàng. Phải nói là may mắn, khi 23 năm trước chúng tôi phát triển nông nghiệp tại Việt Nam và lúc đấy, “mỏ vàng” này gần như chưa ai khai thác. Chúng tôi quyết định khai thác mỏ vàng này. 10 năm đầu tiên, Phúc Sinh phát triển rực rỡ, như nhiều người vẫn nói là “lớn nhanh như Thánh Gióng”.

Khi xuất khẩu hồ tiêu đến các quốc gia trên thế giới, Phúc Sinh được đón nhận. Công ty nhận thấy rằng phải đầu tư mạnh mẽ, sâu hơn vào nông nghiệp và đó là cái để chúng tôi tồn tại. Vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, Phúc Sinh triển khai dự án mới, xây dựng nhà máy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng các nhà máy ở các vùng nguyên liệu để có thể chủ động trong sản xuất.

Từ một công ty nhỏ bé thì bây giờ chúng tôi đã có khoảng 650 người và doanh số lên đến 320 triệu USD/năm. Đó là bước tiến lớn và tôi cho rằng, nếu không đầu tư sâu, đầu tư vào công nghệ cao thì không thể phát triển như vậy.

NĐT: Phúc Sinh xuất phát là nhà chế biến xuất khẩu. Việc cạnh tranh trên sân nhà thì sao?

Ông Phan Minh Thông: Chúng tôi là nhà xuất khẩu lớn khi xuất khẩu nguyên liệu, còn khi chúng tôi thành lập K-Coffee bán cà phê, thì chúng tôi lại là startup trong ngành F&B.

Và phải thừa nhận rằng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề quản trị, tư duy, điều hành trong lĩnh vực này. Phải mất đến 5-7 năm, chúng tôi mới có cái nhìn đúng đắn và mất rất nhiều tiền để Phúc Sinh mới có thể tồn tại đến ngày hôm nay. Bởi ngành bán lẻ, nó hoàn toàn khác xa so với ngành nguyên liệu.

Đến bây giờ, tôi cũng lấy làm phấn khởi khi mở các quán mới thì đều được người tiêu dùng trong nước đón nhận.

NĐT: Năm 2024 đánh dấu cột mốc Phúc Sinh lần đầu mở cửa đón vốn ngoại. Ông có thể chia sẻ lý do mà bản thân quyết định nhận vốn đầu tư từ nước ngoài tại thời điểm này? Thời gian qua, chắc hẳn doanh nghiệp của ông cũng đã được rất nhiều tổ chức nước ngoài tiếp cận?

Ông Phan Minh Thông: Trong vòng một năm qua, Phúc Sinh nhận được rất nhiều đề nghị từ quỹ nước ngoài, nhưng chúng tôi không vội vàng mà rất thận trọng, phân tích lỹ lưỡng cả những lợi thế và bất lợi.

Tôi nhận thấy, rất nhiều công ty tiếp cận Phúc Sinh nhưng họ không làm trong mảng sản xuất nông nghiệp nên họ không có kiến thức về mảng này và họ chỉ làm bán lẻ, F&B… nên khi định giá Phúc Sinh thì rất thấp.

Tuy nhiên gần đây, chúng tôi đã gặp được một đối tác mà cả hai bên đều cảm thấy tương đồng về tầm nhìn, về mục tiêu và đặc biệt sự tham gia của họ có thể hỗ trợ Phúc Sinh có thêm cơ hội phát huy, cải cách được quản trị hệ thống, quản trị tư duy và đặc biệt chúng tôi học tính kỷ luật. Đó là những giá trị lớn mà tôi muốn chơi, muốn tham gia vào gọi vốn cũng như được kết hợp với các đối tác nước ngoài.

NĐT: Đất nước của chúng ta đang chuẩn bị cho hành trình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Và để đất nước hùng cường, thịnh vượng thì rất cần các doanh nghiệp dám mơ lớn, nghĩ lớn. Góc nhìn của ông thế nào?

Ông Phan Minh Thông: Đúng là đất nước hùng cường, thịnh vượng thì rất cần các doanh nghiệp dám mơ lớn, nghĩ lớn. Nhưng mọi giấc mơ lớn thì đều xuất phát từ nền tảng nhỏ hơn, khiêm tốn hơn.

Tôi nghĩ rằng, là người Việt Nam thì mình phải vươn mình ra thế giới, phải đối diện thách thức và dám mạo hiểm. Có một điều tôi nhận thấy là người Việt Nam chúng ta ở trong nước thì rất mạnh mẽ, nhưng khi ra nước ngoài thì lại hiền lành và khiêm tốn. Doanh nghiệp phát triển là đất nước sẽ phát triển. Những doanh nghiệp dám mơ lớn thì cần thực hiện bằng những hành động cụ thể, mạnh mẽ và quyết đoán.

NĐT: Việc mất tiền hay thất bại trong kinh doanh là điều không thể nói trước. Là người làm kinh doanh, ông có triết lý gì riêng cho mình?

Ông Phan Minh Thông: Phải nói rằng, nền kinh tế bây giờ quá thách thức, nó biến đổi quá nhiều thứ. Khi tôi viết cuốn sách “Vượt lên, những đường kinh doanh” thì có rất nhiều người chia sẻ với tôi, sao trong đó lại có nhiều thất bại như vậy? Nếu mà viết những thất bại như vậy thì làm sao mà thuyết phục được?

Song, bản thân tôi lại nghĩ khác. Làm kinh doanh thì ai mà chẳng phải trải qua thất bại. Mất mát là điều không thể tránh khỏi, bởi sơ sẩy một chút thôi là sẽ mất rất nhiều tiền và có thể là dấu chấm hết với một doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, việc chia sẻ những mất mát, đau thương của mình trong kinh doanh là việc nên làm. Để cho những người đồng nghiệp, những người đi sau hay những startup họ có thể đọc được, hiểu được và từ đó học được cách đứng lên sau những mất mát. Mỗi lần vấp ngã là một bài học, khi cuộc sống đầy rẫy những thách thức thì mỗi doanh nghiệp đều phải vươn lên, và tìm con đường riêng cho mình để có thể tồn tại và phát triển.

NĐT: Qua theo dõi ông trên mạng xã hội, tôi cảm nhận rằng ông rất biết “chơi”, một thú chơi lãng mạn và tốn kém - đó là sưu tập những tác phẩm nghệ thuật. Và ông còn viết sách nữa. Đó có phải là cách để ông cân bằng giữa lao động cống hiến và tận hưởng cuộc sống?

Ông Phan Minh Thông: (Cười). Ai cũng có một thú vui cho mình để cân bằng cuộc sống. Có người chọn đi chơi golf, đi bar uống rượu… nhưng tôi thích đắm mình vào các tác phẩm nghệ thuật và viết sách. Những điều đó giúp tôi cân bằng và giải toả được những căng thẳng trong kinh doanh. Đó cũng là món đầu tư lớn trong cuộc sống của tôi.

NĐT: Chúng ta đang ở những ngày của tháng 10 – tháng của doanh nhân Việt Nam. Là thế hệ đi trước, ông có lời khuyên gì đối với thế hệ các doanh nhân trẻ, startup hiện nay?

Ông Phan Minh Thông: Lời khuyên của tôi là các bạn trẻ phải có tình yêu trong công việc, tình yêu đó phải mãnh liệt thì mới có thể vượt qua được những thách thức trong cuộc sống. Và bản thân cũng phải rất kiên trì, độc lập, bản lĩnh thì mới thể thành công.

NĐT: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Thực hiện: Thu Huyền

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |