Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi cùng GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam) về phát triển lĩnh vực nông nghiệp xanh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
NĐT: Từ khi triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, trồng lúa thích nghi với sinh thái, phát triển nông nghiệp xanh, đến nay, nông dân vùng ĐBSCL đã hưởng lợi như thế nào, thưa ông?
GS.TS VÕ TÒNG XUÂN:
Nhờ có Nghị quyết 120 của Chính phủ từ cuối năm 2017, nông dân trồng lúa của ĐBSCL rất phấn khởi, vì không còn bị bắt buộc trồng lúa tại những vùng ngọt hóa trước đây, vừa không đủ nước ngọt để tưới lại vừa không triệt để ngăn được mặn.
Hiện tại, tôi ước tính hơn 80% vùng nhiễm mặn đã được nông dân chuyển đất lúa sang nuôi tôm sú trong mùa nắng. Khi mùa mưa đến, họ cấy lúa rất tốt, đạt được từ 5 đến 7 tấn lúa/ha. Nhiều nông dân còn nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa, đạt khoảng 300 kg tôm/ha. Những vùng này có thể được gọi là vùng nông nghiệp xanh hoàn toàn, vì bà con nông dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong ruộng lúa.
GS.TS Võ Tòng Xuân và chuyên gia Úc.
NĐT: Tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Để làm được điều này, theo ông các địa phương cần có giải pháp gì?
GS.TS VÕ TÒNG XUÂN:
Thế giới đang đi vào kỷ nguyên BĐKH (biến đổi khí hậu). Các tỉnh vùng ĐBSCL đang và sẽ được quy hoạch sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo vùng sinh thái thiên nhiên, thay vì chống thiên nhiên như trước kia.
Các nhà sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phải tránh phát thải khí nhà kính bằng cách thay đổi tập quán sản xuất và canh tác giảm phát thải khí nhà kính tối đa bằng cách sử dụng các loại nhiên liệu tái tạo (ánh nắng mặt trời, sức gió, sức sóng biển, rác thải được phân loại ra hữu cơ để làm phân bón hữu cơ vi sinh bón cho đất).
Khuynh hướng tới nữa là tạo ra những giống cây trồng có nhiều sinh khối như cây mía, cây bo bo (lúa miến) lấy xác mía hoặc xác bo bo làm nhiên liệu đốt lò hơi sản xuất điện sinh khối, hoặc lấy xác bo bo cho lên men sản xuất khí Hydrogen (H2) làm pin H2 chạy ô-tô, thay ô-tô chạy dầu, hoặc xăng, hoặc điện.
Quy hoạch nông nghiệp có các vùng lúa-tôm (ven biển đông), vùng cây ăn quả đồng thời là vùng tích nước ngọt trong mùa mưa để tưới cây trong mùa nắng (vùng giữa đồng bằng), vùng lúa 3 vụ/năm không bao giờ thiếu nước ngọt sông Cửu Long và không bao giờ bị nước mặn xâm nhập (vùng dọc theo biên giới Campuchia từ Kiên Lương qua đến bắc tỉnh Long An, có thể ta gọi đây là vùng sống chung với BĐKH) lúa năng suất cao, ngắn ngày, ngon cơm.
GS.TS Võ Tòng Xuân với nông dân trồng bưởi Bến Tre.
NĐT: Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao; xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của vùng. Theo đó, đến năm 2025, vùng ĐBSCL tập trung xây dựng, phát triển 8 Trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Ở góc độ nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp, để kinh tế nông nghiệp giá trị cao, đạt hiệu quả tại ĐBSCL, ông cho rằng cần có những đổi mới gì thêm?
GS.TS VÕ TÒNG XUÂN:
Chúng ta rất mừng khi có những chính sách tháo gỡ “vòng kim cô” trồng lúa đối với nông dân, mở ra con đường phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng kinh tế nông nghiệp xanh và tuần hoàn. Tới đây tôi rất mong nước ta sẽ có những doanh nhân có đầu óc kinh doanh, được đào tạo cơ bản nghề kinh doanh, lão luyện thị trường trong nước và quốc tế, tìm được đầu ra ổn định để tổ chức cùng nông dân xã viên của các HTX nông nghiệp, làm chuỗi cung ứng trực tiếp nguyên liệu xanh an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Như vậy, nông nghiệp sẽ không còn tập quán lạc hậu, là hàng triệu nông dân sản xuất đơn lẻ, manh mún, trong khi doanh nghiệp sống nhờ thương lái thu gom hàng nguyên liệu không rõ xuất xứ.
GS.TS Võ Tòng Xuân giải thích về bộ rễ cây lúa bón phân địa long.
NĐT: Nông nghiệp xanh là một xu hướng phát triển mới trong ngành nông nghiệp, nhằm tối ưu hóa sự kết hợp giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là một giải pháp bền vững cho việc sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường. Ông có đánh giá gì về xu hướng này và việc áp dụng cho khu vực ĐBSCL như thế nào?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Hướng sản xuất hiện đại trong kỷ nguyên BĐKH là nông nghiệp phát thải khí nhà kính càng ít càng tốt, tiến tới net-zero cacbon. Với cách sản xuất nông nghiệp xanh và tuần hoàn, người sản xuất sẽ không lãng phí các vật liệu mình làm ra, đặc biệt là rác thải nông nghiệp. Người sản xuất sẽ sử dụng phần thải ra từ công đoạn này làm đầu vào cho công đoạn kế, ứng dụng các kỹ thuật cần thiết hoặc các quy trình công nghệ sinh học cho ra sản phẩm giá trị. “Rác sẽ được coi như vàng” là như thế. Người sản xuất, người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải từ bỏ thói quen xả rác mọi nơi, phải biết phân loại rác ngay từ nguồn để tái chế.
Nông nghiệp Việt Nam và ĐBSCL đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh, hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp... Để có hiệu quả cao nhất, theo ông những giải pháp nào cần thực hiện ngay?
GS.TS VÕ TÒNG XUÂN:
Nông nghiệp xanh trong một nền kinh tế tuần hoàn là hướng phát triển hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều quy trình công nghệ chưa xác định chi tiết trên địa bàn nước ta để nông dân, các nhà sản xuất, những người tiêu dùng tham khảo. Vì thế các cơ quan trung ương, kể cả các Viện/Trường cần tích cực tham khảo những khám phá này trên thế giới nếu có, để ta có thể ứng dụng thuận tiện hơn.
GS.TS Võ Tòng Xuân luôn mong ước có nông nghiệp ĐBSCL phát triển.
“Song song với lập Quỹ học bổng, tôi cũng tài trợ cho dự án “Đề xuất phổ cập hóa song ngữ trong hệ giáo dục phổ thông Viêt Nam”, vì tôi thấy giáo dục mầm non, mẫu giáo và tiểu học của nhiều quốc gia trên thế giới đều là song ngữ. Việt Nam cũng có trường song ngữ nhưng phần lớn đều dành cho con nhà giàu. Tôi muốn nhiều gia đình ở nông thôn Việt Nam có thể có điều kiện cho con mình tiếp cận với ngoại ngữ sớm hơn”, GS.TS Võ Tòng Xuân cho hay.
NĐT: Mới đây, ông được Ban tổ chức Quỹ Giải thưởng VinFuture chọn trao giải khoa học đặc biệt và được nhận 250.000 USD tiền thưởng, ông dùng vào quỹ học bổng dành cho các em sinh viên hoàn cảnh khó khăn, đam mê nông nghiệp. Ông có thể chia sẻ thêm về quỹ học bổng này?
GS.TS VÕ TÒNG XUÂN:
Vào ngày 13/11/2022, Trường đại học Cần Thơ tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Trường cao đẳng Nông nghiệp (nay là Trường Nông nghiệp), có mời đông đảo cựu sinh viên nông nghiệp về dự. Nhận thấy trong thời buổi sau này khuynh hướng sinh viên đăng ký theo học ngành nông nghiệp ngày càng giảm so với trước, một số cựu sinh viên đề xuất sẽ tự góp tiền hàng năm để tài trợ cho sinh viên xuất thân từ nông thôn, gia đình nghèo mà học giỏi được điều kiện vào đại học ngành nông nghiệp.
GS.TS Võ Tòng Xuân nhận giải thưởng Food Hero năm 2023.
Các bạn cũng đề nghị xin được đặt tên “Quỹ học bổng nông nghiệp Võ Tòng Xuân” để động viên các sinh viên được chọn trao học bổng cảm thấy khuyến khích hơn trong học tập theo ngành nông nghiệp “theo gương thầy Võ Tòng Xuân.” Tôi đã đồng ý với các cựu sinh viên, sẽ dùng tiền mình dành dụm để hùn vào tiền quyên góp của các bạn.
Giữa tháng 12/2023, tôi được Ban tổ chức Quỹ Giải thưởng VinFuture chọn trao giải khoa học đặc biệt và được nhận 250.000 USD tiền thưởng. Với số tiền thưởng này, tôi quyết định đưa vào vốn cơ bản của quỹ theo điều kiện nêu trong Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019. Tôi và các bạn cựu sinh viên sáng lập quỹ cho rằng, nên học theo các quỹ xã hội và quỹ nền sáng lập của các trường đại học ở Mỹ, cố gắng nhân tiền quỹ ra có lãi trong khi cấp học bổng.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông.
GS.TS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại tỉnh An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông đã trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.
GS.TS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây. Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi.
Ông từng đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang… và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Nhà giáo nhân dân. Đáng chú ý, GS.TS Võ Tòng Xuân trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng VinFuture với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh”.
NGUOIDUATIN.VN |